Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

PHAN THU HAI : MOT NGUOI PHAP LAM THAY TU 9. Mot nguoi Phap lam thay tu Tay Tang



Thỉnh thoảng, có một hai người, tuy sanh trưởng ở Âu Châu, mang xác thịt người Âu Châu, song tinh thần lại giống như người Á Châu. Ông Jean Marques Riviere là một người như thế.

Ông gốc người quý phái ở Paris, con nhà sang trọng, học lực cao, xuất thân nơi các trường đại học, và có đạt nhiều văn bằng giá trị. Ông lại có xem cách viết về triết học cổ kim, có ngẫm xét các nền đạo lý, thế mà ông chưa thỏa lòng, thấy trong người còn thiếu thốn mãi. Ông đã từng nghiền ngẫm những tư tưởng của Kant, Bergson và Freud, song vẫn là tạm xem tạm thích đó thôi.

Một hôm, nơi phòng khách của một bậc phú hào ở Paris, ông được hân hạnh làm quen với một nhà sư Tây Tạng bậc Gelong. Nhờ vị sư này chỉ dẫn, ông bước lên con đường mới mẽ và xán lạn sau này. Chính nhờ vị sư Gelong ấy điểm Đạo truyền Pháp cho, ông mới hé mở thấy được ánh sáng Phật Pháp và gắng công tu trì. Từ đây, ông hết ngờ vực, nghi nan. Ông thấy ra các nền triết học, các phái giáo của Âu Tây đều là vô công hiệu đối với ai muốn tầm sự an lạc và giải thoát. Ông thấy ra những chức tước, những văn bằng đều chẳng ích lợi vào đâu; con người ta bước chân ra khỏi trường đại học vẫn còn là ngu dốt đối với sự sống, chẳng khác nào đứa trẻ nên ba. Cho đến trong các học phái, trong các cuộc nhóm họp của những nhà học giả có danh, người ta cũng chỉ thấy là trống lổng mà thôi, thật là hữu danh vô thực. Vì vậy mà ông đâm ra chán nản đối với xã hội và đạo đức phương Tây. Quay về phương Đông, ông được vững lòng. Cái tâm đau đớn của ông thấy êm dịu, ông bắt đầu tự thấy được trình độ của mình và xác lập được mục đích vươn đến, nên bắt đầu thấy yêu sự sống. Muốn thấu Đạo một cách trực tiếp, ông nhất định qua xứ Tây Tạng, đành bỏ hết chức tước với các sự phú quý vinh hoa. Ông tu hạnh xuất gia. Trở nên một nhà sư Tây Tạng, mặc áo cà-sa, ôm bình bát, bỏ hết việc thế trần.

Nhờ vậy, ông được chính thức nhập hàng chư tăng, được coi như một người Tây Tạng, được các vị đại đức điểm Đạo truyền Pháp cho. Ông có tu tại am tự Chumi-Jadsa. Về sau, ông đến kinh thành Lhassa, vào thọ giáo nơi ngôi chùa lớn Ramot'ché là một ngôi chùa Mật giáo rất có danh ở gần đền Potala của nhà vua. Các sư ở chùa này rất giỏi về các phép huyền bí, khắp nước Tây Tạng đều kính nể. Rồi đó, bước đường đạo đức của ông càng ngày càng tấn phát. Ông có đến thọ bí truyền với nhiều vị Pháp sư ẩn mình trên núi cao, ông có ngồi thiền nhập định nơi động xa, cốc vắng. Và chính ông có ngồi mình trần trên núi tuyết trong tiết đông lạnh lẽo, ngày này sang ngày nọ, có khi cả tuần lễ chỉ ăn năm bảy hạt lúa mạch mà thôi. Sau cùng, ông được chánh truyền của Mật Giáo, được bước lên đường thành tựu và giải thoát.

Nhờ ở trong giới tăng sĩ, lại có trải qua các cuộc tu hành luyện đạo, nên J.Marques Riviere có sự khảo cứu hợp lý hơn các người Âu Tây khác. Ông là người hiểu thấu tư tưởng thanh bạch, lòng bác ái và tâm siêu việt của người Phương Đông. Những khi rỗi rảnh, nhớ lại cố hương và muốn giáo hóa, cứu độ cho người quê cũ, ông bèn viết sách, soạn kinh. Soạn xong mỗi quyển, trước khi ấn hành, ông đều có trình lên để chư thượng tọa và đại đức khảo duyệt. Những điều nào đáng công bố thì các ngài phê cho, những chỗ bí truyền, những đoạn quá cao siêu mà kẻ phàm phu không thể lãnh hội thì các ngài khuyên nên bỏ. Nhờ vậy mà ông luận giải rất chính xác và thích hợp. Tôi được biết ông có cho ra đời những quyển sách dưới đây:

• Le Bouddhisme au Thibet (Đạo Phật ở Tây Tạng)
• Le Yoga tantrique hindou et thibetain (Cách luyện đạo theo Mật giáo Du-già của Thiên Trúc và Tây Tạng)
• Vers Bénarès, la ville Sainte (Đến thành Ba-la-nại, nơi Thánh địa)
• L'lnde Secrète et sa Magie (Cõi Thiên Trúc bí ẩn và phép huyền thuật)
• À l'ombre des monastères Thibétains (Nương bóng chùa Tây Tạng)

Tiếp theo đây, tôi sẽ trích dịch ít bài trong quyển À lombre des monastères Thibétains (nương bóng chùa Tây Tạng), xem ra khá kỳ thú và hay ho. Độc giả sẽ thấy những cách tu hành ẩn mật của những vị sư Mật tông Tây Tạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét