Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Loi noi dau



Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời từ cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ. Và tất cả những gì mà chúng ta ngày nay được biết liên quan đến đức Phật, cũng như tất cả những gì mà chúng ta có thể thừa hưởng được từ trí tuệ siêu việt của ngài, về mặt giáo lý là không vượt ra ngoài ba tạng kinh điển. Vì thế, nói đến Phật giáo cũng là đồng nghĩa với nói đến ba tạng kinh điển: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng, hay thường được biết đến hơn qua tên gọi là Đại tạng kinh.

Tuy nhiên, điều không may là một số Phật tử không có đủ những hiểu biết cơ bản về Đại tạng kinh. Trước hết, vì đa số hàng trí giả ở nước ta đều sử dụng Đại tạng kinh bản chữ Hán, tức là Hán tạng. Như vậy, đại đa số những người còn lại không biết chữ Hán thì chỉ được tiếp xúc qua các bản Việt dịch, mà cho đến nay vẫn còn là quá ít ỏi và có nhiều hạn chế.

Chính vì thế, nói đến Đại tạng kinh, rất nhiều người chỉ hiểu chung chung là kinh điển Phật giáo, mà không hiểu được một cách cụ thể là những kinh điển gì, và càng không hình dung được số lượng của những kinh điển trong Đại tạng là đồ sộ đến mức nào.

Đối với những người chuyên tâm tu trì, có thể nói là qua việc tụng đọc, hành trì chỉ một hoặc vài quyển kinh cũng đã quá đủ để mang lại sự an vui trong cuộc sống, và mở rộng con đường giải thoát cho mai sau.

Nhưng đứng từ góc độ những người đang muốn tìm hiểu, học hỏi, hoặc với những ai bước đầu làm quen với kinh điển Phật giáo, thì một sự hiểu biết khái quát và cơ bản về Đại tạng kinh là rất cần thiết để giúp phát khởi lòng tin hoặc định hướng cho việc tu tập. Mặt khác, với những vị đang nhận lãnh trách nhiệm xiển dương giáo pháp, cần phải giáo hóa cho nhiều người, thì việc nghiên cứu học hỏi về Đại tạng kinh lại càng quan trọng hơn nữa.

Xuất phát từ những suy nghĩ đó, chúng tôi không nệ chỗ hiểu biết kém cỏi, cũng hết sức cố gắng để tạo mọi điều kiện cho ra đời phần mục lục của bản Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, phiên bản được cho là đáng tin cậy nhất hiện nay.

° ° °

Trong khi làm việc này, chúng tôi có vài suy nghĩ như sau:

 Việc hình thành một bộ Đại tạng kinh tiếng Việt vốn là niềm mơ ước của tất cả Phật tử Việt Nam từ xưa nay, nhất là từ khi chúng ta có chữ Quốc ngữ. Nhưng những người tham gia việc dịch thuật tính đến nay dù là rất nhiều lại vẫn chưa có một sự thống kê cụ thể nào. Cho đến các kinh đã được dịch, cũng không ai biết rõ số lượng là bao nhiêu, do ai dịch. Nói cách khác, xưa nay chúng ta làm việc này một cách hoàn toàn tùy tiện, chưa có một sự tổ chức thống nhất. Điều này dẫn đến chỗ, hoặc nhiều vị cùng dịch một kinh, hoặc có nhiều kinh quan trọng lẽ ra rất cần dịch trước thì vẫn chưa ai dịch... Hơn thế nữa, việc in ấn, lưu hành do đó cũng trở nên tùy tiện, không ai biết được đầy đủ về số lượng cũng như chất lượng. Nếu cứ giữ nguyên tình trạng này, thì có lẽ chúng ta sẽ rất khó mà có được một bộ Đại tạng kinh tiếng Việt hoàn hảo!

Ngược lại, nếu có một sự đồng tâm hiệp lực giữa những người cùng quan tâm, thì chắc chắn công việc dù lâu dài đến đâu cũng sẽ có ngày hoàn tất. Cho dù thế hệ này chưa hoàn thành, cũng vẫn để lại được thành quả rõ ràng cho thế hệ sau tiếp bước. Và khi hoàn tất được Đại tạng kinh tiếng Việt, sẽ là một đóng góp vô cùng quý giá không chỉ riêng cho Phật giáo nước nhà, mà còn có thể xem là cho cả kho tàng văn hóa của nước ta nữa.

Khi thực hiện việc giới thiệu Đại tạng kinh qua bản mục lục này, chúng tôi cũng đồng thời nêu lên điều đó, với hy vọng sẽ có nhiều người tán thành để cùng nhau mở ra một hướng đi mới. Hay nói khác đi, mục đích trước tiên của bản mục lục này là giới thiệu cho những ai quan tâm đến một Đại tạng kinh tiếng Việt có thể thấy rõ được khối lượng công việc phải làm.

 Từ trước đến nay, những ai có nhu cầu tra khảo, tìm kiếm thông tin trong Đại tạng kinh đều phải sử dụng bản chữ Hán. Điều này không khó lắm đối với những vị học cao hiểu rộng, nhưng quả là cực kỳ khó khăn cho những ai còn non kém. Hơn thế nữa, trật tự sắp xếp trong bản chữ Hán lại hoàn toàn không theo với danh xưng Hán Việt mà chúng ta quen dùng, nên cho dù là người đọc hiểu được, mà tìm cho ra quyển kinh, bộ kinh mình cần cũng không phải là chuyện đơn giản. Bản mục lục này đã chú âm Hán Việt cho tất cả các tên kinh, lại sắp xếp tên thông dụng nhất theo thứ tự bảng chữ cái, nên việc tìm kiếm khá dễ dàng. Đối với những kinh nào có nhiều tên gọi khác nhau, cũng đều có đưa vào và chỉ dẫn tham chiếu đến một tên chính thức. Như vậy, ngay cả đối với những ai giỏi chữ Hán, thì dùng bản mục lục này cũng vẫn nhanh chóng, tiện lợi, đỡ mất thời gian hơn.

 Thông qua việc tìm hiểu mục lục Đại tạng kinh, chúng tôi cũng hy vọng giới thiệu được với độc giả một số nét cơ bản nhất về những vấn đề liên quan như các dịch giả và việc truyền bá Phật giáo qua các thời đại. Mặc dù phần lớn là liên quan đến Phật giáo Trung Quốc (vì chúng ta đang nói về Hán tạng), nhưng đôi khi cũng có những mối liên hệ trực tiếp đến Việt Nam, như trường hợp của một số cao tăng Trung Quốc hoặc Ấn Độ đã từng đến hoằng hóa tại nước ta. Ngoài ra, việc người Việt Nam chúng ta tiếp thu công trình Hán tạng đã là việc hiển nhiên từ xưa nay. Theo hướng này, sách được chia làm 2 phần rõ rệt: phần Chính văn cung cấp những thông tin thiết yếu nhất về các kinh điển trong Đại tạng kinh, và phần Phụ lục giới thiệu một số các dịch giả và triều đại. Phần này tuy chưa thể được xem là hoàn chỉnh vì còn thiếu rất nhiều thông tin mà hiện nay chúng tôi chưa có đủ điều kiện thu thập, nhưng hy vọng là cũng có thể giúp ích được ít nhiều cho những ai quan tâm tìm hiểu.

° ° °

Sự tồn tại và phát triển của Phật giáo vốn dĩ đã gắn liền với Đại tạng kinh. Rất nhiều nước trên thế giới đã hoàn tất công việc phiên dịch Đại tạng kinh sang tiếng nước mình. Riêng Việt Nam ta, cho đến nay vẫn còn dậm chân khá lâu. Chúng tôi mong sao việc giới thiệu Đại tạng kinh lần này sẽ gợi lên ít nhiều suy nghĩ cho những ai có cùng tâm nguyện, để cùng nhau ngồi lại và góp sức thực hiện công việc này.

Sự ra đời bản mục lục này là kết quả có được từ sự nỗ lực lâu dài của nhiều người, tăng sĩ cũng như cư sĩ. Chúng tôi xin chân thành ghi nhận công lao của những người đã giúp sức cho công trình, trực tiếp cũng như gián tiếp, cho dù không thể nêu tên tất cả các vị ở nơi đây. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự đóng góp của đại đức Thích Nhuận Châu và chư tăng ở tịnh thất Từ Nghiêm – Đại Tòng Lâm, chư tăng chùa Phổ Hiền (TP. Hồ Chí Minh), cũng như sự giúp đỡ của anh Đỗ Quốc Bảo (Cộng hòa Liên bang Đức) về mặt kỹ thuật trong việc thể hiện chữ Hán, và anh Nguyễn Hữu Cứ (nhà sách Quang Minh, TP. Hồ Chí Minh) đã khuyến khích hỗ trợ mọi mặt trong suốt thời gian chúng tôi thực hiện công trình này.

Trong tất cả các hình thức bố thí thì Pháp thí là cao trổi hơn hết. Xin hồi hướng tất cả công đức để thành tâm cầu nguyện cho công trình phiên dịch Đại tạng kinh sang tiếng Việt sớm có một ngày thành tựu viên mãn.

NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét