Vật lý hiện đại đã chuyển từ thời gian tuyệt đối và phổ quát của Newton sang thời gian tương đối và co giãn được của Einstein, nó có khả năng trôi chậm lại, hoặc nhanh lên tùy theo thời gian chuyển động của người quan sát hoặc cường độ của rtường hấp dẫn. Thời gian không còn là phổ quát nữa: quá khứ của cái này có thể là tương lai của cái kia. Đâu là sự khác nhau giữa thời gian vật lý này và thời gian tâm lý mà chúng ta trải nghiệm? Phật giáo bác bỏ như thế nào đối với khái niệm thời gian tuyệt đối và Phật giáo có sử dụng thời gian tâm lý như một chiếc kim để kích thích hoạt động tâm linh? Không xuất hiện ở cấp độ các nguyên tử, nhưng hiện diện khắp nơi ở cấp độ vũ trụ, "mũi tên" thời gian phải chăng chỉ là một cái nhãn tinh thần?
Trịnh Xuân Thuận: Gaston Bachelard từng nói.- "Suy ngẫm về thời gian là nhiệm vụ hàng đầu của mọi khoa học siêu hình" Hẳn là thời gian không phải là một khái mềm dễ nắm bắt, như Augustin từng nhận xét vào thế kỉ IV: "Thờigian là gì? Nếu không ai hỏi ta điều đó thì ta biết nó tà gì. Nhưng nếu có người hỏi ta và ta cố giải thích thì túc ấy ta sẽ không biết nó tà gì nữa". Thời gian đóng vai trò quan trọng không chỉ trong siêu hình học mà cả trong vật lý.
Trong quá trình nghiên cứu tự nhiên, các nhà vật lý đã liên tục vấp phải vấn đề thời gian. Điều này thoạt nhìn có vẻ là nghịch lý, vì thời gian đo sự thoáng qua trong khi các nhà vật lý lại đi tim các quy luật nghĩa là các mối quan hệ bất biến, không thay đổi. Tuy nhiên, khái niệm thời gian vẫn liên tục xuất hiện trong vật lý học. Galilée là người đầu tiên, vào thế kỉ XVI, đã đưa thời gian vào như một chiều (hay thứ nguyên) vật lý cơ bản nhằm sắp xếp và liên hệ về mặt toán học các phép đo chuyển động của các vật thể. Nhưng chính Newton với các định luật cơ học của mình vào thế kỉ XVII mới là người đưa ra định nghĩa rõ ràng về thời gian. ông xác định chuyển động của các vật trong không gian bằng cách chỉ ra chính xác vị trí và vận tốc của chúng ở những thời điểm nối tiếp nhau.
Thời gian Newton là duy nhất, tuyệt đối và phổ quát. Thời gian trôi đi giống nhau đối với mọi người, và mỗi người quan sát trong vũ trụ đều chia sẻ cùng quá khứ, cùng hiện tại và cùng tương lai. Không gian và thời gian tách biệt nhau hoàn toàn: thời gian trôi đi mà không hề chịu bất kỳ tương tác nào với không gian. Năm 1905, khái niệm thời gian tuyệt đối này đã bị Einstein lật đổ bàng việc cho công bố thuyết tương đối hẹp. Với Einstein, thời gian mất đi tính bất biến và phổ quát mà Newton đã gán cho nó: Thời gian không còn dửng dưng với vũ trụ trong đó nó được coi là trôi liên tục, mà trở nên co giãn khi nó tỏ ra phụ thuộc vào chuyển động của người quan sát. Nếu ta chuyển động càng nhanh thì thời gian càng chậm lại. Chẳng hạn, một người ở trên con tàu vũ trụ bay với vận tốc bằng 87% vận tốc của ánh sáng sẽ thấy thời gian chậm lại một nửa. Anh ta sẽ già đi chậm hơn hai lần so với người sinh đôi với anh ta ở Trái đất. Sự khác nhau về tuổi này là hoàn toàn thật. Người sinh đôi với anh ta ở Trái đất có nhiều nếp nhăn và tóc bạc hơn anh ta. Tim anh ta đập nhanh hơn và anh ta ăn nhiều bữa hơn, uống nhiều rượu vang hơn và đọc nhiều sách hơn. Đó là nghịch lý cặp sinh đôi của Langevin (tên của nhà vật lý người Pháp phát biểu nghịch lý này). Nhưng đó chỉ là nghịch lý đối với lẽ phải thông thường dễ bị đánh lừa của chúng ta. Thuyết tương đối giải thích rõ ràng sự chậm lại của thời gian này: vận tốc càng tăng, thời gian càng chậm. Điều đó không cảm nhận được đối với những vận tốc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, nhưng sự chậm lại này trở nên dễ thấy hơn với các vận tốc gần với vận tốc của ánh sáng (300.000 km/s). Ở 99% vận tốc ánh sáng, thời gian chậm lại 7 lần. ở 99,9% vận tốc ánh sáng, thời gian chậm lại 22,4 lần. Một thay đổi lớn khác: thời gian và không gian không tồn tại tách biệt nhau nữa. Einstein cho rằng không gian và thời gian là một cặp thống nhất. Không gian cũng trở nên co giãn. Các hành trạng của không gian và thời gian luôn bổ sung cho nhau. Khi thời gian giãn ra và chậm lại, thì không gian bị co lại. Nếu một trong hai người trong cặp sinh đôi ở trên con tàu vũ trụ chuyển động với vận tốc bằng 87% vận tốc của ánh sáng thì không những anh ta già chậm hơn 2 lần, mà không gian của anh ta cũng bị co lại: đối với người trên Trái đất thì con tàu của anh ta co lại còn một nửa. Những biến dạng liên quan với không gian và thời gian có thể được coi như là sự chuyển hóa của không gian thành thời gian, và ngược lại. Không gian bị co lại biến thành một thời gian kéo dài ra. Từ đây, vũ trụ có 4 chiều. Để xác định một vật thể trong vũ trụ cần phải cho không những 3 tọa độ không gian chỉ vị trí của nó mà còn cần phân cho cả thời gian đo được ở vị trí này.
Thời gian bị chậm lại không chỉ do vận tốc mà còn do cả lực hấp dẫn. Đây là điều Einstein đã phát biểu năm 1915 trong thuyết tương đối rộng. Ở lân cận một lỗ đen có lực hấp dẫn cực lớn, đồng hồ của nhà du hành vũ trụ sẽ chạy chậm lại so với đồng hớ của một người quan sát ở trên Trái đất. Sự chậm lại của thời gian không phải là kết quả của trí tưởng tượng. Nó đã được quan sát rõ nhất trong trường hợp các hạt được phóng với vận tốc cực lớn trong các máy gia tốc: các hạt này sống lâu hơn (trước khi bị phân rã) so với khi chúng ở trạng thái đứng yên, và điều này luôn theo đúng tỷ lệ mà Einstein đã tiên đoán.
Tính co giãn của thời gian đã dẫn tới một hệ quả rất cơ bản: thời gian mất đi tính phổ quát của nó, nó không còn là như nhau đối với tất cả mọi người quan sát. Hiện tại của tôi có thể là quá khứ của ai đó khác và là tương lai của người thứ ba, nếu cả hai người này đều chuyển động so với tôi. Vì khái niệm dòng thời không còn ý nghĩa nữa, nên từ "bây giờ" trở nên mơ hồ, không xác định. Và nếu, đối với một người nào đó khác nữa, tương lai đã tồn tại và quá khứ vẫn còn đang hiện diện, thì tất cả các thời điểm đầu có giá trị như nhau.
Do đó không còn thời điểm nào là ưu tiên cả. Theo Einstein, sự trôi của thời gian chỉ là ảo giác. Như để làm dịu đi nỗi buồn của mình, ông đã bộc lộ quan điểm này trong một lá thơ viết năm 1959 sau cái chết của người bạn Michele Besso: "Đối với chúng tôi, những nhà vật lý xác tín, sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo giác, ngay cả khi sự phân biệt này khó mà lay chuyển được. Theo các nhà vật lý hiện đại thì thời gian không trôi: nó đơn giản chỉ là hiện hữu đó, bất động, như một đường không kéo dài đến vô tận ở cả hai chiều.
Matthieu: Theo cách phân tích kinh điển của Phật giáo, thời gian vật lý và tuyệt đối chỉ là một khái niệm. Nó không tồn tại tự thân. Sự trôi của thời gian là không thể nắm bắt được ở thời điểm hiện tại, thời điểm chưa trôi qua mà cũng không có độ dày cần thiết để có đầu có cuối. Đối với hiện tại này, quá khứ đã chết và tương lai còn chưa sinh ra. Vậy thì làm sao hiện tại có thể tồn tại lửng lơ giữa cái không còn nữa và cái còn chưa sinh ra? Thời gian thuộc chân lý tương đối của thế giới các hiện tượng, thuộc lĩnh vực của trải nghiệm và chỉ là một khái niệm gắn liền với sự biến đổi được cảm nhận bởi người quan sát.
Thời gian vật lý không có tồn tại độc lập, bởi vì người ta không thể nhận thức được một thời gian tách rời khỏi những thời điểm tạo nên nó. Không thể nhận dạng được nó lúc bắt đầu, lúc đang diễn ra hay lúc kết thúc của một giai đoạn nhất định. Nếu người ta định nghĩa một không thời gian như một tổng thể được cấu thành từ khởi đầu, giữa và kết thúc của nó, thì rõ ràng là tổng thể này không hề tồn tại trong bất kỳ bộ phận nào trong 3 bộ phận nói trên. Mặt khác không thời gian này cũng không tồn tại bên ngoài sự khởi đầu giữa và kết thúc của nó, và do vậy bản thân khái niệm không thời gian cũng thuần túy mang tính quy ước. Thời gian, cong như không gian, chỉ tồn tại đối với kinh nghiệm của chúng ta và đối với các hệ quy chiếu cụ thể. Tóm lại, thời gian là một phương thức tổng giác các hiện tượng. Khi không có các hiện tượng này, nó không thể tồn tại.
Trịnh Xuân Thuận: Cần phải phân biệt thời gian chủ quan hay còn gọi là thời gian tâm lý với thời gian vật lý vốn được coi là khách quan luôn trôi đều đặn và không phụ thuộc vào ý thức của chúng ta. Thời gian vật lý là thời gian của các loại đồng hồ. Người ta đo nó bằng một chuyển động đều đặn: như sự dao động của một nguyên tử hay sự chuyển động của Trái đất quanh mình nó. Chính vì thế, nói về thời gian (hay không gian) trước khi vũ trụ ra đời là vô nghĩa, bởi vì không có bất kỳ chuyển động nào có thể đo được.
Trong lý thuyết Big Bang, thời gian và không gian được sinh ra đồng thời với vũ trụ. Chính Augustin cũng đã từng đưa ra ý tưởng cho rằng thời gian xuất hiện cùng với thế giới. ông cho rằng ý tưởng về một vị Chúa phải chờ một thời gian vô hạn trước khi quyết định tạo ra thế giới là điều nực cười. Theo ông, thế giới và thời gian xuất hiện cùng nhau. Thế giới được sinh ra không phải trong thời gian mà cùng với thời gian. Quan niệm này là một sự báo trước rất đáng chú ý các tư tưởng của vũ trụ học hiện đại. Ngược lại, thời gian trãi nghiệm tức là thời gian mà chúng ta cảm thấy bên trong chúng ta, là chủ quan và không trôi một cách đều đặn. Nó rất co giãn. Thật vậy, cũng một vở kịch thôi, nhưng có thể nó là lê thê kéo dài cả thế kỉ đối với người thấy nó chán ngắt, có thể lại dường như là không trôi đối với người thích vở kịch đó. Một phút buồn chán hay sợ hãi dài hàng thế kỉ, trong khi một ngày hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Mặt khác, tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng càng về già chúng ta cảm thấy thời gian trôi càng nhanh. Thời gian trôi nhanh cùng với tuổi tác đã được kiểm chứng bằng nhiều nghiên cứu đối với sự sinh trưởng của cây cối và động vật: tuổi càng cao, sự kéo dài "sinh lý" càng ngắn.
Sự tương phản này giữa thời gian chủ quan và thời gian vật lý thường xuyên hiện diện trong lịch sử tư tưởng. Theo các nhà triết học trước Socrate, thì thời gian được xác định qua chuyển động, như thời gian vật lý. Thật vậy, Héraclite từng nói rằng "Thời gian là một đứa trẻ chơi trò cá ngựa" (có nghĩa là thời gian trôi theo nhịp dịch chuyển của các con ngựa trên bàn cá ngựa). Còn theo Aristote, thời gian là "con số của chuyển động", nhưng ông cung đã tự hỏi: "vấn đề rắc rối cần phải biết là nếu như không có linh hỗn, thì thời gian có còn tồn tại hay không?". Vào thế kỉ IV, Augustin đã bác bỏ những lập luận của Aristote: "thời gian không phải là chuyển động của một vật thể" và khẳng định chiều hiện sinh (hay chiều tâm lý) của thời gian: thời gian chỉ trôi trong linh hồn, vì rằng đối tượng của chờ đợi (tương lai) trở thành đối tượng của chú ý (hiện tại) và đối tượng này lại biến thành đối tượng của ký ức (quá khứ). Triết gia người Đức Husserl thế kỉ XX cũng đã tán đồng quan điểm này.
Matthieu: Kant cũng từng nói rằng các khái niệm về không gian và thời gian xuất phát từ các mối quan hệ của chúng ta với tự nhiên, chứ không là đặc tính riêng của bản thân tự nhiên: "Thời gian chỉ là một điều kiện chủ quan của trực giác chúng ta, và nó sẽ chẳng là gì khi nằm ngoài chủ thể". Các nhà triết học Phật giáo cũng đã đưa ra một ý tưởng tương đương, họ khẳng định rằng thời gian không có hiện thực tối hậu và không có bất kỳ tồn tại nào bên ngoài các hiện tượng và bên ngoài những người quan sát chúng. Hình dung thời gian như một "mũi tên" chẳng qua chỉ là phản ánh sự gắn bó của chúng ta với hiện thực của vạn vật mà thôi.
Nói về sự "bắt đầu" của thời gian bộc lộ rõ bản chất thuần túy ảo giác của nó. Thật vậy, một khi đã xác lập ý tưởng về một sự bắt đầu của thời gian, lẽ tự nhiên người ta có thể sẽ tự hỏi cái có "trước" sự bắt đầu của thời gian là gì. Câu hỏi này là vô nghĩa, nó chứng tỏ rằng chúng ta không có liên quan gì với sự bắt đầu của một hiện thực mà là liên quan với một kết cấu tinh thần. Thay vì nói như Einstein rằng thời gian vật lý luôn luôn hiện hữu, giống như một chiều bất động, người ta sẽ nói rằng thời gian không bao giờ hiện hữu, điều này gần như quay trở lại chính quan điểm về chuyển động ảo của thời gian.
Trịnh Xuân Thuận: Augustin cũng nói rằng không có thời gian nào khác ngoài thời gian chủ quan. Bên ngoài các trạng thái tâm lý của ký ức, của sự chú ý hiện tại và của sự chờ đợi tương lai, thì thời gian chỉ là hư vô. Thế mà, vì tất cả đều nằm trong thời gian nên không có gì tồn tại cả. Nói cách khác, tất cả chỉ là vê bề ngoài mà thôi.
Thời gian tâm lý, mà tất cả chúng ta đều cảm thấy, rất khác với thời gian vật lý. Chúng ta nghĩ rằng nó có một chuyển động. Đối với chúng ta, "thời gian trôi" như dòng nước của một con sông. Trên con thuyền bất động thân neo trong hiện tại, chúng ta nhìn dòng sông thời gian với những con sóng của quá khứ lùi xa dần và những con sóng của tương lai đang tiến đến. Chúng ta gán cho thời gian một chiều không gian, và chính cách biểu diễn sự chuyển động thời gian trong không gian như thế đã tạo cho chúng ta cảm giác về quá khứ, hiện tại và tương lai. Hiện tại là không thể nén lại được vì độ kéo dài khác không của nó (cỡ một trăm phần ngàn giây) gần liền với các quá trình thần kinh và với sinh lý học các tri giác của chúng ta. Quá khứ chất đầy những kỷ niệm và tương lai náo nức những chờ đợi.
Tuy nhiên, ý niệm này về sự trôi của thời gian đối với ý thức bất động của chúng ta không phù hợp với ngôn ngữ của vật lý hiện đại. Nếu thời gian chuyển động thì vận tốc của nó là bao nhiêu? Một câu hỏi hiển nhiên là vô lý. Chúng ta hãy thay dòng thời gian tâm lý bằng sự ỳ tĩnh lặng của thời gian vật lý, thì câu hỏi trên không còn được đặt ra nữa. Tại sao lại có sự khác biệt này giữa hai loại thời gian?
Matthieu: Điều đó chỉ là một bí ẩn nếu người ta cho rằng chúng ta hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới. Khái niệm thời gian vật lý lẽ nào không đơn giản chỉ là sự trừu tượng hóa của thời gian tâm lý sinh ra từ sự phân biệt do chúng ta tạo nên giữa cái đã hoàn thành và cái sẽ xảy ra? Các nhà vật lý chẳng phân đã đảo ngược thứ tự ưu tiên, khi muốn giải thích cái mà chúng ta đang sống bằng vật lý và khi vật hóa quan niệm ảo tưởng của chúng ta về thời gian để biến nó thành một thực tại đó sao?
Trịnh Xuân Thuận: Có lẽ chính hoạt động thần kinh của chúng ta làm cho chúng ta cảm thấy thời gian trôi. Các dữ liệu về thế giới bên ngoài được các giác quan của chúng ta truyền đến não, não tập hợp chúng lại thành một biểu tượng tinh thần. Hoạt động này của não bọ được đặc trưng bằng sự tham gia hành động đồng thời của nhiều vùng tách biệt nhau có những chức năng khác nhau của não
bộ. Theo nhà sinh học thần kinh Francisco Varela, chính sự phức tạp của nhiệm vụ liên kết và tích hợp các bộ phận khác nhau này của não bộ đã cho chúng ta cảm giác về thời gian. Từ hành động liên hợp và đồng bộ của các tập hợp lớn không tiếp giáp nhau của các nơron thân kinh, trong số hàng trăm tỷ nơron của não bộ con người, đã sinh ra một trạng thái sinh học "đột khởi" nghĩa là một trạng thái vựơt hơn tổng số đơn thuần của các bộ phận của nó. Bởi vì hành động này chỉ kéo dài từ vài chục đến vài trăm phần tỷ giây, nên chúng ta có cảm giác về "bây giờ ', về một hiện tại có một bề dày nào đó. Nhưng việc đồng bộ hóa các nơron là không ổn định và không kéo dài, điều này kéo theo sự hành động của các tập hợp nơron đồng bộ khác và tạo ra các trạng thái đột khởi kế tiếp; chính những trạng thái này đã tạo ra cho chúng ta cảm giác thời gian trôi. Mỗi một trạng thái đột khởi lại phân nhánh xuất phát từ trạng thái trước khiến cho cái trước vẫn còn hiện diện trong cái sau, tạo ra cảm giác thời gian có tính liên tục. Ngoài ra, còn có vấn đề về hướng (người ta còn gọi là "mũi tên" của thời gian. Thời gian tâm lý luôn đi theo một hướng duy nhất và đưa chúng ta từ sinh đến tử. Giống như một mũi tên luôn bay về phía trước sau khi rời khỏi dây cung, thời gian tâm lý không bao giờ quay ngược trở lại. Chính tính không thể đảo ngược này của thời gian tâm lý là thủ phạm gây ra nỗi ám ảnh của chúng ta về cái chết. Tất cả mọi người đều biết rằng mình sẽ đi từ cái nôi đến nấm mộ. Triết gia người Pháp, Henri Bergson, không chấp nhận quan niệm của Einstein theo đó thời gian chỉ là âo tưởng, không thực và không kéo dài. Theo ông, thời gian phải có một độ "dày". Chỉ có độ dày này của thời gian mới tương hợp với sự sống nội tại. Chỉ có sự kéo dài của thời gian mới cho phép tự do và sáng tạo, tiến bộ và mới mẻ, phát minh và thăng hoa trí tuệ. Triết gia người Đức, Edumnd Husserl, cũng đã nói về một "thời gian không thể nén được", và ý tưởng này đã được sinh học thần kinh hiện đại khẳng định. Phải chăng thời gian vật lý của Einstein là quá ư tất định và không mang tính con người? Nếu tất cả những gì sẽ xảy ra đều đã được quy định từ trước thì tự do ý chí và hy vọng của con người sẽ ra sao?
Matthieu: Ngay ý tưởng cho rằng "mọi thứ sẽ xảy ra đều đã được quyết định, là phi logic. Như chúng ta đã thấy, khi xem xét khái niệm về đấng sáng thế, nếu mọi chuyện đều đã được quyết định từ trước thì tất cả các nguyên nhân và điều kiện của tương lai đều đã phải hiện diện. Trong trường hợp này, không gì có thể ngăn cản chúng xuất hiện đồng thời. Còn nếu chúng chưa xuất hiện đầy đủ thì vẫn còn cái gì đó để viết.
Phật giáo sử dụng khái niệm thời gian tâm lý để chế ngự sự lo lắng về cái chết và tăng cường sự chuyên cần trong việc tu hành. Người xuất gia không bao giờ sống trong ám ảnh về cái chết, vì bằng cách liên tục suy ngẫm về nó, người đó đã chuẩn bị để bình tĩnh đón nhận nó khi thời điểm đến. Gampopa, nhà hiền triết Tây Tạng của thế kỉ XI, đã viết: "Lúc đầu, nên để cho nỗi sợ hãi về sự sinh tử đeo bám, giống như một con nai cố thoát khỏi bẫy. Đến nửa đường, cho dù có chết ngay, cũng không nên hối tiếc gì nữa, tựa như người nông dân đã cần cù trồng cấy trên thửa ruộng của mình. Đến cuối, phải sung sướng, tựa như một người nào đó đã hoàn thành một nhiệm vụ trọng đại của mình."
Một ẩn sĩ tối nào cũng lật úp chiếc cốc trước khi đi ngủ (ở Tây Tạng, người ta làm như vậy khi có ai đó chết), phòng trường hợp ông ta không thức dậy nữa. ông ta nghĩ rằng mỗi phút trôi qua sẽ càng đưa ông tiến lại gần tới cái chết hơn. Sau mỗi lần thở ra, ông cảm thấy thật sung sướng vì lại được hít vào. Trong Thơ gửi một người bạn, Nagarjuna viết:
"Dù đời bị cơn gió ngàn nỗi đau táp tới Như bọt bèo trên mặt nước bấp bênh, :
Thì thật diệu kỳ sau khi ngủ dậy, vẫn thở ra, hít vào cảm thấy nhẹ tênh "
Trong các cuốn Udanavarga, Đức Phật nói:
"Tất cả những gì tích lũy rồi cũng tiêu tan,
Và tất cả những gì dựng xây cuối cùng đổ hết,
Những gì hợp rồi cũng sẽ tan,
Và những cái sống cuối cùng sẽ mất trong cái chết "
Như vậy việc ý thức về sự trốn chạy không quay ngược lại của thời gian giống như chiếc đinh thúc kích thích sự chuyên cần của chúng ta. Padmasambhana, người đã đưa Phật giáo vào Tây Tạng, nói:
"Như dòng lũ đổ về biển cả,
Như Mặt trời, Mặt trăng lướt trên những đỉnh núi ngủ yên,
Như ngày và đêm, những phút giây trốn chạy,
Đời người cũng trôi đi, không thể níu kìm "
Đức Phật cũng sử dụng hình ảnh một lực sĩ tìm cách bắt 4 mũi tên đang bay, được bắn ra cùng một lúc bởi 4 dây cung và từ 4 hướng khác nhau. "Tuy nhiên, ngài nói, còn nhanh hơn nữa là sự trôi đi của thời gian và sự xích lại gần của cái chết". Như vậy, đối với một người tu hành, thời gian là thứ tài sản quý giá nhất, và không được lãng phí giây phút nào bằng sự thờ ơ của kẻ quên đi cái chết đang tới gần. Nhưng Phật giáo cũng nói thêm rằng mũi tên thời gian này là ảo giác, vì quá khứ và tương lai đều không hiện thực, còn hiện tại là cái không nắm bắt được.
Trở lại với thời gian vật lý, vì một thời điểm là không có độ kéo dài, nên tổng của nhiều thời điểm cũng không có độ kéo dài. Như vậy thời gian chỉ là một cái nhãn mà chúng ta dán cho tri giác của chúng ta về sự thay đổi. Nếu thời gian vật lý tồn tại một cách tuyệt đối thì nó phải liên tục, điều này có nghĩa là phải có một điểm tiếp xúc giữa quá khứ và hiện tại, và giữa hiện tại với tương lai.
Trịnh Xuân Thuận: Rất logic.
Matthieu: Thời điểm gặp gỡ giữa hiện tại và tương lai sẽ là một điểm không có độ kéo dài. Nhưng làm thế nào mà thời điểm vừa mới trôi qua và thời điểm hiện tại lại có thể có một cái gì đó chung?
Nếu trường hợp đó xảy ra, thì hoặc là thời điểm hiện tại sẽ trở thành quá khứ, hoặc là thời điểm quá khứ sẽ trở thành hiện tại. Tương tự, nếu thời điểm hiện tại có thể có một điểm tiếp xúc với thời điểm tương lai, thì hoặc thời điểm hiện tại sẽ trở thành tương lai, hoặc thời điểm tương lai sẽ trở thành hiện tại. Ngay khi đó, lần lần, một số vô hạn các thời điểm đã trôi qua và sắp tới có thể hòa lẫn với thời điểm hiện tại.
Trịnh Xuân Thuận: Người ta cũng đã tìm thấy một lập luận tương tự ở Aristote trong cuốn Vật lý: "Nếu trước và sau cả hai đều ở trong một và chỉ một thời điểm, thì khi đó sẽ ra sao nếu điều xảy ra cách đây 10 nghìn năm lại đồng thời với cái hiện đang xảy ra?"
Nhưng tôi xin nhắc lại với ông rằng, theo một số nhà sinh học thần kinh như Varela, thì thời điểm, hay bây giờ, không phải là không có độ kéo dài. Độ kéo dài của nó chí ít cũng không thể ngắn hơn vài chục phần nghìn giây, thời gian tối thiểu cần thiết để các nơron hoàn thành các nhiệm vụ của chúng.
Matthieu: Lập luận mà tôi đã nêu không liên quan đến thời gian sinh lý và chủ quan, nhưng nó phá vỡ sự gắn bó với quan niệm về một thời gian được coi là một "thực thể chuyển động". Nếu sự trôi của thời gian là không thể nắm bắt được trong thời điểm hiện tại vốn vựơt ra ngoài khái niệm chuyển động thì dưới góc độ chân lý tương đối, làm thế nào người ta có thể chuyển từ hiện tại sang tương lai? Trong cuốn Abhidharma-kosha, Vasubandhu viết: "Do sự phá hủy ngay lập tức của thời điểm nên không có chuyển động thực, nhưng sự sản sinh ra các thời điểm là không ngừng".
Trịnh Xuân Thuận: Khái niệm này về thời gian liệu có giống với quan niệm của Einstein về một thời gian không trôi không? Trong thuyết tương đối, thời gian vật lý hiện hữu đó, bất động và tĩnh. Không-thời gian cũng hiện hữu đó trong tính tổng thể của nó, chứa tất cả các sự kiện từ khi vũ trụ ra đời đến khi kết thúc.
Matthieu: Không, thời gian không hiện hữu đó, bất động và tĩnh, bởi vì nó không có thực tại ! Không-thời gian của Einstein không thể được coi là tuyệt đối. Lại một lần nữa, đó cũng chỉ là một quy ước. Bản chất tuyệt đối của thời gian là sự trống rỗng của nó, là sự không tồn tại độc lập của nó. Người ta gọi đó là "mặt thứ tư của thời gian, vựơt lên trên ba mặt khác" (là quá khứ, hiện tại và tương lai). Thời gian thứ tư này đôi khi bị đồng hóa với thời điểm hiện tại, thời điểm mà về bản chất vốn vựơt ra ngoài khái niệm độ kéo dài. Trên phương diện thiền định, về mặt nội tại mà nói, thì dừng lâu trong "sự tươi mới của thời điểm hiện tại" giúp ta nhận ra bản chất trống rỗng và sáng tỏ của tinh thần và sự trong suất của thế giới các hiện tượng. Bản chất này là bất biến, không phải theo nghĩa nó là một dạng thực thể vĩnh hằng, mà bởi vì nó là một kiểu tồn tại đích thực của tinh thần và các hiện tượng, vựơt ra ngoài các khái niệm đi và đến, tồn tại và không tồn tại, một và vô số, bắt đầu và kết thúc.
Trịnh Xuân Thuận: Người ta lại tìm thấy tiếng vọng của khái niệm này trong lời của Boèce: "Cái bây giờ trôi qua tạo nên thời gian, cái bây giờ đang dừng lại tạo nên vĩnh cửu .
Theo Kant, thời gian không thể tách rời khỏi sự vận động của tư duy tri giác nó. Ông cho rằng thời gian cho phép sự kế tiếp của các sự kiện, trong khi không gian làm cho tính đồng thời của chúng trở nên có thể. Nhưng, cũng giống như Newton, ông coi thời gian và không gian là tách biệt nhau. Điều này không trùng hợp với sự liên kết lẫn nhau giữa không gian và thời gian mà Einstein đã phát hiện ra. Tôi nghĩ hình như Phật giáo cũng coi thời gian và không gian như các thực thể tách biệt? "
Matthieu: Không đúng, bởi vì Phật giáo cũng bác bỏ quan niệm về không gian như là một thực thể có thật. Không gian cũng như thời gian đều có liên quan với trải nghiệm của chúng ta về chúng trong các khuôn khổ quy chiếu vật lý cụ thể. Nếu ta xét một vùng không gian nào đó, bất kể to nhỏ thế nào, thì không gian này có gì khác hơn là một khái niệm. Không gian không thể bị giản lược thành một trong các bộ phận của nó và cũng không thể được xem xét một cách độc lập với các bộ phận của nó. Nếu thực thể "không gian" tương ứng với tổng thể các bộ phận của nó (nếu là quảng tính thì nó phải có các phần hoặc các vùng) thì để xâm nhập vào thực thể này, cần phải xâm nhập vào tất cả các bộ phận của nó một cách đồng thời, mà điều này là không thể. Như vậy, thực thể "không gian" cũng chỉ là một cái nhãn tinh thần, không có sự tồn tại độc lập.
Trịnh Xuân Thuận: Quay trở lại với "mũi tên thời gian", tôi phải nói rõ là ở cấp độ dưới nguyên tử, thời gian không còn mang tính một chiều nữa. Trong thế giới các hạt cơ bản, mũi tên thời gian biến mất và thời gian có thể trôi theo hai hướng. Hai electron đi đến gặp nhau, va chạm với nhau rồi bay ra xa nhau. Nếu chúng ta đảo ngược trình tự các sự kiện trong thời gian, thì chúng ta cũng vẫn có hai electron đi đến gặp nhau, va chạm với nhau và bay ra xa nhau. Hai dãy sự kiện này giống hệt nhau. Những định luật vật lý mô tả các sự kiện này cũng không mang trong chúng dấu vết của một hướng thời gian cụ thể nào. Cuốn phim về thế giới các hạt cơ bản có thể được chiếu theo cả hai chiều .
Matthieu: Nếu ở cấp độ các hạt, thời gian không có một hướng tuyệt đối, thì làm sao ở cấp độ vĩ mô, nó có thể "tồn tại" ở ngoài đầu óc của chúng ta?
Trịnh Xuân Thuận: Như tôi đã nói, Einstein đã nghĩ rằng thời gian chỉ là ảo giác. Bằng cách phá bỏ quan niệm về tính phổ quát của thời gian, ông đã xoá bỏ sự tách biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. ông hy vọng bằng cách đó sẽ loại bỏ được khái niệm về tính bất thuận nghịch trong vật lý. Nhưng mũi tên thời gian vẫn tiếp tục xuất hiện trong các bối cảnh khác, kể cả trong thế giới dưới nguyên tử của cơ học lượng tử , và càng rõ ràng hơn trong thế giới vĩ mô. Hoàn toàn giống như có mũi tên tâm lý bay về phía trước, cũng có một mũi tên nhiệt động học chỉ bay theo một hướng. Mũi tên này dựa trên nguyên lý thứ hai của nhiệt động học nói rằng tất cả đều có xu hướng tiến tới hỗn loạn. Entropy, một thước đo mức độ hỗn loạn của vũ trụ, không bao giờ có thể giảm. Chúng ta thấy những biểu hiện của sự tăng mức độ hỗn loạn này khi quan sát một cục nước đá tan ra dưới sức nóng của ánh sáng Mặt trời, hay những viên đá của một tòa lâu đài cổ đổ nát. Trong hai trường hợp này, trạng thái bắt đầu có tổ chức hơn trạng thái cuối cùng. Cục nước đá với cấu trúc tinh thể của nó trật tự hơn là lớp nước mà cục đá tan ra. Tính trật tự của tòa lâu đài ở thời kỳ hoàng kim của nó vựơt xa tính trật tự của những đống đá lộn xộn, không ra hình thù gì, dấu vết đổ nát của tòa lâu đài. Tương tự như việc chuyển từ quá khứ sang tương lai quyết định chiều của thời gian tâm lý, việc chuyển từ trật tự sang hỗn loạn quyết định chiều của thời gian nhiệt động học. Phật giáo nói về vô thường, nhưng Phật giáo có tính đến một hướng nào cho sự thay đổi đó không?
Matthieu: Chắc chắn là Phật giáo có ý thức về chiều này của thời gian quy ước. Sự vô thường tinh tế của các hiện tượng gần tương đương với khái niệm entropy: nếu một ngôi nhà cũ đi và cuối cùng sụp đổ thì theo kinh Phật, đó là bởi vì không có bất kỳ hiện tượng nào, dù đó là hạt nhỏ bé nhất, tồn tại y nguyên mãi mãi, mà đã mang trong lòng nó mầm mống của sự phá hủy.
Trịnh Xuân Thuận: Dưới góc độ vật lý, mũi tên nhiệt động học này vào năm 1854 đã khiến nhà vật lý người Đức Hermann von Helmholtz phải kêu lên thất vọng: "Vũ trụ đang tiến gần đến ngày tận thế!". Theo ông, việc entropy tăng luôn đi kèm theo mọi quá trình tự nhiên sẽ làm cho mọi hoạt động sáng tạo bên trong vũ trụ phải dừng lại. Các cấu trúc của vũ trụ (như hành tinh, sao, thiên hà...), những sáng tạo của thiên tài con người (như các vở opera của Mozart, các bức tranh của Monet...) sẽ bị chôn vùi dưới các mảnh vụn của một vũ trụ không cách nào tránh khỏi sụp đổ.
Nếu nguyên lý thứ hai của nhiệt động học dứt khoát sẽ dẫn đến sự sụp đổ và cái chết của vũ trụ, thì làm sao có thể hiểu được rằng chúng ta lại không sống trong một vũ trụ hoàn toàn hỗn độn? Làm sao có thể giải thích được tính tổ chức và sự hài hòa của vũ trụ? Làm thế nào vũ trụ có thể leo dần những nấc thang của hình tháp của sự phức tạp? Làm thế nào mà xuất phát từ một chân không đầy năng lượng, Vũ trụ lại có thể sinh ra các hạt cơ bản, các thiên hà, các ngôi sao và các hành tinh, cũng như sự sống và ý thức? Liệu nguyên lý thứ hai của nhiệt động học có bị vi phạm ở một số nơi của vũ trụ không? Câu trả lời cho câu hỏi cuối cùng là không. Nhiệt động học không cấm những vùng có tổ chức và trật tự xuất hiện trong vũ trụ, với điều kiện là sự gia tăng trật tự có tính địa phương này phải đi đôi với sự xuất hiện một hỗn độn lớn hơn ở nơi khác. Hãy trở lại với ví dụ về tòa lâu đài bị đổ nát. Một nhóm công nhân có thể xây lại tòa lâu đài đó, nhưng để hoàn thành công việc này, họ phải ăn uống, và như vậy, họ sẽ chuyển hóa năng lượng trật tự (thức ăn) thành năng lượng nhiệt hỗn độn mà cơ thể họ thải ra. Kết cục là hỗn độn được những người công nhân sinh ra lớn hơn trật tự là kết quả của sự xây dựng lại tòa lâu đài. Như vậy, nguyên lý thứ hai của nhiệt động học vẫn được tuân thủ.
Mũi tên thời gian nhiệt động học gắn liền với mũi tên thời gian vũ trụ học dựa trên sự giãn nở của vũ trụ. Thời gian càng trôi và các thiên hà càng rời xa nhau, vũ trụ càng lạnh đi, rộng ra và mật độ giảm. Ở 3 phút đầu tiên, nhiệt độ của vũ trụ lên đến hàng triệu độ Sau 15 tỷ năm tiến hóa, nhiệt độ của vũ trụ giảm xuống còn 27o C- đó nhiệt độ của bức xạ còn sót lại từ Big Bang. Bên trong cái giá lạnh cực kỳ này, các ngôi sao tạo thành các nguồn nhiệt và năng lượng nhờ các phản ứng hạt nhân xảy ra ở tâm của chúng được đốt nóng tới nhiệt độ hàng triệu độ. Sự giảm mức độ hỗn độn sinh ra bởi sự xuất hiện các cấu trúc phức tạp như các thiên hà, các vì sao và các hành tinh phần lớn được bù lại bằng sự hỗn độn tạo thành từ nhiệt mà các ngôi sao phát ra không gian. Một lần nữa, nguyên lý thứ hai của nhiệt động học lại được bảo đảm. Như vậy, các mũi tên vũ trụ học và nhiệt động học gắn bó chặt chẽ với nhau.
Các vấn đề liên quan đến chiều của thời gian còn xa mới giải quyết xong và vẫn bị một lớp sương mù dày bao phủ. Nếu một ngày nào đó, vũ trụ đạt đến một bán kính tối đa và bắt đầu co sập lại, thì chiều của thời gian nhiệt động học vốn gắn liền với sự giãn nở của vũ trụ liệu có bị đảo ngược lại trong một vũ trụ co lại hay không? Đống đá lộn xộn liệu có thể tự phắt biến thành tòa lâu đài lộng lẫy trước kia? Và thời gian tâm lý liệu cũng có trôi ngược lại hay không? Thực tế, nếu giả thiết cuối cùng là đúng thì các co giãn của vũ trụ đang co lại vẫn cứ nghĩ là mình đang ở trong một vũ trụ giãn nở, vì các quá trình trong bộ não của họ cũng bị đảo ngược lại. Như vậy vấn đề sự quay ngược chiều của thời gian không thực sự đặt ra cho chúng ta, ngoại trừ như một trò chơi của trí tuệ...
Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018
Chuong 9: Nhung van de ve thoi gian
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét