Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018

7. Ban nga



An cư kiết hạ (hay kiết đông) là truyền thống lâu đời của Tăng đoàn, hàng ngũ những đệ tử xuất gia của Phật. Không chỉ là truyền thống, An cư còn là nguyên tắc sinh hoạt bắt buộc phải có. Nơi đâu có tỳ kheo và tỳ kheo ni lưu trú, hành đạo, từ bốn vị trở lên, nơi đó phải được tổ chức An cư. Tuổi thọ (hạ lạp) của tỳ kheo được tính theo mỗi mùa An cư mà họ nhiệt thành và tự nguyện tham dự. Trong ý nghĩa sâu xa hơn, tuổi thọ của Chánh Pháp tùy thuộc nơi truyền thống An cư này. Bao lâu hội chúng tỳ kheo, tỳ kheo ni, còn vân tập trong thanh tịnh hòa hợp để sách tấn và thực hành giới luật, giảng luận và học hỏi giáo lý, Chánh Pháp vẫn còn tồn tại. Bởi vì An cư là biểu hiện sinh động của đời sống Tăng lữ. Qua An cư, giới luật được hội chúng tỳ-kheo nghiêm minh gìn giữ; và cũng qua An cư, tính cách hòa hợp của Tăng đoàn được thể nghiệm.

Một cách cô đọng, có thể nói là trong sinh hoạt Tăng đoàn, nhờ Giới luật mà có thanh tịnh, nhờ Vô ngã mà có hòa hợp. Đây là tiêu chí mà Đức Phật đưa ra để khích lệ các vị tỳ kheo nhằm giữ gìn giới thân huệ mạng của mình cũng như để bảo tồn mạng mạch Chánh Pháp. Hơn hai nghìn năm trăm năm, trải qua nhiều thế hệ tăng lữ của nhiều quốc gia, Chánh Pháp đã được lưu truyền trong cách đó.

Giới luật và Vô ngã không phải là lý tưởng hay lý thuyết để theo đuổi, mà chính là con đường thực hành. An cư là cơ hội cho sự thực hành ấy. Tức là thực hiện tinh thần Giới luật và Vô ngã ngay trong sinh hoạt của một cộng đồng, một tập thể mà trong số những người tham dự, không phải ai cũng đều là người thân thuộc, quen biết. Tôn ty trật tự của cộng đồng Tăng lữ được thực hiện một cách tự nhiên trên tinh thần giới luật và đức hạnh. Giới luật thì có giới bổn để qui chiếu, còn đức hạnh của từng cá nhân là do nơi nội lực thực hành Phật Pháp, không phải nơi việc xuất gia sớm hay muộn, thọ giới trước hay sau. Người đức hạnh là người thực hành Vô ngã. Vô ngã không phải một sớm một chiều tuyệt dứt bản ngã của mình, mà chính là dần dần lột bỏ từng sở chấp nơi tự tâm, buông xả từng vật, từng điều, từng thành tựu, từng sở đắc, từng ý niệm mà mình cho rằng mình đã hay đang sở hữu.

Trong thế giới vô thường hữu hạn này, mọi thứ mà chúng ta tranh thủ để có được trong đời sống, có thể rời khỏi chúng ta bất cứ lúc nào. Nếu chúng không rời chúng ta, thì có thể qua một đêm mơ màng không bao giờ mở mắt trở lại, chính chúng ta sẽ rời khỏi chúng. Một căn nhà, một dinh thự hay tự viện nguy nga; tiền bạc, của cải, và những trang sức đắt giá; bằng cấp, học hàm, danh vọng và chức vị... Tất cả đều là sương khói, huyễn mộng, sẽ không theo chúng ta qua đời sống kế tiếp.

Người thực hành Vô ngã là người không cố gắng theo đuổi hoặc níu giữ một cách vô vọng những điều huyễn mộng của thế gian. Hương thơm đức hạnh chỉ có thể tỏa ra từ con người Vô ngã ấy.

Nhờ Vô ngã mà khi cần, một hành giả có thể từ bỏ huyễn thân, cúng dường Chánh Pháp. Phật giáo Việt Nam đã từng có những vị chân tăng như thế. Chúng ta tôn xưng họ là những bồ-tát. Gần đây, trên mười hai tăng sĩ và cư sĩ Tây Tạng cũng đã thiêu thân cho lý tưởng tự do của đất nước và nền Phật giáo của họ. Đức vô úy, nhẫn nhục, tâm bố thí, lòng từ bi và hỷ xả, nói chung là tất cả đức hạnh cao đẹp của một hành giả chân tu, đều bắt nguồn từ tinh thần Vô ngã. Chỉ trong Vô ngã, buông hết tất cả, con người mới có được tất cả. Nói một cách quyết liệt hơn, mỗi người chúng ta phải chết đi bản ngã của mình, mới có thể làm sống dậy tinh thần của Chánh Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét