Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Goi y giang day



Bộ giáo trình BÚP SEN HỒNG dành cho các em thiếu nhi ở tuổi mẫu giáo đến lớp 2, lớp 3, với đặc điểm là chưa thể đọc và viết nhanh. Vì vậy chúng tôi gợi ý trình tự giảng dạy như sau:

1. Học thuộc lòng:

Giáo viên cho các em học thuộc lòng ngay tại lớp. Qua kinh nghiệm chúng tôi thấy các em học rất nhanh.
– Đầu tiên, giáo viên đọc từng câu, cho cả lớp lặp lại. Sau đó, đọc mỗi lần 2 câu, rồi 4 câu... Khi đọc chung và đọc to như thế, âm điệu sẽ thấm vào lòng dễ dàng, giúp các em cảm thụ thẩm mỹ tốt hơn.
– Chú ý bảo các em đọc diễn cảm, đặt tấm lòng vào từng câu, từng tình tiết trong bài. Thí dụ: câu “Em thương từng cây, em nâng từng lá” thì phải tưởng tượng rằng mình đang lấy tay nâng niu hoa cỏ bên đường. Hoặc câu “Tham lam trộm cắp, mọi người không ưa” thì phải đổi giọng đi, hoặc lắc đầu minh hoạ.
– Chọn những em nào có giọng đọc tốt, diễn cảm nhất, cho biểu diễn và trao quà.

2. Tìm hiểu bài:

Đây là một dạng giảng bài bằng cách cho chính các em tham gia trả lời chứ giáo viên không “độc thoại” một chiều. Khi các em trả lời có nghĩa là các em đã tự giải quyết những vấn đề bài học vừa nêu, và có thể lồng vào những ý riêng của mình, vừa nhớ dai, vừa dễ thương hơn. Thí dụ trong bài “Khỉ con” kể chuyện khỉ con hái trộm trái cây, khi giáo viên hỏi từng em cho khỉ ăn quả gì thì mỗi em sẽ trả lời một loại trái khác nhau, tùy theo ý thích của mỗi em, hoặc tùy theo trong vườn nhà em đó có trồng cây gì. Như vậy, các em càng thêm gắn bó với khu vườn.
Đây cũng là cách giúp các em tập ăn nói dạn dĩ, trôi chảy. Có thể chấp nhận cho các em “cãi” lại giáo viên, xem như một cách “phản biện”, sau đó giáo viên giải thích, đúc kết lại. Lớp học càng sinh động càng tốt. Chú ý gọi tất cả thành viên trong lớp phát biểu chứ đừng kêu mãi những em thường xuyên giơ tay. Chính những em nhút nhát thì giáo viên càng phải quan tâm giúp cho em dạn dĩ hơn.

3. Vẽ:

Giáo viên sử dụng phần tô màu trong mỗi bài học để giúp các em làm quen với màu sắc, đường nét đơn giản. Sau đó tập các em vẽ những hình mẫu căn bản trước khi có thể vẽ tự do và phức tạp hơn. Nếu sưu tầm thêm những mẫu tô màu hoặc mẫu vẽ mới thì giáo viên tự bổ sung vào chương trình.

4. Trò chơi:

Giáo viên có thể sưu tầm và sáng tạo thêm các trò chơi phù hợp với các em ở từng lứa tuổi.

5. Tập hát:

Tập đến khi các em thuộc bài hát rồi thì giáo viên cho cả lớp đứng dậy ra sân để múa các động tác minh họa. Cách này cũng là vận động cơ thể sau thời gian ngồi tại chỗ mệt mỏi. Ngoài ra, giáo viên có thể dạy thêm các bài hát Phật giáo quen thuộc, hoặc giáo viên tự sưu tầm, sáng tác thêm.

6. Kiểm tra:

Sau khoảng 3 bài học cho kiểm tra một lần là vừa, để lâu các em sẽ quên. Rồi sau 5 bài lại kiểm tra chung lần nữa. Lập sổ điểm để cuối khoá tổng kết phát thưởng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét