Bốn Sự Thật Thánh Thiện (Tứ Diệu Đế): khổ, nguồn gốc của khổ, diệt khổ, con đường diệt khổ (Khổ, Tập, Diệt, Đạo ) – Chuỗi Nhân Duyên Sinh
Ngày thứ năm đã qua; quý vị còn năm ngày nữa để tu tập. Hãy tận dụng những ngày còn lại bằng cách tu tập một cách nhiệt thành với sự hiểu biết đúng đắn về phương pháp.
Bằng cách quan sát hơi thở trong một phạm vi giới hạn, quý vị đã tiến tới quan sát cảm giác trên khắp người. Khi bắt đầu cách tu tập này, ta có thể gặp phải những cảm giác thô thiển, chắc đặc, nặng nề, khó chịu như đau nhức, đè ép, … Quý vị đã gặp những cảm giác như thế trong quá khứ, nhưng khuôn mẫu thói quen của tâm là phản ứng lại chúng, chìm đắm trong khoái lạc hoặc quay cuồng trong đau khổ, luôn luôn bị dao động. Bây giờ quý vị đang học cách để quan sát mà không phản ứng, khảo sát cảm giác một cách khách quan, không đồng hóa mình với chúng.
Đau đớn hiện hữu, khổ sở hiện hữu. Than khóc sẽ không làm ai hết khổ. Làm sao ta có thể thoát khỏi đau khổ? Làm sao ta có thể sống với đau khổ?
Một bác sĩ chữa một bệnh nhân phải biết bệnh đó là bệnh gì, và nguyên nhân chính gây ra bệnh này. Nếu có một nguyên nhân thì phải có cách chữa khỏi bệnh bằng cách diệt trừ nguyên nhân ấy. Khi nguyên nhân bị diệt trừ, đương nhiên bệnh sẽ chấm dứt. Do đó diệt trừ nguyên nhân là việc cần phải làm.
Trước tiên ta phải chấp nhận sự thật về khổ. Khổ hiện diện khắp nơi; đây là sự thật phổ quát. Nhưng nó trở thành một sự thật thánh thiện khi ta bắt đầu quan sát nó mà không phản ứng, bởi vì người nào làm được như vậy, đương nhiên sẽ trở thành một người cao quý, thánh thiện.
Khi ta bắt đầu quan sát Sự Thật Thứ Nhất, sự thật về khổ, thì nguyên nhân của khổ trở nên rõ ràng, và ta cũng bắt đầu quan sát nguyên nhân; đây là Sự Thật Thứ Hai. Nếu nguyên nhân bị diệt trừ, thì khổ bị diệt trừ; đây là Sự Thật Thứ Ba – sự diệt khổ. Muốn hết khổ ta phải tu tập; đây là Sự Thật Thứ Tư – đường lối diệt khổ bằng cách diệt trừ nguyên nhân của khổ.
Ta bắt đầu bằng cách học cách quan sát mà không phản ứng. Khảo sát sự đau nhức mà quý vị gặp phải một cách khách quan, như thể đó là sự đau nhức của người khác. Hãy xem xét nó như một nhà khoa học quan sát một đối tượng trong phòng thí nghiệm. Khi quý vị thất bại, làm lại một lần nữa. Cứ tiếp tục tu tập, và quý vị sẽ nhận ra rằng dần dần mình đang thoát ra khỏi đau khổ. Mọi người đều khổ. Cuộc đời bắt đầu bằng tiếng khóc; sinh ra đời là một nỗi khổ lớn. Và đã sinh ra đời chắc chắn sẽ bị khổ vì bệnh tật, vì già yếu. Nhưng mặc dù cuộc đời có khổ đến đâu đi nữa, không một ai muốn chết, bởi vì chết là một nỗi khổ lớn.
Trong suốt cuộc đời, ta gặp phải những điều không vừa ý, và bị chia lìa những điều ta yêu thích. Những điều không muốn lại gặp phải, những điều mong muốn lại không đạt được, và ta cảm thấy khổ.
Chỉ hiểu sự thật này trên mức độ trí thức sẽ không giải thoát được ai. Nó chỉ có thể khích lệ để ta xem xét bên trong chính mình, để chứng nghiệm được sự thật và tìm cách để thoát khổ. Đây là những gì Thái tử Siddhattha Gotama đã làm để trở thành Phật: Ngài bắt đầu quan sát thực tại bên trong cơ cấu thân thể Ngài như một nhà khảo cứu, đi từ sự thật thô thiển, dễ cảm nhận, tới sự thật tinh tế hơn, tới sự thật tinh tế nhất. Ngài khám phá ra rằng khi sinh lòng ham muốn, ta thường có xu hướng muốn giữ lại cảm giác dễ chịu và loại bỏ những cảm giác khó chịu. Khi hai điều này không được thỏa mãn, ta trở nên khổ. Và đi sâu hơn nữa, ở tầng lớp tinh tế nhất, khi quan sát với sự chú tâm tột đỉnh, Ngài nhận thấy rằng sự ràng buộc vào năm tập hợp (ngũ uẩn) là khổ. Trên lý thuyết ta có thể hiểu rằng cái tập hợp vật chất thân thể (sắc uẩn) không phải là "Ta", không phải là "Của Ta", mà chỉ là một hiện tượng vô ngã, luôn thay đổi, bên ngoài sự kiểm soát của ta; tuy nhiên, trên thực tế, ta tự đồng hóa mình với nó và tạo ra sự ràng buộc ghê gớm vào nó. Tương tự, ta bị ràng buộc vào bốn tập hợp của tâm là sự hay biết (thức), nhận định (tưởng), cảm giác (thọ), phản ứng (hành), và bám víu vào chúng, coi chúng là "Ta, Của Ta" bất chấp trạng thái thay đổi không ngừng của chúng. Vì mục đích tiện lợi, ta phải dùng từ ngữ như "Tôi" và "Của Tôi", nhưng khi ta bị ràng buộc vào năm tập hợp này, ta tạo ra đau khổ cho mình. Ở đâu có ràng buộc, ở đó đương nhiên có khổ, và ràng buộc càng nhiều chừng nào thì càng khổ nhiều chừng ấy.
Có bốn loại ràng buộc, bám víu mà ta luôn luôn tạo ra trong đời. Thứ nhất là ràng buộc vào dục vọng, vào thói quen ham muốn của mình. Khi nào ham muốn nảy sinh trong tâm, liền có một cảm giác trong người nảy sinh theo. Mặc dầu ở tầng lớp sâu hơn một trận bão dao động đã bắt đầu, nhưng ở tầng lớp bên ngoài ta ưa thích những cảm giác này và muốn chúng tiếp tục hiện hữu. Đây có thể so sánh với việc gãi chỗ ngứa: gãi chỉ làm cho ngứa thêm, nhưng ta vẫn thích cảm giác lúc gãi. Cũng như vậy, ngay sau khi sự ham muốn được thỏa mãn, cảm giác đi kèm theo nó cũng hết, và ta tạo ra sự ham muốn mới để hy vọng cảm giác này tiếp tục diễn ra. Ta trở nên nghiện sự ham muốn và làm gia tăng bội phần nỗi đau khổ của mình.
Một ràng buộc khác là bám víu vào cái "Ta", "của Ta" mà không biết cái "Ta" là gì. Ta không thể chịu được bất cứ một sự chỉ trích hoặc sự xúc phạm nào vào cái "Ta" của mình. Và sự ràng buộc mở rộng tới những gì thuộc về "Ta", những gì "của Ta". Sự ràng buộc này sẽ không mang lại khổ nếu những gì "của Ta" có thể tồn tại đời đời, và cái "Ta" có thể trường tồn vĩnh cửu để hưởng thụ. Nhưng theo luật tự nhiên, không sớm thì muộn, "Ta" và "của Ta" sẽ mất đi. Ràng buộc, bám víu vào những gì vô thường chắc chắn mang lại đau khổ.
Tương tự, ta bị ràng buộc, bám víu vào quan điểm, vào đức tin của mình, và không thể chịu được bất cứ sự chỉ trích nào, hoặc ngay cả việc chấp nhận người khác có thể có những quan niệm khác với mình. Ta không hiểu được rằng mọi người đều mang những cặp kính màu, mỗi người một màu khác nhau. Chỉ cần tháo kính ra, ta có thể thấy thực tại đúng như thật, không bị nhuộm màu. Thế nhưng trên thực tế, ta vẫn bị ràng buộc vào màu sắc của cặp kính của mình, ràng buộc vào những thành kiến và lòng tin của mình.
Còn một ràng buộc khác nữa là bám víu vào nghi thức, nghi lễ, giáo điều tôn giáo. Ta không chịu hiểu rằng, đây chỉ là những hình thức phô diễn bên ngoài, chúng không chứa đựng tinh túy của sự thật. Nếu ai được chỉ cách để tự chứng nghiệm được sự thật ngay trong chính mình nhưng vẫn tiếp tục bám víu vào những hình thức trống rỗng bên ngoài, sự ràng buộc này đưa đến tình trạng giằng co luẩn quẩn, không tiến cũng không lùi, kết quả là đưa đến khổ.
Nếu xem xét một cách kỹ lưỡng, ta thấy mọi khổ đau trên đời đều nảy sinh từ một trong bốn sự ràng buộc, bám víu này. Đây là những gì Thái tử Siddhattha Gotama tìm thấy trong lúc đi tìm kiếm chân lý. Tuy nhiên, Ngài vẫn tìm hiểu trong chính Ngài để tìm ra nguyên nhân sâu xa của khổ, để hiểu được toàn thể tiến trình hoạt động ra sao, để tìm tới cội nguồn của vấn đề.
Rõ ràng những khổ đau trên đời – bệnh tật, già yếu, chết chóc, đau đớn thể xác và tinh thần – là hậu quả đương nhiên khi sinh ra làm người. Thế thì sinh ra đời là do nguyên nhân nào? Dĩ nhiên nguyên nhân trực tiếp là sự kết hợp của cha mẹ, nhưng dưới một cách nhìn bao quát hơn, sự sinh ra đời xảy ra vì một tiến trình bất tận của sự sinh thành liên quan đến toàn thể vũ trụ. Ngay cả lúc chết, tiến trình này cũng không chấm dứt: thân xác tiếp tục hủy hoại, tan rã, trong khi đó thần thức đã nhập vào một cấu trúc vật chất khác, và tiếp tục luân lưu, thành hình. Tại sao lại có sự sinh thành này. Ngài thấy rõ đó là vì ta tạo ra bám víu, ràng buộc. Từ chỗ bám víu ta sinh ra phản ứng mạnh mẽ, sankhara (hành nghiệp), gây ra một ấn tượng sâu đậm trong tâm. Vào cuối cuộc đời, một trong những ấn tượng này sẽ nổi lên trong tâm và xô đẩy dòng tâm thức trôi chảy tiếp.
Giờ hãy tìm hiểu nguyên nhân của ràng buộc, bám víu là gì? Ngài phát hiện nó nảy sinh vì những phản ứng trong từng khoảnh khắc bằng sự thích và không thích. Thích sẽ biến thành nhiều ham muốn; không thích sẽ biến thành nhiều ghét bỏ, một phản ảnh của ham muốn, và cả hai biến thành bám víu, ràng buộc. Và tại sao lại có những phản ứng nhất thời của sự thích và không thích. Bất cứ ai tự quan sát mình sẽ nhận thấy rằng nó xảy ra vì những cảm giác trong người. Khi nào có cảm giác dễ chịu nảy sinh, ta thích nó và muốn nó gia tăng gấp bội. Khi nào có cảm giác khó chịu nảy sinh, ta không thích nó và muốn loại trừ nó. Rồi tại sao lại có những cảm giác? Rõ ràng chúng xảy ra vì sự xúc chạm giữa những giác quan với đối tượng của chúng: mắt tiếp xúc với vật nhìn, tai với âm thanh, mũi với mùi hương, lưỡi với vị nếm, thân thể với những gì cụ thể, tâm với ý nghĩ hoặc tưởng tượng. Ngay sau khi có sự xúc chạm, đương nhiên cảm giác nảy sinh, dễ chịu, khó chịu, hoặc trung tính.
Và tại sao lại có sự xúc chạm: rõ ràng, toàn thể vũ trụ tràn đầy những đối tượng của giác quan. Khi nào sáu giác quan – năm giác quan cộng với tâm – còn hoạt động, chúng đương nhiên còn tiếp xúc với đối tượng tương ứng. Và tại sao lại có những giác quan này? Nó rõ ràng là những phần không thể tách rời trong dòng luân lưu của tinh thần và vật chất, chúng nảy sinh ngay sau khi sự sống bắt đầu. Và tại sao lại có dòng sống, dòng luân lưu của tinh thần và vật chất? Bởi vì có dòng tâm thức, trôi chảy từ giây phút này sang giây phút khác, từ đời này sang đời khác. Tại sao lại có dòng tâm thức? Ngài nhận ra nó xảy ra vì sankhara, phản ứng tinh thần. Mọi phản ứng đều tạo ra một lực đẩy vào dòng tâm thức; dòng tâm thức tiếp tục luân lưu vì động lực do những phản ứng tạo ra. Và tại sao có các phản ứng? Ngài thấy rằng chúng nảy sinh do sự vô minh. Ta không biết ta đang làm gì, không biết ta đang phản ứng như thế nào, và do đó ta tiếp tục tạo ra sankhara. Khi nào còn vô minh, đau khổ sẽ vẫn còn.
Nguồn gốc tiến trình của khổ, nguồn gốc sâu xa, là do vô minh. Từ vô minh bắt đầu một chuỗi dữ kiện để tạo thành một bể khổ cho mình. Nếu có thể diệt trừ vô minh, khổ sẽ bị diệt trừ.
Làm sao ta có thể làm được điều này? Làm sao ta có thể chặt đứt chuỗi dây xích? Dòng sống, hay dòng trôi chảy của tinh thần và vật chất, đã bắt đầu. Tự sát sẽ không giải quyết được vấn đề, nó chỉ tạo nên đau khổ mới. Người ta cũng không thể hủy hoại các giác quan mà không làm hại mình. Khi nào giác quan còn tồn tại, sự xúc chạm với những đối tượng tương ứng đương nhiên sẽ xảy ra, và khi nào có sự xúc chạm, một cảm giác đương nhiên nảy sinh trong người.
Ở chỗ này, ta có thể chặt đứt dây xích tại mắt xích cảm giác. Trước đây, mọi cảm giác đều đưa đến sự phản ứng bằng thích hoặc không thích, rồi biến thành nhiều ham muốn hoặc ghét bỏ, biến thành nhiều đau khổ. Nhưng bây giờ, thay vì phản ứng lại cảm giác, quý vị đang học cách quan sát với sự bình tâm và hiểu rằng – "cảm giác này rồi cũng sẽ thay đổi". Bằng cách này cảm giác chỉ làm nảy sinh ra trí tuệ, sinh ra sự hiểu biết về anicca – vô thường. Ta chấm dứt sự luân chuyển của bánh xe khổ và bắt đầu quay chúng ngược lại, hướng về giải thoát.
Bất cứ giây phút nào ta không còn tạo ra sankhara mới, một trong những sankhara cũ sẽ nổi lên bề mặt của tâm, kèm theo đó một cảm giác sẽ nảy sinh trong người. Nếu ta giữ được sự bình tâm, cảm giác đó sẽ mất đi và một phản ứng tạo nghiệp cũ sẽ trồi lên thay thế. Ta tiếp tục giữ được sự bình tâm đối với các cảm giác trong nguời và những sankhara cũ tiếp tục sinh và diệt, hết cái này đến cái khác. Nếu vì vô minh ta phản ứng lại cảm giác, ta gia tăng số lượng sankhara, gia tăng đau khổ cho mình. Nhưng nếu ta phát triển được trí tuệ và không phản ứng lại cảm giác, thì hết sankhara này đến sankhara khác sẽ bị diệt trừ, khổ đau được diệt trừ.
Toàn thể con đường tu tập là phương cách để diệt khổ. Bằng cách tu tập, quý vị sẽ nhận ra rằng quý vị ngừng tạo ra những nút thắt mới, và những nút thắt cũ sẽ tự động được tháo mở. Dần dần quý vị sẽ tiến tới giai đoạn trong đó tất cả những sankhara tạo ra cuộc đời mới mà từ đó dẫn tới đau khổ mới, bị diệt trừ. Đây là giai đoạn hoàn toàn giải thoát, hoàn toàn giác ngộ.
Để bắt đầu tu tập, ta không cần phải tin vào kiếp trước hay kiếp sau. Trong sự tu tập Vipassana, hiện tại là quan trọng nhất. Ngay trong đời này, ta cứ tạo ra sankhara, cứ tự làm mình khổ. Tại đây và ngay bây giờ ta phải dứt bỏ thói quen này và bắt đầu thoát khỏi đau khổ. Nếu tu tập, chắc chắn một ngày nào đó, quý vị có thể nói rằng mình đã diệt trừ hết mọi sankhara cũ, đã ngừng không tạo thêm sankhara mới, và do đó giải thoát mình hết mọi khổ đau.
Để đạt được mục tiêu này, quý vị phải tự mình tu tập. Bởi vậy, nên tu tập hết mình trong năm ngày còn lại, để thoát khỏi đau khổ, và để hưởng được hạnh phúc của sự giải thoát.
Nguyện cho quý vị hưởng được hạnh phúc thực sự.
Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc!
Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018
Bai giang ngay thu nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét