THÁNG MƯỜI MỘT
11. Người bán than và ông quý phái
Thứ hai, ngày mồng 7
Carlô Nôbix lúc nào cũng kiêu hãnh vì sinh ra ở nơi quyền quý và giàu có. Cha anh vẻ người phong nhã, đứng đắn, trán rộng, râu đen, thường đưa anh đến trường.
Sáng qua, Carlô cãi nhau với Betty là con một người bán than. Cũng lý, anh chẳng tìm được lời gì, phát cáu nói :
- Bố mày là đồ bần tiện !
Betty đỏ mặt, không nói được nữa, nước mắt chạy quanh.
Trưa về, Betty kể lại cho cha hay. Buổi chiều, ông bố lập tức ra trường phàn nàn với thầy giáo. Ông ta đang phân trần thì theo lệ thường, ông Nôbix cũng vừa đến cổng và cởi áo khoác cho con. Nghe thấy có người nói đến tên mình, ông tiến vào xem có việc gì.
Ông Perbôni nói :
- Kìa ông Nôbix đã đến ! Vừa khéo ! Ông này đang đến phàn nàn vì Carlô đã mắng con ông ấy bằng câu "Bố mày là đồ bần tiện!"
Ông Carlô cau mày và hơi đổi sắc mặt, quay lại hỏi con :
- Có thực con đã nói thế ?
Carlô đứng ngây như gỗ, cúi đầu im lặng.
Ông Carlô xin phép dắt con đến chỗ Betty và bảo :
- Con xin lỗi anh Betty đi !
- Thưa ngài xin thôi !
Người hàng than nói thế và toan chạy vào ngăn lại, nhưng ông quý phái không nghe, cứ bắt con xin lỗi :
- Con nhắc lại câu này : Anh Betty ơi ! Tôi xin lỗi anh về lời bất nhã và vô ý thức mà tôi đã chót nói phạm đến cha anh, người mà cha tôi rất lấy làm hân hạnh được bắt tay.
Không dám ngẩng mặt, Carlô cứ nguyên văn nhắc lại những câu cha vừa dạy bằng giọng thấp. Rồi ông Nôbix đưa tay cho người bán than bắt một cách rất nồng nàn.
Bắt tay xong "Bá tước" quay lại nói với thầy giáo.
- Thưa ngài, xin ngài làm ơn cho hai đứa trẻ này ngồi liền nhau.
Ông Perbôni đặt luôn Betty ngồi cạnh Carlô. Khi chúng đã yên chỗ, ông Carlô chào và trở ra. Ông hàng than đứng lại một lúc, bâng khuâng, do dự. Ông ngắm hai trẻ ngồi sánh vai nhau, rồi chẳng nói chẳng rằng, ông chạy lại toan ôm lấy Carlô, song đến nơi ông bỗng dừng lại, đành lấy bàn tay chuối hột sẻ vuốt tóc anh Carlô rồi ra thẳng.
Thầy giáo bảo chúng tôi :
- Các con hãy nhớ lấy tấn kịch mà các con vừa xem. Đó là một bài học hay nhất trong năm.
12. Mẹ tôi
Thứ năm, ngày mồng 10
Sáng nay cô giáo Đencati lại chơi, cha tôi nhận thấy tôi đã nói một câu vô lễ với mẹ tôi. Vì thế cha tôi răn tôi bằng lá thơ sau này, đọc rất cảm động.
" Trước mặt cô giáo của em con, con đã tỏ ra vô lễ với mẹ con. Enricô ơi ! Lần sau không được thế nữa ! Thái độ hỗn hào của con đã xuyên thấu trái tim cha như một mũi dao. Cha còn nhớ mấy năm trước đây, mẹ con đã thức suốt đêm ở cạnh giường con, nghe hơi con thở, mẹ con đã lo lắng võ người và mỗi khi nghĩ đến nỗi phải "bỏ" con thì lại sụt sùi. Con ơi ! Con nên nghĩ đến những lúc ấy và không nên tệ với mẹ con, một người mẹ sẽ sẵn lòng đem một năm hạnh phúc của mình để chuộc một giờ đau đớn cho con, một người mẹ sẽ vui lòng đi ăn xin để nuôi con và sẵn lòng hy sinh tính mệnh để cứu con sống ! Con ơi ! Trong đời con, con sẽ có những ngày buồn rầu, thảm đạm, nhưng cái ngày buồn thảm nhất, chính là ngày con mất mẹ con.
Rồi đây, con sẽ trưởng thành, những cuộc phấn đấu sẽ rèn con nên người mạnh mẽ. Con sẽ không
bao giờ quên được hình ảnh mẹ con và con sẽ ước gì lại được nghe thấy tiếng êm ái và trông thấy nét mặt hiền từ của mẹ con, ví dù lớn đến mực nào, khoẻ đến mực nào, con vẫn thấy là một đứa trẻ chơ vơ và yếu đuối. Con sẽ hồi tưởng lại những lúc đã làm cho mẹ con phải mếch lòng mà con buồn. Lòng hối hận sẽ cắn rứt con. Hình ảnh dịu dàng và từ ái của mẹ con sẽ làm cho con thêm rầu rĩ. Con nên nhớ rằng lòng hiếu thảo là một bổn phận thiêng liêng của con người. Kẻ nào giày xéo lên chữ hiếu là kẻ khốn nạn. Quân giết người nếu biết tôn kính cha mẹ, cũng còn một điểm thành thực trong tâm ; con người dù sang trọng tuyệt vời, nếu làm rầu lòng mẹ, xúc phạm đến mẹ, cũng là kẻ không
có nhân cách.
Enricô ơi ! Con van mẹ con đi, để mẹ con hôn con cho cái hôn ấy xoá sách vết vô ơn ở trên trán con. Con ơi ! Lòng cha vẫn yêu con, vì con là mối hy vọng quý báu nhất đời của cha, nhưng cha thà không con còn hơn là có đứa con ở bạc với mẹ !"
Cha con.
13.- Học trò nghèo
Chủ nhật, ngày 13
Cha tôi đã thứ lỗi cho tôi rồi, nhưng lòng tôi vẫn buồn nên chiều nay mẹ tôi cho tôi đi chơi với người gác cổng.
Khi chúng tôi đi qua một cái xe bò đỗ trước một cửa hàng kia, tôi thấy có tiếng người gọi tôi. Quay lại thì ra anh Côretti bạn học tôi. Anh mặc cái áo dài da rái cá và đội cái mũ nồi da mèo. Mồ hôi ướt đầm nhưng nét vui tươi vẫn lộ trên khuôn mặt, anh đang vác trên vai một bó củi nặng. Một người đàn ông đứng trên xe chuyển củi cho anh mang vào hàng. Anh xếp đống rồi lại ra xe. Tôi hỏi :
- Anh làm gì thế ?
Anh vỗ vào bó củi trên vai, đáp :
- Anh coi đây thì rõ. Tôi vừa làm vừa học bài anh ạ. Rồi anh vai vừa vác củi, miệng vừa lẩm bẩm :
- Người ta gọi sự biến hoá của tiếng động từ là những sự thay đổi của tiếng ấy về số, và về các ngôi...
Anh vừa ném cùi vào đống vừa đọc :
- Tuỳ theo thì của việc làm...
Rồi lộn ra xe lấy củi, anh đọc tiếp :
- Và tuỳ theo cách của việc làm ...
Đó, anh học bài văn phạm để đọc hôm sau. Anh hỏi tôi :
- Anh xem tôi lợi dụng thời giờ như thế có được không? Cha tôi và người ở thì đi giao hàng, mẹ tôi thì ốm, tất đến việc tôi phải dở xe củi. Tuy nhiên, việc làm vẫn không ngăn trở việc học bài. Hôm nay chúng ta phải bài khó quá ! Tôi nhai mãi không thuộc.
Anh quay lại nói với người kéo xe bò :
- 7 giờ cha tôi về bác sẽ đến lấy tiền. Người đánh xe đi. Anh rủ tôi :
- Anh vào chơi với tôi một tí.
Tôi vào trong một gian rộng xếp đầy củi thanh và củi bó, cạnh cửa có một cái cân. Anh nói tiếp :
- Hôm nay nhà tôi bận rộn quá. Tôi phải làm bài từng câu vụn, từng đoạn con. Lúc nãy, đang viết thì có người gọi mua hàng... Bán xong, vào vừa cầm bút thì người xe củi đến. Từ sáng đến giờ tôi đã ra chợ củi ở bãi Vênêzya hai lần rồi. Chân mỏi quá mà tay thì phồng lên. Bây giờ mà phải vẽ thì đến chịu.
Anh vừa nói vừa quét những lá khô rải rác trên thềm. Tôi hỏi :
- Anh làm bài ở chỗ nào ?
- Ở trong này. Anh vào coi.
Anh đưa tôi vào gian sau cửa hàng là chỗ vừa làm buồng ăn vừa làm bếp. Trong một góc có cái bàn trên bày mấy quyển sách và vở bài đang làm dở. Anh nói :
- Câu hỏi thứ hai hiện còn bỏ trống : Người ta dùng da thuộc để làm giày dép, cương ngựa... Bây giờ tôi viết thêm : làm vali.
Rồi anh cầm bút viết chữ rất tốt. Chợt có tiếng hỏi ở ngoài hàng :
- Có ai bán hàng không ?
Đó là một người đàn bà đến mua củi.
- Có ! Tôi đây.
Anh vội thưa, chạy ra cân củi, nhận tiền, biên sổ rồi vừa trở vào vừa nói một mình :
- Không biết họ có để yên cho mình làm hết bài không ? Xong anh ngồi viết nối : làm hòm, làm túi đạn.
Viết đến đây anh hốt hoảng kêu :
- Chết ! Hỏng cả ấm cà phê !
Rồi anh chạy lại lò, nhắc ấm ra, nói :
- Đây là cà phê của mẹ tôi, anh ạ. Hai ta cùng mang vào đi ! Thấy anh chắc mẹ tôi sẽ vui lòng... A ! Tôi còn phải biên thêm gì nữa ở dưới chữ : túi đạn không ? Kể thì còn nhiều thứ nữa, nhưng tôi chưa kịp nghĩ ra... Mời anh vào đây...
Bạn tôi mở cửa, chúng tôi vào chỗ mẹ anh nằm. Bà nằm trên một cái giường rộng đầu bịt khăn vuông trắng.
- Thưa mẹ, cà phê đây ạ.
Nói xong, anh đưa mắt chỉ tôi và nói :
- Đây là bạn học của con. Bà nói :
- Quí hoá quá ! Đến thăm kẻ ốm là một điều hay cậu ạ.
Anh Côretti nắn lại gối, kéo lại chăn cho mẹ, thêm lửa trong lò và đuổi con mèo ngồi chồm hổm trên mặt tủ. Mẹ uống xong, anh đỡ chén và hỏi :
- Mẹ không cần gì nữa chứ ? Mẹ đã uống hai thìa thuốc ho chưa ? Dùng hết, con sẽ ra hiệu lấy. Củi đã xếp đầu vào đấy cả rồi. Đến bốn giờ con sẽ nướng thịt như lời mẹ dặn và khi nào người hàng mỡ đi qua, con sẽ trả 8 xu. Thưa mẹ, mẹ cứ yên tâm. Mọi việc con sẽ làm chu đáo cả.
Bà hàng than nói :
- Ngoan lắm ! Con tôi chẳng sót việc gì. Tội nghiệp !...
Nhân tiện anh Côretti lại chỉ cho tôi xem bức ảnh cha anh treo ở tường, ông vận nhung phục, ngực dính Quận công bội tinh, khuôn mặt giống anh như đúc, mắt sáng, miệng tươi.
Chúng tôi lộn ra phòng ăn. Côretti bỗng reo to :
- Tôi tìm thấy rồi !
Rồi anh chạy lại biên thêm vào vở bài : người ta cũng làm yên ngựa bằng da nữa.
Anh nói tiếp :
- Thôi, còn mấy câu hỏi nữa để đến khuya sẽ làm... Anh Enricô ơi ! Anh sung sướng quá, anh có đủ thời giờ học, viết và thời giờ đi chơi.
Luôn luôn vui vẻ và lanh lẹ, anh đưa tôi ra ngoài hàng. Anh lấy những thanh củi đặt lên bàn, cưa mỗi
thanh hai nhát đứt đôi. Rồi anh bảo tôi :
- Đây là ngón võ khoẻ gấp vạn món thể thao "co và duỗi cánh tay" ! Tôi muốn cắt hết đống củi này trước khi cha tôi về, tất cha tôi sẽ hài lòng lắm ; nhưng khốn thay sau buổi kéo cưa như thế những chữ t và l tôi sẽ viết ra hình rắn cả, đúng như lời thầy giáo thường kêu. Nhưng tôi biết làm thế nào? Tôi sẽ thú thực với thầy : "Con vận động cánh tay nhiều quá, ngón tay thành ra tê cả!" Điều đó
không ngại. Bây giờ tôi chỉ mong sao cho mẹ tôi chóng khỏi. Nhờ giời ! Hôm nay mẹ tôi đã khá nhiều ! Còn bài văn phạm, đến mai tôi sẽ dậy sớm học cũng kịp. A ! Kìa xe than đã về, tôi phải ra. Một xe bò chất đầy bao đen đỗ trước cửa hàng. Anh chạy ra nói chuyện với người đánh xe xong, lộn vào bảo tôi :
- Bây giờ tôi không thể giữ anh được nữa. Đến mai nhá ! Cảm ơn anh đã tạt vào thăm tôi. Tôi chúc anh đi chơi được vui vẻ, anh Enricô sung sướng của tôi !
Bắt tay tôi xong, anh chạy ra cõng từng bì than một, từ xe vào hàng, rồi lại từ hàng đi ra, nét mặt tươi tỉnh dưới chiếc mũ da mèo, ai trông thấy cũng phải chú ý.
" Enricô sung sướng"! - Lời bạn đã tặng tôi. - Nhưng không, anh Côretti bạn quí của tôi ơi ! Không ! Chính anh mới là người sung sướng vì anh vừa làm vừa hoc, và anh có ích cho cha mẹ hơn tôi, vì
anh đảm đang và giỏi gấp trăm tôi !
14.- Ân nhân của bạn Nelli
Thứ tư, ngày 22
Hôm qua, Neli đi xem diễu binh. Cậu bé gù lưng này nhìn lính diễu qua bằng cặp mắt buồn rầu và than rằng :
- Như thân tôi, thì không bao giờ được ra lính.
Cậu bé khốn nạn ấy chăm học lắm ; người còm và xanh, động học là hơi thở tai. Mẹ cậu là một bà
tóc đỏ, áo thâm, cứ tan học là đến đón cậu để khỏi bị anh em xô đẩy. Ta hãy trông mẹ cậu vuốt ve và yêu dấu cậu biết là dường nào ! Mấy ngày đầu, học trò cứ chế giễu cậu và lấy cặp thích vào lưng cậu nhưng không bao giờ cậu kháng cự và mách mẹ cả, vì cậu giấu không cho mẹ biết mình hay bị bắt nạt để mẹ lo buồn. Họ chọc ghẹo quá, lắm lúc cậu phải gục đầu xuống bàn khóc thầm.
Một hôm, thấy thế, anh Garônê can thiệp và bảo bọn học trò :
- Ai còn động đến Nelli nữa sẽ biết tay ta. Ta sẽ đá cho một trận để nhớ đời !
Phơranti chẳng coi lời doạ ấy vào đâu, cứ chế giễu hoài, liền bị Garônê đá cho một cái lộn ba vòng. Từ đó không ai dám động đến Nelli nữa. Thầy giáo cho Garônê ngồi cạnh Nelli, hai cậu thành đôi bạn thân.
Việc này, chắc anh Nelli về thuật lại với mẹ, nên mới có câu chuyện sáng nay .
Còn độ nửa giờ nữa thì tan học, thầy giáo sai tôi mang bản khoá trình lên bàn giấy ông hiệu trưởng.
Tôi vừa vào phòng thì gặp mẹ anh Nelli đến hỏi ông hiệu trưởng :
- Thưa ngài, ở đây có cậu nào tên gọi là Garônê không ?
- Thưa bà có.
- Xin ngài làm ơn cho gọi cậu ấy lên đây để tôi hỏi chút việc, có được không ?
Ông hiệu trưởng bấm chuông gọi người gác cổng bảo đi gọi cậu Garônê. Một phút sau thì cậu tới, có vẻ ngạc nhiên vì không hiểu bị gọi về việc gì.
Vừa trông thấy cậu, bà Nelli chạy luôn lại cầm tay và xoa đầu cậu một cách rất quí hoá.
- Cậu Garônê đây à ? Cậu là bạn của Nelli và vẫn bênh vực cho em phải không ? Nói xong, bà tháo chuỗi dây "Thánh giá" bằng vàng đeo vào cổ anh Garônê và nói :
- Cậu em yêu quí của ta ! Em hãy nhận chút kỷ niệm này, kỷ niệm của một người mẹ vẫn cầu nguyện cho em và hết lòng cảm ơn em.
15.- Em bé trinh sát
( Truyện đọc hàng tháng )
Thứ bảy, ngày 28
Năm 1859, trong cuộc chiến tranh để giải phóng cho xứ Lômbacđi, quân Pháp và quân Italia đã đại thắng quân Áo ở trận Xolphêrinô và trận Xan Mactinô. Sau những trận này được mấy hôm, vào khoảng cuối tháng sáu, một đội kỵ mã nhỏ đi nhẩn nha trong con đường hẻm về phía địch để dò xét hai bên cánh đồng. Đội kỵ mã này có một sĩ quan và một viên đội chỉ huy ; hai người đều yên lặng, cố nhìn những tên lính xung phong bên địch vận đồ trắng thấp thoáng ở đằng xa.
Đội kỵ mã cứ thế đi tới một cái nhà tranh, chung quanh giồng những cây tần bì cao lớn. Trước nhà
có một đứa con trai độ 12 tuổi đang cầm dao róc vỏ một cành tần bì để làm gậy. Trên cửa sổ nhà này có treo một lá cờ tam tài lớn, bên trong chẳng có ai cả. Khi thấy quân kỵ mã đến, đứa bé vứt que và cất mũ chào. Đó là một cậu bé tóc đỏ, mắt xanh, vẻ mặt quả quyết. Cậu vận áo sơ mi, hở ngực.
Sĩ quan dừng ngựa hỏi :
- Em làm gì ở đây ? Sao không đi lánh nạn với gia quyến ? Cậu bé trả lời :
- Cháu không có gia quyến. Cháu là một đứa trẻ bơ vơ. Cháu chỉ làm việc cho những người muốn tìm cách sinh sống cho cháu. Cháu ở đây để xem đánh trận.
- Em có thấy quân Áo qua đây không ?
- Không, đã ba hôm nay cháu không nom thấy.
Sĩ quan suy nghĩ một lúc rồi xuống ngựa, trèo lên mái nhà tranh nhìn xét nhưng chỉ trông thấy một khu đồng hẹp vì nhà này thấp quá.
Sĩ quan vừa tụt xuống vừa nói :
- Phải leo lên cậy mới nhìn được.
Ngay trước nhà có một cây tần bì cao lắm, ngọn mềm phe phẩy trong đám mây xanh. Sĩ quan đứng ngẫm nghĩ, nhìn cây rồi lại nhìn lính rồi lại nhìn cây, sau đột nhiên hỏi cậu bé :
- Em trông co tinh không ?
- Cháu à ? Mắt cháu có thể nhìn rõ một con chim cách xa nghìn thước.
- Em có thể trèo lên cây này không ?
- Lên ngọn cây này ? Chỉ là công việc trong nháy mắt.
- Em thử nhìn xem ở đằng xa, về phía địch có quân lính, cát bụi bay, ngựa hay súng ống gì không ?
- Vâng.
- Em cố giúp ta và em có muốn gì không ? Cậu bé cười nhạt đáp :
- Không, cháu chả muốn gì cả. Nếu làm việc cho quân Áo thì các vàng cháu cũng không giúp. Nhưng cho quân ta... cháu là người Lômbacđi...
- Thế thì tốt lắm. Trèo đi !
- Khoan để cháu cởi giày đã.
Cậu tháo giày, thắt chặt lại dây lưng, vứt mũ xuống cỏ rồi bám cây, leo thoăn thoắt như một con mèo.
Một lát sau, cậu bé đã lên tít ngọn cay, lá che kín chân, chỉ trông thấy ngực. Ánh nắng chiếu vào tóc cậu lóng lánh như nhuộm vàng để nhìn cho rõ :
- Nhìn thẳng đằng trước mặt và đằng xa em !
Cậu víu một tay, còn một tay giơ lên ngang trán để nhìn cho rõ. Sĩ quan nói :
- Có thấy gì không ?
Cậu cúi xuống lấy tay làm loa và trả lời :
- Có hai người cưỡi ngựa trên đường.
- Gần hay xa ?
- Độ nghìn hay hơn nghìn thước.
- Họ tiến về phía này ?
- Không, họ đứng.
Im lặng một lúc, sĩ quan lại hỏi :
Em còn trông thấy gì nữa không ? Thử quay sang bên phải xem. Cậu bé nhìn về bên phải rồi đáp :
- Có trông thấy người không ?
- Không. Họ nấp cả trong ruộng lúa.
Ngay lúc ấy, một viên đạn bay vút trong không và rơi xuống sau nhà. Sĩ quan kêu :
- Em ơi xuống đi ! Họ nhìn thấy em rồi. Ta không muốn dò thêm gì nữa. Xuống ngay đi ! Cậu đáp :
- Cháu không sợ.
- Xuống ! Ta bảo xuống kia mà !
- Thong thã đã... Đằng kia, ở bên trái cháu trông thấy... Một viên đạn nữa vụt qua tai làm ngắt lời cậu. Cậu rùng mình kêu :
- Lũ quái định "truy" mình đây. Sĩ quan phát tức, thét :
- Xuống lập tức ! Cậu đáp :
- Vâng, cháu xuống. Xin chú yên tâm, đã có cây che cho cháu. Nhưng chú có muốn biết bên trái có gì nữa không ?
- Không. Không. Xuống đi!
Cậu nghiêng mình về bên trái vừa nhìn vừa nói to :
- Bên trái, gần nhà thờ, hình như có ...
Viên đạn thứ ba trúng ngọn cây, người ta thấy cậu lộn nhào, trước còn bám vào cây, vào cành, sau buông tay và rơi lộn đầu xuống đất.
Sĩ quan vừa nguyền rủa quân thù vừa chạy lại .
Cậu bé nằm sõng sượt trên đất, hai tay dang ra. Một dòng máu đỏ ở ngực chảy ra. Người đội và hai người lính xuống ngựa chạy lại. Sĩ quan mở áo sơ mi cậu xem thì viên đạn thấu phổi bên trái. Sĩ quan kêu :
- Tội nghiệp ! Thằng bé chết rồi ! Viên đội nói tiếp :
- Không, nó còn sống. Sĩ quan gọi cậu bé :
- Em ơi ! Đứa em khốn khổ và can đảm của ta ơi ! Tỉnh lên ! Tỉnh lên !
Sĩ quan vừa nói vừa cầm khăn mùi soa lau vết thương cho cậu, cậu mở bừng mắt rồi ngả đầu ra chết.
Sĩ quan tái lợt, nhìn cậu bé hồi lâu, đứng dậy rồi lại nhìn hình như không nỡ dứt... Sĩ quan buồn rầu nhắc lại :
- Thương thay ! Đứa trẻ can đảm !
Nói xong, sĩ quan với lá cờ treo ở trước cửa nhà kia phủ lên mình cậu bé như một tấm vải liệm chỉ để hở đầu. Viên đội nhặt giày , mũ, dao và gậy gọt dở để bên mình cậu.
Sĩ quan đứng im lặng một lát rồi quay lại bảo viên đội :
- Ta sẽ cho xe hồng thập tự lại rước em. Cái chết này có ý nghĩa quân nhân. Nhà binh sẽ phải chôn cất cho tử tế.
Nói xong, sĩ quan giơ tay chào cậu bé lần cuối cùng. Rồi, mọi người lên ngựa thẳng tiến.
Vài giờ sau, thi hài cậu bé được táng theo tang lễ nhà binh.
Khi đạo quân kỵ đi khỏi một lúc thì có một đại đội pháo binh đi đến. Chính đội này, mấy hôm trước đây đã đổ máu một cách rất dũng cảm trong trận Xan Mactinô.
Tin cậu bé can đảm kia đã bay tới các hàng quân một cách rất nhanh chóng. Vì thế, khi qua chỗ thi hài cậu bé nằm dưới gốc cây tần bì, các sĩ quan đều giơ gươm chào, một viên cúi xuống bờ suối gần đó rứt nắm hoa, ném trên mình cậu bé. Thế rồi theo gương ấy, tất cả đội pháo binh ai cũng nhặt hoa ném vào. Trong vài phút đồng hồ, hoa phủ đầy thi thể cậu bé.
Quan, lính lúc diễn qua, ai cũng nói :
- Can đảm thay cậu bé xứ Lômbacđi !
- Vĩnh biệt em !
- Em thực là người dũng cảm !
- Vinh dự thay cho em !
- Chúc em yên giấc nghìn năm !
Một sĩ quan tháo tấm Quận công bội tinh của mình đặt nơi ngực cậu. Tức thì, lại một trận mưa hoa phơi phới rơi xuống ngực máu đào, đầu tóc đỏ của cậu bé yên nghỉ dưới lá cờ tam tài đắp ngang. Nét mặt cậu bé như tươi cười ! Phải chăng lòng cậu sung sướng và tự hào vì đã bỏ mình cho quê hương của cậu ?
16.- Kẻ khó
Thứ ba, ngày 29
"Hy sinh cho tổ quốc như cậu bé Lômbacđi, là một đức tính siêu việt đã đành, nhưng cũng còn nhiều nết hay khác mà con không nên sao nhãng con ơi ! "
Như sáng nay, lúc đi học về, con đi trước mẹ, con đã gặp một người đàn bà nghèo bế một đứa con nhỏ xanh xao yếu đuối và chìa tay xin con. Con nhìn người ta bằng cặp mắt lạnh lùng, con chẳng cho gì cả mà chính lúc ấy túi con có tiền. Nghe mẹ, con ơi !
Con đừng tập thói làm ngơ trước cái nghèo khó nó ngửa tay xin con ; hơn nữa con lại càng không nên bước qua một người mẹ xin ăn cho con. Con hãy nghĩ đến bụng đói của đứa trẻ thơ, nghĩ đến sự đau khổ của người mẹ.
Mỗi khi mẹ bố thí cho kẻ nghèo thì bao giờ họ cũng cảm ơn và chúc cho mẹ, cho cả nhà ta được mọi sự lành. Những lời chúc tụng ấy nghe êm ái biết là dường nào ! Và lòng tạ ơn họ không biết bao nhiêu.
Những lời cầu nguyện ấy sẽ thấu đến đấng Thượng đế để ngài phù hộ cho tất cả những người thân yêu của ta. Vì thế, mẹ trở về rất hài lòng và tự nhủ :
- Người ấy đã cho ta nhiều hơn là ta đãi họ !
Enricô ơi ! Con hãy nghe mẹ : thỉnh thoảng nên bớt một vài xu trong túi tiền của con để cho người già không chốn nương thân, người mẹ không gạo, đứa trẻ không mẹ không cha. Những kẻ khó thích xin trẻ con vì như thế họ không nhục, vì trẻ con cũng như họ phải cần đến mọi người. Con có nhận thấy ở quanh trường thường có nhiều kẻ ăn xin không ? Sự bố thí của người lớn là một việc làm phúc, nhưng sự bố thí của trẻ con không những là một việc làm phú mà còn là một sự vỗ về nữa, vì mỗi lần đứa trẻ đem cho thì hình như đồng tiền kèm với bông hoa ở trong tay nó rơi ra.
Con ơi ! Con phải biết con có đủ cả, chứ kẻ khó thì thiếu hết. Khi con mong được sung sướng thì người nghèo chỉ cầu sao cho khỏi chết. Trong một đám có bao nhiêu là nhà giàu, trong một phố có bao nhiêu người sang trọng qua lại, có bao nhiêu đứa trẻ ăn mặc xa hoa, thế mà vẫn còn thấy nhiều đàn bà và trẻ con đói khát, rách rưới ! Thực đáng buồn thay !
Muốn cho người ta khỏi chê con là một kẻ vô tình thì từ nay về sau con đừng bước qua một kẻ khó mà không cho gì".
Mẹ con
Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018
Phan 2: Thang Muoi Mot
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét