Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Truong dai hoc cho moi nguoi



Nỗi khổ của bạn Nguyễn Thanh Lập "hai lần đậu đại học nhưng cổng trường vẫn xa", đã làm nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ nhớ lại chính cuộc đời mình, nhớ lại những khó nhọc của một thời đi học kham khổ nhưng không cam chịu...

Gần đây tôi đọc rất nhiều bài viết về những tấm gương vượt khó học giỏi, rất xúc động nhưng cũng thấy rất tiếc, như tiếc cho bạn Nguyễn Thanh Lập "hai lần đậu đại học nhưng cổng trường vẫn xa".

Tôi cũng có một hoàn cảnh như các bạn, nhưng tôi không dừng bước. Với tôi, cổng trường đại học như điều to lớn nhất, như mục đích để vươn tới. Rồi không khó khăn lắm tôi cũng đỗ được ba trường.

Tôi xoay xở đủ cách để đóng học phí, nào là làm đơn xác nhận gia đình khó khăn, nào là xin nợ học phí, nào là tìm đến quỹ hỗ trợ sinh viên học sinh... Thế rồi tôi cũng được ngồi vào ghế giảng đường đại học như bao người khác.

Chưa hết, còn phải kiếm bữa ăn hằng ngày, chứ cứ ngày hai buổi mì tôm làm sao chịu nổi! Đi tìm việc làm lại không có tiền đóng cho câu lạc bộ gia sư. Mà ngồi ở nhà để đến trường với cái bụng trống rỗng thì không đành.

Mỗi khi cơn đói hoành hành, tôi qua hàng xóm mượn báo Tuổi Trẻ ngồi đọc. Cũng may có mục "Sinh viên trên đường tìm việc" của báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật. Không biết là có thu phí quảng cáo hay không, nên đạp xe đến tòa soạn kể khổ: em nghèo, khó khăn quá, nhờ chị đăng giúp, tìm việc làm bán thời gian hay dạy kèm gì cũng được... Mà đăng như thế nào đây để bạn đọc còn chọn mặt gửi vàng, chứ hàng trăm người biết chọn ai, phải nghĩ ra câu nào hay nhất, gây chú ý nhất. Cuối cùng tôi chọn đoạn sau: "SV Bách khoa, nhận dạy kèm miễn phí toán - lý - hóa từ lớp 7-12, luyện thi ĐH. Xin liên hệ ĐT 9****** gặp Phong."

Báo ra sáng thứ bảy mà đến trưa đã nhận không biết bao nhiêu cuộc gọi đăng ký học... Cuối cùng tôi cũng nhận được ba lớp, mỗi lớp học hai buổi, mỗi buổi chỉ một giờ.

Tuy là miễn phí nhưng tôi cũng cố gắng đi đúng giờ, dạy nghiêm túc, hết tháng đầu tiên rồi đến tháng thứ hai các phụ huynh đến đưa phong bì bồi dưỡng cho thầy. Về nhà mở ra mà thầy không sao ngủ được. Số tiền nhiều quá, đóng học phí và mua sách cũng được vài quyển.

Cứ thế, đến hè học trò nghỉ thì thầy đi tiếp thị dầu gội, bưng cà phê... Và đạp xe từ Sài Gòn đến Hóc Môn để dạy là chuyện thường vào ngày chủ nhật.

Học chuyên về công nghệ thông tin mà đến năm 3 tôi cũng chưa có bộ máy tính, tối về cứ gõ lên tờ giấy đã kẻ hình bàn phím (keyboard), mắt thì nhắm lại nghĩ đến đáp số.

Các phụ huynh thấy con em học giỏi, thi đỗ, thưởng bằng cách tạm ứng vài tháng lương cho thầy. Gom lại vẫn chưa đủ mua bộ máy vi tính Cyrix 266 của Công ty máy tính T&H. Tôi năn nỉ anh Hùng (giám đốc, là người đồng hương ở Bình Thuận) bán cho thiếu lại vài trăm ngàn để có máy thực tập. Đem máy về ngồi nhìn mãi, ăn không được, ngủ không yên, sáng ngủ dậy là lau, tối đi ngủ cũng chùi.

Gần đến tết là chuẩn bị tiền về quê, tiền xe, lại còn quà cáp nữa. Tôi lại đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ xin đăng miễn phí "SV trên đường tìm việc": "Nhóm SV Bách khoa nhận sơn vôi, sơn nước, sơn hàng rào, cửa sắt. Xin liên hệ 9****** gặp Phong."

Sơn vôi thì biết rồi, còn sơn nước chưa làm lần nào cả, thế mà vẫn dám nhận "công trình" sơn nước nhà chung cư. Công trình đầu tiên nên "chủ thầu" đi thuê một bác thợ chuyên sơn nước, còn "chủ thầu" chỉ biết cạo và chà giấy nhám cùng các bạn SV. Hai ngày xong công trình đầu tiên, cũng là lúc "chủ thầu" biết cầm rulô làm thợ chính.

Tôi tự an ủi mình "điều gì rồi cũng sẽ qua". Vất vả, khó khăn, thất bại rồi tự đứng lên, tự đấu tranh ngay chính bản thân mình để tránh xa những cám dỗ, cạm bẫy của đồng tiền, cho đi những gì mình có thể, làm những gì mình nên làm.

Tự động viên, tự giáo dục. Tôi tự xây dựng cho bản thân mình một ngôi trường đại học, tự cấp bằng... Một tấm bằng màu đỏ của nước mắt, của con tim, của bao nhiêu nỗi khốn cực mà đôi lúc muốn bán máu mình để đóng tiền học phí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét