Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

I. DAO VA NGUOI



Tập Vài Lá Bồ đề này là tuyển tập gồm một số bài giáo lý đã đăng trong nguyệt san TIN PHẬT, do Hội Phật Tử Việt Kiều Hải Ngoại xuất bản từ năm 1968.
Tuy chưa phải là hoàn hảo song tuyển tập Phật Lý này cũng giúp ích được ít nhiều cho những người mới bước vào cửa Đạo.
Chúng tôi kính mong quý độc giả đọc tập Vài Lá Bồ đề này với lòng "trống không" của mình.
THÍCH THIỆN CHÂU
Paris, Xuân Giáp Dần 1974
Phật Lịch 2518

CHO NHỮNG NGƯỜI ĐI TÌM...

Người là đối tượng chính của đạo Phật. Từ trong loài người, với tư cách con người mà Thái tử Sidhāttha đã giác ngộ - thành Phật. Sau khi giác ngộ, đức Phật đã sống với mọi người và giúp đỡ những người có khả năng giác ngộ. Đạo Phật phát sinh từ Ấn Độ, đã phát triển khắp nơi trên trái đất và lưu truyền suốt 25 thế kỷ qua. Điều này chứng tỏ kinh nghiệm giác ngộ, giải thoát của đức Phật có thể giúp loài người xây dựng cuộc sống an lành muôn nơi và muôn thuở. Nói chung thì con người đi ngựa 2.500 năm trước và con người thời đại lên cung trăng ngày nay không mấy khác nhau trong nhu cầu về đời sống trí tuệ. Tuy nhiên, người đời nay sống trong thời đại khoa học tiến bộ có những tiện nghi kỹ thuật cung cấp, và vì thế phải chịu những đau khổ đặc biệt của thời đại, cho nên cần có một lẽ sống diệt khổ thích hợp hơn. Nói cách khác, trong thế kỷ hai mươi này, một lý tưởng phù hợp với khoa học cũng như có khả năng giải thoát khổ đau cho cá nhân và xã hội là rất cần thiết cho loài người.
Như chúng ta đều biết, hiện nay các thần giáo (théisme) ngày càng giảm sút uy thế, nhất là đối với thế hệ trẻ. Những phát kiến mới của khoa học làm suy yếu uy thế của các thần giáo, vốn xem nặng những vấn đề siêu hình, những lễ nghi phiền phức. Ảnh hưởng gián tiếp của khoa học kỹ thuật như đời sống máy móc, sự thác loạn tâm hồn, sự chạy theo những sản xuất mới... cũng làm cho con người xa dần các thần giáo.
Có thể nói rằng, một số thần giáo chưa ra khỏi tín điều đã phải lúng túng trước sự đòi hỏi của những người khó tính, khó tin. Người ta thường hỏi: "Liệu các thần giáo này, sau những cuộc 'tái sinh' có thể đáp ứng được phần nào nhu cầu về đời sống tâm linh và hướng dẫn lý tưởng cho những người đang thao thức và đi tìm một lẽ sống cao đẹp trong hiện tại?"
Chúng tôi đồng ý rằng khoa học, kỹ thuật là rất kỳ diệu. Trong vài thế kỷ gần đây, khoa học kỹ thuật tân tiến đã thay đổi bộ mặt cuộc sống, đem lại cho loài người nhiều tiện nghi thiết thực và lợi ích. Khoa học kỹ thuật đang mở rộng không gian, thăm dò các hành tinh, hoặc giúp phương tiện để thay thế tim, gan, phổi... Nhưng khoa học kỹ thuật cũng đã bị những người xấu ác, những thế lực bóc lột lợi dụng trong mục đích gây đau khổ cho loài người. Không có gì quá đáng khi nói rằng khoa học kỹ thuật ngày nay phần lớn đang nằm trong tay những quân đội hoặc các nhà tài phiệt, và đã trở thành khí giới rất nguy hiểm vì có thể tiêu diệt sự sống và điều kiện sống của loài người một cách dễ dàng. Chưa nói đến bom đạn, thuốc độc... mà chỉ riêng sự thay đổi hoàn cảnh sống do kỹ nghệ và thói quen tiêu thụ gây ra cũng đã là một trong những tai họa lớn cho loài người. Điều đáng nói ở đây không phải là chỉ trích, mà là để thấy được và điều chỉnh thích hợp với tính chất hai mặt và sự không hoàn mỹ của khoa học kỹ thuật. Trong chừng mực nào đó, khoa học là những phát hiện phù hợp với sự thật, kỹ thuật là những phương tiện tốt phục vụ loài người, do đó có ích lợi cho trí thức và đời sống. Tuy nhiên, khoa học kỹ thuật không thể là lẽ sống, lại càng không phải là lý tưởng có thể hướng dẫn cuộc sống con người đi dần đến chỗ cao đẹp và an lành.
Trong khi đó, con người không thể sống thiếu đạo lý hay lý tưởng. Vì thế, một lẽ sống cao đẹp, một lý tưởng thích hợp, mà Erich Fromm gọi là "frames of orientation and devotion" (hướng tiến và niềm tin), là rất cần thiết cho cuộc sống an lành của con người. Nói cách khác, chúng tôi muốn bổ túc cho thiếu sót của khoa học và đáp ứng nhu cầu đời sống trí tuệ của con người bằng cách giới thiệu con đường giác ngộ, giải thoát do đức Phật tìm ra cách đây hơn 2.500 năm.

CON ĐƯỜNG CŨ MÀ MỚI
Có người sẽ hỏi: "Làm sao con đường cũ được vạch ra đã hơn 2500 năm có thể thích hợp với con người trong thời đại này?"
Xin thưa: "Giá trị của con đường không ở chỗ cũ hay mới, mà ở khả năng đưa người đến nơi muốn đến. Giá trị của thuốc ở chỗ điều trị được bệnh chứ không ở ngày tháng tìm ra. Có nhiều thứ thuốc được tìm ra đã lâu nhưng chúng vẫn còn trị được bệnh. Dầu sao, khi giới thiệu con đường cũ này, chúng tôi vẫn mong người đi trên con đường đó sẽ tự mình khai phá thêm và đi với đôi mắt và đôi chân mới."
Đạo Phật vốn là một "đạo lý giác ngộ" mà không phải là chủ nghĩa tín điều (dogmatisme). Đức Phật luôn khuyến khích con người nương theo kinh nghiệm giác ngộ của Ngài để tìm lẽ sống giác ngộ cho chính mình mà không cần đến sự thần khải (revelation) hay quyền trung gian của giáo sĩ. Đức Phật chống đối tín ngưỡng mù quáng, đề cao sự minh sát và tôn trọng tinh thần phê phán. Để trả lời cho những người Kālāma khi họ hỏi: "Ngài nên tin theo ai, Phật hay những người giảng đạo khác?" đức Phật đã nói: "Này các người Kālāma, các người đừng để bị lừa gạt bởi những lời đồn đãi, những lời được nhắc đi nhắc lại bởi nhiều người, đừng để bị lừa gạt bởi kinh sách sai lầm, bởi những lý luận đơn giản và hấp dẫn, bởi sự tra xét cẩu thả các lý lẽ, bởi sự chấp nhận dễ dàng và suy nghĩ sơ sài về một lý thuyết, cũng đừng để bị lừa gạt bởi những điều kiện thuận tiện cho công việc về sau, phải biết loại bỏ những ý kiến sai lầm của cả những người mình tôn kính. Khi nào các người tự xét thấy điều này là không đúng, giả dối, là điều bị các bậc hiền thánh chê trách, nếu đem áp dụng vào cuộc sống của các người sẽ đem lại sự thua thiệt và khổ đau, thì các người hãy loại bỏ nó đi. Và khi nào các người tự xét thấy điều này là đúng đắn và tốt đẹp thì hãy chấp nhận và sống theo nó." (An, I.188)
Trên nguyên tắc, những lời dạy của đức Phật về đạo lý Duyên sanh (paticcasamuppada), Vô ngã (anātta), Vô thường (anicca)... rất phù hợp với những phát hiện của khoa học. Bởi vì đức Phật chỉ phát hiện và trình bày sự thật của sự vật (yathābhūtam). Về căn bản nhận thức thì khoa học và đạo Phật giống nhau, vì cả hai đều chủ trương phải thấu hiểu sự vật bằng thực nghiệm. Nhưng đạo Phật đi xa hơn khoa học, vì đạo Phật không những là đạo giác ngộ mà còn là đạo giải thoát. Do đó, đạo Phật khuyến khích con người phải phát triển trí tuệ bằng cách thiền quán để thấu triệt sự thật về con người và vũ trụ, và đồng thời để tiêu diệt những nhân duyên bên trong cũng như bên ngoài gây ra đau khổ cho con người và xã hội, trong hiện tại cũng như tương lai.
Với nhận thức như thật về cuộc đời, đức Phật chủ trương cuộc sống của con người vốn là không hoàn toàn, nhiều đau khổ, song có thể thay đổi được. Do đó, đức Phật đưa ra phương pháp giải thoát: Bốn chân lý cao thượng (ariyasacca). Không ai có thể phủ nhận việc một số ngành khoa học như y tế, xã hội... đã làm vơi được nỗi khổ của con người. Nhưng nói rằng tất cả các ngành khoa học kỹ thuật đều chủ trương diệt khổ cho loài người thì không đúng. Vì trên thực tế, tuy khoa học phát triển nhưng nếu con người không áp dụng khoa học kỹ thuật trong mục đích phục vụ an lành, thì loài người vẫn khổ đau bởi lòng tham lam, tánh tàn bạo sẵn có của mình. Khoa học không hề chủ trương chặn đứng tội ác hay giúp con người giải thoát ra khỏi bản ngã xấu xa nhỏ hẹp. Những sản phẩm khoa học như phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, vũ khí và thuốc độc giết người... thường bị những người xấu ác sử dụng để gây đau khổ cho kẻ khác và cả chính họ.
Quả thật, chúng ta là những người sống trong thế kỷ có nhiều ràng buộc bên trong cũng như bên ngoài và cần một lý tưởng giải thoát để có thể cởi mở những sự ràng buộc vô lý. Ngày nay, người ta ăn uống không phải để sống mà để thỏa mãn sự tham luyến mùi vị, mặc quần áo không phải để khỏi nóng lạnh mà để khoe khoang, dùng xe cộ không phải để di chuyển mà để lấn át kẻ khác... Tóm lại, người ta bày đặt ra những kiểu sống cầu kỳ, xa xỉ để lôi cuốn chúng ta vào sự đam mê sầu khổ chứ không phải để giúp chúng ta sống an vui tự tại.
Muốn thoát khỏi sự ràng buộc này cũng như muốn giải thoát những khổ đau muôn đời, chúng ta phải nhờ đến một lẽ sống cao đẹp hay một lý tưởng giác ngộ giải thoát. Nơi đây chúng tôi muốn nhắc rằng: Đạo Phật là lẽ sống có khả năng đáp ứng nhu cầu này. Chính đức Phật đã nói: "Này các thầy, giống như biển lớn chỉ có một vị, ấy là vị mặn; cũng vậy, giáo pháp và giới luật của Như Lai chỉ có một vị, ấy là vị giải thoát." (An, IV. 205)
Một khi chúng ta chấp nhận giác ngộ, giải thoát là lý tưởng thì hướng đi của khoa học và kỹ thuật sẽ được điều chỉnh. Nghĩa là tất cả khả năng của khoa học và kỹ thuật sẽ được sử dụng một cách có ý thức vào công cuộc đem lại sự an lành cho bản thân con người cũng như xã hội loài người. Nói khác đi, khoa học kỹ thuật trong tương lai, nếu có sự bổ túc của đạo Phật, sẽ là một nền khoa học kỹ thuật phục vụ loài người, có một hướng đi tương tự như đạo Phật là giải thoát, giác ngộ loài người. Viễn tưởng tươi đẹp ấy đòi hỏi sự tổng hợp kỳ diệu nhưng khó khăn nơi chúng ta ngay từ bây giờ. Chính mỗi chúng ta phải sáng suốt thấy rõ chỗ thiếu sót của khoa học kỹ thuật, và mạnh dạn áp dụng đạo Phật vào cuộc sống hằng ngày. Những lời sau đây của cựu thủ tướng Jawaharlal Nehru đọc trong dịp lễ Phật đản 2.500 ở Ấn Độ có thể tóm tắt được những ý nghĩa về "đường cũ người mới":
"... Chúng ta đang sống trong thời đại của tranh chấp và chiến tranh, của hận thù và tàn bạo, những thứ này tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Hiện nay, sự cần thiết lớn lao đối với chúng ta là phải nhớ lại bức thông điệp của đức Phật, con người vĩ đại nhất và cao thượng nhất của Ấn Độ, gửi cho chúng tôi, cho các bạn và cho tất cả thế giới. Thông điệp hai ngàn năm trăm năm về trước của đức Phật vẫn là Thông điệp sống của ngày nay và được tôn kính trong lòng chúng ta. Chúng ta hãy rút ra từ đó nguồn sức mạnh tinh thần để đối diện với những phiền não và những khó khăn luôn đe dọa để khuất phục chúng ta."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét