Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

CHUONG I: NHUNG KIEN THUC CO BAN VE GAN



I. Cấu trúc và hoạt động của gan

Không biết người xưa có thể nào đã có được những kiến thức y học như chúng ta ngày nay hay không, nhưng thật lạ là cụm từ "to gan" được dùng từ xưa đến nay là vô cùng chính xác, bởi gan của chúng ta quả là... rất to!

Trong các cơ quan nội tạng, gan có khối lượng lớn nhất, vượt cả tim, phổi, thận..., với khối lượng trung bình từ 1.100 gram cho đến 1.800 gram và có bề dày trung bình khoảng 15 cm – tất nhiên là có những người... to gan hơn người khác. Nhưng nói chung thì gan phái yếu nhỏ hơn gan nam giới – đó là nói về khối lượng, còn hiểu theo nghĩa khác thì đàn bà ngày nay cũng nhiều người .. to gan lắm, như bà thủ tướng Anh trước đây chẳng hạn!

Đặc điểm nổi bật của gan là khả năng tự tái tạo, phát triển các tế bào của chính mình trong trường hợp bị phá huỷ bởi các thương tổn tạm thời hoặc bệnh tật. Tuy nhiên, nếu những thương tổn này liên tục kéo dài, gan có thể sẽ không hồi phục lại chức năng của mình như trước được.

Lá gan con người – nếu có thể gọi như thế – có màu nâu đỏ sậm, nằm ở phần trên của bụng, về phía bên phải, ngay bên dưới cơ hoành hay còn gọi là hoành cách mô (diaphragm), tức là phần ngăn cách giữa phổi và các cơ quan dưới bụng. Những xương sườn bên dưới cùng che chở, bảo vệ cho gan, nhờ đó mà những chấn thương từ bên ngoài có thể được hạn chế không làm hại đến gan.

Mặc dù các chức năng của gan là vô cùng phức tạp và đa dạng, nhưng cấu trúc của gan lại khá đơn giản. Gan được phân chia thành 2 thùy (lobe), thùy phải và thùy trái, với khoảng giữa của hai thuỳ nằm hơi chồng mí lên nhau. Sự phân chia này dựa theo vị trí của dây chằng liềm (falciform ligament) nối liền gan với cơ hoành và thành bụng trước. Một số người cho rằng sự phân chia như thế không hoàn toàn tương ứng với cơ cấu của gan, nên cũng đã có hướng phân chia gan thành 8 phần nhỏ (segment) dựa vào sự phân phối của các mạch máu trong gan. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chấp nhận cách phân chia theo truyền thống.

Mỗi thuỳ của gan lại phân ra hàng ngàn đơn vị cấu trúc rất nhỏ, mỗi đơn vị có hình lục giác, rất nhỏ. Tuy rất nhỏ, nhưng mỗi một đơn vị cấu trúc ấy đều có một tĩnh mạch cực nhỏ chạy xuyên qua giữa tâm và cuối cùng tập trung cả về tĩnh mạch gan, là tĩnh mạch đưa máu ra khỏi gan về tim. Vây quanh tĩnh mạch cực nhỏ ở giữa của mỗi đơn vị cấu trúc là hàng trăm tế bào hình khối, được gọi là hepatocyte. Bên ngoài bề mặt của mỗi đơn vị cấu trúc là những tĩnh mạch, động mạch nhỏ và các ống dẫn đưa các chất lỏng đến và đi. Khi gan hoạt động, các chất dinh dưỡng được thu nạp, các chất thừa bị thải bỏ, và những chế phẩm của gan được đưa vào cơ thể qua các ống dẫn này.

Mạng lưới các "ống dẫn" chuyển tải qua gan mỗi một phút khoảng chừng 1,4 lít máu. Chúng ta có thể hình dung được, như vậy cứ mỗi một ngày đêm gan đã phải xử lý trung bình là 2.000 lít máu! Lượng máu này sau khi đi qua gan cuối cùng được chuyển trở về tim để từ đó được phân phối đi cho các bộ phận khác trong cơ thể.

Khác hẳn với tất cả những cơ quan khác, gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể nhận đến hai nguồn cung cấp máu. Động mạch gan cung cấp từ 25 đến 30% lượng máu giàu oxy cho gan, là nguồn nuôi sống các tế bào của cơ quan này. Khoảng 70 đến 75% lượng máu còn lại mà gan nhận được là qua tĩnh mạch cửa của gan. Lượng máu này được đưa đến từ cơ quan tiêu hoá như bao tử, lá lách, tụy tạng, túi mật, ruột non, ruột già..... đã hoà tan và mang các chất dinh dưỡng đến gan để được tiếp tục chế biến thêm hoặc dự trữ lại. Như vậy, gan là cơ quan đầu tiên trong cơ thể nhận được các dưỡng chất từ các cơ quan tiêu hoá, để làm nhiệm vụ kiểm soát, thanh lọc và chế biến trước khi đưa ra cung cấp cho tất cả các cơ quan khác trong toàn cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho ung thư từ nhiều bộ phận khác của cơ thể dễ dàng lan đến gan.

Gan được bọc quanh bởi một phần vỏ ngoài có rất nhiều dây thần kinh. Lớp vỏ bọc này được gọi tên là Gibson. Tuy nhiên, các tế bào bên trong của gan lại hoàn toàn không có các dây thần kinh cảm giác. Vì vậy, khi gan bị tổn thương chúng ta không có cảm giác đau đớn gì cả. Chỉ trong trường hợp nào gan bị sưng phồng lớn lên, làm cho lớp vỏ bọc Gibson bị kéo căng ra, chúng ta mới cảm thấy những cơn đau tức hoặc khó chịu ở vị trí của gan. Điều này xảy ra trong một số trường hợp viêm gan cấp tính hoặc khi lá gan sưng lớn vì bị suy tim phải.

II. Chức năng của gan

Một cách tổng quát, gan đóng nhiều vai trò cực kỳ quan trọng để duy trì điều kiện sức khỏe của cơ thể, với hơn 500 chức năng khác nhau theo như sự hiểu biết hiện nay của y học. Trong số này, các chức năng nổi bật nhất là giúp cơ thể tiêu hoá được các dạng mỡ, lọc sạch độc tố và những chất thừa ra khỏi máu, tích luỹ năng lượng cho cơ thể dưới nhiều hình thức khác nhau để sử dụng vào những lúc nguồn năng lượng đưa vào từ bên ngoài bị gián đoạn... Gan còn là cơ quan chính thực hiện việc tổng hợp rất nhiều loại protein khác nhau, cũng như mật, acid béo... Gan cũng làm công việc điều hoà, cân bằng ở mức độ thích hợp nhiều chất khác nhau trong máu. Dưới đây chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu qua một số chức năng chính của gan.

1. Tích cốc phòng cơ

Một trong những chức năng chính của gan là dự trữ năng lượng để dùng vào những lúc thiếu hụt, dưới hình thức glycogen, một chất được tạo thành từ đường glucose. Khi lượng đường glucose trong máu lên cao hơn mức cho phép, gan sẽ tự động chuyển hoá số đường dư thừa này thành glycogen, một hình thức có thể dự trữ được. Khi lượng đường glucose trong máu xuống thấp hơn mức cần thiết, gan thực hiện quá trình ngược lại, chuyển glycogen thành đường glucose và đưa trở lại vào trong máu.

Chúng ta đều biết đường là nguồn năng lượng chính cho bộ óc, hồng huyết cầu, bắp thịt và thận. Khi thức ăn không cung cấp đủ lượng đường tối thiểu cho hoạt động tồn tại của cơ thể, nguồn cung cấp đường sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào gan. Trong giai đoạn thiếu hụt này, gan là cơ quan chính cung cấp chất đường cho cơ thể, nhất là cho bộ não. Vì thế, nếu như gan bị chai – do quá trình bệnh lý mà chúng ta sẽ xem xét ở các chương sau – khả năng điều hoà, dự trữ và cung cấp chất đường bị rối loạn, sẽ dẫn đến sự thay đổi bất thường của hàm lượng đường trong máu.

Gan cũng làm nhiệm vụ tích luỹ các dạng sinh tố (vitamin) cần thiết cho cơ thể. Khi nhận được nguồn máu có hoà tan dinh dưỡng từ các cơ quan tiêu hoá, gan thu nhận và tích luỹ lại các sinh tố A, D, E và K như nguồn dự trữ để dùng trong những khi nguồn cung cấp bị thiếu hụt. Sinh tố B cũng được tích luỹ, kể cả một nguồn dự trữ sinh tố B12 đủ dùng cho cơ thể từ 2 đến 4 năm.

2. Chuyển hoá các chất béo

Một trong các điểm chung thường thấy ở những người đau gan là sợ chất béo. Điều này rất dễ hiểu, bởi vì gan là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể tiêu hoá được các dạng chất béo.

Acid béo là một trong những nguồn năng lượng quan trọng nhất được dự trữ trong cơ thể chúng ta và cũng là thành phần cơ bản của cho nhiều loại lipid quan trọng, kể cả trigliceride. Gan đóng một vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và chế biến mỡ và cholesterol trong thức ăn thành các dạng đạm béo (lipoprotein) dễ tiêu hơn. Các dạng lipoprotein này không những chỉ là những nguồn năng lượng dự trữ quý giá để dùng khi thiếu hụt, mà còn là những thành phần cơ bản của nhiều chất hóa học và kích thích tố khác nhau.

Để tiêu hoá, hay nói dễ hiểu hơn là để có thể hoà tan được nhiều dạng chất béo, gan có nhiệm vụ điều chế ra một loại dịch tiêu hoá là mật (bile), có màu nâu hơi vàng và có chứa những loại muối cần thiết để có thể làm tan các loại mỡ. Các loại muối này được tạo ra ngay trong các đơn vị cấu trúc của gan, sau đó kết hợp thành mật và được chuyển ra khỏi gan để đưa đến tích tụ trong túi mật (gallbladder), và từ đây sẽ được tiết dần dần vào ruột non (small intestine) để tham gia quá trình tiêu hoá, làm tan các chất mỡ vốn rất... khó tiêu.

3. Tổng hợp và phân hoá

Gan cũng hoạt động như một nhà máy hoá chất của cơ thể. Nhiều dạng chất đạm (protein) quan trọng khác nhau hiện diện trong máu đã được tạo ra bởi gan. Khi gan suy yếu, những chất đạm do gan tạo ra bị giảm đi cũng dẫn đến các vết thương trên bề mặt cơ thể trở nên dễ nhiễm trùng và khó hồi phục hơn.

Mỗi ngày gan bào chế khoảng 12g chất albumin, một trong những chất đạm quan trọng nhất của cơ thể. Chính albumin giúp duy trì lượng calcium và nhiều chất quan trọng khác trong máu. Albumin cũng giúp điều hoà lượng nước từ trong máu được đưa vào các cơ bắp trong cơ thể. Vì thế, khi chức năng của gan bị suy giảm làm cho lượng albumin bị giảm sút sẽ dễ gây ra bệnh phù thủng, hay còn gọi là thủng nước (edema).

Gan cũng giữ nhiệm vụ tạo ra globin, một trong hai yếu tố tạo thành huyết cầu tố (hemoglobin) – thành phần mang dưỡng khí (oxygen) trong các tế bào máu đỏ.

Một nhóm chất đạm gọi là globulin có chứa các kháng thể (antibody), cũng được tạo ra từ gan, cùng với nhiều chất đạm khác là những yếu tố tạo thành một phần trong hệ thống miễn nhiễm của cơ thể, kết hợp với các kháng thể để chống lại những yếu tố có hại cho cơ thể xâm nhập từ bên ngoài vào.

Ngoài ra gan cũng tổng hợp được nhiều chất quan trọng khác nữa, trong đó có cả fibrinogen và prothrombin là hai yếu tố quan trọng góp phần vào việc tạo ra hiện tượng đông máu của cơ thể. Hiện tượng đông máu là một phản ứng tích cực giúp hạn chế sự chảy máu ở các vết thương. Vì thế, suy yếu chức năng của gan cũng dẫn đến chậm đông máu, và người bệnh dễ dàng bị mất nhiều máu ngay cả khi vết thương không nghiêm trọng lắm.

4. Loại trừ độc tố

Các chất độc được đưa vào cơ thể có thể phân thành hai nhóm: nhóm dễ hoà tan trong nước và nhóm không dễ hoà tan trong nước, thường có thể tan trong chất béo. Nhóm chất độc dễ hoà tan trong nước sẽ được loại bỏ qua thận và đưa vào đường tiểu để tống ra bên ngoài cơ thể. Nhóm còn lại phải cần đến vai trò của gan. Vì thế, có thể nói gan và thận là hai cơ quan chính trong cơ thể có khả năng loại bỏ độc tố.

Các tế bào gan loại bỏ độc tố bằng cách hấp thụ chúng, chuyển hoá bằng các phản ứng hoá học, biến chúng thành những chất không độc hoặc dễ hòa tan trong nước để có thể thải bỏ ra khỏi cơ thể. Vì thế, khi gan suy yếu, các độc tố tất nhiên sẽ bị tích luỹ lại trong cơ thể.

Tóm lại, gan đóng nhiều vai trò quan trọng trong hoạt động bình thường của cơ thể. Gan giúp cơ thể hấp thụ được các dưỡng chất cần thiết và loại bỏ các độc tố có hại. Mặc dù vậy, chúng ta thường ít có những quan tâm chú ý đúng mức để bảo vệ cho các hoạt động của gan.

Mọi việc sẽ không có gì đáng nói nếu như không có sự xuất hiện đáng sợ của các loại siêu vi A, B, C, D, E và G mà lý do hiện diện trong cuộc đời này dường như chỉ là để gây ra bệnh viêm gan mà thôi! Riêng siêu vi C lại còn là "đặc ân" mà thiên nhiên ban tặng riêng cho loài người – và một giống tinh tinh (chimpanzé) có lẽ là gần giống với người –, vì chúng không gây bệnh cho bất cứ loài nào khác nữa!

Tự biết số phận hẩm hiu bị bạc đãi của mình, gan đã phát triển một khả năng tự nhiên khá đặc biệt so với các cơ quan khác trong cơ thể, là có thể tự bảo vệ mình chống lại các thương tổn gây ra bởi độc tố hay bệnh tật, và thậm chí khi không hoàn toàn khôi phục lại được sau các thương tổn, gan vẫn có khả năng duy trì được hoạt động gần như bình thường, bằng cách gia tăng sức làm việc của các tế bào khoẻ mạnh, để bù đắp cho khối lượng công việc của các tế bào bị thương tổn hoặc đã bị huỷ diệt.

Chính nhờ vào khả năng kỳ diệu này, trong rất nhiều trường hợp viêm gan mạn tính, gan vẫn tiếp tục hoạt động được một cách tương đối bình thường trong thời gian khá lâu dài.

Tuy nhiên, vẫn có những giới hạn mà gan không thể tự mình vượt qua để bảo vệ chính mình mãi mãi. Chúng ta cần phải biết để can thiệp kịp thời, tránh sự suy sụp hoàn toàn một khi những giới hạn thương tổn đã vượt quá mức chịu đựng của gan.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra viêm gan. Những nguyên nhân thông thường có thể kể ra là nhiễm trùng, ký sinh trùng, hoặc do uống rượu nhiều, hoặc do nhiễm phải các độc tố, ngay cả độc tố trong các loại thuốc được dùng để điều trị bệnh. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất, thường gặp nhất và do đó cũng là đáng sợ nhất là các bệnh viêm gan gây ra do siêu vi.

Cho đến nay, hiện được biết có 6 loại siêu vi gây viêm gan, được gọi tên bằng các chữ cái tuần tự là A, B, C, D, E và G.

Trong những chương kế tiếp sau đây, chúng ta sẽ lần lượt xem xét một số các bệnh viêm gan do các loại siêu vi gây ra.

III. Bệnh của gan

Gan là cơ quan phải đối đầu với rất nhiều mối nguy hiểm đe doạ dẫn đến thương tổn và bệnh tật. Các độc tố một khi xâm nhập cơ thể nhất thiết phải đi qua gan, vì như chúng ta đã biết, gan là tiền đồn kiểm soát trước khi cho phép các chất hoà tan trong máu được đưa vào sử dụng. Hơn thế nữa, gan còn là một trong những cơ quan có khối lượng công việc nặng nề nhất trong cơ thể, nên bất cứ một sự suy yếu nào của gan đều tất yếu dẫn theo nhiều sự suy sụp khác.

Thật may mắn thay là trong hầu hết các trường hợp gan đều có khả năng tự bảo vệ lấy mình. Đó là nhờ vào những đặc tính mà dường như trong cơ thể không có cơ quan nào khác có được. Gan có khả năng tái tạo các tế bào của mình sau khi chúng bị huỷ hoại đi vì một lý do nào đó. Gan cũng có thể chữa lành những tế bào thương tổn nếu chúng chưa đến mức bị huỷ hoại hoàn toàn. Gan còn có thể thay thế, loại bỏ những tế bào nào không còn giữ được khả năng hoạt động bình thường. Nói chung, những hoạt động tự tổ chức, củng cố lực lượng của chính mình như thế này được gan thực hiện một cách hoàn toàn tự động mà không cần có bất kỳ sự can thiệp nào khác từ bên ngoài.

Một điều kỳ diệu khác nữa là nguyên tắc hoạt động của gan thể hiện một sự "đoàn kết nhất trí" khiến cho cơ quan này rất khó lòng bị hạ gục trước những thương tổn. Mặc dù gan được hình thành từ rất nhiều đơn vị cấu trúc nhỏ như đã nói ở một phần trên, nhưng tất cả những đơn vị cấu trúc này đều "nhất trí" cùng hoạt động giống hệt như nhau! Điều này có nghĩa là, khi một phần nào đó của gan bị tấn công, thương tổn hoặc suy yếu, nhiệm vụ chung vẫn không bị ảnh hưởng. Gan giải quyết trường hợp này bằng cách thúc đẩy các phần "khoẻ mạnh" còn lại tăng cường sức làm việc và "làm thay" cho các "thương binh". Tình trạng này có thể là tạm thời hoặc lâu dài, tuỳ theo những thương tổn mà gan mắc phải.

Tuy nhiên, cho dù có "tài ba" đến đâu thì cũng có những nguyên nhân "quá sức chịu đựng" có thể làm cho gan phải quỵ ngã.

Nhưng gan vốn là một cơ quan rất ... gan lì, nên khi có thương tổn gan vẫn âm thầm chịu đựng và chống trả mà không hề lên tiếng than van hay cầu cứu. Nói chính xác hơn, các tế bào gan là những "cảm tử quân" thà chết không lùi, nên chúng không được bố trí các đường dây thần kinh liên lạc để "cầu cứu" với hệ thần kinh trung ương khi bị nguy hiểm! Vì không có dây thần kinh cảm giác trong gan, nên chúng ta không thể chia sẻ hay biết được những nỗi đau đớn mà gan đang gánh chịu. Rất nhiều trường hợp viêm gan đến ... gần chết mà người bệnh vẫn thản nhiên không hề hay biết!

Một trong những triệu chứng tiêu biểu bộc lộ sự nguy hiểm của gan là dấu hiệu vàng da và vàng mắt. Triệu chứng này xuất hiện là do gan đã suy yếu nên không còn khả năng chế biến chất bilirubin, một sắc tố có màu nâu ngã vàng trong mật. Nhưng tiếc thay đây cũng là triệu chứng của khá nhiều bệnh khác. Vì vậy, nếu quan tâm đến sự an toàn của gan thì biện pháp duy nhất hiện nay vẫn phải là nhờ đến các xét nghiệm y khoa để xác định xem gan có khoẻ mạnh hay không.

Mặc dù hoạt động một cách kiên cường và tự mình đối phó với mọi nguy hiểm, nhưng gan lại là cơ quan chia sẻ rất nhiều nguy cơ với các cơ quan khác trong toàn cơ thể. Nhiễm trùng cơ thể ở bất cứ bộ phận nào cũng đều có khả năng gây tổn hại đến gan. Ung thư từ dạ dày hay ruột non cũng sẽ lan đến gan. Bệnh tiểu đường nếu không điều trị kịp thời cũng sẽ gây tổn thương cho gan. Nhiễm ký sinh trùng cũng đe doạ đến gan. Thậm chí việc dùng thuốc điều trị các bệnh khác cũng có nguy cơ gây hại cho gan, nhất là khi dùng quá liều hoặc kê toa không hợp lý, hoặc dùng thuốc bào chế kém chất lượng. Mỉa mai thay, mặc dù gan là một "tiền đồn chống độc" của cơ thể, nhưng một số độc tố lại có thể gây hại cho chính bản thân gan khi xâm nhập vào cơ thể, nhất là một số nấm độc.

Viêm gan có thể xem là thương tổn thường gặp nhất của gan. Viêm gan có thể gây ra do một số các hoá chất, do các bệnh tự miễn (autoimmune), hoặc do nhiễm trùng.

Viêm gan chiếm tỷ lệ cao nhất ở các nước phát triển là viêm gan gây ra do rượu. Nồng độ rượu quá cao trong máu sẽ làm cho các mô mỡ tích tụ trong gan, rất có thể dẫn đến viêm gan mạn tính, gây ra các vết sẹo nơi gan và huỷ hoại các tế bào. Qua nhiều năm, bệnh có thể tiến triển thành chai gan, làm giảm thấp lượng máu đi qua gan so với thông thường. Trong trường hợp này, độc tố trong máu nếu có sẽ không được loại bỏ hết, áp huyết cũng gia tăng nơi tĩnh mạch cửa của gan, và hầu hết các "sản phẩm" quan trọng do gan tạo ra đều bị thiếu hụt. Khả năng điều hoà các yếu tố trong máu cũng không được duy trì.

Chai gan là một tiến trình không thể đảo ngược. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, nếu ngưng uống rượu thì hoạt động của gan vẫn có thể được hồi phục đáng kể. Ngoài ra, các biện pháp can thiệp bằng thuốc men hoặc phẫu thuật cũng được cần đến. Với các bệnh nhân quá nghiêm trọng, khả năng ghép gan có thể được xem xét.

Ghép gan là một tiến trình rất phức tạp có tỷ lệ thành công rất thấp. Chỉ đến gần đây, với nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, tỷ lệ này mới được nâng lên đến khoảng từ 60 đến 80%, với hơn một nửa số bệnh nhân đến nay đã sống được trên 5 năm sau khi ghép. Hầu hết các bệnh nhân thành công này đều có tiên liệu tốt về một cuộc sống khoẻ mạnh, bình thường như trước.

Tuy nhiên, xét trên toàn thế giới thì các chứng viêm gan thường gặp nhất và cũng nguy hiểm nhất là viêm gan gây ra do các loại siêu vi (virus), cũng là đối tượng mà chúng ta sẽ tiếp tục tục tìm hiểu trong những chương sách tiếp sau đây.

IV. Bảo vệ gan

Với vai trò và chức năng quan trọng như đã biết, nhưng gan lại rất thường bị ... bỏ rơi không quan tâm đến. Điều đó nếu có, sẽ là một sai lầm lớn nhất của mỗi chúng ta. Nói cách khác, chúng ta cần có sự quan tâm bảo vệ gan đúng mức. Nếu không, một khi cơ quan này đã có "vấn đề", thì e rằng chúng ta sẽ không còn có được một giây phút yên vui lành mạnh nào nữa cả.

Khi gan còn đang khỏe mạnh, người ta rất ít quan tâm đến một điều là, cũng giống như mọi cơ quan khác, gan có thể bị thương tổn, hay nói đơn giản hơn là có thể bị ... bệnh. Hầu hết các cơ quan khác một khi chớm có vấn đề, đều sẽ báo động ngay cho chúng ta bằng những cơn đau hay những triệu chứng lạ. Riêng với gan thì không! Ngay cả trong nhiều trường hợp cơ quan này đã thương tổn rất trầm trọng, nó vẫn âm thầm chiến đấu chống lại bệnh tật của mình và tiếp tục cố gắng đảm nhiệm công việc như... bình thường. Vì thế, khi chúng ta biết ra thì mọi việc thường là quá muộn để có thể cứu vãn.

Để bảo vệ gan, và cũng là bảo vệ sức khỏe cơ thể, hãy chú ý đến việc khám sức khỏe định kỳ với những xét nghiệm nhằm phát hiện các tổn thương gan. Nếu chúng ta không bổ sung điểm này vào kế hoạch chăm sóc sức khỏe, sẽ có lúc chúng ta hối hận vì muốn làm cũng không còn kịp nữa.

Trong tuyệt đại đa số trường hợp, phát hiện sớm các vấn đề của gan luôn mang lại cho chúng ta nhiều lợi thế hơn trong các biện pháp đối phó. Và hơn thế nữa, điều này cũng ngăn chặn một cách tích cực sự lây lan của siêu vi gây bệnh gan vì vô tình không biết.

Ngoài ra, còn có một số điều khác chúng ta có thể quan tâm đến trong cuộc sống hàng ngày để bảo vệ cho gan:

– Không uống rượu, bia. Đây sẽ là tin mừng lớn nhất cho các tế bào gan nếu chúng ta quyết định như vậy. Các loại rượu, bia là kẻ thù số một của gan, ngay cả một lá gan hoàn toàn khỏe mạnh. Trong khi chúng ta không hề quan tâm đến những độc tố được đưa vào cơ thể khi uống rượu, thì gan phải âm thầm "tinh lọc" tất cả để thải chúng ra khỏi cơ thể chúng ta. Công việc này làm cho lá gan của chúng ta phải mệt nhọc một cách không cần thiết, và nếu kéo dài thường xuyên chắc chắn sẽ gây thương tổn cho gan. Mặt khác, nếu gan đã hoặc sắp bị tấn công bởi siêu vi, thì các loại rượu bia sẽ là một đồng minh vô cùng đắc lực của ... kẻ thù. Nên biết, tại các nước đã phát triển, khi mà các biện pháp ngăn ngừa siêu vi gây bệnh gan đã có phần hữu hiệu, thì nghiện rượu đã được đưa lên thành nguyên nhân hàng đầu gây bệnh cho gan. Nếu chưa "cấm cửa" được "ma men", bạn cũng nên hiểu biết thêm rằng niềm vui chốc lát do chúng mang lại sẽ không bù đắp nổi cho những khổ đau mà bạn phải gánh chịu một khi lá gan phải ... suy sụp. Và vì thế, hãy tự nhủ lòng mỗi khi phải tiếp xúc với các loại rượu bia: "Uống càng ít càng tốt, và không uống là tốt nhất".

– Không hút thuốc lá. Nếu như các loại rượu bia là kẻ thù số một của gan, thì cũng có thể nói thuốc lá là "kẻ thù số hai". Tuy nhiên, dù là "số hai" đối với gan, thì thuốc lá lại có một "ưu điểm" khác: nó còn là "kẻ thù chung" đối với cả tim, phổi, hệ thần kinh... nên chẳng thể xem nhẹ hơn chút nào! Và nếu như bạn vẫn chưa thể trở thành người không hút thuốc, thì lần tới đây khi mở bao thuốc lá, xin hãy chú ý đến dòng chữ: "Hút thuốc có hại cho sức khỏe." Bạn sẽ tin là tôi nói đúng.

– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và thích hợp cho cơ thể. Cần lưu ý tránh quan niệm sai lầm "ăn càng nhiều càng tốt". Chế độ ăn cần đảm bảo sự cân đối dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ và chỉ cần vừa đủ. Ngay cả khi cung cấp quá dư thừa năng lượng cho cơ thể qua các bữa ăn cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Riêng đối với gan, các thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ đều không phải là lý tưởng, mặc dù một lá gan lành mạnh luôn có khả năng "xử lý" các chất béo khó tiêu trong thức ăn.

– Hết sức thận trọng khi phải tiếp xúc với các môi trường có các hóa chất và chất độc. Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... nếu không thận trọng để cho xâm nhập vào cơ thể thì tất yếu đều phải đi qua gan và làm hại gan. Vì thế, khi buộc phải làm việc trong các môi trường này, nhất thiết phải tuân thủ các quy định bảo vệ an toàn cho cơ thể. Ngộ độc thức ăn, nấm độc... đều là những nguyên nhân gây thương tổn cho gan. Thậm chí các hóa chất thường dùng trong chế biến thực phẩm nếu không qua kiểm nghiệm, bị lạm dụng... cũng đều có thể gây hại cho gan, chẳng hạn như hàn the, phẩm màu... Tốt nhất là nên hạn chế sử dụng.

– Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc điều trị bệnh. Mỗi khi cần phải dùng thuốc, phải có chỉ dẫn của y, bác sĩ. Hiện nay đang có khuynh hướng lạm dụng thuốc Tây một cách rất bừa bãi. Một người đau đầu có thể đến hiệu thuốc Tây và nói: "Bán cho tôi mấy viên thuốc đau đầu." Và người bán cứ bán, người mua cứ uống... không hề thắc mắc rằng thật ra thì do đâu mà có triệu chứng đau đầu đó. Những cách "tự chữa bệnh" theo lối này cuối cùng đều quy gánh nặng về cho gan, bởi vì ngay cả các loại thuốc điều trị dùng không đúng cách hoặc quá liều đều trở thành "thuốc độc" cho cơ thể, và gan có nhiệm vụ phải... thải chúng ra. Vì thế, cách tốt nhất để bảo vệ cho gan là chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết, và phải tuân thủ đúng liều dùng cũng như những chỉ dẫn khác của y, bác sĩ.

– Phòng chống các loại siêu vi gây bệnh cho gan. Tùy theo mỗi loại siêu vi, các biện pháp phòng chống có thể khác nhau phần nào. Tuy nhiên, nói chung đều quy về hai biện pháp chính: chủng ngừa siêu vi nếu có thuốc chủng ngừa, và tích cực ngăn ngừa sự lây lan của siêu vi trong môi trường cũng như sự xâm nhập của chúng vào cơ thể. Đây là một vấn đề "nói dễ hơn làm", và vì thế chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn từng loại siêu vi gây bệnh cho gan trong những chương sách tiếp sau đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét