Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Dai su thu 6: Saraha Dai Ba la mon



Này hiền hữu, khắc ghi tâm trí
Tuyệt đối kia vốn có sẵn đây
Cớ sao quanh quẩn suốt ngày
Tìm đâu cho thấy? Chỉ hoài công thôi!
Lời bí mật ở trên môi
Vị chân sư ấy, vì sao không cầu?
Phép rốt ráo thật nhiệm mầu
Nhận ra chân lý, tử sinh sá gì!


Truyền thuyết


Saraha vốn là một nhà quí tộc thuộc giai cấp Bà-la-mônRoli, miền đông Ấn Độ. Bẩm sinh ngài đã có phép thần thông vì ngài vốn là một Daka, tức là con của một thánh nữ (Dakini).


Mặc dù được dạy dỗ theo khuôn phép của đạo Bà-la-môn nhưng ngài lại đi theo con đường Phật pháp. Saraha được các nhà sư Phật giáo mật truyền tâm pháp. Ban ngày ngài học giáo pháp của đạo Bà-la-môn, nhưng đêm đến ngài lại nghiên cứu Phật lý.


Tuy vậy, ngài vẫn là người hay uống rượu. Điều này vi phạm giáo luật của đạo Bà-la-môn nên họ kết tội ngài và thỉnh cầu nhà vua tước bỏ địa vị của ngài.


Bọn người Bà-la-môn tâu rằng: “Tâu đức vua anh minh! Ngài có trách nhiệm bảo vệ quốc giáo. Gã Saraha này, chúa của 15.000 hộ dân thành Roli, lại báng bổ giáo luật. Hãy trừng phạt hắn để làm gương.”


Vua phán: “Trẫm không thể lưu đày một vị chúa của 15.000 hộ dân.”


Sau đó, vua đích thân đến viếng Saraha và khuyên ngài bỏ rượu. Saraha không thừa nhận nên tâu với vua: “Thần không có uống rượu. Nếu bệ bạ ngờ vực, xin mời dân chúng họp lại, thần sẽ chứng minh là mình vô tội.”


Khi tất cả mọi người tề tựu đông đủ, Saraha tuyên bố: “Ta vô tội. Nếu ta có tội thì tay ta đây bị sẽ cháy bỏng.”


Nói xong, Saraha liền nhúng cả cánh tay vào một vạc dầu đang sôi hừng hực, nhưng tay vẫn không hề hấn gì. Thấy thế, nhà vua quay lại hỏi những người bà-la-môn: “Các ngươi còn cho rằng Saraha có tội hay không? ”


Những người bà-la-môn chống chế: “Chính ông ta thật có uống rượu.”


Lần này, Saraha bưng lấy một bát đồng sôi đang nấu chảy kê miệng uống ngon lành.


Những người bà-la-môn lại gào lên: “Chính chúng tôi chứng kiến ông ta uống rượu.”


Saraha bèn thách thức bọn giáo sĩ: “Bây giờ, ta và một trong các ngươi nhảy vào bồn nước này, kẻ nào chìm là có tội.”


Một người trong bọn họ tình nguyện cùng Saraha nhảy vào bồn, nhưng chính y bị chìm xuống tận đáy. Ngay lập tức, Saraha tuyên bố: “Ta vô tội nếu như lần này ta chìm xuống, ngươi nổi lên.”


Thế là Saraha lại chìm xuống đáy nước, còn người kia nổi lên mặt nước.


Chứng kiến cảnh Saraha hý lộng thần thông như thế, vua bèn phán: “Nếu Saraha pháp lực cao cường thì cứ để cho ngài uống rượu.”


Lúc ấy, mọi người lấy làm ngưỡng mộ, tiến đến vái chào Saraha và xin ngài truyền pháp.


Saraha ứng khẩu đọc ba bài kệ, một cho đức vua, một cho hoàng hậu và một cho tất cả mọi người.


Ít lâu sau, Saraha kết duyên cùng một thiếu nữ xinh đẹp ở độ tuổi trăng tròn. Ngài cùng vợ rời quê nhà đi sang một xứ khác.
Ngày ngày, Saraha tu tập thiền định, còn người vợ trẻ đi xin vật thực về để cúng dường cho chủ nhân của bà.


Một ngày nọ, Saraha ngỏ ý muốn ăn món cà-ri cải. Người vợ liền đi nấu món cà-ri này mang đến cho ngài.


Khi bà mang món ăn đến thì Saraha đang nhập định nên bà đặt bát cà-ri bên cạnh rồi lặng lẽ rút lui.


Saraha nhập định trong 12 năm. Khi vừa xuất định, ngài bèn lớn tiếng kêu vợ mang món cà-ri đến.


“Ngài đã nhập định suốt 12 năm, bây giờ không phải là mùa cải, lấy gì mà nấu? ”


Saraha ngượng ngùng khi nghe vợ trách như thế. Ngài định bỏ đi lên núi cao để tiếp tục hành thiền. Biết thế, người vợ liền khuyên: “Núi cao, hang sâu đâu chắc đã thật là cảnh thanh tịnh. Sự thanh tịnh chân chính là từ bỏ kiến chấp của tâm hẹp hòi. Ngài nhập định suốt 12 năm, vậy mà vẫn còn bám lấy ý muốn ăn món cà-ri cải của 12 năm trước, thì cho dù lên núi cao hay vào hang sâu, phỏng có ích gì? ”


Nghe vợ nói thế, Saraha chợt tỉnh ngộ.


Vì vậy ngài không đi nữa mà ở lại đó tiếp tục tu tập. Ngài quán xét lẽ “các pháp vốn thanh tịnh” cho đến lúc liễu ngộ hoàn toàn.


Hành trì


Saraha đã vượt lên trên cả hai phạm trù đúngsai. Ngài chứng minh rằng tất cả các hiện tượng mà chúng ta đang cảm nhận bằng giác quan đều là hư vọng (delusory).


Điều ấy không ngụ ý rằng không có chân lý, không có đúng, sai, mà chỉ chứng tỏ rằng định lực của một vị đạo sư có thể hoán chuyển và kiểm soát các nguyên tố cấu thành mọi hiện tượng trong vũ trụ (tứ đại).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét