Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

8. Cu Tran Van Nghi (1926 – 2007)



Cụ Trần Văn Nghi sinh năm 1926, cư ngụ tại ấp Thạnh Phước I, xã Trung An, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ (nhà đối diện chùa Tây Lâm Phước, tại đầu vàm rạch Xẻo Luông).
Ông tính tình thuần hậu, chất phác. Thuở thiếu niên noi theo cổ tục để búi tóc bới. Đến tuổi trưởng thành, lập gia đình với bà Nguyễn Thị Tỏ, sanh được bảy người con, sáu trai, một gái.
Vào các ngày rằm và 30 âm lịch, ông thường xuyên tham gia các công khoá của chùa, đặc biệt là trọng lễ rằm ngươn vì cha vợ là ông "từ" của chùa Tây Lâm Phước.
Lúc hàn vi, ông sinh sống bằng đủ thứ nghề: làm mướn, hớt tóc… có thời gian đi làm sở Mỹ.
Mãi đến năm 1965, ông vào Cờ Đỏ mở đất lâm khoảng 100 công tầm điền. Thời gian này ông giao thiệp rộng rãi, có uy tín lớn cả một vùng nơi ông canh tác.
Trong trại luôn có sẵn rượu. Đồng ruộng bấy giờ rất phong phú chim, cá, rắn, rùa… hễ lính bắt quân dịch, lần nào đi ngang qua chỗ ông là ông mời lại cho nhậu say rồi thả hết.
Sức ký ức của ông rất tốt, nhớ nhiều bộ truyện Tàu như Tây Du Ký… khi kể giọng điệu lưu loát trôi chảy giống như đang cầm bổn đọc, cả những câu thi bài thơ trong đó, vẫn không hề lộn thiếu một chữ.
Vào những thập niên 70 trở về trước, phương tiện giải trí ở nông thôn hãy còn thô sơ ít ỏi, ngay cả máy thâu băng casset vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Những khi trong nhà có đám tiệc, người ta hay mời ông đến kể chuyện nhất là vùng sâu vùng xa. Các bà nội trợ phải tranh thủ xắc gọt để bu quanh ngọn đèn măng- xông sắp lớp ngồi nghe.
Sau năm 1975, ông về nhà cùng bạn bè "Sáng xỉn chiều say, tối xách chai mua rượu".
Đến năm 1979 đêm nọ, ông nằm mộng thấy có một tàu dừa khô rụng nhưng còn dính một tí treo tòn ten trên cao. Chợt ông nhớ lại câu:
"Cư trần bất nhiễm là người Thánh"
Không biết ông hiểu lời Thánh huấn đó như thế nào mà sáng ra liền bảo với bà vợ:
- "Bà à! Sáng nay đi chợ bà sắm cho tôi một khúc vải đen để may bộ đồ bà ba, và mua tương chao tôi ăn chay luôn nghe bà!"
Lúc nầy trong gia đình, chỉ có bà và người con trai thứ Tư là dùng chay trường.
Thời điểm này, các liên hữu Thiện Hảo, Tư Đậm… thường xuyên ghé thăm, giảng giải Phật Pháp, nhất là pháp môn Tịnh Độ, mà căn bản vẫn là tín nguyện trì danh sớm cầu vãng sanh An Dưỡng Quốc, để thoát vòng sinh tử luân hồi.
Hay tin ông phát tâm tu bà con lối xóm ai cũng ôm bụng cười, không cười là không được!
Ông thường xuyên đọc, học kinh điển đại thừa, nhất là Pháp Bảo Đàn Kinh cũng như thuộc lòng những tác phẩm của ông Thanh Sĩ.
Công phu thường nhựt của ông là ba thời lễ bái, lấy trì danh cầu sanh Tịnh Độ làm cương yếu.
Khi các con đã yên bề gia thất, ông giao phó hết mọi chuyện gia đình để rộng thời gian chăm lo tu hành và chuyên lo các hoạt động công ích xã hội.
Ông thường đi làm trưởng tộc nói lễ cho rất nhiều đám tiệc cưới hỏi cho bà con xa gần, và thường xuyên đi tẩn liệm người chết dù nửa đêm nửa hôm, dù gió mưa giông bão.
Ông còn đóng góp công sức thu gom gạo cho Hội Từ Thiện của bệnh viện huyện Thốt Nốt để nấu cơm, cháo cho các bệnh nhân nghèo.
Ngoài ra, ông thường đi làm tuần cầu nguyện khắp nơi trong vùng, những mong đem tâm thành chí nguyện của mình để hồi hướng công đức cho những người quá vãng.
Dòng đời như một dòng sông có lúc êm ả trôi, đôi khi cuộn trào thác lũ, thuận và nghịch luôn đan xen nhau là điều tất yếu của duyên cảnh thường tình, mà bất cứ một hành giả nào cũng phải đón nhận trên con đường hướng đến Bồ Đề.
Muốn cho sinh hoạt thuận tiện với đời sống tu tập, các con của ông đề nghị cất riêng một cái thất gần nhà để cho ông có một không gian yên tĩnh thích hợp cho công khóa hành trì, dù đã nhiều lần bàn tính như thế nhưng ông nhứt quyết khước từ.
Vào khoảng năm 1995, cô con dâu thứ Út là Bồ Tát thứ thiệt khảo nghiệm ông. Rốt cuộc định lực và trí lực của ông hãy còn thiển bạc chưa đủ sức đương đầu với chướng ngại bủa vây nên đã ba bốn lần phiền não, ông bỏ nhà ra đi. Sau đó, ông vui vẻ đối diện nhận chịu.
Mặt khác, tập khí tranh luận vẫn âm thầm khống chế ông, mỗi lần gặp các bạn đạo để trao đổi, ông xổ thật nhiều… thật nhiều… những kinh giảng mà mình đã thuộc, đặng người nghe bội phục tài năng.
Đồng thời, lắm lúc ông uống bia, khi các huynh đệ khuyên can thì ông bào chữa cho rằng giới chỉ cấm rượu chớ bia thì không có!!!.
Khi tuổi hạc dần dần lên cao, thể lực ngày một suy kém, mỗi lần nạp bia là mỗi lần vật vã có khi phải chở đi bệnh viện. Vừa đau đớn vừa bị con cháu cằn nhằn nên ông mới mạnh dạn rứt bỏ hẳn thói quen nghiện ngập này và đêm ngày khẩn thiết niệm Phật nhiều hơn, chuẩn bị chu đáo cho chuyến ra đi cuối cùng của cuộc đời. Như lời khuyên nhủ của Cổ Đức :

"Đường đạo pháp keo sơn gắn chặt,
Phải anh hùng thắng giặc trong tâm.
Những gì đã thấy sai lầm,
Liền chừa ngay chớ để làm dây dưa.
Việc đáng chừa rán chừa cho được,
Tội lỗi bao cũng chuộc được ngay.
Con ơi! Kẻ ở trần ai,
Tỉnh cơn mê được phải đầy khó khăn.
Phật xưa cũng trong hàng sanh chúng,
Nhờ quyết tâm mà thắng cơn mê.
Tâm không nhất quyết một bề,
Ngôi xưa vị cũ khó về ớ con!".

Những tháng trước giờ lâm chung, ông buông bỏ vạn duyên chuyên tâm niệm Phật càng lúc càng nhiều hơn, càng lúc càng tha thiết hơn, suốt ngày ông thường nằm trên chiếc võng treo ngoài vườn yên vắng.
Sau đó, ông sắp xếp tươm tất mọi việc như: viết di chúc để lại, thu dọn kinh sách có ngăn nắp…
Khoảng bốn, năm ngày trước vãng sanh, ông có nói với người con thứ Ba rằng:
- "Tao thấy Phật xuống rước tao, mà rước ở hàng ba trước nhà!"
Nhưng anh này chẳng mấy lưu ý, nghe rồi thôi chứ không hỏi điều gì thêm.
Sáng ngày mùng 8 tháng 8 năm 2007, cũng như thường nhật, ông xuống chợ uống cà phê, đàm đạo cùng bạn bè xong về nhà dùng cơm, rồi xem ti vi một chút, lại quay sang nựng cháu, kế đó lên võng ở hàng ba trước nhà nằm nghỉ, trì niệm.
Bà đến gần hỏi:
- "Ông ăn mít hông? Tôi lột cho ông ăn!"
Ông trả lời:
- "Tôi hông ăn!" (vì mới vừa dùng cơm xong).
Thế là bà cầm miếng mít đi vào nhà lột ăn một mình.
Bà ăn được vài múi gì đó, xong rồi trở ra thì thấy ông đã ra đi từ lúc nào không hay, xem lại đồng hồ vừa đúng 11 giờ trưa. Ông hưởng thọ 81 tuổi.
Trong khi chờ đợi thân quyến tề tựu đông đủ, hộ niệm qua 6 giờ sau, chú Út Be mới khám nghiệm thân thể, từ dưới chân dài lên, các nơi đều lạnh, duy có đảnh đầu còn ấm, chú vô cùng kinh ngạc lẫn mừng vui. Chư liên hữu cũng đều rộn rã niềm vui.
(Thuật theo lời liên hữu Xệ, Thiện, Cường)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét