Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Giai Thoai va Hoi Uc



S. N. Goenka và Những tác giả khác

Những đoạn sau đây được trích từ Vipassana Journal (India, 1985) trong chương "Reminiscenses," trang 21-22

Sau cuộc quốc hữu hóa thương mại và kỹ nghệ ở Miến Điện, nhiều cư dân Ấn Độ ở đó không có phương tiện sinh nhai, và do đó phải trở về quê hương. Lúc rời Miến Điện họ bị cấm không được mang theo đồ quý giá. Tuy vậy, để tránh bị mất hết của cải, nhiều người hồi hương mang lậu những đồ quý, đặc biệt dưới dạng đá quý – kim cương và hột xoàn rất nổi tiếng ở Miến Điện. Để ngăn chặn sự chuyển lậu này, thanh tra quan thuế Miến Điện tự nhiên chú trọng đặc biệt đến người hồi hương Ấn Độ.

Khi tôi sắp sửa đi Ấn ở phi trường Rangoon, tôi đi qua quầy xuất nhập cảnh và quan thuế. Viên chức ở đó rất thân thiện và đùa cợt hỏi tôi có mang theo đồ quý giá nào không. "Có" tôi trả lời, "Tôi mang theo một châu báu". Mặc dù thân thiện với tôi, viên chức đó trở nên lo lắng vì ông ta là người lương thiện, không xao lãng nhiệm vụ. Do đó, ông ta lục soát rất kỹ hành lý của tôi nhưng không tìm thấy gì. Tôi quan sát ông ta để giải trí. Sau cùng, tôi giải thích cho người đang lo âu này: "Này ông bạn, viên ngọc quý mà tôi mang theo là để trả món nợ mà Miến Điện đã nợ Ấn Độ. Thoạt tiên viên ngọc này đến từ Ấn Độ, và ngày nay nó đang rất cần ở đó. Bằng cách lấy nó ở đây, Miến Điện sẽ không nghèo hơn. Tôi đang mang viên ngọc Dhamma."

Ông ta cười lớn và nói: "Xin ông cứ đi – mang theo viên ngọc với ông! Tôi rất vui mừng là ông sẽ dùng nó để trả món nợ này." Và đây là những gì tôi làm, mang Dhamma trở về Ấn Độ, làm tròn ước nguyện của Thầy tôi. Từ thông tin của những bạn của tôi ở Miến Điện, viên chức đó luôn luôn vui mừng khi nghe được những thành quả của những gì tôi làm ở đây.



Hồi Ức

Bài sau đây của một thiền sinh tham dự khóa thiền đầu tiên của Thiền sư Goenka ở phương Tây.

Tháng 7 năm 1979: Khóa thiền đầu tiên của Goenkaji tại Gailon, Pháp. Một kỷ niệm tuyệt vời làm sao. Trước tiên, một địa điểm tráng lệ và thời tiết tuyệt hảo. Nhưng trên hết, tại một trang trại trang bị sơ sài, một sự khám phá tuyệt vời- như hai cộng với hai là bốn – về Anapana và rồi đến Vipassana, do người này giảng dạy, một người vừa giản di lại cũng rất nghiêm nghị. Chúng tôi gồm khoảng 60 người. Chúng tôi đều mới lạ đối với phương pháp nhưng cũng đầy thiện ý.

Khi thiền sinh tới ngồi trước mặt Goenkaji, tôi có thể nghe những câu hỏi của họ và câu trả lời của thiền sư. Ví dụ, một bà nói: "Trong lần ngồi vừa qua tôi bị đau ở tim. Nó đau nhói khiến tôi nghĩ mình sẽ chết." Goenkaji trả lời: "Bây giờ còn đau không?" "Dạ hết rồi" "Tốt," thiền sư nói. Bà ta có vẻ sững sờ bởi câu trả lời này. Thấy vậy thiền sư hỏi thêm: "Tại sao thế? Bà có muốn cơn đau tiếp tục không?"

Tôi đã sống rất căng trong mười ngày này, trải nghiệm đau đớn, nước mắt, chán nản, hân hoan, yên tĩnh sâu trong nội tâm, và những giây phút thật hạnh phúc. Lúc ấy tôi được 62 tuổi. Khi còn trẻ tôi là một tu sĩ Trappist trong 13 năm. Khi khóa thiền chấm dứt tôi nói với chính tôi: "Thiền sư Goenka dạy tôi trong 10 ngày những gì mà Trappist dạy tôi trong 13 năm!"

Qua nhiều năm, một số chúng tôi chia cuộc sống của mình giữa nhà, gia đình, làm việc ở phương Tây và Dhamma ở Ấn Độ. Dĩ nhiên là có những sinh hoạt về thiền khắp thế giới, nhưng nó thiếu sự thúc đẩy bởi sự hiện diện của Goenkaji. Chuyến viếng thăm đầu tiên của thiền sư có vẻ như là một sự khởi đầu mới, khi bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.

Thiền sinh được cảnh báo là không được tạo ra cảnh hỗn loạn bằng cách tụ tập đông đảo ở phi trường để tiễn đưa hay đón tiếp thiền sư. Ngài không muốn tạo sự chú ý không cần thiết. Nhưng vẫn hồi hộp khi thấy ngài đến Paris - lần đầu tiên tôi thấy ngài mặc đồ vét – đi kèm là Mataji (vợ ngài) dĩ nhiên là mặc váy sari. Ngài cười rạng rỡ, hăng hái bắt đầu giai đoạn mới trong sứ mệnh của ngài.

Tôi đã phục vụ những khóa thiền ở Dhamma Giri và biết chút ít tiếng Pháp, bởi vậy tôi xin được phục vụ trong khóa thiền đầu tiên ở Pháp. Tôi bắt đầu bằng cách làm công việc mà quản lý khóa thiền thường làm: làm bảng chỉ dẫn, rung chuông cho buổi thiền chung. Tôi ngạc nhiên khi việc này gây ra phản ứng khá mạnh, có ngày, ai đó đem giấu cái chuông. Nhiều thành viên của Hiệp Hội Yoga rõ ràng là tham dự dự khóa thiền mà hoàn toàn không biết gì cả. Họ tưởng là cuộc nghỉ hè thong thả với những bạn bè cùng với một vài lớp thiền. Họ hoàn toàn không chuẩn bị cho khía cạnh căn bản của thiền Vipassana là sự im lặng, cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, hay phải ngồi thiền chung đều đặn. Tôi liên tục chạy tới báo cho thiền sư Goenka về sự vi phạm kỷ luật mới. Vi phạm càng nhiều tôi càng bực mình hơn.

Trong những ngày đó, Goenkaji thường luân phiên giảng pháp thoại bằng tiếng Ấn trong một khóa rồi bằng tiếng Anh trong khóa tiếp theo. Thiền sinh trong khóa tiếng Ấn hầu hết là người Ấn, còn khóa tiếng Anh toàn là người phương Tây. Rất dễ để thấy kỷ luật trong khóa tiếng Ấn lơi lỏng hơn khóa tiếng Anh; đây đơn thuần chỉ vì sự khác biệt văn hóa mà chúng tôi phải chấp nhận một cách vui vẻ.

Bây giờ ở Pháp, thiền sư Goenka nhắc nhở tôi điều này. "Cứ coi như đây là một khóa tiếng Ấn." Đối với ngài sự quan trọng là gieo trồng hạt giống Dhamma hơn là việc phải tuân theo mọi điều lệ.

Mỗi buổi chiều trong khóa thiền ở Montreal, người quản lý báo cáo cho Goenkaji biết diễn tiến trong ngày. Ngài rất hứng khởi, rất hài lòng về khóa thiền, và kể nhiều chuyện và hồi ức. Sự khởi đầu mới ở phương Tây chắc làm ngài nhớ lại những ngày đầu tiên ở Ấn Độ, và ngài hồi tưởng về chúng. Trong những khóa thiền đó, khi ngài U Ba Khin còn sống, Goenkaji thường báo cáo chi tiết về mỗi khóa thiền cho vị Thầy và sự tiến bộ của từng thiền sinh. Sayagyi rất vui vì nhiều người tới tham dự khóa thiền. Một trong những khóa thiền đầu tiên có 37 thiền sinh. Như Goenkaji nói với chúng tôi, Sayagyi rất hài lòng và nói: "Một con số tuyệt vời. 37 người cho 37 yếu tố giác ngộ." Khi có khóa thiền 100 thiền sinh đầu tiên, ngài còn vui hơn nữa và nói cho mọi khách viếng trung tâm của ngài ở Rangoon. Đối với ngài, có vẻ như giờ của Vipassana đã thực sự điểm. Ngài sẽ vui biết chừng nào, khi thấy hàng ngàn người khắp thế giới bây giờ đã tới để học Vipassana.

Khóa thiền vào năm 1979 ở Montreal là khóa thiền của tôi với Goenkaji. Tôi bay 3.000 dặm để tham dự. Trường học nơi khóa thiền được tổ chức thuộc một quận nghèo nàn ở ngoại ô. Sân đi bách bộ rộng bằng ba chỗ đậu xe trong nhà. Một hàng rào bằng lưới mắt cáo sát đường. Đi bộ trong đó cảm thấy như bị nhốt trong một cái chuồng nhỏ. Những người hàng xóm thường đứng gần hàng rào để quan sát chúng tôi đi bộ. Không một thiền sinh nào nói chuyện – tôi cảm thấy mình như là khỉ trong sở thú. Mọi vật dụng đều dành cho trẻ em: vòi nước uống cao nửa mét, ghế nhỏ xíu, cầu tiêu và bồn rửa mặt dành cho người cao một mét. Thiền đường là phòng tập thể dục với hệ thống thông hơi bế tắc. Trời nóng gay gắt, có người ngồi cùng một hàng với tôi ở phía sau bất tỉnh. Hằng ngày chúng tôi đều nghe như nhau, những đứa trẻ ở hàng xóm rồ máy xe làm bánh xe kêu ken két. Một ngày giữa khóa, ngày sáu hay bảy khi thiền sinh thư giãn hơn, trong giờ nghỉ, thiền đường im lặng, chúng tôi có thể nghe rõ ràng ai đó nhảy vào xe, dập cửa xe, phóng ra, thắng gấp rồi tông vào thùng đựng rác làm nó lăn xuống đường. Thiền đường nổ tung bằng những tràng cười lớn.

Chỉ có hai lần trong suốt 11 năm hành thiền tôi cần phải gặp thiền sư để được hướng dẫn. Một lần xảy ra trong khóa thiền này. Tôi cảm thấy thịnh nộ dữ dội. Tôi sôi sục với giận dữ; trong tâm, tôi đang ám sát người. Tôi không biết phải làm gì – tôi nghĩ đáng lẽ thiền phải làm cho mình được bình an. Tôi tới gặp Goenkaji. Ngài đang ngồi chéo chân trên ghế. Tôi vui được thấy ngài bình dị. Ngài cười lắng nghe và cười lớn và nói, "Đúng , đúng, đúng. Điều này cho thấy phương pháp công hiệu một cách toàn hảo. Con có thể có những giấc mơ dữ dội." Ngài nói đúng. Tôi có những giấc mơ dữ dội, và vì thành quả của khóa thiền, sankhara đặc biệt đó về sự giận dữ mất đi. Tôi vẫn còn những khó khăn khác, nhưng tôi không bao giờ còn điều như thế xảy ra trở lại. Tôi đã thanh lọc được rất nhiều, nhưng tôi không nhận ra vào lúc đó. Một mảng lớn của chấn động tâm lý vừa ngừng xảy ra. Nhìn lại, tôi thấy khóa thiền chữa trị cho tôi rất nhiều.

Một vài người bạn tôi từ bờ biển miền tây bay sang Montreal để tham dự khóa thiền đầu tiên của Goenkaji. Montreal và vị thiền sư này từ Ấn Độ có vẻ xa lạ đối với tôi. Khi những người bạn trở về, một người nói: "Goenka là một thương gia. Khi tôi tham vấn, ngài nói thẳng vào vấn đề, không để tôi nói lòng vòng về triết lý. Vì tôi cũng là một thương gia, điều này làm tôi hấp dẫn." Một người bạn khác nói: "Đây là một bước có ý nghĩa nhất mà tôi đã làm. Tôi nghĩ bạn nên thử." Người khác cảnh cáo: "Kỷ luật rất là khắt khe." Điều này làm tôi sợ hãi, và tôi đã ghi tên tham dự khóa thiền ở California năm tới. Nhưng tôi đi và ngồi trọn khóa một cách vui vẻ. Thay vì là rào cản như tôi đã lo âu, kỷ luật nghiêm ngặt đã hỗ trợ rất nhiều. Nó giúp tôi có thể hành thiền sâu. Tôi đã ngồi hằng ngày từ sau khóa thiền đó. Thật là một phép lạ khi nghĩ đến những khóa thiền đầu tiên ở phương Tây một thập niên trước, để nhớ lại Dhamma đến nay đã lan truyền nhanh chóng và rộng rãi như thế nào.

(Ấn Bản Quốc Tế - tháng 9, 1989)

Cửa Xả Lũ Dhamma Rộng Mở

S. N. Goenka

Sayagyi U Ba Khin, vị Thầy kính mến của tôi, tin tưởng mãnh liệt rằng 2.500 năm sau mahaparinnibbana (lần qua đời cuối cùng của những Bậc Giác Ngộ), thời kỳ Budhda-sasana (chu kỳ giáo huấn) một lần nữa sẽ nảy sinh trở lại tại mảnh đất nó ra đời, và từ đó lan rộng khắp thế giới vì sự lợi lạc vô bờ bến của nhân loại.

Dhamma sẽ nảy sinh trở lại với sự thực hành Vipassana. Vipassana đã bị mai một ở Ấn Độ hàng ngàn năm qua. Nhưng Dhamma đã được bảo tồn trong trạng thái tinh khiết ban sơ ở Miến Điện.

Gần cuối thời kỳ 2.500 năm này, Hội Nghị lịch sử thứ sáu được tổ chức tại Yangon từ năm 1954 tới 1956. Trong thời kỳ này, từ ngày 1 đến ngày 11 tháng chín, 1955, tôi được tái sinh trong Dhamma. Tôi tham dự khóa thiền Vipassana đầu tiên.

Sau khi hưởng được vô cùng lợi lạc trong 14 năm, Vipassana trở về Ấn Độ vào ngày 22 tháng sáu năm 1969 với sự chúc lành của Thầy tôi. Một quãng thời gian khoảng 2.000 năm đã qua. Mặc dù sự tự nghi ngờ về khả năng tự thân của tôi, Dhamma bắt đầu bám rễ ở Ấn Độ.

Tôi chỉ là người trung gian. Dhamma tự vận hành. "Đồng hồ Vipassana đã điểm," Sayagyi thường nói. "Vào lúc này, nhiều người với đầy paramita đã ra đời ở Ấn Độ và những quốc gia khác trên thế giới. Tiếng kêu của đồng hồ Vipassana sẽ thu hút những người này đến với Dhamma."

Như đã xảy ra, vô số người từ những quốc gia, tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau bắt đầu tham dự những khóa thiền. Những nhà lãnh đạo của những tôn giáo khác nhau cũng tham dự. Tất cả những người này đều chấp nhận phương pháp này như của chính họ; không một ai cảm thấy xa lạ.

Những khóa thiền đầu tiên này được giảng dạy bằng tiếng Ấn vì hầu hết đều được tổ chức tại Bắc Ấn. Vài tháng sau đó, một số ít người phương Tây cũng bắt đầu tham dự những khóa này.

Sau khi giảng pháp bằng tiếng Ấn, tôi thường giảng pháp và lời hướng dẫn trong năm hay mười phút cho những người phương Tây. Những thiền sinh này luyện tập rất nghiêm túc và lời hướng dẫn ngắn ngủi này cũng đủ cho họ đạt được những thành quả tốt không ngờ.

Dần dần những lời khen ngợi Vipassana lan truyền trong số những du khách phương Tây. Một năm sau, một nhóm du khách ở Dalhousie thỉnh cầu tôi tới đó để dạy một khóa thiền dành riêng cho họ.

Thật khó cho tôi. Trọn khóa thiền phải được giảng dạy bằng Anh ngữ. Chỉ nói vài câu bằng Anh ngữ để hướng dẫn và làm cho họ hiểu rõ thì rất giản dị. Nhưng giảng pháp dài một tiếng đồng hồ thông suốt bằng tiếng Anh, hay hướng dẫn cách tu tập cho hấp dẫn suốt ngày, như bằng tiếng Ấn, đối với tôi là điều bất khả thi.

Lúc còn ở Rangoon, tôi thường đọc diễn văn dựa vào bài viết sẵn khi tôi diễn thuyết bằng tiếng Anh khi làm Chủ Tịch Phòng Công Thương, hay ở bất cứ sự kiện quan trọng nào cho công chúng. Tôi không có khả năng hay kinh nghiệm giảng bằng tiếng Anh mà không đọc từ bản viết.

Và trong khóa thiền, tôi phải giảng bằng tiếng Anh, dùng những từ tương đương với truyền thống tâm linh ấn Độ, còn khó khăn nhiều hơn nữa cho tôi.

Do đó tôi giải thích cho họ về sự thiếu khả năng của tôi trong việc hướng dẫn khóa thiền bằng tiếng Anh và khuyên họ tiếp tục tham dự những khóa bằng tiếng Ấn từng nhóm ít người. Họ trình bày rằng trong khi những thiền sinhh người Ấn đạt được rất nhiều lợi lạc từ những bài pháp thoại và hướng dẫn đầy khích lệ, thì thiền sinh nước ngoài bị thiệt thòi, không được nhiều lợi lạc. Mặt khác họ tin rằng tôi biết đủ tiếng Anh để hướng dẫn khóa thiền.

Khi tôi vẫn từ chối, họ liên lạc với Sayagyi và phàn nàn với ngài về tôi. "Thưa Ngài, bên ngoài nước Miến, chỉ có một đại diện của Ngài giảng dạy phương pháp này và ông ta từ chối sự thỉnh nguyện của chúng tôi", họ nói với Ngài. "Chúng tôi phải đi đâu để học phương pháp này?"

Hơn nữa, trong thời kỳ đó, người ta không thể xin được chiếu khán Miến quá ba ngày. Do đó họ năn nỉ Sayagyi là Ngài phải ra lệnh cho tôi hướng dẫn khóa thiền bằng tiếng Anh.

Lúc đó tôi đang ở Bombay. Vị Thầy kính mến gọi điện thoại cho tôi và ra lệnh cho tôi phải đi Dalhousie để hướng dẫn khóa thiền đó. Ngài bảo tôi bằng sự nghiêm nghị đầy tình thương: "Con phải đi. Vốn liếng tiếng Anh của con cũng đủ rồi. Con sẽ thành công. Dhamma sẽ hỗ trợ con. Tất cả Metta của Thầy dành cho con." Sau khi nhận được sự cam kết chắc nịch như thế, tôi đi Dalhousie.

Tôi không có vấn đề gì khi đi Dalhousie. Thật ra, tôi nôn nóng để đi. Đây sẽ là khóa thiền đầu tiên của tôi trong lòng dãy Himalaya. Sayagyi thường nói: "Ai biết được đã bao lâu, trong bao nhiêu kiếp, chúng ta đã hành thiền trong những hang động yên tĩnh ở Himalaya." Đó là lý do tại sao khi tôi tới nơi, tôi cảm thấy sảng khoái. Sự nghi ngờ tự bản thân bắt đầu tan biến.

Khóa thiền bắt đầu. Trong hai ngày đầu, tôi cảm thấy ngạt thở mà không giải thích được trong lúc ngồi trên chỗ Dhamma. Vì vậy tôi không thể nói quá 15 phút trong buổi tối đầu tiên.

Trong buổi tối thứ hai, tôi phải phấn đấu để nói được 25 phút. Tôi lại cảm thấy ngạt thở, mặc dù tôi không tìm thấy nguyên do trên bề mặt của tâm. Tôi cảm thấy đó có lẽ vì phức cảm tự ti vì kém tiếng Anh tạo ra trở ngại tại tầng lớp sâu thẳm nhất.

Nhưng nguyên do thật ra vì chuyện khác. Đó là một khóa thiền nhỏ với 11 thiền sinh. Khóa thiền được tổ chức tại một ngôi nhà tên là Shanti Kutir. Những buổi thiền chung và pháp thoại trong một phòng nhỏ. Những thiền sinh mời tôi tới dạy ở trong phòng kế bên.

Trong ngày thứ ba, tôi cảm thấy những làn sóng bất tịnh, đối nghịch Dhamma rất mạnh bay ra từ phòng đó và làm ô nhiễm phòng thiền kế bên.

Một mặt, với những rung động thanh tịnh của dãy Hi Mã Lạp Sơn cùng với Metta mãnh liệt của vị Thầy kính mến của tôi, tôi không hiểu được cái gì đã gây ra những rung động đối nghịch Dhamma này.

Chiều hôm đó tôi đi vào phòng đó để kiểm tra thiền sinh, tôi sững sờ khi thấy một cái sọ người ở trên bàn. Gần đó là một kukri (dao cong của người Gurkhas) dính đầy máu.

Thiền sinh giải thích rằng anh ta là đệ tử của một tông phái thần bí. Ba đêm trước đây anh ta tới nơi hỏa thiêu, và giết một con thú bằng con dao này để tế thần. Đạo sư của anh ta nói rằng sự hành thiền của anh ta sẽ rất thành công nếu giữ cái sọ và con dao bên cạnh.

Bây giờ tôi đã hiểu nguyên do của những rung động bất tịnh, ngạt thở xâm nhập vào thiền đường. Tôi phải thuyết phục rất lâu anh ta mới chịu vất cái sọ và con dao đó vào một cái hang khá xa. Và chỉ như vậy, lực đối nghịch Dhamma mới được loại trừ khỏi Shanti Kutir.

Chiều hôm đó tôi ngồi thiền rất lâu trên chỗ của Dhamma. Giờ pháp thoại buổi tối gần kề, tôi thấy rằng toàn bộ môi trường được tẩy sạch bởi những đợt gió từ dãy Himalaya, đã trở nên thanh tịnh hơn với rung động Dhamma tràn đầy metta từ vị Thầy kính yêu.

Chỉ vài phút trước giờ pháp thoại, những rung động Dhamma tràn ngập người tôi từ đầu tới chân. Tôi bắt đầu pháp thoại và thấy rằng mình nói tiếng Anh thông thạo như nói tiếng Ấn. Tôi nói cả một tiếng.

Sau khi nghỉ năm phút, tôi giảng lời hướng dẫn cũng rất thông suốt. Tôi có thể thấy mọi thiền sinh, nam cũng như nữ, hành thiền rất sâu. Lúc 9 giờ tối, hết giờ thiền, nét mặt họ rạng rỡ. Tôi rất ngạc nhiên. Đó là do metta của Sayagyi đã cho tôi sức mạnh Dhamma để chuyển đổi cái có vẻ bất khả thi thành khả thi. Khóa thiền chưa từng có bằng tiếng Anh thành công mỹ mãn. Những gì Dhamma muốn đã xảy ra.

Sau sự kiện này, tất cả mọi khóa thiền đều là song ngữ. Hằng ngày, tôi giảng pháp tiếng Ấn vào buổi sáng và tiếng Anh vào buổi chiều. Lời hướng dẫn cũng bằng song ngữ.

Nhiều khóa thiền hơn với nhiều thiền sinh hơn được tổ chức. Số lượng thiền sinh nước ngoài tuần tự gia tăng. Trong những khóa thiền tại những địa điểm như Bodhgaya, Kushinagar, Varanasi và Rajagir thiền sinh hầu hết là người nước ngoài. Lời đồn lan rộng tới nhiều nước ở phương Tây. Nhiều nhóm người nước ngoài tới để học vipassana. Với những khóa thiền thường là kín chỗ, nhiều thiền sinh phải đợi tới khóa sau.

Chỉ trong vài năm, hàng ngàn thiền sinh từ khoảng 80 quốc gia đã tới để tham dự khóa thiền. Thiền sinh tới từ Tích Lan kề bên và Thái Lan. Thời điểm đã tới để lời tiên tri và ước nguyện Dhamma của Sayagyi trở thành sự thật.

Vipassana sẽ lan truyền khắp thế giới. Có lẽ đó là lý do tại sao tôi có thể hướng dẫn khóa thiền bằng tiếng Anh. Nếu không như vậy, Vipassana sẽ không thể lan truyền tới những người ở nước ngoài.

Tôi cảm thấy mãn nguyện. Cửa xả lũ của Dhamma đã mở và dòng sông Hằng Dhamma với vô lượng lợi lạc cũng trôi chảy tới những thiền sinh khắp thế giới bên ngoài ấn Độ.



THÀNH QUẢCỦA SACCA ADHITHANA

(Quyết tâm về sự chân thật)

Những ngày đầu phát triển Dhamma, hết năm này đến năm khác, tôi tiếp tục cống hiến những khóa thiền Vipassana trên khắp Ấn Độ. Thời gian qua đi, trong thời kỳ này, những trung tâm thiền Dhamma Giri, Dhamma Thali và Dhamma Khetta được thành lập.

Vào thời điểm này, số thiền sinh Tây phương đã gia tăng rất nhiều và họ rất kiên trì trong việc thỉnh cầu tôi dạy Dhamma ở xứ sở của họ. Nhưng tôi có thể làm gì được? Tôi không thể giúp vì hộ chiếu Miến Điện không cho phép tôi ra khỏi Ấn Độ. Ngay sự khẩn cầu của tôi đến tướng Ne Win cũng không hiệu quả. Cho nên một lần nữa, tôi liên hệ với người bạn thân của tôi là U Thi Han ở Yangoon, nhưng chính sách của chính phủ về việc cấp hộ chiếu không thay đổi trong những năm này. Ông khuyên tôi nên nương tựa vào Dhamma, và phát nguyện quyết tâm Dhamma mạnh mẽ (Dhamma Adhitthana). Đây là cách duy nhất còn lại để được thành công.

Sự thôi thúc từ phương Tây

Tôi nhận thấy Vipassana đã được củng cố vững mạnh ở Ấn Độ, nơi nó khởi nguồn. Đây là lúc cần thiết cho tôi tiến hành công việc làm tròn ý nguyện về Dhamma của Thiền sư U Ba Kin là truyền bá Dhamma ra khắp thế giới. Với mục đích này, tôi nghĩ là tôi phải đến được các nước khác để hoàn thành sứ mạng Dhamma.

Ngoài ra, một tình huống xảy ra gây nhiều nhầm lẫn tại những nước phương Tây khiến tôi càng thấy sự cấp bách cần phải đi đến đó để truyền dạy Dhamma trong sự tinh khiết ban sơ của nó, đúng như sự giảng dạy của Thầy tôi. Nguyên do là một số trong những thiền sinh người Mỹ đã tham dự vài khóa thiền Vipassana của tôi ở Ấn Độ, chưa thấm nhuần trong phương pháp, đã bắt đầu lập ra một trung tâm Vippassana ở Mỹ vì quá nhiệt tình.

Do sự non yếu của họ trong Dhamma, những thiền sinh này đã sai lầm khi ngưng sự chú trọng đến Sila, nền tảng quan trọng của Vipassana. Thứ hai, họ đã biến sự giảng dạy Dhamma thành một nghề nghiệp để mưu sinh, và điều này hoàn toàn trái ngược với truyền thống giảng dạy Dhamma tinh khiết. Thứ ba, họ đã bắt đầu pha trộn Vipassana với những phương pháp khác, và do đó đã làm ô nhiễm và giảm bớt sự tinh khiết của Dhamma. Biết tất cả những điều này, một sự thôi thúc cấp bách đã nảy sinh trong tâm, tôi thấy cần đi đến phương Tây để giảng dạy Dhamma trong sự tinh khiết ban sơ.

Cho dù trên thực tế, thủ tướng Miến Điện là bạn thân của tôi, nhưng ông cũng không thể cấp giấy phép cho tôi đi đến các quốc gia mà tôi muốn. Do đó, chỉ có cách duy nhất là tôi phải từ bỏ quốc tịch Miến Điện, chấp nhận quốc tịch Ấn Độ, và xin cấp hộ chiếu Ấn Độ. Chỉ như thế, tôi mới có thể đi đến bất kỳ quốc gia nào trên thế giới để giảng dạy Dhamma.

Tôi lưỡng lự vì lý do tình cảm. Trên thực tế, Ấn Độ là quê cha đất tổ của tôi và cũng là thánh địa của tất cả các Đức Phật. Do đó, tôi rất tôn kính và tự hào về đất nước này. Nhưng Miến Điện là quê hương nơi tôi sinh trưởng và chắc chắn có một sự tôn kính đặc biệt với Miến Điện trong tâm tôi.

Có một ngạn ngữ Sanskit nổi tiếng nói rằng: "Janani Janmabhumisca Svargadadi Gariyasi", vinh danh quê hương tốt hơn rất nhiều so với vinh danh những cảnh giới Phạm Thiên. Riêng với tôi, quê hương không những là nơi tôi được sinh ra một lần mà đến hai lần: lần đầu được sinh ra từ bào thai mẹ và lần thứ hai được sinh ra khỏi vô minh nhờ thực hành Vippassana.

Do đó, một mặt tôi bị dằn vặt về tình cảm không muốn bỏ quốc tịch Miến Điện, mặt khác, là tiếng gọi về bổn phận làm tròn tâm nguyện Dhamma của Thầy tôi.

Sự giằng co trong tâm trong vài ngày rồi cũng qua đi. Cuối cùng, tôi chấp nhận lời đề nghị của người bạn U Thi Ha và phát nguyện Dhamma sankappo với adhitthana của sacca kiriya (một quyết tâm mạnh mẽ trên nền tảng những lời nói chân thật) như sau:

"Bất kỳ những sự phục vụ Dhamma nào mà tôi hiến dâng cho tới bây giờ, hoàn toàn không vì lợi ích vị kỷ, mà chỉ được hiến dâng với tâm nguyện duy nhất là để giúp ích người khác. Tôi đã làm như vậy để làm tròn ước nguyện Dhamma của vị Thầy kính mến của tôi. Nguyện cho Thầy tôi trả được món nợ Dhamma nhận được từ Ấn Độ. Nguyện cho tôi trả được món nợ Dhamma mà tôi nhận được từ Thầy tôi. Chỉ duy nhất với tâm nguyện này, tôi đã hiến dâng sự phục vụ Dhamma. Đây là những lời của sự thật và với sức mạnh của những lời nói chân thật này, tôi dành sự quyết định cho Dhamma. Nếu Dhamma muốn tôi chỉ truyền bá Dhamma trong Ấn Độ thì nguyện cho tôi vẫn là công dân Miến Điện. Nếu Dhamma muốn tôi đi khắp thế giới để truyền bá Vipassana vào lúc kết thúc thời kỳ 10 năm phục vụ Dhamma ở Ấn Độ, nguyện cho tôi nhận được quốc tịch Ấn Độ."

Khi thời khắc cuối của thời kỳ 10 năm gần kề, tôi nộp đơn xin nhập quốc tịch Ấn Độ. Tôi làm với sự quyết tâm rằng nếu Dhamma muốn tôi đi khắp thế giới như một người Ấn Độ thì hãy để nó xảy ra.

Vào lúc đó, một ý nghĩ nảy sinh trong tôi rằng những giới hạn địa lý giữa các quốc gia chỉ đơn thuần vì mục đích chính trị và thương mại, Dhamma không thể có ranh giới địa lý. Chắc chắn là tôi không thay đổi quốc tịch vì bất kỳ lý do chính trị hay thương mại hay tài chính nào. Và ngay như nếu tôi chấp nhận quốc tịch Ấn Độ, tôi cũng tiếp tục cùng một công việc phục vụ Dhamma trên khắp thế giới. Quê hương Miến Điện và thánh địa Ấn Độ của tổ tiên đều đáng tôn kính trong việc truyền bá Dhamma. Một nước là nơi Dhamma khởi nguồn, nước kia là nơi Dhamma đã được bảo vệ trong sự thuần khiết tinh nguyên của nó. Nguyện cho cả hai nơi xứng đáng với niềm vinh hạnh này.

"Mục đích duy nhất của tôi là truyền bá Dhamma vì sự tốt lành và lợi ích của loài người đang đau khổ trên khắp thế giới. Tình yêu, lòng biết ơn và sự cảm kích của tôi đối với quê hương sẽ không giảm bớt chút nào vì việc thay đổi quốc tịch cho mục đích tốt lành này."

Những trở ngại phát sinh

Sau khi nộp đơn cho chính phủ Ấn Độ, tôi hoàn toàn tự tin là tôi sẽ nhận được quốc tịch rất nhanh. Nhưng kinh nghiệm cho tôi thấy, bất cứ khi nào thực hiện một bước quan trọng trên con đường truyền bá Dhamma, những trở ngại bất ngờ luôn xảy ra, nhưng chúng sẽ không tồn tại lâu dài. Sau này tôi được biết, đơn của tôi đang bị kẹt ở Cục tình báo của chính phủ Ấn Độ.

Tôi biết rất rõ những năm trước, Cục tình báo đã bắt đầu điều tra rất kỹ về tôi và những hoạt động liên quan đến tôi. Những thành viên trong gia đình tôi ở Ấn Độ, đặc biệt hai người anh và một người cháu, đã tham gia tích cực vào một tổ chức tên là Ananda Marga. Tổ chức này bị chính phủ Ấn Độ nghi ngờ có những hoạt động nhằm gia tăng quyền lực chính trị bằng đường lối bạo động. Trong những ngày diễn ra các cuộc bạo động lớn, cả hai người anh của tôi đã bị nhốt vài ngày. Vì thế, chính phủ đương nhiên nghi ngờ tôi cũng đang làm việc gián tiếp cho tổ chức Ananda Marga, trong khi hướng dẫn những khóa thiền dưới danh nghĩa của Vipassana.

Tôi biết rằng Cục tình báo Ấn Độ đã điều tra rất kỹ về những hoạt động của tôi và một vài viên chức chính phủ đã thẩm vấn tôi về vấn đề này. Một số người trong họ đã ngụy trang để tham gia khóa thiền 10 ngày. Một viên chức cấp cao tiết lộ là mật vụ sau khi hoàn tất một khóa thiền 10 ngày. Ông ta nói với tôi rằng ông ta có ấn tượng rất cao về việc phục vụ vô vị lợi của tôi và cũng tận mắt thấy phương pháp không tông phái này được truyền bá vì sự tốt lành của người khác như thế nào. Ông ta cho tôi biết, một số viên chức cấp dưới cũng đã điều tra và báo cáo với ông ta về công việc của tôi là không có một động cơ mờ ám nào. Bây giờ, đích thân ông ta quan sát và hoàn toàn được thuyết phục rằng, hoạt động của tôi không có một khuyết điểm nào và không có bất cứ một sự liên hệ nào với phong trào Ananda Marga.

Nhưng vào lúc nộp đơn xin quốc tịch Ấn tôi mới biết rằng hồ sơ của tôi đã không được chấp thuận ở Cục tình báo. Có lẽ những viên chức cấp cao ở cục tình báo muốn quan sát những hoạt động của tôi thêm một thời gian nữa. Hoặc bởi vì, cho dù tôi đã hoàn toàn ngưng mọi hoạt động thương mại, các con của tôi vẫn tiếp tục kinh doanh cùng với các thành viên trong gia đình, là những người theo tổ chức Ananda Marga. Có lẽ đây là lý do chính, tại sao họ muốn tiếp tục theo dõi những hoạt động của tôi thêm vài năm nữa.

Nhưng tuy gặp trở ngại, tôi vẫn tin chắc rằng vì Sacca Adhitthana mà tôi đã nguyện, tôi sẽ nhận được quốc tịch và hộ chiếu Ấn ngay sau thời kỳ 10 năm phục vụ đã hoàn tất. Tôi có thể tự do đi các nước để truyền dạy Dhamma.

Với sự tự tin rất cao, tôi bằng lòng cho các thiền sinh ở phương Tây lên lịch cho các khóa thiền Vipassana 10 ngày ở Gaillon, Pháp từ ngày 1 đến ngày 11 tháng 07; tại Plage, Pháp, từ ngày 14 đến 24 tháng 07; ở Montreal, ở Canada từ 26/07 đến 06/08; và sau đó ở Golalming, Anh từ 9 đến 20 tháng 08 và từ 21/08 đến 01/09. Như vậy, tôi đã hứa sẽ dạy 5 khóa thiền Vipassana ở phương Tây tại các địa điểm đã định trước.

Khó khăn lớn nhất là khóa thiền đầu tiên ở Gaillon, Pháp, nơi mà các thiền sinh đã đặt trước chỗ ở khách sạn rất đắt tiền và đã trả hết tiền thuê cơ sở vật chất để tổ chức khóa thiền. Hầu hết các thiền sinh đăng ký dự khóa thiền này đều thuộc những giai cấp rất cao trong xã hội. Một người trong số này đến từ Thụy Sĩ là một nhà ngoại giao. Tất cả đã thu xếp những ngày nghỉ của họ để tham dự khóa thiền. Nếu khóa thiền không thể tổ chức đúng theo lịch, những người tổ chức sẽ đối mặt với những khó khăn rất lớn.

Có thể làm gì được? Những thế lực chống đối Dhamma đã dựng nên những rào cản để ngăn chặn sự truyền bá Dhamma ra khắp thế giới. Chính phủ Miến Điện không thể cấp hộ chiếu vì chính sách khắt khe, và chính phủ Ấn Độ cũng không cấp quốc tịch cho tôi. Đơn của tôi đã bị mắc kẹt ở Delhi. Dường như không có chút hy vọng nào, niềm tin duy nhất mà tôi có là từ Dhamma Adhitthanamà tôi đã nguyện với nền tảng của sacca kiriya. Tôi tin chắc rằng những lực của Dhamma cuối cùng sẽ hỗ trợ.

Ngày 01/07 – ngày khóa thiền đầu tiên ở Pháp càng đến gần, ngày qua ngày, chỉ còn một tuần nữa. Nhưng dường như không có chút ánh sáng nào ở cuối đường hầm.

Không có khả năng nào để có được quốc tịch Ấn đúng hạn, và ngay cả khi có được quốc tịch, thì cũng không thể có được hộ chiếu đúng hạn. Có quá nhiều thủ tục phiền phức để xin được hộ chiếu. Có vẻ là tôi phải hủy bỏ khóa thiền đầu tiên ở Pháp dù biết rằng điều đó đem lại sự thất vọng lớn lao cho các thiền sinh của tôi, họ sẽ chịu gánh nặng lớn về sự mất mát tài chính. Và điều tệ hại nhất, họ sẽ mất niềm tin nơi tôi. Tôi thường nói với họ: "Hãy tin ở Thầy, khóa thiền sẽ được tổ chức đúng hạn". Nhưng giờ đây, có thể làm gì được? Trong tình huống như vậy, thời gian trôi qua rất nhanh.

Dhamma Adhithana của tôi là "Sau khi hoàn tất 10 năm phục vụ Dhamma ở Ấn Độ, nguyện cho tôi có cơ hội giảng dạy Dhamma các nơi khác ngoài Ấn Độ." Vào ngày 22 tháng 6 năm 1979, thời kỳ 10 năm đã hoàn tất.

Rồi ngày 23, 24, 25 và 26 cũng đã qua. Cảm giác tuyệt vọng ngày càng lớn, có lẽ Dhamma không muốn sử dụng tôi làm người trung gian để truyền bá Dhamma trên khắp thế giới. Xem nào, hãy để mặc cho Dhamma, hãy để mọi việc xảy ra theo ý của Dhamma. Nếu Dhamma muốn tôi giới hạn sự phục vụ chỉ ở Ấn Độ thì hãy để như vậy.

Trong tâm trạng này, ngày kế tiếp là ngày 27/06, tôi nhận một cú điện thoại, một cú sốc rất vui. Một viên chức chính phủ gọi điện nói rằng giấy chứng nhận quốc tịch cho vợ tôi, Ilaichi Goenka và tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi được yêu cầu đến gặp chánh án đô thị thuộc tòa án Esplanage ở Bombay để nhận. Ngày hôm sau, cả hai chúng tôi đến đó và nhận được chứng nhận quốc tịch một cách dễ dàng.

Trở ngại lớn lao trong việc truyền bá Dhamma khắp thế giới giờ đã qua, nhưng vẫn còn những khó khăn trong việc xin hộ chiếu, vì chỉ còn lại thời gian ngắn trong hai ngày là điều rất khó. Chúng tôi khó có thể đến Pháp đúng thời điểm tổ chức khóa thiền đầu tiên.

Cho đến hiện giờ, chúng tôi khó có thể xin được hộ chiếu, thậm chí nếu mọi việc diễn ra nhanh chóng, thì cũng cần đến 3-4 tuần mới xong. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn chưa sẵn sàng để hủy bỏ những khóa thiền ở Pháp. Tôi đã để mặc mọi thứ cho Dhamma lo liệu. "Chúng ta hãy xem Dhamma muốn gì và Dhamma muốn mọi việc diễn ra thế nào."

Ngay khi rời khỏi văn phòng chánh án với giấy chứng nhận công dân Ấn, chúng tôi đã thấy nhân viên du lịch đang đứng đợi. Ông ta cầm đơn xin hộ chiếu trong tay, yêu cầu chúng tôi điền thông tin vào và chúng tôi lập tức làm ngay tại chỗ. Tất nhiên chúng tôi rất vui vì đã có quốc tịch Ấn, nhưng vẫn còn băn khoăn liệu những khóa thiền ở Pháp có thể diễn ra hay không. Với những điều không thể ngờ trước, chúng tôi về nhà và nhận thêm một cú sốc dễ chịu khác. Nhân viên du lịch điện thoại nói rằng do chỉ thị từ cấp trên, hộ chiếu của chúng tôi sẽ được cấp vào ngày hôm sau.

Ngày 28 tháng 06, chúng tôi đã có hộ chiếu trong tay. Bây giờ, hy vọng hướng dẫn các khóa thiền ở Pháp đã gia tăng. Tuy nhiên, chúng tôi còn cần thị thực visa, mà lúc đó, đại sứ quán Pháp đã đóng cửa.

Ngày 29 tháng 06, chỉ còn một ngày nữa, và ngay cả nếu chúng tôi có visa Pháp, chúng tôi còn cần visa Anh và Canada. Và sau đó, còn rất nhiều thủ tục một công dân Ấn phải làm trước khi rời khỏi nước. Tất cả điều này sẽ hoàn tất chỉ trong một ngày thôi sao? Nhưng hãy nhìn xem, Dhamma thu xếp mọi việc như thế nào. Tất cả các cánh cửa khép kín, nay được mở ra như một phép lạ.

Trước khi hết ngày 29/06, chúng tôi đã có thị thực Pháp và hoàn tất mọi thủ tục cần thiết để rời khỏi Ấn Độ. Nhân viên du lịch nói rằng có thể chúng tôi không cần thị thực Anh và Canada, vì chúng tôi đã là công dân của các quốc gia trong khối thị trường chung, và ngay như nếu cần các thủ tục này, chúng tôi có thể xin cấp thị thực tại các đại sứ quán ở Paris.

Và thế là chúng tôi rời Bombay trong chuyến bay đêm vào ngày 29/06 và đến Paris ngày 30/06. Từ đó, chúng tôi đi xe đến Gaillon và khóa thiền diễn ra vào ngày 01/07, đúng như lịch trình đã ấn định.

Sau đó, hết khoá này đến khóa khác, tất cả các khóa thiền được tổ chức rất thành công. Với lòng tràn đầy mãn nguyện và lòng biết ơn Dhamma, chúng tôi trở về nhà.

Niềm tin vào Dhamma của tôi được vững mạnh bởi những sự kiện kỳ diệu này, và tôi tin rằng tôi chỉ là một người trung gian - chỉ có Dhamma đang hoạt động hữu hiệu. Dhamma phải chọn những người trung gian nào đó để hoàn thành công việc.

Dhamma hữu hiệu như thế nào?

Bí ẩn về việc chúng tôi nhận được giấy thông hành đúng lúc hé lộ khi chúng tôi biết rằng con trai của tôi, Murari và vợ là Vatsala đã thảo luận những khó khăn của tôi với ông Radha Shyam Murarka, người chú bên vợ của ông Mr. Hari Prasad, cha ruột của Vatsala.

Ông Murarka hứa với Murai và Vatsala là ông sẽ cố gắng giúp tôi. Tôi biết ông Murarka là nhân vật quan trọng trong quốc hội. Ông là đại biểu quốc hội trong nhiều năm và cũng là người được bầu làm trưởng ban Tài chính do chuyên môn của ông trong lãnh vực này. Ông là bạn thân của ông Shri Moraji Deasai, lúc đó là Thủ tướng Ấn Độ.

Dù biết tất cả những điều này, và lại biết một cách rõ ràng bộ máy chính quyền làm việc trì trệ ra sao, nên tôi không tin rằng ông có thể làm được gì để giúp chúng tôi trong hoàn cảnh này. Tuy nhiên, ông đã đem tất cả tình tiết trong sự việc của chúng tôi đi ngay đến Delhi để gặp Thủ tướng Shri Morarji Desai.

Ông Shri Morarji Desai ra lệnh lấy hồ sơ của chúng tôi ở Bộ nội vụ để xem xét. Khi nhìn thấy những ghi chú của Cục tình báo trung ương là họ muốn tìm hiểu thêm trước khi chấp thuận quốc tịch công dân cho chúng tôi, Ông Morarji Desai nói rằng ông đành bó tay trong trường hợp này.

Nghe vậy, ông Murarka nói với Thủ tướng: "Những thông tin nào khác mà Cục tình báo cần biết thêm về người này? Ông nghĩ là chúng tôi đã gả con gái của mình cho gia đình này mà không tìm hiểu sao?" Sau khi nghe như vậy, Thủ tướng rất ngạc nhiên, ông lập tức quyết định chấp thuận đơn của tôi và ra chỉ thị mọi thủ tục cho việc xuất cảnh phải hoàn tất đúng hạn.

Thật là kỳ diệu vì sự hữu hiệu của Dhamma, Dhamma đã sử dụng những người khác nhau để làm người trung gian cho những mục tiêu khác nhau.

Dhamma đã nảy sinh trong tâm của con dâu Vatsala và con trai Murari của tôi, để họ đi đến gặp Murarkaji. Murarkaji do ngưỡng mộ Dhamma nên đi đến gặp Thủ tướng Morarji Bhai. Trí tuệ Dhamma đã nảy sinh trong Morarji Bhai và nhờ vậyAdhitthana Dhamma của tôi được chu toàn.

Cả ba người nhà Murari đã cùng nhau hoàn tất công việc Dhamma này, những công việc đã chứng tỏ mang lại lợi ích cho con người trên khắp thế giới. Dòng sông Hằng tinh khiết của Dhamma đã bắt đầu trôi chảy khắp thế giới từ phương pháp Vipassana.

Hàng ngàn người bắt đầu chứng nghiệm lợi ích của Dhamma. Con trai tôi, Murari và con dâu tôi Vatsala đã học Vippassana, và tôi rất mong muốn ông Murarka và Shri Morirji Bhai cũng nhận được Dhamma dana để được thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Nhưng bây giờ, cả hai không còn nữa.

Điều tốt nhất mà tôi có thể làm được là gởi Metta rất sâu đến họ. Nguyện cho cả hai được chia sẻ công đức mà tôi có được do sự truyền bá Dhamma khắp thế giới. Nguyện cả cho cả hai được hạnh phúc, nguyện cho cả hai được an lạc và nguyện cho cả hai được giải thoát.

Bảy Mươi Năm Đã Hoàn Tất

S. N. Goenka

Pháp Cú

Tôi không cầu mong được chết hay muốn được sống. (Khi thời điểm tới) Tôi sẽ lìa bỏ tấm thân này với ý thức và tuệ giác về bản tánh vô thường ở mức độ cảm giác.

Theragāthā, Sāriputtathera 54

Đời tôi đã trải qua 70 mùa thu. Và ai biết được tôi còn sống được bao nhiêu năm nữa? Làm thế nào để tận dụng những năm còn lại? Nguyện cho tôi duy trì được ý thức này.

Vào dịp này, một số lời đầy lợi lạc của Đức Phật hiện lên trong tâm trí. Sự kiện xảy ra tại Savathi, trong vườn Lộc Uyển của Anathapindika. Lúc đó là ban đêm. Một devaputta (thiên tử) tới gặp Đức Phật. Ông ta bày tỏ ý nghĩ của mình cho Đức Phật rõ bằng bốn câu kệ:

Thời gian trôi qua, đêm trôi qua,
cuộc đời từ từ chấm dứt.
Quan sát nỗi sợ cái chết (đang tới),
hãy làm điều lành mang lại quả tốt.

Ai đó đã nói rất đúng, "Sáng đến, chiều đi, như vậy cuộc đời kết thúc." Không nên để cuộc đời quý báu này kết thúc một cách vô dụng. Ngay cả vì sợ cái chết đang đến, hãy làm những việc thiện lành mang lại kết quả tốt. Nếu chúng ta làm những việc bất thiện, chúng sẽ mang lại khổ đau cho mình. Nếu chúng ta làm việc thiện, chúng sẽ mang lại hạnh phúc cho ta. Đây là luật bất biến của tự nhiên. Bởi vậy hãy làm việc thiện hơn là làm điều ác, để tránh gặp khổ đau và hưởng được hạnh phúc.

Chúng ta không biết đã đắm chìm bao lâu trong vòng luân hồi của hạnh phúc và đau khổ của thế gian, và bánh xe luân hồi của hạnh phúc và đau khổ sẽ tiếp diễn không biết bao lâu nữa trong tương lai. Đức Phật đã khám phá ra con đường giản dị và trực tiếp để được hoàn toàn thoát khỏi vòng sinh tử. Ngài làm cho con đường dễ dàng cho mọi người tiếp nhận.

Ngài dạy phương pháp Vipassana cho mọi người để giải thoát. Bằng cách thực hành phương pháp này,họ có thể được giải thoát khỏi vòng sinh tử và đạt được sự bất tử, nibbanam paramamam sukham vĩnh cửu, nghĩa là hạnh phúc tối hậu, bình an tối hậu của niết bàn, vượt trội những vui thú trần tục. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được sau khi diệt trừ được thói quen không ngừng theo đuổi sự hưởng thụ thú vui trần tục. Và đây chính là Vipassana cho phép ta làm được như thế. Nó phá vỡ thói quen làm gia tăng gấp bội những sankhara (nghiệp) về thèm muốn và ghét bỏ nằm sâu trong tầng lớp vô thức. Nó đào lên những sankhara về thèm muốn sự khoan khoái và chán ghét sự khó chịu. Nó trừ tuyệt thói quen phản ứng mù quáng cố hữu. Chừng nào sự thèm muốn những khoái cảm còn tồn tại, sự chán ghét đối với những khó chịu trần tục vẫn tiếp tục nảy sinh và bởi vì hai cái này, bánh xe sinh tử vẫn tiếp tục luân hồi. Chỉ khi nào bánh xe sinh tử luân hồi bị bẻ gẫy, thì mới có thể đạt được sự bình an tối hậu, thoát tục, bên ngoài thế gian, bên ngoài vòng sinh tử, bên ngoài lãnh vực cảm quan. Đức Phật giảng dạy phương pháp Vipassana hữu dụng này, chỉ với mục đích này mà thôi.

Dựa vào điều này, sau khi nghe bốn câu kệ trên đây, Đức Phật đổi câu thứ tư, ngài nói:

Người cầu mong sự bình an tối hậu
nên buông bỏ ước muốn hạnh phúc trần tục.

Chỉ bằng cách thực hành chuyên chú Vipassana ta mới có thể diệt trừ được ước muốn trần tục. Trong lúc tập Vipassana, thiền giả nên duy trì ý thức về cái chết đang tới, nhưng không một mảy may sợ hãi. Khi nào cái chết đến, ta luôn luôn sẵn sàng chấp nhận nó với sự điềm tĩnh. Vào dịp mỗi sinh nhật, một người hành thiền Vipassana nên nhìn lại quá khứ. Người đó phải có quyết tâm mạnh mẽ rằng sẽ không vi phạm những lỗi lầm đã làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục thực hành những việc thiện lành nào đang làm cho tới cuối cuộc đời. Việc làm thiện lành nhất là luyện tập phương pháp giải thoát của Vipassana. Không được lãng quên điều này; nó phải được thực hành chuyên cần. Không nên trì hoãn việc thực hành cho tới ngày mai. Hãy lắng nghe những lời này của Đức Phật như một lời cảnh cáo:

Hãy hành thiền ngày hôm nay.
(Không trì hoãn tới ngày mai. )
Biết đâu, ngày mai sẽ chết.

Không cần thiết phải cầu mong cái chết, nhưng khi nó đến, không cần phải sợ sệt. Chúng ta hãy luôn sẵn sàng để chết.

Thỉnh thoảng chúng ta nên thực hành marananusati (suy ngẫm về cái chết). Từ kinh nghiện riêng, Thầy thấy nó rất hữu ích. Trong khi làm như thế, nhiều khi phải tự xem xét tâm mình, "Nếu sáng mai ta chết, giây phút cuối cùng của cuộc đời này sẽ như thế nào? Có còn tiếc nuối không, cho dù là để hoàn tất sứ mệnh Dhamma nào đó? Khi nào sankhara của sự xúc động quá mức nảy sinh trong tâm, chúng ta phải lập tức thực hành maranansati và hiểu rằng, "Nếu ta chết ngay trong khoảnh khắc kế tiếp, sự xúc động mạnh này sẽ đẩy ta vào cảnh giới đáng sợ nào?" Ngay khi ý thức này nảy sinh, ta sẽ dễ dàng thoát khỏi xúc động quá đáng này.

Thỉnh thoảng tập về marananusati còn có lợi điểm khác. Tâm nghĩ, "Ai biết được bao nhiêu kiếp, tôi đã lăn lộn trong chu kỳ sinh tử? Lần này, vì quả của việc thiện lành nào đó, tôi đã có cuộc đời vô giá của kiếp người. Tôi đã được tiếp cận với Dhamma. Tôi đã phát triển niềm tin vào Dhamma tinh khiết, hoàn toàn không có nghi thức hay triết lý cũng như không có cản trở về tông phái. Những lợi ích nào mà tôi đã đạt được?" Khi ta kiểm điểm, những khuyết điểm nào vẫn còn, ta nỗ lực để sửa đổi. Cho dù có chết trong giây phút kế tiếp hay 100 năm nữa, ta không biết được. Nhưng cho dù ta còn sống được bao nhiêu ngày giờ, ta tận dụng để hoàn thiện parami của mình với sự mãn nguyện, và làm cho đời mình có ý nghĩa. Bất cứ quả nào tới, hãy để nó tới; khi nào nó tới hãy để nó tới. Ta hãy phó mặc cho Dhamma. Riêng phần tôi, hãy để tôi tận dụng hết sức thời gian còn lại trong cuộc đời quý báu này.

Với mục đích này, hãy để những lời đầy khích lệ này của đức Phật luôn luôn ở bên cạnh:

Hãy đứng lên! Hãy sống cuộc đời Dhamma một cách chuyên cần.
Nguyện cho tôi tiếp tục sống cuộc đời Dhamma.
Kết quả đương nhiên phải là lợi lạc. 


(Ấn bản Dhamma Giri – tháng 2, 1998)



Bốn Mươi Năm Dâng Hiến Dhamma

(1969 – 2009)

S. N. Goenka

Bốn mươi năm dâng hiến Dhamma đã kết thúc. Tôi nhớ lại một người 45 tuổi rời quê hương yêu dấu là Miến Điện để đến Ấn Độ, xứ sở của Bậc Giác Ngộ. Sư phụ của tôi, Sayagyi (Đại thiền sư) U Ba Khin, nhắc đi nhắc lại rằng nhiều thế kỷ trước, Ấn Độ đã hiến tặng cho Miến Điện châu báu Dhamma vô giá. Miến Điện mắc nợ Ấn Độ rất nhiều. Miến Điện đã bảo tồn giáo huấn thánh thiện này trong tình trạng thuần khiết. Bất hạnh thay, Ấn Độ đã đánh mất giáo huấn này. Giờ đây Miến Điện phải hoàn trả món nợ vô giá này.

Sayagyi U Ba Khin muốn đi Ấn Độ để phục hồi phương pháp Vipassana vốn đã biến mất tại xứ này. Tuy nhiên Ngài không thể đi được. Bởi vậy, cuối tháng sáu năm 1969, Ngài chỉ định tôi làm thiền sư của truyền thống cổ xưa này và giao cho tôi trách nhiệm trao trả món nợ này. Tôi rất sững sờ. Mặc dù Ngài đã dạy tôi phương pháp thiền Vipassana và lời dạy của Đức Phật cũng như huấn luyện tôi hướng dẫn những khóa thiền Vipassana, tôi cảm thấy mình hoàn toàn không đủ khả năng để chu toàn trách nhiệm lớn lao này.

Thấy sự băn khoăn của tôi, Sayagyi khuyên tôi, "Tại sao con lại lo ngại? Con có đi một mình đâu; ta cùng đi với con dưới dạng Dhamma. Nhiều người có phước lành được sinh ra ở Ấn Độ và họ sẽ bị hấp dẫn tới con; họ sẽ bị Dhamma lôi cuốn. Dhamma sẽ tự vận hành. 2500 năm của Buddha Sasana (Giáo huấn của Đức Phật) đã kết thúc. Thời gian đã chín mùi để món nợ này phải được thanh toán. Vipassana sẽ được phục hồi và điều này sẽ trông cậy vào con. Bởi vậy hãy đi mà không phải lo âu."

Tôi đi Ấn độ hai hay ba ngày sau. Tuy vậy tôi vẫn còn ái ngại. Ai là người sẽ chấp nhận tôi là một vị thầy Dhamma? Y phục và hình dáng của tôi không giống như những vị thầy về tâm linh theo truyền thống. Tôi không có áo cà sa hay đầu bù tóc rối hay đầu trọc hay râu ria xồm xoàm. Tôi chỉ là một cư sĩ Miến Điện bình thường mang theo giáo huấn vô giá từ Miến Điện. Tôi không muốn đóng kịch. Tôi không muốn vất bỏ y phục Miến Điện. Ai sẽ chấp nhận tôi làm thầy dạy Dhamma?

Tôi về nhà của gia đình ở Mumbai. Không có người nào trong gia đình muốn hướng về Vipassana. Họ theo một con đường khác, trái ngược với Vipassana. Hoàn toàn không một hy vọng nào để họ giúp tôi tổ chức một khóa thiền. Làm thế nào để có thể tổ chức được một khóa thiền đầu tiên? Khóa thiền được tổ chức tại đâu? Ai đứng ra tổ chức? Ai sẽ tham gia? Tâm trí tôi tràn đầy thất vọng, bất lực và chán nản.

Đó là đêm thứ hai hay thứ ba tại Ấn Độ. Trong lúc tôi đang ngủ thình lình có một tia chớp. Ngay lúc tôi mở mắt, tôi nghĩ: "Cái tôi tổ chức một khóa thiền là ai vậy? Đây là công việc của Dhamma. Dhamma sẽ tự lo liệu."

Vài người bạn và người quen tới thăm tôi vào sáng hôm sau. Chúng tôi thảo luận về một khóa thiền Vipassana. Tôi hỏi: "Có địa điểm nào thích hợp để tổ chức một khóa thiền không? Ngay như có chỗ, ai là người sẽ đứng ra tổ chức và ai sẽ đồng ý ngồi 10 ngày với tôi?"

Sau khi nghe như thế, một người khách tên Dayanamd Adukia nói: "Đừng có lo. Tôi sẽ thu xếp và tôi sẽ quản lý khóa thiền". Nghe xong, người bạn thân của tôi từ Miến tên Kantilal G. Shah nói: "Tôi sẽ tham gia khóa thiền cùng với một hay hai người bạn."

Dhamma bắt đầu vận hành và khóa thiền đầu tiên được tổ chức. Dayanamd Adukia làm quản lý và người con trai tên Vijay Adukia tham dự. Kantial Shah và người bạn tên B. C. Shah tham dự. Và tôi rất vui và ngạc nhiên khi cha mẹ tôi đồng ý tham dự khóa thiền. Một số người họ hàng cũng tham dự và khóa đầu tiên thành tựu tốt đẹp với tổng số 13 thiền sinh. Dayanamd Adukia quản lý khóa thiền rất chu đáo. Ông ta và Kantial Shah sẽ luôn luôn được ghi nhớ trong lịch sử của sự phục hồi Vipassana tại Ấn Độ.

Ngay sau khi xong khóa thiền tôi đi Madra. Tôi gặp một sự ngạc nhiên ở đó. Người anh của tôi tên Bal Krishna và mọi người trong gia đình đi theo một truyền thống ngược lại với Vipassana. Tuy nhiên vì lòng thương mến tôi, anh đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện trước công chúng và tổ chức một khóa thiền. Tôi cảm thấy được nhiều ân sủng. Cùng với những người khác trong gia đình, con của ông anh tên Shyamsundar cũng tham dự.

Vài khóa thiền nữa được tổ chức tại nhà nghỉ ở Mumbai. Sau đó tôi đi lên Bắc Ấn nơi bạn tôi cũng là tác giả Shri Yashpal Jain, dàn xếp một khóa tại nhà nghỉ ở Birla Mandir. Vài khóa thiền nữa cũng được tổ chức tại Bắc Ấn.

Khóa thiền thứ 14 được tổ chức tại Samanvaya Ashram tại Bodhgaya (Bồ Đề đạo tràng) với sự tham dự của nhiều tỳ kheo cùng với người bạn cũ của tôi tên Anagarika Munindra. Hân hoan vì lần đầu tiên trải nghiệm được sự luân lưu thông suốt của cảm giác, ông ta viết thư cho Thầy tôi lúc đó đang ở Rangoon.

Những khóa thiền được tổ chức ở nhiều địa điển khác nhau tại Bắc Ấn với sự tham dự của một số ít thiền sinh Tây phương. Tôi giảng dạy riêng cho họ pháp thoại và lời hướng dẫn ngắn bằng tiếng Anh. Họ tu tập rất nghiêm túc.

Một vài thiền sinh yêu cầu tôi dạy khóa thứ hai mươi bằng tiếng Anh. Tôi khước từ. Tôi dạy một vài thiền sinh Tây phương trong khóa thiền nhưng tôi cảm thấy mình không đủ khả năng để giảng pháp bằng tiếng Anh một cách lưu loát. Bởi vậy tôi không muốn dạy một khóa thiền chỉ có người nước ngoài. Họ kêu nài với Thầy tôi ở Rangoon. Thầy tôi ra chỉ thị nghiêm nghị là tôi phải dạy cho họ. Thầy nói Dhamma sẽ xử lý vấn đề trở ngại về ngôn ngữ. Tôi lưỡng lự tới Dalhousie để dạy khóa thiền. Buổi tối ngày thứ nhất tôi giảng pháp chỉ trong vòng 15 phút, ngày thứ hai 30 phút và từ ngày thứ ba trở đi tôi giảng trọn một tiếng, lưu loát như khi tôi giảng bằng tiếng Ấn. Tôi rất ngạc nhiên. Đây là nhờ sức mạnh của Dhamma và Metta mạnh mẽ của Thầy tôi. Khóa thiền hoàn thành một cách tốt đẹp.

Sau khóa thiền này, thêm vào số cư sĩ người Ấn, tỳ kheo và sanyasi, rất đông thanh niên nam nữ người nước ngoài tới tham dự khóa thiền. Tôi bắt đầu hướng dẫn những khóa thiền bằng tiếng Ấn và tiếng Anh. Số lượng thiền sinh người Tây phương tham dự khóa thiền gia tăng. Một trong những người này là Daniel Coleman là người sau này làm tư vấn cho nhiều thương gia và kỹ nghệ gia người Mỹ. Joseph Golstein và Sharon Salzberg cũng tham gia một số khóa thiền và sau này dạy Vipassana tại Mỹ.

Sự thực hành Sila (Giới), Samadhi (Định) và Panna (Tuệ) lôi cuốn những người khác như đã từng lôi cuốn tôi bởi hoàn toàn không có sự thảo luận từ chương và không cần phải chấp nhận một đức tin tông phái. Giáo huấn tinh khiết hoàn toàn khoa học này bắt đầu lôi cuốn mọi người.

Một số đông người ngoại quốc tham dự một số khóa thiền tại Dalhousie. Một linh mục công giáo và hai bà sơ lớn tuổi tham dự một trong những khóa thiền này. Họ rất vui vì nhiều người híp-pi ngưng không dùng LSD và những chất say nghiện khác cũng như tà dâm sau khi thực hành Vipassana. Nhưng họ thắc mắc không biết tôi có cải đạo những tín đồ của họ sang Phật giáo hay không. Sau khi trực tiếp trải nghiệm được những lợi lạc nhờ tham dự khóa thiền. Mẹ Mary nói: "Goenka, ông giảng dạy Christianity dưới danh nghĩa của Đức Phật."

Sau khóa thiền này, nhiều linh mục công giáo và bà sơ bắt đầu tham dự khóa thiền. Hiện giờ một khóa đặc biệt dành riêng cho họ ở Mumbai. Cho đến nay có hơn 6.000 linh mục và bà sơ đã hưởng được nhiều lợi lạc từ Vipassana.

Nirmalaji, cháu dâu của Thánh Gandhi tổ chức khóa thiền thứ 50 tại Mahatma Gandhi Ashram thuộc Wardha. Một số đệ tử của Thánh Gandhi tham dự khóa này. Sau khóa thiền, tôi được mời tới tu viện của Ngài Vinoba Bhave. Ngài nói ta chỉ chấp nhận Vipassana nếu nó mang lại lợi lạc cho tù nhân. Tôi chấp nhận thách thức này. Tuy nhiên, vì chính sách của chính phủ, khóa thiền không thể được tổ chức vào thời điểm đó.

Sau này, khóa thiền cho nhà tù được tổ chức nhờ công sức của Shri Ram Singhji, bộ trưởng nội vụ của bang Rajasthan, người đã tham dự khóa thứ 109. Ông nới lỏng luật lệ nhà tù để khóa thiền có thể tổ chức tại Nhà Tù Trung Ương của Jaipur. Những lợi lạc từ những khóa này mở đường cho những khóa thiền trong nhà tù trên khắp thế giới. Kiram Bedi tổ chức nhiều khóa tại Nhà Tù Tihar và một trung tâm thiền được thành lập trong nhà tù. Những khóa thiền được tổ chức trong nhà tù tại nhiều quốc gia khác. Chính phủ Miến Điện cũng cho phép khóa thiền trong nhà tù và hai trung tâm được thành lập trong hai nhà tù.

Tại Ấn Độ, trong bảy năm đầu, khóa thiền Vipassana được tổ chức tại nhà nghỉ, trường học, đền chùa, cơ sở giáo dục, tu viện, nhà thờ, đền Hồi giáo v.v... Năm 1976, Shri Sriram Taparia và Shri Ratilal Mehta khởi sự xây cất trung tâm Vipassana tại Itgapuri và Hyderabad. Sau đó trung tâm Vipassana bắt đầu mọc lên trên khắp thế giới.

Trong 10 năm đầu tiên ở Ấn Độ, 165 khóa thiền được tổ chức với 16.496 thiền sinh tham dự. Muni, tỳ kheo, sanyai, linh mục, bà sơ; người theo Ấn giáo, Hồi giáo, đạo Jain, đạo Sikh, Công giáo, Do thái giáo, đạo Parsi, người Ấn, người nước ngoài, đàn ông, đàn bà, người thuộc mọi chủng tộc, giai cấp đã tham dự những khóa này. Họ tham dự những khóa thiền do một người vô danh như tôi giảng dạy và cho tôi cơ hội tuyệt vời để dâng hiến Dhamma Dana, món quà Dhamma. Tôi biết ơn từng người.

Một số người tham dự khóa thiền để học một phần kỹ thuật và bắt đầu dạy Vipassana sau khi đã thay đổi một vài phần. Tôi nhớ có người không ở gần tôi và bắt đầu thực tập các môn thiền khác hay ngừng không tập Vipassana nữa. Tôi rất biết ơn tất cả những người này bởi vì họ đã bỏ ra 10 ngày quí giá trong đời để tham dự khóa thiền. Nhiều thiền sinh khác chấp nhận Vipassana trong bản thể tinh nguyên và bắt đầu quảng bá ánh sáng Dhamma trong nước Ấn và ở ngoại quốc. Tôi biết ơn sâu xa tất cả những người này.

Cho tới bây giờ, 147 (1) trung tâm Vipassana tại Ấn và nước ngoài đã được mở. Gần 2.000 (2) thiền sư được huấn luyện để hướng dẫn những khóa thiền thường xuyên cũng như những khóa cho trẻ em bằng tiếng Anh, tiếng Ấn và những ngôn ngữ khác ở khắp nơi trên thế giới. Lời giảng dạy của tôi đã được dịch sang 58 ngôn ngữ và những khóa thiền được tổ chức bằng những ngôn ngữ này. Tôi biết ơn tất cả những thiền sư, những người tổ chức khóa thiền và người phục vụ Dhamma. Ngày nay, hằng năm gần 80.000 (3) người đã hưởng được những lợi lạc từ 1.600 (4) khóa thiền tổ chức tại Ấn cũng như hải ngoại. Số người tham dự gia tăng hằng năm. Nhờ vào họ mà Global Vipassana Pagoda (Chùa Vipassana Toàn Cầu) (5) đã được xây dựng. Shri Subhash Chandra và gia đình đã hiến tặng đất và thiền sinh cùng những người khác đã cùng nhau làm việc để xây dựng Pagoda.

Bậc Giác Ngộ nói, "Sabbadanam dhamma danam jinati – dâng hiến Dhamma cao quí nhất".

Tôi mang châu báu vô giá này tới Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu không một ai chấp nhận sự hiến tặng Dhamma này của tôi, nếu họ không dành ra mười ngày trong đời để học phương pháp này từ tôi, làm sao tôi có thể kiếm phước lành tối thượng này? Bởi vậy cho nên, tôi biết ơn từng người và mọi người.

Hơn nữa, họ đã chứng minh niềm tin cổ xưa này là đúng: Sau khi 2.500 năm của Buddha Sasana kết thúc, Dhamma thuần khiết sẽ trở lại Ấn Độ, nơi nó ra đời; dân chúng nơi đây sẽ chấp nhận Dhamma và Dhamma sẽ lan truyền khắp thế giới.

Bởi vậy, tôi cảm thấy mắc nợ họ và tôi muốn gặp lại tất cả những người này để tôi có thể bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với họ. Tôi mong mỏi bất cứ thiền sinh nào biết ai đã tham dự khóa thiền của tôi trong mười năm đầu tiên (1969 – 1979), hãy mời họ tham gia Ngày Họp Mặt Tri Ân vào ngày Chủ nhật, 17 tháng hai năm 2010 tại Global Pagoda, tại Gorai, Mumbai.

Ghi chú:

Cho tới năm 2013 đã có hơn 220 trung tâm Vipassana.
Hiện nay đã có khoảng 2.400 thiền sư, trong đó có một Bà Sơ đạo Công giáo
Hiện nay hằng năm có hơn 100.000 thiền sinh tham dự khóa thiền.
Cho tới năm 2014, hằng năm có khoảng 2.400 khóa thiền.

Global Vipassana Pagoda: Pagoda không phải là một chùa bình thường bởi vì không có hình tượng và không phải là nơi lễ bái hay tụng niệm. Pagoda là một kiến trúc rất đặc thù. Dưới tháp nhọn là một cái vòm rộng nhất thế giới có thể chứa được 8.000 ngàn người. Cái vòm này được lắp ráp bằng những tảng đá nặng hai tấn và không dùng sắt thép hoặc xi-măng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét