Như chúng tôi đã nói ở phần dẫn nhập, tự lực và tha lực liên quan đến toàn bộ tiến trình tu tập của một người Phật tử, cho dù người ấy có nhận biết hay không. Cho dù một người có thể tự nhận mình chỉ tin vào sự nỗ lực của tự thân, thì tiến trình tu tập của người ấy vẫn nhất thiết phải chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn tha lực. Điều đó là tất nhiên, theo đúng lý nhân duyên mà Phật đã thuyết dạy. Không một pháp nào có thể tự nó hiện hữu mà không phụ thuộc vào nhân duyên. Việc tu tập của mỗi người cũng không ngoại lệ, cần phải xét đến tất cả các nhân duyên tương quan thì mới có thể tu tập một cách đúng hướng và hiệu quả.
Nếu như người có khuynh hướng nhấn mạnh vào tự lực vẫn phải chịu ảnh hưởng từ tha lực, thì người có khuynh hướng nhấn mạnh vào tha lực cũng không thể không tự mình nỗ lực hết sức. Đó là lý do vì sao những người tu tập Tịnh độ vẫn luôn nuôi dưỡng lòng vị tha, xả thân giúp người, làm đủ mọi công đức chứ không hề xao lãng đối với các việc thiện.
Thật ra, cho dù tự lực hay tha lực, nếu người tu tập chân chánh theo lời Phật dạy thì đều sẽ đi đến một kết quả như nhau, một hướng tu tập như nhau, đó là tự lợi và lợi tha, là tự giác, giác tha, để cuối cùng đi đến giác hạnh viên mãn. Bởi chúng sinh có nhiều căn cơ khác nhau nên đức Phật mới phương tiện chỉ bày nhiều pháp môn khác nhau để thích hợp với tâm lượng và năng lực khởi đầu của mỗi người.
Người nào chỉ biết tin và dựa dẫm hoàn toàn vào tha lực thì đó là mê tín, là tà kiến, không thể làm đúng theo lời Phật dạy. Nhưng nếu người nào phủ nhận tha lực từ chư Phật, Bồ Tát, đó là không biết đến sự tương thông bất nhị giữa tâm thức chư Phật và tâm thức chúng sinh, và đó chính là biểu hiện của chấp ngã, cho rằng có một tâm thức "của ta" để tu tập và do đó tâm thức "của chư Phật" không thể tác động gì đến ta. Tu tập như vậy là rơi vào sai lệch ngay từ căn bản, không thể có kết quả tốt đẹp.
Cần phải hiểu sâu mối tương quan giữa tâm thức chúng sinh và chư Phật, Bồ Tát, giữa chúng sinh với chúng sinh, thì mới có thể phát tâm tu tập một cách đúng hướng và hiệu quả. Xin mượn lời Đại sư Tỉnh Am nói về việc phát tâm như thế nào là đúng đắn để kết thúc tập sách này:
"Có những kẻ tu hành không cứu xét tự tâm, chỉ biết hướng theo ngoại cảnh, như mong cầu lợi dưỡng hoặc tham muốn danh tiếng, chạy theo khoái lạc nhục dục hiện tại hoặc mong cầu quả báo tương lai. Phát tâm như thế gọi là tà vạy.
Không cầu lợi dưỡng, danh tiếng, cũng không tham dục lạc, quả báo, chỉ vì muốn thoát ly sinh tử, thành tựu Bồ-đề. Phát tâm như thế gọi là chính đáng.
Mỗi một niệm đều ngưỡng cầu Phật đạo, mỗi một ý tưởng trong tâm đều thương xót giáo hóa chúng sinh. Dù nghe rằng Phật đạo thăm thẳm dài lâu, cũng không thối tâm khiếp sợ; nhìn thấy chúng sinh khó hóa độ, cũng không sinh lòng chán nản mỏi mệt. Như trèo núi cao chót vót, quyết lên tận đỉnh; như leo tháp lớn sừng sững, quyết đến tột cùng. Phát tâm như thế gọi là chân thật.
Tạo tội rồi không sám hối, mắc lỗi không chịu dứt trừ, bên ngoài ra dáng trong sạch, trong lòng đầy dẫy nhớp nhơ. Trước khởi tâm chuyên cần, sau hóa ra lười nhác. Tuy có chút lòng tốt, phần nhiều lại bị danh lợi xen vào. Dù có tu pháp lành, lại bị tội lỗi nghiệp xấu làm ô nhiễm. Phát tâm như thế gọi là dối trá.
Pháp giới chúng sinh chưa cùng tận thì nguyện vẫn còn, đạo Bồ-đề chưa thành tựu thì nguyện chưa trọn. Phát tâm như thế gọi là lớn lao.
Quán xét ba cõi như tù ngục, vòng sinh tử như kẻ oán thù, chỉ muốn mau mau tự độ, không dám nghĩ đến việc cứu độ muôn người. Phát tâm như thế gọi là nhỏ hẹp.
Nếu ngoài tâm này thấy có chúng sinh phải nguyện cứu độ, thấy có Phật đạo phải nguyện tựu thành, công khó tu tập không quên, tri kiến tích tụ chẳng bỏ. Phát tâm như thế gọi là thiên lệch.
Nếu biết tự tánh này là chúng sinh nên nguyện độ thoát; tự tánh này là Phật đạo nên nguyện tựu thành. Không thấy có bất kỳ pháp nào lìa khỏi tâm này mà tự hiện hữu. Dùng tâm rỗng rang như hư không để phát nguyện lớn như hư không, tu tập công hạnh như hư không, chứng đắc quả vị như hư không, nhưng rốt cùng cũng không có tướng trạng hư không có thể nắm bắt. Phát tâm như thế gọi là viên mãn."
Nếu ai đã phát tâm đúng đắn được như lời dạy của Đại sư, thì trên con đường tu tập của người ấy chắc chắn sẽ không còn có thể khởi sinh nghi vấn về sự tồn tại cũng như tác dụng của tha lực từ chư Phật, Bồ Tát; và người như thế cũng không thể nào lười nhác, buông thả, phóng túng, chỉ biết dựa dẫm vào sự cứu vớt của chư Phật, Bồ Tát mà không tự nỗ lực hết sức mình.
Và trên con đường tu tập chân chánh như thế thì tự lực và tha lực đều là những yếu tố tương quan tất yếu, cùng góp phần đưa hành giả sớm vượt qua những trạng thái khổ đau phiền não để nhanh chóng hướng đến một trạng thái an vui giải thoát bền lâu. br />
Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018
Thay loi ket
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét