Bây giờ, nhìn từ quan điểm đạo Phật thì làm thế nào ta có thể giúp đỡ người khác? Có thể dùng cách giúp đỡ vật chất, chẳng hạn như thức ăn, quần áo, nơi cư trú... nhưng sự giúp đỡ đó có giới hạn. Vật chất không mang lại sự thỏa mãn hoàn toàn cho quý vị; cũng vậy, nó không thể giúp người khác hoàn toàn thỏa mãn. Vì thế, cũng giống như quý vị được hoàn thiện nhờ vào sự tu tập, và thông qua việc dần dần làm thanh tịnh tâm ý mà quý vị ngày càng có được nhiều hạnh phúc hơn, thì mọi người khác cũng đều giống như vậy. Để người khác có thể hiểu được những gì họ cần phải chấp nhận và thực hành để đạt được [hạnh phúc] như vậy, và những gì họ nên từ bỏ không làm nữa, thì quý vị phải có đầy đủ khả năng giảng giải [cho họ] về những chủ đề này. Chúng sinh có vô số khác biệt về nghiệp thức, sở thích, khuynh hướng tiềm tàng và nhiều điều khác, nếu không phát triển những công hạnh cao quý của thân (hành động) và khẩu (lời nói) cho thật phù hợp, hoàn toàn đúng với những gì mà người khác đang cần, thì quý vị không thể đưa ra một sự giúp đỡ trọn vẹn. Và không có cách nào để làm được như vậy trừ phi quý vị đã vượt qua được những che chướng để đạt đến nhất thiết trí, thấu hiểu được mọi việc. Chính trong ý nghĩa mong muốn cứu giúp tất cả chúng sinh mà ta mới nỗ lực để đạt đến quả vị Phật, tức là vượt qua hết mọi che chướng đối với nhất thiết trí.
Những việc làm từ thiện, bố thí là để rèn luyện một khuynh hướng thật rộng lượng từ trong tận đáy lòng mình, cho đến mức không hề mong cầu cho bản thân mình bất kỳ một kết quả hay ảnh hưởng nào [của những việc làm đó].
Trong sự tu tập giới hạnh Bồ Tát thì pháp tu chủ yếu là chế ngự khuynh hướng ích kỷ, mong cầu lợi lạc cho riêng mình. Pháp tu này sẽ đưa đến những hành vi chẳng hạn như tham gia bố thí, từ thiện, và như thế giúp ta hạn chế tối đa nguy cơ gây hại đến người khác. Để tu tập pháp bố thí một cách đúng đắn, chúng ta không được làm bất kỳ điều gì gây tổn hại đến người khác. Vì thế, để cho bố thí trở thành pháp tu hoàn toàn hữu ích [cho người khác], chúng ta cần có giới hạnh Bồ Tát để chế ngự sự ích kỷ.
Để có giới hạnh thanh tịnh, điều cần thiết là phải nuôi dưỡng hạnh nhẫn nhục. Muốn tu tập pháp [quán chiếu] bình đẳng và hoán đổi giữa bản thân ta với mọi người khác thì [việc tu tập] nhẫn nhục là điều đặc biệt quan trọng. Trong sự tu tập, sẽ vô cùng hữu ích nếu quý vị vận dụng những phương pháp mà ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã chỉ dẫn trong sách Nhập Bồ Tát hạnh, ở cả chương về nhẫn nhục (chương 6) và chương về thiền định (chương 8). Sự tu tập nhẫn nhục thiết lập nền tảng cho việc [quán chiếu] bình đẳng giữa ta và người khác. Đó là vì trong sự phát khởi tâm Bồ-đề thì khó khăn lớn nhất là việc phát triển cảm xúc thương yêu và thân thiết với những kẻ thù nghịch. Khi ta nghĩ đến những kẻ thù nghịch trong ý nghĩa tu tập nhẫn nhục, thì chẳng những kẻ thù không phải là người gây hại cho ta, mà ngược lại còn được xem là người giúp ích [trong sự tu tập của ta].
Quý vị sẽ nhận ra rằng, "Nếu như không có một ai đó gây hại cho ta, thì sẽ không có cách nào để ta có thể nuôi dưỡng hạnh nhẫn nhục đối với sự xâm hại bản thân mình." Cho nên nói rằng: "Có rất nhiều chúng sinh để ta thực hành bố thí [cho họ], nhưng rất hiếm người là đối tượng để ta thực hành nhẫn nhục." Chẳng phải điều gì hiếm có hơn thì giá trị cao hơn đó sao? Thật ra thì những người được gọi là "thù nghịch" đó là rất tử tế [với ta]. Nhờ tu tập nhẫn nhục mà lực công đức của ta được tăng trưởng, và sự tu tập đó có thể thực hiện hay không là tùy thuộc [vào việc có] kẻ thù nghịch với ta [hay không]. Vì thế, một kẻ thù nghịch không ngăn cản sự tu tập Giáo pháp; thay vì vậy, người ấy đang giúp ích cho ta.
Trong Nhập Bồ Tát hạnh, ngài Tịch Thiên có nêu lên một phản biện giả định rằng: "Thế nhưng, kẻ thù nghịch nào có động cơ, ý định giúp ích cho ta đâu?" Và ngài trả lời rằng, một sự việc được xem là hữu ích không cần thiết phải có động cơ, ý định giúp ích. Chẳng hạn như Diệt đế hay sự giải thoát, tức là chân lý thứ 3 trong Tứ diệu đế, là cực kỳ hữu ích cho chúng ta, nhưng sự giải thoát ấy không hề có động cơ, ý muốn [giúp ích]. Cho dù một kẻ thù nghịch không hề có mong muốn giúp đỡ ta, nhưng biết trân quý [sự giúp ích của] người ấy vẫn là hợp lý.
Và ngài lại phản biện tiếp rằng: "Thế nhưng, ít ra thì Diệt đế hay sự giải thoát kia cũng không hề có ý muốn gây hại cho ta. Ngược lại, trong khi kẻ thù nghịch với ta tuy cũng không có ý muốn giúp đỡ, giống như sự giải thoát, nhưng lại [khác biệt là] quả thật có ý muốn hãm hại ta." Rồi ngài biện giải điều này rằng, chính vì người ấy có ý muốn hãm hại ta nên họ mới trở thành kẻ thù nghịch, và ta cần thiết phải có kẻ thù như vậy mới có thể tu tập hạnh nhẫn nhục. Một người nào khác, chẳng hạn như thầy thuốc, không hề có ý muốn làm hại ta, lại cố gắng giúp đỡ ta, thì không thể tạo ra tình huống để ta tu tập phát triển hạnh nhẫn nhục. Vì thế, đây chính là kinh nghiệm của chư Đại Bồ Tát xưa kia cũng như lập luận của các ngài, [là phương tiện] hết sức hữu hiệu [trong sự tu tập]. Khi suy xét theo cách này thì chỉ những ai quá cố chấp và ngang bướng mới ôm giữ lòng ích kỷ, bởi chẳng có lý do gì để biện minh cho điều đó cả, trong khi lại có vô vàn lý do để ta nên quan tâm thương yêu chăm sóc người khác.
Một biểu hiện quan trọng khác của tâm nhẫn nhục, hay nhẫn nại, là tự nguyện chấp nhận khổ đau. Khi khổ đau còn chưa sinh khởi thì điều quan trọng là phải tu tập các pháp môn để ngừa tránh, nhưng một khi khổ đau đã sinh khởi thì không nên xem đó như một gánh nặng, mà nên xem đó như điều hữu ích, có thể trợ giúp quý vị [trong sự tu tập].
Một cách quán chiếu khác nữa là, thông qua việc chịu đựng những khổ đau trong đời này mà ta có thể chế ngự được nghiệp lực của những chủng tử bất thiện đã tích lũy trong những đời trước. Khổ đau cũng giúp quý vị thấy được những lỗi lầm tai hại của sinh tử luân hồi. Càng thấy rõ được những tai hại này, quý vị sẽ càng lánh xa các hành vi tạo nghiệp bất thiện. Khổ đau cũng giúp quý vị thấy được tính ưu việt của sự giải thoát. Thông qua kinh nghiệm khổ đau của chính mình, quý vị sẽ có khả năng nhận hiểu được sự đau khổ của mọi chúng sinh khác như thế nào, và nhờ đó mà phát khởi lòng bi mẫn. Khi suy xét về khổ đau theo cách như vậy, hầu như chắc chắn quý vị sẽ cảm thấy rằng [việc nhận lãnh] khổ đau là một cơ hội tốt để tu tập và quán chiếu nhiều hơn.
Và pháp ba-la-mật tiếp theo là tinh tấn, là pháp rất quan trọng. Sự nỗ lực tinh tấn giống như áo giáp [bảo vệ ta]..., tạo ra một tâm nguyện sẵn sàng tu tập tinh cần qua nhiều đời nhiều kiếp nếu cần, để mang lại sự tăng tiến [trên đường tu tập]. Tâm nguyện này cực kỳ hữu ích trong việc [giúp ta] tránh được sự bực dọc, mất kiên nhẫn hay phấn khích trong một tình huống nhỏ nhặt nhất thời nào đó. Và còn hai pháp ba-la-mật tiếp theo nữa là thiền định và trí tuệ.
Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2018
Thuc hanh sau phap ba la mat
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét