Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

CHUONG MOT: TU MOT GIA DINH NGHE SI



Một gia đình nghệ sĩ – Người lạ mặt – Lời cảnh giác – Đạo sư Kiềm Mâu – Một giai thoại tiền Cách mạng – My Cốt xuất hiện – Một dự cảm khó hiểu – Lòng người trinh nữ

Một gia đình nghệ sĩ

Hồi cuối thế kỷ 18, tại thành phố Naples, miền Nam nước Ý, có một nghệ sĩ tài hoa tên là Gaetano Pisani. Ông là một nhạc sĩ có thiên tài nhưng không được sự ái mộ của công chúng. Trong những nhạc phẩm của ông luôn có một cái gì đó lạ kỳ, ngáo ngổ, không phù hợp với thẩm quan của giới mộ điệu đương thời. Ông ưa chuộng những đề tài bí hiểm lạ lùng, và thường lồng vào đó những nhạc khúc êm dịu nhẹ nhàng, thánh thót du dương, nhưng thỉnh thoảng lại xen vào những âm thanh thác loạn điên rồ, gây cho thính giả một cảm giác hãi hùng sợ sệt.

Chỉ cần nghe qua tựa đề các tác phẩm của Pisani cũng có thể biết được tính chất loại nhạc ấy là như thế nào, chẳng hạn như: “Bữa tiệc của những ác phụ”, “Những mụ phù thủy ở Benevento”, “Orphée xuống địa ngục” v.v... và nhiều soạn phẩm tương tự khác nữa.

Cũng may là Pisani không chỉ là một nhà soạn nhạc (vì nếu thế thì có lẽ ông đã phải chết đói!), mà còn là một tay chơi vĩ cầm có tài nghệ xuất sắc. Nhờ đó mà ông ta có thể sống phong lưu với tư cách một nhạc công trong ban nhạc của Đại hí viện San Carlo.

Trong vai trò này, Pisani được giao phó những công việc rõ ràng nhất định, và điều đó giúp thu hẹp những cơn ngẫu hứng rồ dại của ông trong một giới hạn hợp lý. Vậy mà người ta kể rằng ông cũng đã từng bị đuổi ra khỏi ban nhạc ít nhất là năm lần vì trong những cơn ngẫu hứng bất thần đã gieo sự hoang mang kinh động cho thính giả và gây náo loạn trong toàn thể ban nhạc với những khúc biến tấu ngáo ngổ điên cuồng đến nỗi người ta tưởng rằng những mụ phù thủy và ác phụ, nguồn cảm hứng của ông ta, đã thực sự hiện hình và cào cấu vào những dây đàn với móng vuốt của họ! Tuy nhiên vì không thể tìm đâu được một nhạc công nào tài giỏi hơn, ít nhất là trong những lúc ông ta còn bình tĩnh sáng suốt, nên Ban giám đốc hí viện buộc lòng phải thu nhận Pisani trở lại. Nhưng sau cùng thì Pisani cũng đành an phận và chịu hãm mình gò bó với những nhạc khúc đã vạch sẵn trong cuộc hòa tấu.

Pisani có vợ và một cô con gái đã gần đến tuổi trưởng thành. Bà Pisani là một phụ nữ người Anh, trẻ hơn ông rất nhiều. Con gái ông tên Kiều Dung, có một sắc đẹp lạ thường, dường như là một sự hòa hợp của những yếu tố trái ngược. Nàng có mái tóc vàng óng nuột còn phong phú và rực rỡ hơn cả những thiếu nữ miền Bắc Âu, nhưng đôi mắt màu nâu sậm lại chiếu ra một ánh sáng dịu hiền và hấp dẫn như các thiếu nữ phương Đông.

Thật không lạ gì khi cô con gái của nhạc sĩ tài hoa Pisani sớm biểu lộ sự thích thú về âm nhạc. Những khuynh hướng này phát triển đặc biệt với một thính giác thẩm âm và một giọng hát thiên phú. Khi còn là trẻ thơ nàng đã hát rất hay. Ngoài sự học ở nhà trường, cha nàng còn nhờ các nhạc sư đồng nghiệp luyện tập cho giọng hát của nàng trở nên thành thục, và đồng thời cũng cho nàng theo học môn kịch nghệ và diễn xuất trên sân khấu để chuẩn bị cho nàng vào giới ca kịch.

Không bao lâu, nàng đã trở thành một mầm non đầy triển vọng trong tương lai và sẵn sàng bước vào một cuộc đời nghệ sĩ.

Người lạ mặt

Năm ấy, Kiều Dung được mười sáu tuổi. Cả thành phố Naples đang bàn tán xôn xao về chương trình nhạc kịch mới sắp được trình diễn tại hí viện với sự xuất hiện của một nữ ca sĩ mới. Đó là vở nhạc kịch “Ngư nữ” (La Sirène) của nhạc sĩ Pisani do ái nữ ông ta là Kiều Dung đóng vai đào chính.

Dĩ nhiên, đêm trình diễn đầu tiên mang đến tâm trạng rất hồi hộp cho cha con nhạc sĩ Pisani. Trong màn thứ nhất, đã có lúc hy vọng thành công dường như rất mong manh và đáng ngờ. Đó là lúc nhạc khúc hợp tấu bước vào đoạn đầy dẫy những âm giai “phá ngang” và cuồng nộ, với những âm thanh vang dội chát tai và gây một cảm giác rợn người! Một luồng dư luận bất mãn lan ra một cách đáng ngại trong khắp thính đường. Những diễn viên và dàn nhạc, vô cùng nhạy cảm với những phản ứng của thính giả, lấy làm lo ngại về sự thì thầm bất mãn đó. Vào giai đoạn quyết liệt, dường như họ không còn đủ tinh thần và nghị lực cần thiết để cứu vãn tình thế bất lợi kia và đạt tới sự thành công. Trên sân khấu, bất cứ một soạn giả hay diễn viên mới nào cũng đều gặp phải những đối thủ đáng ngại: những người này chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể khi một cuộc trình diễn được tốt đẹp mỹ mãn, nhưng sẽ là một trở lực nguy hiểm khi có điều gì bất ngờ xảy ra đe dọa đến sự thành công của vở kịch. Một tiếng còi huýt lên trong bóng tối, tuy lẻ loi thật đấy, nhưng sự im lặng không vỗ tay của thính giả dường như báo hiệu rằng sắp đến lúc mà sự bất mãn sẽ trở nên truyền nhiễm.

Vào lúc nguy kịch đó, Kiều Dung, trong vai nữ chúa của bọn ngư nữ, lần đầu tiên xuất hiện từ một động đá dưới thủy phủ. Khi nàng bước ra sân khấu thì sự mới lạ của hoàn cảnh, sự thản nhiên lạnh lùng của thính giả, những lời bình phẩm đầy ác ý của những đồng nghiệp cạnh tranh, ánh sáng lóa mắt của những ngọn đèn, và hơn tất cả mọi sự, tiếng huýt còi ác nghiệt lúc nãy đã lọt vào tận tai nàng ở hậu trường... Tất cả những điều ấy làm tê liệt tinh thần và làm uất nghẹn giọng hát của nàng. Và thay vì một sự xuất hiện lộng lẫy, trang trọng, huy hoàng, làm nổi bật vai trò của nàng giữa sân khấu, thì vị nữ chúa của bọn ngư nữ lúc ấy chỉ còn là một cô gái bé thơ mặt mày tái xanh, run rẩy và câm lặng trước những khán giả đang chĩa cái nhìn soi mói, khắc nghiệt, lạnh lùng vào nàng.

Vào lúc ấy, trong khi nàng cảm thấy không còn ý thức tự chủ được nữa, và với cái nhìn nhút nhát e ngại như van lơn toàn thể thính giả đang ngồi im lặng, thì nàng nhợt nhìn thấy trên khán đài gần sân khấu có một người lạ mặt đang chăm chú nhìn nàng. Cái nhìn ấy dường như một phép mầu, trong giây lát đã gây cho nàng một ấn tượng lạ lùng không thể quên được.

Gương mặt ấy đánh thức dậy trong tâm hồn nàng một ký ức mơ màng, dường như nàng đã từng gặp trong những cơn mơ mộng vẩn vơ từ thuở bé thơ. Nàng không thể tách rời đôi mắt nàng ra khỏi gương mặt ấy, và trong khi nàng bận nhìn chăm chú người ấy, thì sự sợ sệt, lúng túng và do dự lúc ban đầu bỗng tan đi như mây khói.

Thật vậy, trong cái nhìn của người lạ mặt có một sự khích lệ, an ủi, đi kèm với một lòng từ ái dịu dàng khôn tả làm sưởi ấm lòng nàng, hỗ trợ tinh thần nàng và tăng cường lòng tự tin của nàng lên đến mức cao tột. Bất cứ một diễn viên, kịch sĩ, hay diễn giả nào đã từng được khích lệ tinh thần bởi một cái nhìn đầy ưu ái trước cử tọa đông đảo sẽ hiểu được dễ dàng cái ảnh hưởng ấm áp, tốt lành và đột ngột mà cái nhìn và nụ cười của người lạ mặt đã đem đến cho cô ca sĩ non nớt ấy.

Trong khi nàng còn đang nhìn với lòng tự tin lên cao thì người lạ mặt bỗng đứng dậy như để nhắc nhở toàn thể cử tọa về một thái độ ưu ái, lịch sự mà họ cần phải có đối với một nữ nghệ sĩ trẻ đẹp mới ra đời. Và khi nàng vừa cất tiếng thì toàn thể khán đài đều đáp lại bằng một tràng pháo tay hoan nghinh nồng nhiệt.

Đó là vì người lạ mặt ấy là một nhân vật rất được chú ý, và sự xuất hiện của anh tại Naples gần đây đã gây nên một luồng dư luận phẩm bình sôi nổi khắp thành phố. Khi những tràng vỗ tay đã dứt, thì giọng hát của nữ chúa dưới long cung, thật rõ ràng, phong phú và không bị nghẹn lại bởi một chướng ngại nào, mới phát ra cái âm thanh truyền cảm du dương của nó.

Kể từ khi đó, Kiều Dung như quên hết tất cả đám đông thính giả trên khán đài, quên cả những sự trắc trở bâng khuâng lúc đầu, quên cả thế giới thực sự đang tồn tại... Nàng quên tất cả, ngoại trừ cái thế giới huyền ảo mà nàng đang đóng vai một nữ chúa. Sự hiện diện của người khách lạ dường như còn có ảnh hưởng tăng cường cái ảo giác đó, làm cho nàng không còn ý thức gì về ngoại cảnh ngoài vòng nghệ thuật diễn xuất của nàng. Nàng cảm thấy gương mặt an tĩnh và đôi mắt sáng ngời đó đã đem đến cho nàng một nguồn cảm hứng và đức tin mãnh liệt mà nàng chưa từng có bao giờ. Điều đó giúp nàng bộc lộ tài năng một cách vượt bực, ngoài sức tưởng tượng của mọi người.

Sau cùng, màn từ từ hạ xuống giữa những tràng pháo vỗ tay ồ ạt như giông tố. Toàn thể thính giả khắp nơi trên khán đài đều đồng loạt đứng dậy dường như đó chỉ là một người, và đồng thanh cất tiếng hoan hô tài nghệ nàng ca sĩ.

Nàng từ từ bước tới trên khán đài, hơi run vì cảm động, và chỉ nhìn thấy có cha nàng trong đám đông! Các thính giả theo dõi cái nhìn long lanh ứa lệ của nàng, và họ liền hiểu ngay tư tưởng của nàng lúc ấy. Nàng đang nghĩ đến người cha thân yêu đã đào tạo cho nàng một sự nghiệp mà kết quả đầu tiên đã cho thấy rất nhiều hứa hẹn trong tương lai.

Khi rời khỏi sân khấu, nàng cũng nhìn một cách vô tâm về phía người khách lạ mặt lúc nãy. Nụ cười bình tĩnh và cái nhìn lặng lẽ của anh dường như đã để lại trong quả tim nàng một dấu vết sâu đậm, gồm những ký ức mơ màng phức tạp lẫn lộn vui buồn...

Khi về nhà, bữa cơm đoàn tụ gia đình hôm ấy thật vui. Nhạc sĩ Pisani lòng đầy hứng khởi bởi sự kích thích của chút rượu nho khai vị cũng như do sự thành công rực rỡ của cả hai cha con lúc ban chiều, bèn quay lại phía Kiều Dung và nói với một giọng thật thà, ngây ngô và hơi lố bịch:

– Cha không biết phải cám ơn ai nhiều hơn. Con đã đem cho cha một niềm vui sướng rất lớn. Con hỡi, cha rất hãnh diện về con và cả về cha nữa!

Đêm ấy, Kiều Dung trằn trọc ngủ không yên giấc, và đó cũng là lẽ tự nhiên! Sự thành công làm cho nàng say sưa ngây ngất, niềm hạnh phúc đến với nàng bởi nàng đã làm cho người khác được sung sướng, tất cả những thứ đó còn quí hơn là một giấc ngủ ngon. Tuy vậy, nhiều khi tư tưởng của nàng đã tách rời khỏi những ấn tượng đó để nghĩ đến đôi mắt ám ảnh cùng nụ cười ấm áp của người đàn ông chưa từng quen biết, nhưng lại có liên hệ trực tiếp đến sự thành công rực rỡ và niềm vui của nàng hôm nay.

Lời cảnh giác

Buổi trưa hôm ấy, Kiều Dung ngồi trước cửa nhìn ra bãi biển phía trước với những chiếc tàu buồm xa xa ngoài khơi. Khi nàng đang mơ mộng, bỗng có một kỵ mã đi qua trên con đường trước nhà. Kiều Dung vừa ngước mặt lên nhìn liền vô cùng xúc động khi nhận ra đó chính là người lạ mặt trong rạp hát chiều hôm trước. Nàng bất giác thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên, và người kia cũng vừa quay đầu lại nhìn thấy nàng bèn gò cương ngựa đứng lại.

Người ấy đứng yên một lúc, ngắm nhìn gương mặt người đẹp lúc ấy hơi ửng hồng rồi cất tiếng nói với giọng thân mật:

– Cô có lấy làm sung sướng về cuộc đời nghệ sĩ đang hé mở trước mặt cô hay chăng? Tôi nghĩ có lẽ vào độ tuổi trẻ như cô thì được nghe tiếng hoan hô khen tặng của người đời còn đậm đà thú vị hơn cả những khúc nhạc cô đã hát trên sân khấu.

Vì quá đột ngột, Kiều Dung còn do dự chưa đáp lời. Nhưng giọng nói dịu dàng và trong trẻo của người lạ mặt đã làm cho nàng cảm thấy phấn khởi tinh thần. Nàng bèn nói:

– Thưa tiên sinh, tôi không biết hôm nay tôi có sung sướng không, nhưng hôm qua thì hẳn là có. Và tôi cũng thấy rằng phải cám ơn ông, cho dù chắc hẳn ông sẽ khó mà hiểu được tại sao.

Người kia mỉm cười và nói:

– Cô lầm rồi! Tôi biết rằng tôi có góp phần vào sự thành công của cô hôm qua, nhưng chính cô mới là người không biết lý do tại sao. Để tôi nói cho cô nghe. Tôi nhìn thấy trong tâm hồn cô có một ước vọng cao quí hơn lòng kiêu hãnh của phụ nữ. Tôi chiêm ngưỡng nơi cô một cái gì thanh cao thuần khiết của người con gái. Có lẽ cô thích tôi chiêm ngưỡng cái tính chất nghệ sĩ của cô hơn?

– Ấy, không phải thế đâu, thưa tiên sinh!

– Được, tôi tin lời cô. Và bây giờ, vì lẽ chúng ta đã gặp nhau, tôi nghĩ tôi nên khuyên cô một điều. Khi cô trở lại hí viện, tất cả giới thanh niên trai trẻ ở Naples sẽ quì mọp dưới chân cô. Họ sẽ đến với cô như những con thiêu thân nhìn thấy ánh đèn sáng. Nhưng đáng thương thay, ngọn lửa chóa mắt của đèn cũng đốt cháy đôi cánh của chúng. Cô hãy nhớ rằng, sự ái mộ duy nhất không làm tổn thương, hoen ố lại chính là điều mà những kẻ si tình ấy không thể dâng hiến cho cô. Dù cho giấc mộng tương lai của cô là như thế nào, cô cũng phải nhớ là hãy lấy gia đình làm trụ cột. Đó mới là những ước mơ nên thực hiện.

Nói đến đây, người ấy ngừng lại. Kiều Dung cảm thấy quả tim nàng đập mạnh. Nàng vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của những lời khuyên đó. Với một sự xúc động tự nhiên và ngây thơ, nàng đáp:

– Thưa tiên sinh! Mái ấm gia đình bao giờ cũng là điều quí báu nhất đối với tôi!

Một nét buồn mơ màng thoáng hiện trên gương mặt người kỵ mã. Người ấy ngắm nhìn ngôi nhà yên tĩnh khuất dạng dưới tàn lá rậm rạp của giàn nho tươi, rồi đưa mắt nhìn những nét sinh động trên khuôn mặt người con gái và nói:

– Tốt lắm. Một quả tim đơn sơ thường là điều tốt nhất của con người. Chúc cô luôn được sung sướng! Xin chào cô ca sĩ xinh đẹp!

– Kính chào tiên sinh... ấy nhưng...

Một cảm xúc mãnh liệt khó cưỡng lại bỗng dâng lên, bao gồm cả sự ngại ngùng và niềm hy vọng làm cho nàng bất giác phải thốt lên câu hỏi:

– Tôi có thể gặp lại tiên sinh ở hí viện San Carlo nữa chăng?

– Chắc là phải sau một thời gian nữa, vì hôm nay tôi phải rời khỏi Naples.

– Ôi! Thật vậy sao?...

Kiều Dung không kiềm được cảm xúc nên buột miệng kêu lên như thế. Nàng cảm thấy tim mình như ngừng đập. Ý nghĩ thơ mộng về sự gặp gỡ nơi hí viện đã tan biến. Người kỵ mã bất ngờ quay lại đặt tay lên bàn tay nàng và nói:

– Nhưng trước khi chúng ta gặp lại nhau, có lẽ cô sẽ phải chịu nhiều đắng cay, trải qua những sự buồn khổ đầu tiên của cuộc đời, và rồi sẽ hiểu ra rằng mọi sự thụ hưởng vật chất trần gian không thể nào bù lại được những mất mát của quả tim. Nhưng cô hãy can đảm lên và chớ có mềm lòng. Cô hãy nhìn cái cây kia, mọc ra từ trong kẹt đá. Thân cây bị đá che lấp, còi cọc, vặn vẹo, nhưng vẫn cố gắng vươn mình ra bên ngoài để tăng trưởng và vẫn có cành lá sum sê như mọi cây khác. Cuộc đời nó là một cuộc tranh đấu không ngừng để tìm ánh sáng. Ánh sáng chính là nguyên lý cần thiết của sự sống! Tranh đấu cho ánh sáng là sớm muộn gì cũng sẽ thực hiện được sự chinh phục ánh sáng! Cũng vậy, tranh đấu với bản thân để đạt sự an tịnh của nội tâm, với một ý chí kiên cường và quả cảm, bất chấp mọi va chạm xô xát của đau khổ và định mệnh, đó là điều mang lại sự minh triết, an lạc và hạnh phúc. Trước khi chúng ta gặp lại nhau, cô sẽ có dịp nhìn lại nhiều lần những cành lá của cái cây còi cọc ấy. Cô hãy lãnh hội bài học ấy của thiên nhiên và chính cô hãy tự vạch lấy một con đường xuyên qua bóng tối để đi đến ánh sáng.

Người kỵ mã vừa nói câu cuối cùng vừa lặng lẽ lên ngựa ra đi, để Kiều Dung ngồi lại một mình với sự ngạc nhiên, lặng lẽ và u sầu vì những lời của người ấy như báo trước một chuyện đau buồn trong tương lai. Tuy vậy, trong nỗi buồn vừa hiện ra nàng vẫn cảm thấy có gì đó thật sung sướng khó tả. Nàng đưa mắt nhìn theo người kỵ mã một cách vô tâm, và cũng vô tâm, nàng bất giác đưa cả hai tay ra dường như để gọi chàng trở lại. Có lẽ nàng sẵn sàng chịu trả bất cứ giá nào để được thấy chàng quay trở lại, để được nghe lần nữa giọng nói trầm hùng nhưng trong trẻo của chàng, để được cảm giác lần nữa bàn tay chàng đặt nhẹ lên tay nàng.

Người lạ mặt noi theo con đường dài đưa đến các tòa lâu đài bên những khu vườn hoa công cộng, và đưa đến những khu vực đông dân cư trong thành phố. Một nhóm thanh niên trưởng giả chơi bời đang tụ họp phía trước cửa một sòng bạc. Họ tránh ra khi người kỵ mã đến gần. Đó là một nơi tiêu khiển công cộng được mở ra cho những khách ăn chơi vào thời đó; những người giàu có sang trọng trong giới quí tộc thường tới lui ăn chơi bài bạc tại đây.

Người ky mã đi qua trước mặt họ và hơi khẽ nghiêng đầu. Một người trong bọn cất tiếng nói:

– Này, có phải đó là tay cự phú Zanoni mà cả thành phố đều đang bàn tán đó chăng?

– Phải đấy, người ta nói rằng ông ta có cả một tài sản khổng lồ, vàng bạc không thể nào đếm xuể!

– “Người ta” đó là ai thế? Họ căn cứ vào đâu mà nói vậy? Ông ta chỉ mới đến Naples có vài ngày, và đến giờ tôi vẫn chưa tìm ra được một người nào có thể biết gì về nguồn gốc, quê quán, gia đình, và điều quan trọng nhất là tài sản của ông ta.

– Đúng vậy, nhưng quả là ông ta đến đây trên một chiếc tàu buồm lớn mà người ta nói rằng đó là chiếc tàu riêng của ông. Chiếc tàu ấy chúng ta không thể thấy được từ nơi đây, vì nó bỏ neo xa ngoài biển. Những tay chủ ngân hàng mà ông ta đã gặp để thương lượng công việc đều nói một cách kính cẩn về những số tiền mà ông ta giao phó trong tay họ.

– Ông ta từ đâu đến?

– Từ một hải cảng nào đó ở vùng Trung Đông. Một người nhà của tôi được biết, do những thủy thủ dưới tàu của ông ta nói lại, rằng ông ấy đã từng sống nhiều năm ở Ấn Độ. À, họ còn nói rằng ở Ấn Độ người ta nhặt vàng như nhặt đá sỏi, và có những vùng thung lũng mà loài chim làm tổ bằng những viên ngọc bích để thu hút những con bươm bướm!

Đến đây thì bá tước Thố Xa xuất hiện. Ông này là một tay vua cờ bạc. Chắc hẳn ông ta đã có dịp làm quen với người kỵ mã giàu sang đang được nhắc đến. Ông ta là người có thói quen bị vàng bạc thu hút mạnh mẽ như nam châm hút sắt.

– A! Ông Thố Xa đây rồi! Ông có tin tức nào mới nhất về số vàng của Zanoni tiên sinh hay chưa?

– Ồ, về chuyện ông bạn tôi đấy hả?

Thố Xa đáp một cách buông xuôi.

– Ái chà! Các anh nghe chưa? Ra là bạn của ông ta đấy!

– Đúng vậy. Ông bạn Zanoni của tôi sẽ đi La Mã trong vài ngày tới. Ông ta có hứa khi trở về sẽ hẹn ngày đến dùng cơm tối với tôi Chừng đó tôi sẽ giới thiệu ông ta với các bạn và xã hội thượng lưu ở Naples. Các bạn biết không, đó là một nhà quí phái dễ mến và vui tính nhất trong số những người tôi đã gặp!

– Anh hãy cho biết anh đã làm quen với ông ta bằng cách nào?

– À, bạn Bân Dư thân mến! Có gì lạ đâu, đó là khi ông ta đang tìm một chỗ ngồi trên khán đài của hí viện San Carlo. Khỏi nói thì ai cũng biết rằng việc loan báo một chương trình ca kịch mới với một đào hát mới đã làm cho thiên hạ giữ hết chỗ trong rạp từ trước. Tôi được biết Zanoni muốn có dịp thưởng thức tài năng của các nghệ sĩ thành Naples, và do thói quen lịch sự của tôi đối với những ngoại nhân giàu sang nên tôi đã nhường chỗ ngồi bao trước của tôi cho ông ta. Ông ta chấp thuận, và tôi đợi gặp ông ta vào lúc buổi diễn tạm nghỉ. Ông ta tỏ ra lịch sự và mời tôi dùng cơm tối tại tư gia. Chà chà! Ông ta tiếp đãi sang trọng như một ông hoàng! Chúng tôi đã thức rất khuya. Tôi kể cho ông ta nghe những tin tức của thành phố, và chúng tôi trở nên hai người bạn thân tình... Lúc chia tay ra về, ông ta buộc tôi phải nhận chiếc nhẫn kim cương này như một món quà tặng. Ông ta nói: “Đây chỉ là một món nhỏ nhặt không đáng kể.” Nhưng các tay thợ kim hoàn ở đây đều định giá nó tới năm nghìn “bích–tôn”! Đó là đêm vui nhất của đời tôi từ mười năm nay.

Cả bọn đều vây quanh Thố Xa để chiêm ngưỡng hạt kim cương của ông ta. Một nhân vật có dáng vẻ nghiêm trang đạo mạo, đã làm dấu thánh giá hai lần trong khi nghe chuyện, bèn cất tiếng nói:

– Này bá tước Thố Xa, ông có nghe chăng những lời đồn của thiên hạ về người lạ mặt ấy? Và ông không sợ rằng nhận quà của ông ta có thể đưa đến những hậu quả tai hại hay sao? Người ta nói rằng ông ta là một nhà phù thủy, rằng ông ta có vía xấu, và...

– Thôi, tôi xin ông hãy dẹp ngay tất cả những sự mê tín cổ lỗ đó đi!

Thố Xa đáp một cách ngạo nghễ.

– Sự dị đoan nhảm nhí đã lỗi thời. Ngày nay là thời đại của triết lý và sự hoài nghi. Dầu sao, hãy nghĩ xem những lời đồn đãi đó xuất phát từ đâu? Để tôi nói ông nghe về nguồn gốc của tin đồn nhảm nhí đó. Một lão già ngu ngốc tám mươi sáu tuổi đã long trọng quả quyết rằng chính lão ta đã nhìn thấy Zanoni tại Milan cách đây bảy mươi năm, khi lão ấy hãy còn là một đứa trẻ! Tất cả các bạn đều thấy rõ đó: Zanoni cũng chỉ vào độ tuổi như chúng ta thôi, phải vậy không ông bạn Bân Dư?

Người khách kia nghiêm nghị nói tiếp:

– Ấy, đó mới chính là điều bí mật! Lão già Avelli tuyên bố rằng Zanoni không có vẻ thay đổi chút nào so với hồi mà lão thấy ông ta tại Milan bảy mươi năm về trước! Lão còn nói thêm rằng, khi lão còn sống ở Milan dưới một cái tên khác, Zanoni cũng đã xuất hiện với một phong độ giống hệt như như bây giờ, cũng được bao trùm trong một màn bí mật tương tự, và khi đó cũng có một ông già nhớ rằng đã từng gặp Zanoni sáu mươi năm về trước ở Thụy Điển!

Thố Xa đáp:

– Chà chà! Đó chỉ là những huyền thoại. Người ta cũng nói như vậy về tên bịp bợm Cagliostro. Tôi chỉ tin những điều đó khi nào tôi thấy hạt kim cương này biến thành một bó rạ!

Rồi ông ta nghiêm sắc mặt và nói tiếp:

– Vả lại, tôi xem Zanoni tiên sinh như bạn thân của tôi, nên từ nay về sau tôi sẽ xem như một sự mạ lỵ cá nhân bất cứ lời nói nào đụng chạm đến danh dự hay tổn thương đến tiếng tăm của bạn tôi.

Thố Xa vốn là một tay kiếm cừ khôi mà cả nước Ý đều biết tiếng. Ông khách nghiêm trang đạo mạo kia, mặc dầu lo lắng cho sự lành mạnh tâm linh của ngài bá tước, nhưng cũng lo ngại không kém cho sự an toàn của chính mình, bèn ném cho bá tước một cái nhìn thương hại và bước qua cửa để đi lên phòng đánh bạc trên lầu.

Thố Xa vừa cười vừa nói:

– Ha ha... Lão già đó hẳn là ganh tị với hạt kim cương của tôi. Này các bạn! Các bạn sẽ đến dùng cơm tối với tôi chiều nay chứ? Tôi cam đoan rằng tôi chưa bao giờ gặp một người bạn nào vui tính, dễ thương và lý thú như Zanoni tiên sinh!

Đạo sư Kiềm Mâu

Ở một vùng đồi núi hoang vu hẻo lánh ngoài thành La Mã, giữa những bụi gai góc và cỏ dại vẫn còn lại di tích một triều đại vua chúa của đế quốc La Mã. Tại đây có những nền đá gạch đã sụp lở, những dãy cột trụ bằng cẩm thạnh có cái còn nguyên vẹn, có cái gãy đôi hoặc sụp đổ, dấu vết những cung điện cũ của bạo chúa Néron.

Giữa cảnh hoang tàn đó, nhô lên một tòa nhà lầu cũ kỹ dựng lên từ thời Trung Cổ, nay là nơi trú ngụ của một nhân vật dị kỳ mà người ta được biết dưới cái danh hiệu là đạo sư Kiềm Mâu.

Trong mùa hè nóng nực, bịnh sốt rét hoành hành dữ dội, người dân cư sống trong vùng đồng lầy nước đọng này phải di tản để tránh xa sơm lam chướng khí, nhưng đạo sư Kiềm Mâu vẫn cứ ở nguyên tại chỗ và vẫn sống an toàn giữa bầu không khí ôn dịch truyền nhiễm.

Ông ta không có bạn bè thân thích hay người giúp việc nào ngoài ra những chồng sách vở và những đồ khí cụ khoa học. Người ta thường thấy ông ta đi rảo một mình trên những ngọn đồi đầy cỏ dại, hoặc lang thang trên những đường vắng trong thành phố. Ông ta đã có tuổi nhưng không ra vẻ lụm cụm hay có bịnh tật gì cả. Ông đi đứng mạnh bạo và thẳng lưng như còn đương thời niên thiếu.

Không ai biết ông ta giàu hay nghèo. Ông ta không xin ai trợ giúp, cũng không bố thí trợ giúp ai; ông ta không làm điều gì sai quấy và dường như cũng không làm điều thiện. Đó là một người dường như không biết đến thế giới bên ngoài! Nhưng cái vẻ bề ngoài đôi khi cũng rất phỉnh lừa, và nó có thể che giấu bên trong một sự minh triết cùng lòng nhân từ bác ái.

Chính ngôi nhà lầu cổ lỗ đó, kể từ ngày nó bắt đầu có người cư trú đến nay, lần đâu tiên được đón tiếp một người khách lạ. Ấy là Zanoni!

Kiềm Mâu và Zanoni cùng ngồi gần bên nhau và thảo luận một cách trang trọng. Một thời gian rất dài đã trôi qua kể từ khi họ gặp nhau lần cuối cùng, ít nhất là trong thể xác vật chất. Vì họ là những bậc siêu nhân, hiền triết, nên họ có thể gặp nhau bằng tư tưởng và giao cảm với nhau bằng tinh thần, dẫu cho thể xác họ cách biệt nhau hằng muôn dặm trùng dương. Cho đến sự chết cũng không thể ngăn cách được những bậc siêu nhân!

Hai vị nói chuyện hàn huyên, trao đổi với nhau những tâm sự thầm kín, nhắc lại những chuyện cũ trong quá khứ, nhưng những kỷ niệm này lại gây ra cho họ những phản ứng khác nhau. Trên gương mặt của Zanoni, mặc dù sự bình tĩnh thường nhật, người ta thấy biểu lộ những xúc cảm liên tiếp. Ông ta đã sống lại cái dĩ vãng mà ông ta đang ngắm nhìn; nhưng trên gương mặt lạnh lùng thản nhiên của Kiềm Mâu không hề thấy biểu lộ một mảy may dấu vết nào về sự sướng khổ của lòng người. Đối với vị đạo sư này, dĩ vãng cũng như hiện tại, là một cái gì giống như cõi thiên nhiên đối với nhà hiền triết, hay quyển sánh đối với người học trò: một cuộc sống tâm linh bình thản, một sự nghiên cứu tìm tòi, phân tích và ngắm trông trong thầm lặng, thế thôi!

Từ những việc trong quá khứ, họ nói sang những việc tương lai. Vào cuối thế kỷ 18, tương lai dường như đã trở nên một cái gì cụ thể. Nó thể hiện ở khắp nơi trong làn sóng sợ sệt và niềm hy vọng của người đương thời, trong giai đoạn tiền cách mạng ở nước Pháp.

Một giai thoại tiền cách mạng

Nhiều tháng sau đó, vào một buổi tối ở Paris, thủ đô nước Pháp, một số nhà thượng lưu trí thức tiếng tăm nhất của thời đại đang tụ họp tại nhà một nhân vật cũng quí phái và hào sảng không kém. Phần nhiều các quan khách cùng chia sẻ quan niệm chung của thời bấy giờ. Cũng như về sau có lúc người ta cho rằng không gì táo bạo cho bằng dân chúng, thì ngay khi đó có một thời kỳ người ta cho rằng không có gì thô bỉ cho bằng giai cấp quí tộc. Những người quí phái sang trọng và vị lãnh chúa quyền thế nhất đều tuyên dương sự bình đẳng và xây dựng lý thuyết của họ trên sự tiến bộ xã hội.

Trong số những thực khách tối hôm ấy có hầu tước Condorcet, hồi ấy đang lên tới tột đỉnh của danh vọng. Ông ta từng giao thiệp với quốc vương nước Phổ, vừa là bạn thân của nhà văn hào Voltaire, vừa là viện sĩ Hàn lâm viện của nhiều nước Âu châu. Ông vốn con nhà quí tộc, cốt cách phong lưu và có tư tưởng cộng hòa. Ngoài ra, còn có các ông MalesherbesJean Sylvain Bailly, đều là những nhân vật ưu tú có nhiều uy tín trong nước Pháp thời đó.

Đó là một trong những cuộc hội họp có tính cách văn nghệ, chính trị, rất được các văn nhân, trí thức hâm mộ và đến dự thường xuyên tại thủ đô Paris. Sự góp mặt của nhiều vị mệnh phụ phu nhân thuộc dòng quí phái càng làm cho những cuộc hội họp ấy thêm phần thanh lịch, hào hứng và vui nhộn. Chính các bà phu nhân, mệnh phụ này là những người đã từng phát biểu những lời bình phẩm chỉ trích táo bạo nhất cùng những ý kiến và tư tưởng phóng khoáng tự do nhất.

Trong khi các vị quan khách đang thảo luận sôi nổi về tất cả mọi vấn đề thời sự, chính trị, văn chương, nghệ thuật... có hai người ngồi riêng gần nhau ở một góc phòng khách, không tham dự vào câu chuyện của mọi người. Trong hai người đó, có một người lạ mặt mới đến thủ đô Paris. Tại đây, ông ta được mọi giới chú ý và mời mọc do tính chất hào hoa phong nhã, sự giàu có và kiến thức rộng rãi của ông ta. Còn người kia là một ông già độ bảy mươi tuổi, chính là thi sĩ trào lộng Jacques Cazotte, tác giả tập thơ “Con quỷ phong lưu” (Le Diable Amoureux).

Hai người nói chuyện riêng với nhau một cách thân mật và chỉ thỉnh thoảng mới biểu lộ sự chú ý của họ vào câu chuyện của mọi người bằng một nụ cười xã giao. Người lạ mặt nói:

– Phải đấy, chúng ta đã từng gặp nhau trước đây.

Người kia đáp:

– Tôi không thể quên gương mặt ông, nhưng lại không sao nhớ rõ là đã gặp ông trong trường hợp nào.

– Để tôi giúp ông. Ông nhớ chăng, có một thời kỳ do sự thúc đẩy của óc tò mò hoặc sự mong muốn học hỏi hiểu biết, ông đã xin gia nhập vào triết phái huyền môn của Martinez de Pasqualis?

– A! Có thể vậy chăng? Vậy hẳn ông cũng là đạo đồ của môn phái đó?

– Không. Tôi có tham dự những cuộc lễ, nhưng chỉ là để nhận xét ý nghĩa của nó mà thôi.

– Ông có thích sự học hỏi đó không? Riêng tôi, tôi đã dứt bỏ mọi ảnh hưởng của nó từ lâu.

Người lạ mặt đáp một cách nghiêm nghị:

– Ông không hề dứt bỏ được ảnh hưởng đó! Vào giờ phút này, nó vẫn còn thấm nhuần nơi ông, nó tồn tại trong quả tim ông, nó vận dụng lý trí của ông, nó biểu lộ qua lời nói của ông.

Rồi hạ thấp giọng, người lạ mặt tiếp tục nói chuyện, nhắc lại vài cuộc lễ, giải thích ý nghĩa và đối chiếu với những giai đoạn trong cuộc đời của người kia. Người này vô cùng ngạc nhiên khi thấy một người xa lạ lại biết rõ tất cả những chi tiết bí ẩn về cuộc đời của mình.

Gương mặt khả ái và hiền từ của ông lão từ từ sa sầm lại, và người ta thấy ông thỉnh thoảng lại đưa về phía người khách lạ một cái nhìn soi mói, tò mò và e ngại. Bà quận công De Gramont thấy vậy liền lên tiếng với một giọng tinh nghịch, chỉ cho quan khách thấy gương mặt sa sầm của nhà thi sĩ già.

Hầu tước Condorcet bèn hỏi nhà thơ Cazotte:

– Ông có thể cho biết những lời tiên tri của ông về thời cuộc chăng? Và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng đối với chúng ta sẽ như thế nào?

Cazotte rùng mình, mặt ông ta tái ngắt, cặp môi run run, trán toát mồ hôi ra từng giọt lớn. Các quan khách đều nhìn ông ta một cách ngạc nhiên. Người lạ mặt ngồi bên liền đặt nhẹ bàn tay lên tay ông lão và nói:

– Ông hãy nói đi!

Cazotte liền đanh nét mặt, đôi mắt lặng lờ nhìn vào khoảng không và bắt đầu nói với một giọng trống rỗng, nghẹn ngào:

– Quí vị muốn biết ảnh hưởng của cách mạng đối với chính mình ư? Tôi sẽ nói cho quí vị biết. Hầu tước Condorcet, ông sẽ bỏ mình trong ngục tối, không phải dưới tay người đao phủ, mà là do một liều thuốc độc. Còn bà chị quận công Gramont thì sẽ bị hành hình trên đoạn đầu đài!

Condorcet đáp với một nụ cười dịu dàng:

– Hỡi ông bạn Cazotte đáng thương! Các nhà giam, đao phủ và thuốc độc chắc chắn sẽ bị dẹp bỏ với một thế hệ tự do, bình đẳng và bác ái đại đồng mà Cách mạng sẽ đem lại cho chúng ta.

– Chính vì nhân danh tự do, bình đẳng và bác ái mà các nhà giam mới đầy nghẹt những tù nhân, và bọn đao phủ sẽ làm không hết việc!

Đến đây, trong khi mọi người còn đang xúc động và sửng sốt thì nhà văn Chamfort bèn xen vào câu chuyện và nói:

– Còn tôi, ông có thể tiên tri về tôi điều gì?

– Ông sẽ tự tử để tránh khỏi ngục hình. Còn các ông Malesherbes, Aimar NicolaiBailly thì tôi nhìn thấy trước mặt các ông một cái máy chém. Và dẫu cho đến lúc đó, hỡi quí vị, những người kết án hành hình các ông cũng không nói gì khác hơn là nhân danh những lý thuyết nhân đạo.

Cơn im lặng trở nên nặng nề và tuyệt đối trong gian phòng. Khi đó, La Harpe, một học trò của Voltaire và là người nổi bật nhất trong những người theo chủ nghĩa hoài nghi liền phát lên một chuỗi cười ngạo nghễ và nói:

– Hỡi nhà tiên tri! Xin ông đừng gạt bỏ tôi ra ngoài số phận của các bạn tôi. Phải chăng tôi cũng có một vai trò nào đó trong tấn bi kịch mà ông vừa đoán trước với những diễn biến rùng rợn.

Gương mặt của Cazotte bèn mất đi những nét kinh hoàng phờ phạc lúc ban đầu, mà trở nên hóm hỉnh với một cái nhìn long lanh:

– Ừ, La Harpe, vai trò của anh sẽ lạ lùng hơn tất cả. Anh sẽ trở nên một tín đồ đạo Gia Tô!

Tất cả quan khách đang im lặng nghiêm trang bỗng phát tiếng cười nghiêng ngửa, còn Cazotte thì dường như mệt mỏi nên vừa ngả mình trên ghế bành vừa thở dốc một cách khó khăn.

Bà quận công De Gramont nói:

– Bây giờ, sau khi đã tiên tri những điều kinh khủng cho chúng tôi, xin ông cũng tiên tri vài điều về định mệnh của chính ông chứ?

Nhà tiên tri bất giác run rẩy thân mình, sắc mặt tái nhợt. Nhưng sau một lúc im lặng, gương mặt ông ta bình tĩnh trở lại, có vẻ như đành cam số phận và nói:

– Thưa bà, lịch sử chép rằng trong trận đánh vây thành Jérusalem có một người đã đi suốt bảy ngày vòng quanh bốn bức tường thành và kêu to: “Tai họa sẽ đến với Jérusalem! Tai họa cũng sẽ đến với tôi!”

– Rồi sao nữa, Cazotte? Rồi sao nữa?

– Đến ngày thứ bảy, trong khi ông ta vẫn đang kêu gào như thế, thình lình một tảng đá do những máy phóng đá của quân La Mã bắn ra đã rơi xuống nghiền nát thân mình ông ta!

Nói đến đây, Cazotte đứng dậy ra về, và những quan khách, vô cùng xúc động về những lời tiên tri chẳng lành đó, cũng lần lượt giải tán.

My Cốt xuất hiện

Sau buổi hội họp tối hôm đó, khi người lạ mặt trở về nơi cư trú thì đã gần nửa đêm. Đó là một chỗ ở tọa lạc trong một cư xá rộng lớn. Những gian phòng ở dưới hầm cư xá này là chỗ ở của những người dân lao động nghèo hoặc những kẻ du đãng côn đồ sống ngoài vòng pháp luật. Đôi khi, đó cũng là nơi ẩn náu của các nhà văn táo bạo, sau khi đã phổ biến trong dân chúng những lý thuyết hay truyền đơn nẩy lửa chống đối nhà vua, chế độ quân chủ và Giáo hội. Họ đến đây tìm nơi trú ẩn và làm bạn với chuột để tránh sự bắt bớ ngược đãi của nhà cầm quyền.

Những gian nhà trệt và trên lầu là chỗ cư ngụ của những người thuộc đủ mọi giới: nghệ sĩ, công chức, hoặc các nhà quí tộc...

Khi người lạ mặt bước lên thang lầu thì một thanh niên có một bộ mặt xấu xí và hình thù dị dạng từ một gian phòng bước ra và đi qua nhanh trước mặt ông. Gã này có một cái nhìn lấm lét, hung ác và gian trá, sắc mặt tái nhợt như màu tro xám. Nét mặt và làn môi hơi run dường như cho thấy hắn đang có sự gì bất an trong lòng.

Người lạ mặt ngừng lại và nhìn theo gã thanh niên, dường như đang suy nghĩ về những gì vừa nhìn thấy. Trong khi đó thì có tiếng rên rỉ phát ra từ gian phòng mà gã thanh niên vừa bước ra. Người ấy bèn đẩy cánh cửa phòng bước vào.

Đó là một gian phòng nhỏ, bàn ghế sơ sài, kế bên là một buồng ngủ có vẻ luộm thuộm và thiếu tiện nghi. Trên giường là một ông lão đang nằm rên la quằn quại trong cơn đau đớn. Một ngọn nến trắng chiếu ánh sáng lập lòe trên gương mặt nhăn nheo co rúm như cái xác chết.

Không có ai trong phòng để canh chừng hay săn sóc ông lão! Dường như người ta cố ý cho ông ta ở đó một mình để trút hơi thở cuối cùng.

Ông lão vừa rên hừ hừ vừa thốt ra những tiếng nói yếu ớt, đứt đoạn:

– Nước... Tôi khát quá... cháy cả ruột! Cho tôi uống nước...

Người lạ mặt bước đến gần, cúi xuống gần bên ông lão và nắm lấy một bàn tay ông. Ông lão lại vừa rên vừa nói:

– À! My Cốt, con đã gọi bác sĩ đến đấy à? Thưa ông, tôi nghèo nhưng tôi vẫn có thể trả thù lao xứng đáng cho ông. Tôi chưa muốn chết vội, vì tôi còn phải lo cho đứa con trai này.

Kế đó ông lão cố ngoi mình dậy và băn khoăn nhìn người khánh lạ bằng đôi mắt đã mờ.

– Ông làm sao vậy? Ông đang có bịnh chi?

– Quả tim tôi đau nhói, ruột tôi nóng như lửa đốt. Tôi cảm thấy như đang nằm trên lò lửa!

– Từ chiều tới giờ ông có ăn gì không?

– Tôi chỉ ăn có một chén súp vào lúc sáu giờ. Cái chén hãy còn kia. Vừa ăn xong thì cảm thấy như lửa đốt trong ruột.

Người lạ mặt bước lại xem xét cái chén, dưới đáy chén hãy còn một chút cặn nước súp.

– Ai đã cho ông ăn chén súp này?

– My Cốt chứ còn ai nữa! Tôi không có người giúp việc. Tôi nghèo, thưa ông, nghèo lắm. Ấy không! Giới y sĩ các ông không cần lo cho kẻ nghèo. Tôi quên mất điều đó! Tôi có tiền đây, thưa ông. Ông có thể chữa trị cho tôi được không?

– Được, nếu có ơn trên giúp sức. Ông hãy chịu khó chờ một lát.

Sức khỏe ông lão giảm sút rất mau chóng dưới ảnh hưởng khốc hại của thuốc độc. Người lạ mặt chạy về phòng mình và sau đó một lúc trở lại với một loại thuốc giải độc, giúp ông lão hồi phục trong khoảnh khắc. Cơn đau đớn đã dứt, đôi môi ông không còn xám xịt và gương mặt đã có khí sắc trở lại. Ông lão thiếp đi trong một giấc ngủ mê man.

Người lạ mặt kéo màn khép kín giường ngủ cho ông lão rồi ngồi trên ghế bên cạnh giường ở phía trong, tấm màn che khuất bên ngoài.

Đồng hồ vừa điểm hai giờ sáng thì nghe có tiếng chân người ngoài cửa. Núp sau tấm màn như một bức bình phong, người lạ mặt nhìn thấy một người vừa mở cửa bước vào với bước chân rón rén không gây một tiếng động nào. Đó là người mà chàng đã gặp mặt trước đó nơi cầu thang.

Người ấy cầm một ngọn nến trắng và bước đến bên giường. Ông lão nằm quay mặt vào gối, hơi thở quá nhẹ đến nỗi thật khó nhận thấy rõ, và người kia mới nhìn thoáng qua tưởng rằng ông lão đã chết. Anh ta bèn quay trở ra với một nụ cười tinh quái hiện trên gương mặt, đặt ngọn nến trở lại chỗ cũ, móc túi lấy chìa khóa mở tủ và kéo từ trong hộc tủ ra nhiều thoi vàng nén.

Ngay lúc đó ông lão thức giấc, mở mắt nhìn về phía ngọn đèn cầy sắp tắt trên cái chân đèn bằng đồng. Ông ta thấy tên trộm đang loay hoay nơi tủ bèn ngồi nhổm dậy một lúc, rồi lặng người đi như trong cơn ngạc nhiên tột độ. Sau cùng, ông ta bước chân xuống đất và kêu lên:

– Trời đất hỡi! Phải chăng tôi đang ngủ mê? Là mi đó ư? Chỉ vì mi mà ta phải chịu khó nhọc làm việc và sống trong cảnh cùng cực. Và nay, mi...

Tên trộm giật nẩy mình, làm rơi những thoi vàng xuống đất. Hắn quay lại trố mắt nhìn, miệng há hốc, và bất giác thốt lên:

– Ủa! Lão vẫn chưa chết sao?

Ông lão nấc lên một tiếng, lấy hai bàn tay che mặt, và với một niềm xúc động mãnh liệt, ông ta kêu lên:

– My Cốt! Tao có nghe lầm chăng? Mày cứ trộm cướp hết của cải đi, nếu mày muốn, nhưng đừng nói rằng mày muốn đầu độc giết chết một người vốn xưa nay chỉ sống vì mày! Bao nhiêu vàng đó, mày hãy lấy hết đi. Chỉ vì mày mà tao đã ky cóp dành dụm bấy lâu nay đấy! Mày hãy lấy hết rồi cút đi cho mau!

Sau cơn xúc động và to tiếng, ông lão như kiệt sức, mệt lả và ngã quị xuống chân tên hung thủ. Ông ta nằm quằn quại dưới đất trong cơn đau khổ tinh thần dường như còn ray rứt bi thương hơn cả cơn đau đớn thể xác mà ông vừa thoát khỏi.

Tên ác ôn chỉ đứng nhìn ông lão với vẻ mặt lạnh lùng. Ông lão thở hổn hển và nói tiếp:

– Tao đã làm gì đối với mày bấy lâu nay? Mày là đứa con mồ côi bị đời ruồng bỏ. Tao đã đón nhận mày và nuôi mày như con tao. Cả đời tao chỉ thương yêu có một mình mày. Nếu tao hà tiện, ấy là để sau khi tao chết mày sẽ thừa hưởng được một gia tài để khỏi bị đời khinh bạc hất hủi, khi mà trời sinh ra mày có cái hình thù xấu xa dị dạng. Mày lại nỡ nào giết chết tao, khi tao không còn sống được bao lâu nữa kia chứ?

– Đó là vì ông cứ sống lây lất mãi mà không chịu làm di chúc.

– Trời ơi! Trời ơi!...

– Lão già điên! Lão còn kêu trời được nữa sao? Phải chăng chính lão đã dạy tôi từ thuở nhỏ rằng không có ông trời kia mà! Lão há chẳng dạy tôi môn triết học đó sao? Phải chăng lão đã nói với tôi: “Con hãy sống thật tốt lành, lương thiện và chân chính để phụng sự nhân loại, nhưng sau cuộc đời hiện tại này sẽ không còn gì nữa cả!” Nhân loại ư? Tại sao tôi lại phải thương yêu và phụng sự nhân loại? Hình thù xấu xí và mang ác tật như tôi chỉ để làm đề tài cho nhân loại chế giễu và khinh thường! Lão đã làm gì tôi ư? Đối với tôi là một kẻ mạt hạng, cặn bã của thế gian này, lão đã làm cho tôi mất đi mọi niềm hy vọng vào kiếp sau với một thế giới khác! A! Không có kiếp sau! Thế thì tôi muốn có ngay số vàng của lão, vì ít nhất tôi cần phải mau mau hưởng thụ, kẻo không còn kịp thời giờ!

– Loài ác ôn! Tai họa sẽ đến với mày, đồ vô ơn bạc nghĩa!

– Ai còn nghe lời nguyền rủa của lão nữa chứ? Lão đã nói rằng không có ông trời kia mà! Lão hãy nghe đây: tôi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để chuồn đi. Tôi đã có giấy thông hành, và ngựa đã đợi sẵn ở dưới...

Hắn ta vừa nói vừa lấy những thoi vàng cho vào đầy các túi.

– Và bây giờ, nếu tôi để cho lão sống thì có gì đảm bảo là lão sẽ không đi tố cáo tôi?

Nói đến đây, hắn ta tiến đến gần ông lão với vẻ mặt hiểm ác ghê rợn. Ông lão chuyển từ cơn giận dữ qua cơn sợ hãi và toàn thân run rẩy trước tên ác ôn.

– Hãy để tao yên. Để tao sống để mà...

– Để làm gì chứ?

– Tao tha tội cho mày. Ừ, mày không phải sợ gì cả. Tao thề rằng tao sẽ không đi tố giác mày đâu.

– Lão thề à? Thề với ai và ai chứng cho lão, hả lão già? Lão đã không tin nơi Thượng đế thì làm sao tôi có thể tin lời của lão? Ha ha! Đây là kết quả những bài học triết lý mà lão đã dạy tôi.

Chỉ còn trong giây phút nữa là hai bàn tay sát nhân kia đã siết chặt cổ họng của ông lão. Nhưng ngay khi đó, giữa hung thủ và nạn nhân bỗng hiện ra một nhân vật bí hiểm dường như xuất xứ từ một cõi vô hình, hay từ dưới lòng đất vừa chui lên! Đó là một nhân vật có phong độ cao quí tôn nghiêm và đẹp một cách lộng lẫy huy hoàng làm cho người ta phải kính nể. Tên hung thủ hoảng hốt lui lại, vừa nhìn người ấy vừa run sợ, rồi quay lưng chuồn nhanh ra ngoài cửa. Ông lão lại một lần nữa ngã quị xuống đất, bất tỉnh nhân sự.

Một dự cảm khó hiểu

Khi người lạ mặt trở lại phòng ông lão vào ngày hôm sau thì thấy ông ta đã bình tĩnh, hầu như hoàn toàn bình phục sau nhưng cơn xúc động, đau khổ và xáo trộn tinh thần trong đêm trước. Ông lão tỏ lòng biết ơn chàng về sự cứu tử với những lời lẽ rất thống thiết, và cho chàng biết rằng ông ta đã cho gọi một người họ hàng đến để chăm sóc ông ta trong những ngày tàn lụn của tuổi già. Ông lão nói:

– Tôi cũng còn lại một ít tiền, và từ nay trở đi tôi không có lý do gì để hà tiện nữa.

Kế đó, ông lão kể cho chàng biết sơ lược về mối liên hệ giữa ông và đứa con nuôi đã muốn giết ông.

Vì sống cô độc không có gia đình, ông lão mới muốn nuôi một đứa con nuôi. Ông bèn nhọn một đứa trẻ mồ côi trong giới hạ lưu thấp kém nhất. Thân hình xấu xí và mang ác tật của đứa trẻ này trước hết gây cho ông ta một niềm trắc ẩn, và sau đó là một tình thương thật sự. Thấy đứa trẻ tỏ ra có năng khiếu về hội họa, ông mới cho nó học nghề với họa sư David.

Đứa trẻ đã sớm có ý thức về hình dạng xấu xí của nó, một vẻ xấu xí thật là phản tự nhiên. Ông lão mới dùng những lời lẽ triết lý để an ủi nó, nhưng dường như vô hiệu. Rồi khi ông ta dạy nó rằng tiền bạc cũng như lòng từ thiện có thể bù đắp cho vô số những điều thiếu sót, bất toàn, thì đứa trẻ lắng nghe một cách thích thú say mê và có vẻ như được an ủi thật sự. Từ đó, người cha nuôi này bỗng có một sự đam mê mãnh liệt là cố gắng thâu thập tiền bạc của cải để gầy dựng một sản nghiệp lớn cho đứa con nuôi này, là người duy nhất mà ông ta thương yêu trên đời. Thế rồi ông ta đã được đền đáp một cách đích đáng như câu chuyện vừa xảy ra!

Ông lão vừa lau nước mắt vừa nói:

– Tôi cũng lấy làm sung sướng mà để cho nó trốn đi. Dẫu cho nó đẩy tôi vào một hoàn cảnh cùng khốn hoàn toàn, tôi cũng không nỡ lòng nào đi tố giác nó.

– Đúng vậy, bởi vì chính ông phải chịu trách nhiệm về những tội ác của nó.

– Ông nói sao chứ? Sao lạ vậy? Tôi là người luôn luôn dạy nó sống một cuộc đời lương thiện và đạo đức kia mà?

– Than ôi! Nếu chính đứa con nuôi của ông không tự nó nói rõ cho ông biết hồi đêm qua thì dẫu cho thiên thần giáng thế cũng không làm sao chứng minh điều đó cho ông được!

Ông lão có vẻ lúng túng và sắp sửa đáp lại bằng điều gì đó thì người họ hàng mà ông cho gọi đã đến nơi và bước vào phòng. Người này đáng lẽ còn ở tận Nancy, nhưng tình cờ trong lúc ấy lại đang có mặt ở Paris nên kịp thời đến ngay. Đó là một người độ trên ba mươi tuổi, có gương mặt xương xẩu khắc khổ, ít nói và đôi mắt luôn nhìn láo liên không ngừng, với cặp môi mỏng dính luôn mím nhặt.

Người ấy vừa nghe ông lão thuật lại câu chuyện vừa rồi, vừa bất giác thốt lên những tiếng kêu bất nhẫn, và cố gắng thuyết phục ông lão hãy tố giác tên bất lương. Ông lão nói:

– Thôi đi, chú Duy Mật. Chú là luật sư, nên chú đã quen coi thường mạng sống con người. Hễ có kẻ nào vi phạm luật pháp là chú liền kêu lên: Hãy đem nó ra xử tử!

Duy Mật đáp với một giọng bất bình:

– Ông nói tôi là như thế sao, hỡi triết gia khả kính? Ông nhận xét lầm rồi! Không có ai đã từng phản đối bộ hình luật tàn khốc của nước Pháp như tôi đây. Một quốc gia không bao giờ nên áp dụng án tử hình, dẫu cho để xử tội kẻ sát nhân. Tôi đồng ý với nhà chính trị trẻ tuổi Robespierre khi ông ta nói rằng người đao phủ là một phát minh của những tay bạo chúa. Sở dĩ tôi tham gia Cách mạng chính là vì tôi tin chắc rằng chế độ mới sẽ bãi bỏ sự tàn sát đó.

Vị luật sư ngưng nói để lấy lại hơi thở. Người lạ mặt chăm chú nhìn Duy Mật rồi biến sắc. Duy Mật nói:

– Thưa ông, thái độ của ông cho tôi thấy rằng ông không đồng ý với tôi, có phải vậy chăng?

– Xin lỗi ông, đó chỉ vì tôi đang đè nén trong tôi một cơn sợ hãi mơ màng có vẻ như một điềm báo trước?

– À, thế thì sự sợ hãi đó do đâu mà có?

– Vì tôi có linh cảm rằng chúng ta sẽ có ngày gặp lại nhau, nhưng khi đó thì những ý nghĩ của ông về sự chết và về triết lý cách mạng sẽ thay đổi!

– Điều đó thì... không bao giờ!

Ông lão từ nãy giờ vừa nghe vừa tán thành những lời nói của người em họ luật sư, bèn nói:

– Chú Duy Mật nói nghe được đấy. Tôi thấy chú có một quan điểm rất chính xác về công lý và lòng vị tha, biết thương người. Vậy mà bấy lâu nay tôi vẫn chưa biết rõ chú đấy. Chú hoan nghinh Cách mạng là phải, vì cũng như tôi, chú cũng ghét chế độ độc tài của nền quân chủ chuyên chế và sự giả dối tham lam của bọn quí tộc.

Duy Mật nói:

– Ghét bọn vua chúa và quí tộc là chuyện đương nhiên. Làm sao tôi có thể thương yêu nhân loại mà không căm ghét bọn ấy?

Ông lão có vẻ do dự khi nói tiếp:

– Và chú có nghĩ như ông khách này chăng, rằng tôi đã lầm lạc khi truyền dạy những triết lý của tôi cho thằng khốn kiếp đó?

– Tự nhiên là không. Ai lại đi phiền trách triết gia Socrate bởi vì kẻ môn đồ Alcibiade phạm tội tà dâm và phản bội?

Ông lão bèn quay sang người khách lạ và nói:

– Ông nghe thấy chưa? Chú em họ tôi đây cũng không đồng ý với lời buộc tội ông. Nhưng Socrate cũng cần có một Platon. Từ nay chú sẽ là Platon của tôi.

Nhưng người khách lạ đã bước ra cửa. Làm sao người ta có thể tiếp tục thảo luận với những kẻ khư khư cuồng tín, nhất là sự cuồng tín của kẻ vô thần?

Duy Mật kêu lên:

– Ông đi rồi sao? Tôi vẫn chưa kịp tạ ơn ông về việc cứu sống ông anh họ quí mến của tôi. Nếu có dịp nào ông cần đến tôi, tôi nguyện sẽ hết lòng đền đáp ơn ấy.

Duy Mật vừa nói những lời tạ ơn như thế vừa tiễn chân người khách lạ ra cửa ngoài. Đến ngưỡng cửa, ông ta đưa tay giữ người khách và vừa quay đầu nhìn lại phía sau để xem chừng, rồi thấp giọng nói:

– Tôi phải trở về Nancy ngay để khỏi mất thì giờ. Thưa ông, ông có nghĩ rằng thằng bất lương kia đã lấy hết tiền của lão già điên này rồi chăng?

– Thưa tiên sinh Duy Mật, Platon có thể nói lén Socrate như vậy sao?

– A! Ông mỉa mai tôi đó sao? Nhưng thôi, ông có quyền nói như vậy. Xin chào ông. Chúng ta sẽ gặp lại nhau một ngày khác.

– Một ngày khác ư?

Người lạ mặt lẩm bẩm một mình rồi bỗng dưng sa sầm nét mặt. Chàng hối hả trở về phòng, đóng cửa ở bên trong một mình suốt ngày. Định mệnh của chàng có thể dính líu bằng cách nào đến Duy Mật và tên hung thủ đang bôn đào? Tại sao chàng cảm thấy bầu không khí của thành phố Paris dường như phảng phất mùi máu và chứa đầy sát khí? Một linh cảm gì khiến cho chàng thình lình từ bỏ cái xã hội phồn hoa vui tươi của thủ đô Paris, trung tâm ánh sáng, văn minh và hy vọng của thế giới, để rồi sẽ không bao giờ trở lại? Đời sống siêu việt của một nhân vật đặc biệt như chàng làm sao có thể bị ảnh hưởng bởi thế cuộc xoay vần, khiến cho chàng phải băn khoăn lo ngại?

Dầu sao chàng cũng phải gạt bỏ những dự cảm có tính cách báo trước đó. Chàng bèn rời khỏi nước Pháp và trở về nước Ý xinh tươi êm đềm với những thắng cảnh cổ tích đầy thơ mộng. Chàng lại trở về một lần nữa với Kiều Dung, giai nhân bên bờ con sông xanh Parthénope, gần ngôi cổ mộ của thi hào Virgile bất hủ, nơi ngoại ô thành phố Naples thơ mộng.

Lòng người trinh nữ

Kiều Dung đã trở thành nữ hoàng của sân khấu kịch nghệ, một thần tượng của giới hâm mộ ca nhạc và là trọng tâm mọi sự chú ý của cả thành phố Naples. Tuy nhiên, danh vọng cao sang vẫn không làm thay đổi bản tính giản dị và hồn nhiên của nàng. Nàng vẫn có thói quen ngồi chơi một mình trước ngưỡng cửa, phóng tầm mắt ra bờ biển, ngắm nhìn những cánh buồm trắng xóa tận ngoài khơi xa và thả hồn trong thế giới mộng mơ...

Đã bao lần nàng nhìn cái cây còi cọc vặn vẹo từ trong kẹt đá chui ra với những cành lá xanh tươi. Đã bao lần trong cơn mơ mộng viển vông nàng đã noi gương tranh đấu của cái cây ấy mà cố gắng vươn mình ra ánh sáng, nhưng không phải là thứ ánh sáng đèn màu. Hỡi người con gái ngây thơ, nàng hãy bằng lòng an phận với một ánh sáng trong lành. Trong một mái gia đình ấm cúng, một ngọn đèn dầu nho nhỏ có khi còn hữu ích hơn tất cả những ngôi sao chói sáng trên trời!

Nhiều tuần lễ trôi qua, người khách lạ vẫn không thấy trở lại. Nhiều tháng cũng đã trôi qua, nhưng lời tiên tri về hoàn cảnh khổ đau của nàng chưa thấy thành hiện thực.

Trong thời gian đó đã xảy ra nhiều tang tóc trong gia đình: ông bà Pisani đã nối tiếp nhau qua đời, để lại một mình Kiều Dung mồ côi với một bà vú già gọi là dì Nết. Bà vú này đã săn sóc nuôi nấng nàng từ thuở lọt lòng mẹ, và từ nay sẽ là người tâm phúc của nàng.

Nhiều tháng ngày buồn bã dài lê thê cũng lại trôi qua. Cả thành phố Naples đều bồn chồn vì sân khấu nhạc kịch đã vắng bóng nàng quá lâu, và họ muốn đặt nàng lên ngai thần tượng trở lại để chiêm ngưỡng như trước. Thế gian như bạch tuộc khổng lồ vươn ra nghìn cái vòi hung dữ, luôn muốn kéo ta ra khỏi cuộc sống riêng tư để cuốn hút ta vào vòng cương tỏa của trần ai tục lụy. Thế là một lần nữa giọng ca thánh thót của Kiều Dung lại ngân vang trên sân khấu kịch trường.

Tiền tài, danh vọng lại đến với nàng, nhưng không vì thế mà nàng thay đổi nếp sống giản dị trong ngôi nhà khiêm tốn với bà vú già trung thành duy nhất của nàng. Nàng bị vây phủ chung quanh bởi bao nhiêu cạm bẫy, bao nhiêu những cám dỗ có thể khuynh đảo cái sắc đẹp không phòng vệ và sự nghiệp cầm ca nguy hiểm của nàng. Nhưng đức hạnh khiêm tốn đã giúp nàng vượt qua tất cả mà không bị ô nhiễm bởi gió bụi của cuộc đời.

Lúc còn sanh tiền, cha mẹ nàng đã từng dạy cho nàng biết những bổn phận mà danh dự và tôn giáo đều bắt buộc phải có nơi người con gái. Bởi đó, bất cứ sự tỏ tình nào mà không nói tới hôn nhân, đối với nàng đều là một sự sỉ nhục và liền bị từ chối ngay. Trong sự ngây thơ chất phác của lòng người trinh nữ, nàng đã đặt ra cho mình một lý tưởng của tình yêu chân thành. Lý tưởng đó đã thể hiện một cách hoàn toàn tự nhiên nơi nàng trong hình ảnh và giọng nói, âm thanh của người lạ mặt đã có liên hệ trực tiếp với sự thành công đầu đời của nàng.

Gần hai năm đã trôi qua kể từ khi người ấy xuất hiện ở Naples. Tất cả những gì người ta được nghe biết về chàng là chỉ vài tháng sau khi chàng ra đi, chiếc tàu của chàng lại được lịnh lên đường tới một nơi vô định.

Trong sự sinh hoạt nhộn nhịp của thành phố, đời sống của chàng trai mà một thời người ta đã mô tả dưới những nét dị kỳ bí ẩn hầu như đã bị lãng quên, nhưng quả tim Kiều Dung vẫn không hề thay đổi. Thỉnh thoảng, chàng trai kia vẫn xuất hiện trong giấc mơ của người nghệ sĩ, và khi ngọn gió rít xuyên qua những cành lá của cái cây lùn và còi cọc bên thềm nhà thì nàng cảm thấy xúc động trong lòng dường như còn nghe văng vẳng bên tai âm thanh của chàng.

Trong số những người ngưỡng mộ nàng, có một người mà nàng có cảm tình nhiều hơn so với những người khác, một phần vì ông ta là người đồng hương với mẹ nàng, một phần vì tánh rụt rè e lệ của ông ta không có gì làm cho nàng phải ngại ngùng hay sợ sệt. Hơn nữa, giai cấp xã hội của ông ta có vẻ gần gũi với địa vị của nàng hơn là những người quí phái giàu sang, và như vậy, sự ngưỡng mộ của ông ta đối với nàng không có tánh cách mỉa mai sỉ nhục như của hạng quý tộc. Sau cùng, với bản tính mơ mộng của người nghệ sĩ, ông ta thường biểu lộ những tư tưởng hoàn toàn giống như những ý nghĩ thầm kín nhất của nàng. Nàng dành cho ông ta một tình bạn, cũng có thể là tình thương, nhưng là tình thương của một người em gái, và bởi đó giữa hai người có một sự qua lại trong thân tình.

Với sự giao thiệp thân mật đó, nếu trong quả tim của chàng nghệ sĩ Anh quốc kia có chớm nở những hy vọng điên rồ hay vô lý thì ít nhất ông ta cũng chưa bao giờ thố lộ cho nàng biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét