Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

Su that



Giọng đọc: Trường Tân



Thiền sinh: Thưa sư con thấy khi có những vấn đề xảy ra thì sự dũng cảm rất quan trọng. Vì thường thì người ta thường bỏ chạy mà không dám đương đầu với khó khăn đó.

Nhà sư: Khi gặp phải vấn đề quá nan giải hay đương đầu với nguy hiểm, chúng ta thường tránh né hoặc bỏ chạy, nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời. Trong bất luận trường hợp nào, người ta cần phải tìm ra lối thoát. Khi không có đủ sự thông minh thì lối thoát thông thường là rượu bia, giải trí … sẽ giúp giải tỏa tâm trí. Lúc đó, tâm sẽ tạm thời quên đi các chi phối và bắt vào đối tượng khác - được tạm thời tạo ra đủ khả năng thu hút. Nhưng nếu không cẩn thận, phiền não lại bị chìm sâu xuống, càng trở nên nguy hiểm và mệt mỏi hơn. Không phải cố quên đi không nghĩ đến thì vấn đề không còn nữa, điều quan trọng hơn là cần phải hiểu vấn đề để giải tỏa.
Trốn chạy chỉ là biện pháp tạm thời khi tâm thức chưa có đủ hiểu biết. Bao giờ cũng vậy, con người ta có rất nhiều nội kết bên trong. Bắt buộc những tiến trình này phải được trồi lên dần dần, từ những cái nhỏ cho đến cái lớn, chúng cần phải được giải tỏa; nếu không được giải tỏa thì chúng sẽ luôn ở dạng tiềm ẩn và sẵn sàng trồi lên khi có điều kiện.
Cứ giữ chặt các ức chế bên trong thì thực sự là một gánh nặng về mặt tâm lý, làm cho chúng ta luôn cảm thấy không được thoải mái. Nếu có thể quan sát khi các tiến trình đó trồi lên bề mặt ý thức một cách tự nhiên, cho đến khi có được sự hiểu biết rõ ràng thì chúng tự khắc tan biến - sẽ không còn là vấn đề hay ức chế nữa.
Nếu như đó thực sự "không là vấn đề" thì vấn đề nằm ở chỗ anh ta tự cho đó là vấn đề, do có những hiểu biết sai lầm, hoặc có thể so với những chuẩn mực quy ước của chính bản thân anh ta mà điều đó trở thành vấn đề.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét