Như đã nói, kết quả điều tra của Phái đoàn được ghi nhận đầy đủ trong bản Phúc trình mang số hiệu A/5630 để chuẩn bị trình lên Kỳ họp thường niên lần thứ 18 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, do đối tượng cáo buộc là Chính phủ Ngô Đình Diệm đã sụp đổ, nên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thấy rằng việc xem xét vấn đề này không còn cần thiết nữa.
Tuy nhiên, trong phần này chúng ta sẽ xem xét các kết quả điều tra được ghi nhận trong bản Phúc trình, không nhằm mục đích đưa ra bất kỳ kết luận nào, mà là để nhận hiểu rõ ràng và chính xác hơn về những gì đã diễn ra trong năm 1963 tại miền Nam Việt Nam, được phản ánh rất trung thực và chính xác trong bản Phúc trình này.
1. Hợp tác điều tra từ phía Chính phủ
Bản Phúc trình cho biết, trong suốt quá trình điều tra, phía Chính phủ VNCH nhiều lần nhắc lại cam kết sẽ tạo mọi điều kiện dễ dàng cho công việc điều tra của Phái đoàn. Trong buổi họp đầu tiên của Phái đoàn với Bộ Ngoại giao VNCH vào ngày 24-10, đại diện Chính phủ đã "cam kết là Phái đoàn có thể tự do đi đến bất cứ nơi đâu tùy ý và hứa sẽ làm tất cả mọi việc để tạo điều kiện dễ dàng cho nhiệm vụ điều tra sự thật của Phái đoàn" (assured the Mission that it would be free to go anywhere it wished and promised to do everything to facilitate the Mission's task of finding the facts).
Tuy nhiên, song song với cam kết này là một số hạn chế mà Phái đoàn đã thực sự vấp phải trong thực tế như được ghi nhận sau đây:
- Ngày 25-10-1963, chuyến viếng thăm chùa Ấn Quang bị hoãn lại và sau đó hủy bỏ, với lý do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và Sư cô Diệu Huệ "không được khỏe". Tuy nhiên, sau đó sự thật được biết rõ là cả hai vị đều đã chờ suốt buổi chiều 25-10 để tiếp đón Phái đoàn.
- Chính phủ từ chối việc tiếp xúc của phái đoàn với các nhân chứng được xem là "đối lập chính trị" (political opponent), nhưng tiêu chí để phân loại không được xác định rõ. Vì thế, chính phủ có thể dựa vào lý do này để ngăn cản sự tiếp xúc của Phái đoàn với bất cứ ai. Trong thực tế, một số nhân chứng tại Huế và Sài Gòn đã không được Chính phủ cho phép tiếp xúc dựa vào lý do này.
- Chính phủ nhiều lần từ chối việc Phái đoàn tiếp xúc Thượng tọa Thích Trí Quang với lý do đang trong tình trạng "tỵ nạn chính trị" (asylum). Ngoài việc lên tiếng đòi hỏi quyền bình đẳng tôn giáo theo một phương thức ôn hòa, bất bạo động, Thượng tọa Thích Trí Quang chưa hề tham gia bất kỳ hoạt động chính trị, đảng phái nào và cũng chưa chính thức bị kết án bởi bất kỳ tòa án nào. Việc Thượng tọa vào tỵ nạn trong Tòa Đại sứ Hoa Kỳ là kết quả của cuộc truy bắt, bố ráp hoàn toàn vô cớ của Chính phủ trong đêm 20-8-1963, chứ không phải do hoạt động đấu tranh chính trị. Một số vị tăng sĩ ở chùa Xá Lợi cũng phải trốn vào Trụ sở Ngoại giao đoàn Hoa Kỳ trong khi họ không có tội gì cả. Như vậy, lý do từ chối của Chính phủ là không chính đáng.
- Chính phủ nhấn mạnh việc tiếp xúc với Thượng tọa Thích Trí Quang chỉ có thể thực hiện nếu Tòa Đại sứ Mỹ "giao nộp Thượng tọa cho Chính quyền" (if the monk was delivered to the authorities). Trong khi "chiến dịch tấn công các chùa" đêm 20-8 đang là một trong các mục tiêu điều tra của Phái đoàn, thì Chính phủ cho thấy họ không hề thay đổi quan điểm, không hề thừa nhận hành vi vô cớ bắt giữ tăng ni và Phật tử là sai trái, mà vẫn tiếp tục giữ ý định bắt giam Thượng tọa Thích Trí Quang.
- Việc Chính phủ công khai cho cảnh sát vũ trang bảo vệ quanh khách sạn Majestic, nơi Phái đoàn cư ngụ, có thể là ý tốt để bảo vệ an ninh cho Phái đoàn, nhưng đã là rào cản khiến cho rất nhiều nhân chứng e ngại không dám đến gặp. Trong thực tế, các lực lượng canh gác có vũ trang của Chính phủ đã chặn lại và xét hỏi tất cả những ai đi vào khách sạn trong thời gian Phái đoàn hiện diện ở đó.
Ngoài những điều kể trên, việc đề xuất chương trình làm việc của Chính phủ ngay khi Phái đoàn vừa đến Sài Gòn cũng là một điểm đáng chú ý. Phụ lục V của bản Phúc trình ghi lại chi tiết chương trình đề xuất do Chính phủ gửi đến (kèm theo đề nghị chi trả mọi chi phí ăn ở, đi lại), được ghi nhận chi tiết như sau:
- Sau 2 ngày làm việc với các bộ ngành của Chính phủ (kể cả ngày vừa đến: 24 và 25), ngày 26 được đề xuất dự lễ Quốc khánh và sau đó nghỉ trọn ngày.
- Ngày 27-10-1963 đi Vũng Tàu, thăm Chùa Mới và các điểm du lịch trong vùng (Visit to Chua Moi Pagoda and to tourist spots in the region), sau đó ăn trưa với Tỉnh trưởng và trở về Sài Gòn, dự tiệc chiêu đãi buổi tối ở Bộ Ngoại giao. Ngoài ra không có hoạt động nào khác.
- Ngày 28-10 đi Đà Lạt bằng máy bay đặc biệt (special plane), dự lễ khai trương Viện Nghiên cứu Ứng dụng hạt nhân. 3 giờ chiều nghe báo cáo ngắn gọn về tình hình Phật giáo. 5 giờ đi thăm một ngôi chùa và tiếp xúc với Phật tử. 8 giờ dự tiệc tối do Thị trưởng Đà Lạt chiêu đãi.
- Ngày 29-10 viếng thăm đập Đa Nhim (du lịch) trọn ngày. Không có hoạt động nào khác.
- Ngày 30-10 đi Huế bằng máy bay đặc biệt. Thăm xã giao (courtesy call on) các đại diện Chính phủ tại Huế. 3 giờ chiều nghe báo cáo ngắn gọn về Phật giáo. 5 giờ thăm chùa Từ Đàm. 8 giờ dự tiệc buổi tối do đại diện Chính phủ chiêu đãi. Ngoài ra không có hoạt động nào khác.
- Ngày 31-10 viếng thăm Hoàng thành và các điểm du lịch (Visit to the Imperial City and to tourist sites) gồm có chùa Thiên Mụ, Văn miếu, Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng. Buổi tối đi dạo ven bờ sông Hương. Ngoài ra không có hoạt động nào khác.
- Ngày 1-11, đi Phan Rang bằng máy bay đặc biệt. 10 giờ sáng nghe trình bày ngắn gọn về tình hình chung và Phật giáo. 12 giờ bay đi Phan Thiết, ăn trưa với Tỉnh Trưởng. 3 giờ chiều viếng thăm một ngôi chùa và tiếp xúc Phật tử. 5 giờ 30 bay về Sài Gòn. Buổi tối nghỉ.
- Ngày 2-10 đi Ba Xuyên và Vĩnh Bình bằng máy bay. 9 giờ sáng nghe báo cáo ngắn gọn về tình hình chung và Phật giáo. 12 giờ 30 dùng cơm trưa do Tỉnh trưởng Ba Xuyên chiêu đãi, kết hợp tiếp xúc với tăng ni Phật tử gốc Khmer. 5 giờ bay về Sài Gòn. Buổi tối giải trí tại Nhà hàng vũ trường Anh Vũ.
- Ngày 3-11 - Nghỉ trọn ngày.
- Ngày 4-11 - Buổi sáng thăm Ấp chiến lược Củ Chi, chiều gặp gỡ chia tay với Tổng thống. 8 giờ tối lên đường về New York.
Trong toàn bộ chương trình này, dự kiến chỉ có 4 lần nghe báo cáo ngắn gọn về tình hình Phật giáo, mỗi lần không quá 2 giờ đồng hồ. Ngoài ra đều là các hoạt động du lịch, chiêu đãi, thăm viếng, giải trí và... nghỉ trọn ngày. Các ngày 27, 29, 31 tháng 10 và ngày 3, 4 tháng 11 hoàn toàn không có hoạt động nào liên quan đến công việc điều tra của Phái đoàn.
Nếu chấp nhận chương trình đề xuất này, chắc chắn Phái đoàn sẽ chẳng ghi nhận được bất kỳ một kết quả điều tra trung thực nào. Rất may là Phái đoàn điều tra đã nhận ra ngay điều đó và có 2 quyết định sáng suốt. Thứ nhất, không chấp nhận đề nghị chi trả mọi phí tổn ăn ở và đi lại từ phía Việt Nam. Thứ hai, không chấp nhận bản chương trình đề xuất này mà tự nghiên cứu đưa ra chương trình làm việc chi tiết và phù hợp. Chỉ riêng điểm này cũng đã cho chúng ta thấy được tính khách quan và đáng tin cậy của hoạt động điều tra. Với chương trình làm việc thực tế đã được Phái đoàn áp dụng, chúng ta thấy rõ những hoạt động điều tra, tiếp xúc, phỏng vấn, thu thập thông tin đã diễn ra liên tục. Thậm chí phái đoàn còn quyết định chia đôi nhân sự để cùng lúc thu thập thông tin ở Huế nhưng vẫn tiếp tục hoạt động điều tra tại Sài Gòn.
2. Thu thập thông tin từ phía Chính phủ
Thông tin từ phía Chính phủ được cung cấp qua hai nguồn chính: một văn bản Chính thức do Thiếu tướng Trần Tử Oai trực tiếp trao cho Phái đoàn và các buổi tiếp xúc tuần tự được ghi nhận nội dung với Tổng thống Ngô Đình Diệm, Cố vấn Ngô Đình Nhu, Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương, Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyễn Đình Thuần, các thành viên Đại diện Chính phủ tại Huế, Tư lệnh Quân đoàn 1 và một số quan chức khác. Riêng cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao nhằm mục đích thu xếp một cuộc phỏng vấn với Thượng tọa Thích Trí Quang, được vị Trưởng đoàn kể lại nội dung trong một báo cáo riêng.
VĂN BẢN CHÍNH THỨC
Văn bản do Thiếu tướng Trần Tử Oai chuyển đến Phái đoàn thể hiện quan điểm chính thức của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Vì thế, trong các buổi phỏng vấn trực diện với những thành viên cao cấp khác trong Chính phủ, nội dung ghi nhận hầu như cũng đều xoay quanh những quan điểm này. Một số điểm nổi bật được nêu ra là:
- Vấn đề bất ổn giữa Chính phủ và Phật giáo Việt Nam "bắt nguồn từ các sự kiện xảy ra ở Huế vào đầu tháng 5-1963" (originated in the incidents which occurred in Hue at the beginning of May 1963). Nói cách khác, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa phủ nhận những cáo buộc về phân biệt đối xử với Phật giáo trước thời điểm này.
- Những người chết và bị thương trong sự kiện ở Huế là do "Cộng sản đã lợi dụng cơ hội cho nổ 2 quả mìn plastic làm 8 người chết" (Communist elements took advantage of it to explode two plastic charges which caused the death of eight persons), và do đó không có sự đàn áp của quân đội bằng súng máy, xe tăng và lựu đạn như các nguồn tin loan truyền.
- Phong trào đấu tranh Phật giáo không hoàn toàn do người Phật tử đứng lên, mà có sự núp bóng xúi giục của "những kẻ đối lập chính trị và Việt cộng" (with the co-operation of political adventurers and of Communists).
- Do sự kích động của Việt cộng nên những cuộc biểu tình dần phát triển vượt quá giới hạn cho phép của luật pháp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự xã hội và nhất là làm suy giảm khả năng của Chính phủ trong cuộc chiến tranh chống Cộng. "Trong giai đoạn từ ngày 8-5 đến 19-8-1963, có 159 cuộc biểu tình đã diễn ra: Huế: 25, Sài Gòn: 32, Đà Nẵng: 10, Quảng Trị: 8, Quảng Nam: 7, Quảng Ngãi: 18, Nha Trang: 13, v.v..." (during the period from 8 May to 19 August 1963, 159 demonstrations were staged: 25 in Hue, 32 in Saigon, 10 in Tourane, 8 in Quang-Tri, 7 in Quang-Nam, 18 in Quang-Ngai. 13 in Nha-Trang, etc.), có sự trợ giúp của bộ máy tuyên truyền khoa học khổng lồ của cộng sản (supported from both within and without by the huge and scientific communist propaganda machinery), được đẩy lên đến đỉnh điểm vào ngày 18-8-1963 khi các lãnh đạo Phật giáo đưa ra tối hậu thư yêu sách đối với Chính phủ trước một đám đông 20.000 người tụ tập trước chùa Xá Lợi. Mặt khác, theo một kế hoạch định trước thì các lãnh đạo Phật giáo sẽ tổ chức những cuộc biểu tình đẫm máu với một tốc độ phát triển khá nhanh tiếp nối trên các địa phương từ Huế đến Sài Gòn, như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận (according to a definite plan, the Buddhist leaders would stage bloody demonstrations, which were to take place at a rather fast pace successively in various provinces and main localities from Hue to Saigon, namely in Danang, Quang- Nam, Khanh-Hoa, Binh-Thuan). Để đối phó với nguy cơ này, các tỉnh miền Trung đã yêu cầu Sài Gòn tăng viện (Central Viet-Nam provinces would have to request Saigon to send in police reinforcements). Nguy cơ bị Việt cộng tấn công ngay tại Sài Gòn lên cao do thiếu lực lượng bảo vệ.
- Trước tình hình nguy hiểm đến an ninh quốc gia, ngày 20-8-1963, các tướng lãnh đã đồng tâm nhất trí đề nghị và thúc ép Tổng thống ban hành tình trạng thiết quân lực, giao cho Quân đội trách nhiệm bảo vệ nền Cộng hòa và đất nước (the President would entrust to it for the defence of the Republic and the country). Trong khi đó, Cộng sản đã sẵn sàng tấn công Sài Gòn để lật đổ chế độ ngay khi phong trào đấu tranh của Phật giáo tạo thành một sự hỗn loạn lan rộng. Họ dự kiến điều này sẽ diễn ra vào cuối tháng 8-1963. (The Communists were ready for a drive on Saigon to overthrow the Government when the Buddhist movement would degenerate into popular riots. They expected this to take place by the end of August 1963.)
- Những lý do nêu trên buộc Chính phủ phải đồng ý cho Quân đội tiến hành chiến dịch đêm 20-8-1963. "Quân đội đã khám phá được trong nhiều ngôi chùa một số lượng lớn vũ khí và tài liệu quan trọng, thêm một lần nữa chứng tỏ rằng các nhà sư quá khích đang theo đuổi một mục đích chính trị với sự trợ giúp của một bên là Việt cộng và một bên khác nữa là các nhóm đối lập chính trị."(The Army had discovered in several pagodas an important lot of weapons and documents which demonstrated once more that the extremist bonzes were pursuing a political goal with the support of the Viet-Cong on one hand, and of political opposition groups on the other hand).
- Mặc dù chiến dịch được tiến hành quyết liệt nhưng không hề gây đổ máu và thương vong. (although they were drastic, resulted in no bloodshed or loss of life). Qua đó, quân đội đã thành công trong việc tái lập trật tự, mang lại sự bình yên cho các chùa, giải phóng tăng ni Phật tử thuần thành khỏi sự khống chế của các nhà sư cực đoan (the Army had successfully restored security, brought back calm in the pagodas, and liberated the bonzes, nuns and Buddhist faithful from the grip of the extremist bonzes).
- Trên khắp nước có hàng loạt những cuộc biểu tình, tụ tập của Phật tử, các tầng lớp trí thức và bình dân, các giai tầng xã hội khác nhau, bày tỏ niềm tin và sự ủng hộ Chính phủ (Throughout the country demonstrations had been organized by Buddhist groups, professional and popular groups, and by all the social classes to express confidence and support for the Government), lên án những kẻ phản quốc (to denounce the traitors to the nation). Cụ thể là ở Huế có hơn 80.000 người, ở Sài Gòn có hơn 120.000 người, và ở các tỉnh thành khác đều có nhiều chục ngàn người. (In Hue, more than 80,000 people, in Saigon more than 120,000 people, and in the provincial capitals, tens of thousands of people).
- Cuối cùng, nhờ các biện pháp sử dụng quân đội như đã trình bày trên, Chính phủ đã tái lập được trật tự, giải quyết mọi bất ổn, và do đó Chính phủ đã cho phép mở cửa lại những chùa chiền bị phong tỏa, trả tự do cho tất cả các tăng sĩ bị bắt, đưa trả các sinh viên học sinh bị bắt giữ về với gia đình. (The Government has ordered the reopening to worship of the pagodas, which had been under temporary surveillance ; it has authorized the arrested monks to go back to the places of worship and it has returned the detained students to their parents.)
Văn bản của Chính phủ được kết luận một cách lạc quan và phủ nhận hoàn toàn những bất ổn đang tồn tại:
The Government deems itself entitled to hope that the nations friendly to Viet-Nam will help it enlighten the public opinion of the Free World on this affair which it considers already settled.
Chính phủ [Việt Nam Cộng Hòa] tự xét thấy có quyền hy vọng rằng các quốc gia thân thiện với Việt Nam sẽ giúp làm sáng tỏ công luận trong Thế giới Tự do về vấn đề này, vì Chính phủ xem như đã giải quyết xong.
Bản văn do ông Trần Tử Oai trực tiếp trao cho Phái đoàn dài hơn 5.000 chữ, có nhiều đoạn trình bày chi tiết về các sự kiện, biện pháp xử lý bất ổn v.v... Tuy nhiên, nội dung chính yếu có giá trị bác bỏ những cáo buộc mà Phái đoàn của điều tra Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận và chuyển đến cho Chính phủ thì không ngoài các ý chính đã được chúng tôi tóm lược như trên. Trong thực tế, nếu Chính phủ có khả năng chứng tỏ một cách khách quan những gì trình bày trên đây là đúng thật, thì cuộc điều tra của Phái đoàn hẳn không cần phải tiếp tục nữa. Tuy nhiên, hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, những gì Chính phủ nêu ra đều chỉ có giá trị một chiều, tự biện và không có bất kỳ một chứng cứ cụ thể nào. Giả thuyết về sự can thiệp của Việt cộng là một ví dụ. Chính phủ không xem đây là một giả thuyết, mà xác quyết như vậy, nhưng lại không đưa ra bất kỳ chứng cứ nào.
Khi Chính phủ nói rằng theo kết quả giám định của các chuyên gia y tế thì các nạn nhân [của sự kiện Đài Phát thanh Huế] bị chết do chất nổ plasstic [của Việt cộng] (to the findings of the medical experts, all the wounds on the victims' bodies were caused by the explosion of plastic charges) thì Phái đoàn đồng thời cũng nhận được các cáo buộc ngược lại từ phía các nhân chứng là Chính phủ đã bỏ tù Bác sĩ Lê Khắc Quyến chỉ vì ông từ chối không chịu ký vào các biên bản giám định không đúng sự thật được làm sẵn. (Dr. Le Khac Quyen of the Hue Hospital, was subsequently imprisoned for refusing to sign a medical certificate prepared by Government authorities). Câu hỏi đặt ra ở đây là, cáo buộc của các nhân chứng có thể thiếu chứng cứ là điều dễ hiểu, nhưng tuyên bố chính thức của Chính phủ tại sao không kèm theo chứng cứ xác nhận (chẳng hạn như biên bản giám định) khi họ có thừa khả năng làm điều đó?
Chính phủ cũng có sự mâu thuẫn khi cáo buộc các cuộc biểu tình ôn hòa của Phật giáo là "gây rối loạn trật tự", trong khi tự cung cấp thông tin là có biểu tình ủng hộ Chính phủ lên đến 120.000 người ở Sài Gòn (gấp 6 lần số người họ cho là đã tụ tập trước chùa Xá Lợi vào thời điểm căng thẳng nhất) nhưng lại không ảnh hưởng gì đến trật tự trị an. Sự cường điệu của Chính phủ về con số người ủng hộ đã lộ rõ khi cuộc đảo chính diễn ra thành công ngay sau đó và điện văn số 875 của Đại sứ Cabot Lodge gửi về Bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 2 tháng 11 năm 1963 đã mô tả không khí Sài Gòn như sau:
"Believe the very great popularity of this coup should be stressed. Every Vietnamese has a grin on his face today. I'm told that the jubilation in the streets exceeds that which comes every new year."
"Hãy tin rằng cần nhấn mạnh đến sự ủng hộ của dân chúng đối với cuộc đảo chính này. Hôm nay, mọi người Việt Nam đều tươi cười. Người ta bảo tôi rằng, niềm hân hoan được thấy trên đường phố còn vượt hơn cả niềm vui ngày Tết."
Và sau khi cái chết thê thảm của hai anh em ông Diệm và ông Nhu được xác nhận có cả hình ảnh, ngày 4-11-1963, Cabot Lodge gửi điện văn số 917 trả lời Bộ Ngoại giao Mỹ về tình trạng ông Ngô Đình Cẩn như sau:
"On the question of Ngo Dinh Can, they said that their General in Hue had just telephoned that there was a very large and hostile crowd around the house where Can lives with his mother and that he was obviously thoroughly loathed for all his many cruelties in the past and that the crowd wanted his skin..."
"Về vấn đề ông Ngô Đình Cẩn, tướng lãnh Việt Nam ở Huế vừa điện báo rằng một đám đông rất lớn và đầy thù nghịch đang vây quanh ngôi nhà ông Cẩn sống với người mẹ, rõ ràng ông ta bị căm thù vì sự tàn ác của ông trong quá khứ và đám đông này đang muốn lột da ông..."
Cáo buộc về những cuộc "biểu tình đẫm máu" cũng hoàn toàn vô căn cứ vì trong thực tế tuy đã có rất nhiều cuộc biểu tình xảy ra khắp nơi, nhưng tất cả đều ôn hòa và chỉ có thương vong khi bị Chính phủ đàn áp, còn tự thân những người tham gia biểu tình chưa từng có hành vi bạo động.
CÁC BUỔI TIẾP XÚC TRỰC TIẾP
Phần lớn các buổi tiếp xúc không nhận thêm được thông tin gì khác hơn nhiều so với đã nêu trong văn bản chính thức. Chúng tôi chỉ ghi nhận lại dưới đây những điểm khác biệt, bổ sung. Tổng thống Ngô Đình Diệm khi tiếp xúc với Phái đoàn và nói về cuộc đấu tranh của Phật giáo đã đưa ra hai thông tin không được nhắc đến ở bất kỳ một nguồn tư liệu nào khác:
1. Phật tử đòi hỏi cờ Phật giáo phải được treo cao hơn quốc kỳ Việt Nam. (The Buddhists wanted their flag to fly at a higher level than the national flag of Viet-Nam.)
2. Tổng hội Phật giáo Việt Nam đang cố ép buộc các bộ phái khác phải chấp nhận cùng một lá cờ Phật giáo quốc tế. (The National Buddhist Association was trying to force other sects of the same religion to accept the international banner of Buddhism.)
Không biết ông Diệm đã nhận những báo cáo như thế nào để hiểu về phong trào Phật giáo theo cách như thế. Điểm thứ nhất về việc đòi hỏi treo cờ cao hơn là quá ngây ngô, chưa từng có. Điểm thứ hai là một sự ngộ nhận hoàn toàn, vì cờ Phật giáo được đồng thuận sử dụng ở tất cả các nước trên thế giới, không riêng gì Việt Nam, nên không phải là lựa chọn riêng của bất kỳ tông phái Phật giáo nào.
Buổi tiếp xúc với Cố vấn Ngô Đình Nhu ghi nhận nhiều thông tin hơn, nhưng hầu hết là những giải trình chi tiết của ông Nhu về các chính sách của Chính phủ hơn là trả lời thẳng vào các vấn đề cáo buộc do Phái đoàn đưa ra. Vị Trưởng đoàn đã đặt những câu hỏi nhằm khai thác thông tin đúng hướng. Căn cứ vào báo cáo của Chính phủ là qua đợt bố ráp 20-8-1963 đã triệt phá được hết "những phần tử kích động", ông đặt vấn đề về sự cải thiện mối quan hệ giữa Chính phủ với Phật giáo như vậy liệu đã có hy vọng tốt hơn hay chưa? (If all the organizations were destroyed the situation should be better than before and there should be greater hope for an improvement in the relations between the Government and the Buddhists. Do you share this hope?) Ông Nhu đã trả lời hết sức mơ hồ: "Chính phủ không bắt hết được những kẻ âm mưu. Hầu hết bọn chúng được điều khiển từ nước ngoài và chúng tôi không thể bắt hết được chúng." (The Government did not arrest all the plotters. Most of them are controlled from abroad and we are not able to arrest them.) Trong văn bản chính thức nói rằng Chính phủ đã bố ráp thành công và "vấn đề đã được giải quyết", thì bây giờ ông Cố vấn lại đưa ra một viễn cảnh đấu tranh mở rộng đối tượng buộc tội không chỉ là Việt cộng mà còn có yếu tố "nước ngoài". Và khi vị Trưởng đoàn hai lần gặn hỏi về số người thực sự đã bị bắt vẫn còn bị giam trong tù, ông Cố vấn đã trả lời "Khoảng 200 đến 300 người. Việc này hãy hỏi ông Bộ trưởng Nội vụ." (About 200 to 300; ask the Minister of the Interior.) Trong văn bản của Chính phủ thì tuyên bố Chính phủ đã trả tự do cho tất cả những người bị bắt!
Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ không có thêm thông tin mới vì ông này tuyên bố không có ý kiến gì khác hơn đã nêu trong văn bản của Chính phủ (I have no other point of view to express than that of the Government of Viet-Nam). Tuy nhiên, khi vị Trưởng đoàn đặt câu hỏi tại sao Phật giáo cáo buộc Chính phủ không tôn trọng bản Thông cáo chung thì ông thừa nhận: Họ "cáo buộc rằng Chính phủ tiếp tục bắt giữ các nhà sư và ngăn cản những buổi lễ cầu siêu cho các nạn nhân..." (alleged that the Government continued to arrest bonzes and to prevent ceremonies for the repose of the souls of the victims, and so on). Những cáo buộc này là hoàn toàn có thật theo quan sát trong thực tế của Phái đoàn, cũng như qua thông tin được cung cấp từ chính các thành viên Chính phủ.
Khi được yêu cầu nhận định về phong trào đấu tranh của Phật giáo, ông Phó Tổng thống cũng không kiên định theo lập trường của Chính phủ là do Việt cộng can thiệp từ đầu trong sự kiện ngày 8-5-1963, mà nói một cách mơ hồ hơn rằng "ban đầu đó là một phong trào đấu tranh thuần túy tôn giáo, nhưng cuối cùng có lẽ đã có một số liên hệ nào đó với cộng sản" (At the beginning it was strictly religious. At the end, it may be that some contacts were made with the communists"). Có lẽ ông Thơ đã thực sự nghĩ như vậy.
Phái đoàn đã lặp lại yêu cầu cung cấp các chứng cứ với ông Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương:
There was one statement made by the officials of the Government of Viet-Nam to the effect that certain documents were discovered by the Government and the Army in the pagodas and Buddhist institutions. These documents undoubtedly are of importance in establishing certain facts or at least in bringing about the possibility of due consideration that should be given to the situation in establishing objectively the facts that the Mission is seeking to ascertain.
Nhiều quan chức của Chính phủ Việt Nam đều tuyên bố rằng có một số tài liệu đã được Chính phủ và quân đội tìm thấy trong các ngôi chùa và cơ sở Phật giáo. Những tài liệu này chắc chắn là có tầm quan trọng trong việc xác định những sự thật nhất định, hoặc ít nhất là mang đến khả năng xem xét thích hợp đối với tình hình trong việc xác định sự thật mà Phái đoàn đang tìm kiếm.
Yêu cầu này đã được đưa ra nhiều lần, với nhiều chứng cứ khác được nêu trong những lần tiếp xúc với các quan chức Chính phủ, và Phái đoàn luôn nhận được lời hứa là sẽ được cung cấp đầy đủ. Ông Lương trả lời rằng các giấy tờ này đang được photocopy hoặc đánh máy lại, và tất cả sẽ được trao cho Phái đoàn trước ngày thứ Hai tuần sau đó, ngày mà Phái đoàn dự tính rời Việt Nam. (They are now being photocopied or typed, so that before the Mission leaves next Monday, I shall be pleased to hand to the Mission all the documents discovered in the pagodas.) Vị Trưởng đoàn lưu ý rằng nếu Phái đoàn hoàn tất được việc điều tra và rời Việt Nam ngay, có thể sẽ sớm hơn dự tính (the Mission may, after the completion of its work, leave immediately and this may happen to be before Monday). Vì thế, ông mong rằng sẽ nhận được các giấy tờ này trước để Phái đoàn "không phải chờ đợi chỉ vì những văn bản mà Chính phủ đã đồng ý trao cho" (will not be delayed simply for certain documents which it has requested and that the Government has agreed to give it). Ông Lương đã đồng ý về điều này.
Một điểm quan trọng khác trong buổi nói chuyện với ông Bộ trưởng Nội vụ là vị Trưởng đoàn đã đặt câu hỏi nguyên văn như sau:
There are certain rights and freedoms referred to in paragraph 2 of the document "L'Affaire bouddhiste au VietNam", which are normally considered normal rights and freedoms as long as they do not incite to violence. How is it that the Government refers to these as conspiracy?
(Có một số quyền tự do được đề cập đến trong đoạn văn thứ nhì của tài liệu "Vấn đề Phật giáo ở Việt Nam" vốn được xem là những quyền tự do thông thường, miễn là không có sự kích động bạo lực. Làm sao Chính phủ lại có thể đề cập đến [việc thực hiện] những quyền tự do thông thường này như là một âm mưu?)
Trả lời câu hỏi này, ông Lương nói rằng Chính phủ đã bắt một người tên Đặng Ngọc Lựu và ông này khai rằng những gì Phật giáo thể hiện là một âm mưu của cộng sản đã được chuẩn bị trước từ năm 1960,và đó là lý do Chính phủ xem đây như một âm mưu (he said that the conspiracy and this is the reason why the word "conspiracy" is used in the document, which is a communist conspiracy, dates back to 1960). Một lần nữa, để xác thực những thông tin này, Phái đoàn tiếp tục đưa ra yêu cầu được nhìn thấy tờ khai của Đặng Ngọc Lựu. Ông Lương đã hứa sẽ đáp ứng tất cả yêu cầu của Phái đoàn gồm nhiều văn bản liên quan khác nữa.
Trong thực tế, Phái đoàn xác nhận trong Phúc trình là họ không nhận được bất kỳ văn bản nào từ phía Chính phủ như đã hứa (the Mission never received certain documents promised by the Government), mặc dù thời gian lưu lại của Phái đoàn trước ngày đảo chính là thừa khả năng để Chính phủ đáp ứng việc này, chưa xét đến yếu tố Chính phủ đã chủ động mời Phái đoàn đến thì những văn bản liên quan thuộc loại "chứng cứ" hẳn phải được chuẩn bị từ trước mới hợp lý.
Không nhận được những giải thích rõ ràng và hợp lý từ các thành viên đã tiếp xúc, vị Trưởng đoàn đã tiếp tục nêu một câu hỏi có phần cụ thể hơn với ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Phủ Tổng thống: "Chính phủ nói rằng không bao giờ bắt giữ những người theo đạo Phật chỉ vì lý do duy nhất rằng họ là Phật tử. Chúng tôi muốn biết, vậy thì làm thế nào mà tất cả những người bị bắt, các sinh viên và những thành phần khác, lại chỉ toàn là người theo đạo Phật, bao gồm cả các vị tăng sĩ đã tham gia đàm phán cùng Chính phủ trước đó? (...the Government never arrested Buddhist followers solely because they were Buddhists. We would like to know how it is then that all those people who have been detained, whether students or others, are only Buddhists, including the monks, who took part in previous negotiations?)
Ông Thuần đã loanh quanh không giải thích được điểm này và đẩy vấn đề trở lại cho ông Bộ trưởng Nội vụ, rằng ông Bộ trưởng Nội vụ nhất định là đã đưa ra cho Phái đoàn tất cả những giải thích cần thiết về vấn đề này. (I am convinced that the qualified person to answer this is the Minister of the Interior who must have given the Mission all necessary explanations in this respect.) Trong thực tế, Phái đoàn đã gặp ông Bộ trưởng Nội vụ trước đó và không nhận được lời giải thích thỏa đáng về việc bắt giữ hàng loạt tăng ni Phật tử trong đêm 20-8-1963.
Ngày 31-10-1963, vị Trưởng đoàn cùng một thành viên trong đoàn là ông Correa da Costa đến gặp Bộ trưởng Ngoại giao để cố gắng thu xếp việc phỏng vấn Thượng tọa Thích Trí Quang. Nỗ lực không thành vì quan điểm của Chính phủ vẫn không thay đổi, khăng khăng là Tòa Đại sứ Mỹ phải giao nộp Thượng tọa Thích Trí Quang cho Chính phủ trước khi bất kỳ cuộc tiếp xúc nào có thể được thực hiện. Tuy nhiên, trong buổi tiếp xúc này, vị Trưởng đoàn đã ghi nhận lại trong báo cáo một số quan điểm của Chính phủ do ông Bộ trưởng Ngoại giao trình bày. Trước hết, phía Chính phủ nhất định cho rằng Thượng tọa Thích Trí Quang là người của Việt cộng vì các lý do:
- Ông có tham gia phong trào cộng sản vào năm 1945. Ông cũng có thành lập một Hội Phật giáo có quan hệ chặt chẽ với Mặt trận của Cộng sản.
- Ông có 2 lần bị người Pháp bắt, đồng thời có biểu lộ ủng hộ tư tưởng cộng sản. Trong một lần thuyết giảng trước đám đông ở Huế, ông nói rằng không có gì khác biệt giữa Phật giáo và chủ nghĩa cộng sản. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ông có khuynh hướng nghiêng về chủ nghĩa Marx.
- Mặc dù những điểm trên chưa đủ yếu tố để kết luận, nhưng Chính phủ còn có những dữ kiện chính xác khác. Trước hết, cách đây khoảng 25 năm, Thích Trí Quang từng có liên hệ với Lê Đình Thám, một người hiện làm việc cho cộng sản ngoài Bắc. Thứ hai, năm 1954 ông có tiếp xúc với một bác sĩ cộng sản người Pháp tại Đà Lạt. Thứ ba, tất cả các thỉnh nguyện thư mà Chính phủ nhận được hiện nay đều phản ánh một cách chính xác lối suy nghĩ của Thích Trí Quang, chứng tỏ ông là người đứng sau mọi việc chứ không phải Hòa thượng Thích Tịnh Khiết.
Những lập luận này của Chính phủ rõ ràng cố gắng làm vững thêm cáo buộc của họ rằng ngay từ đầu biến cố ngày 8-5-1963 ở Huế vốn đã là một âm mưu được tính trước của Việt cộng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là người dân cũng như giới lãnh đạo Phật giáo không ai tin vào lập luận buộc tội này, bởi chúng hoàn toàn mang tính chủ quan và thiếu chứng cứ cụ thể. Chúng ta đều biết, đạo luật 10/59 cho phép Chính phủ ông Diệm thẳng tay trừng trị bất cứ ai có dính líu đến Cộng sản và hình phạt nặng nhất có thể là tử hình. Vì thế, việc họ chấp nhận chỉ "đấu võ mồm" với Thượng tọa Thích Trí Quang đã là một chứng cứ rõ ràng cho thấy họ không có đủ căn cứ để buộc tội.
Về các vụ tự thiêu của Phật giáo, ông Bộ trưởng Ngoại giao đưa ra những lập luận của Chính phủ như sau:
- Các vụ tự thiêu vừa qua phải được xem là những vụ giết người có tổ chức (these suicides should be considered organized murders), bởi vì các nạn nhân tự thiêu bị cung cấp những thông tin sai lệch, rằng Chính phủ đã giết chết Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, đã giết chết Sư bà Diệu Huệ, đã dìm chết trong nước hàng trăm nhà sư, đã đốt cháy chùa Xá Lợi, và vì thế nạn nhân bị thúc bách phải tự thiêu để phản đối những hành động này. (The victims were told that the Government had killed Reverend Khiet, that the Government had killed Dieu Hue, had drowned hundreds of monks, that it had burned the Xa-Loi Pagoda, and therefore that they should commit suicide in protest against these acts of the Government.)
- Về trường hợp tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, ông Bộ trưởng được báo trước một tuần và đã muốn ngăn chặn. (The Minister said he had been informed a week before the incident, and wanted to prevent it.) Ông Bộ trưởng tiếp tục dựng lên những mô tả hoàn toàn vô căn cứ về một diễn tiến mà ông cũng thừa nhận là Chính phủ không biết gì lúc xảy ra. (Everybody knew about it except the Government.) Dù vậy, ông Bộ trưởng đã kể giống như tận mắt chứng kiến: "Ông sư không tự đi mà được trợ giúp bởi hai ông sư khác, họ xốc nách ông đưa đi. Trông ông ấy như say thuốc. Mấy ông sư kia tưới xăng lên người ông ta." (The monk did not walk by himself but was helped by the two monks who held him under his arms. He looked drugged. The monks poured gasoline on him.) Chưa hết, ngoài những chi tiết tô vẽ không biết do ai kể lại, ông Bộ trưởng còn thêm vào những suy diễn của mình: "Nạn nhân lấy ra một cái bật lửa để tự châm lửa, nhưng bật lửa không cháy. Một trong hai ông sư kia đánh một que diêm và đốt lửa bùng lên. Tại sao cái bật lửa không cháy? Đây là điều chúng ta phải tự đặt nghi vấn. Phải chăng ông sư đã lấy đá lửa ra trước đó?" (The victim took out a lighter to burn himself but the lighter did not work. One of the other two monks lit a match and set the fire. Why didn't the lighter work? This is a question which we should ask ourselves. Had the flint been taken by the monk?)
Với cách nhìn nhận về việc tự thiêu của chư tăng ni như thế, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được vì sao việc thương thảo giữa Phật giáo với Chính phủ không đi đến kết quả. Chỉ có điều đáng nói là, qua sự ghi nhận của rất nhiều nhân chứng trong cũng như ngoài nước, thì những gì mà Chính phủ nhận hiểu, hay cố ý nhận hiểu, đều hoàn toàn không đúng với sự thật. Bởi vì cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức có hàng trăm người trực tiếp chứng kiến nên sự thật không khó tìm hiểu. Ngoài ra, cũng không thấy chính phủ có nỗ lực nào tìm hiểu thêm cuộc tự thiêu nầy thông qua hai thông tín viên quốc tế có mặt tại hiện trường là Malcolm Browne của Associated Press và David Hamberstam của New York Times.
3. Tiếp nhận và xử lý cáo buộc bằng văn bản
Mặc dù hoạt động chính của Phái đoàn được diễn ra cụ thể qua chuyến đi điều tra tại Việt Nam, nhưng các nguồn thông tin thu thập được rất đa dạng, không chỉ giới hạn trong phạm vi thu thập tại Việt Nam. Bức tranh đa dạng này sẽ cho chúng ta thấy rõ sự quan tâm của rất nhiều người đến các sự kiện bất ổn tại miền Nam Việt Nam vào lúc đó.
Trong suốt thời gian hoạt động, bên cạnh việc trực tiếp thu thập thông tin từ những người được phỏng vấn, Phái đoàn điều tra cũng nhận được cả thảy 116 nguồn thông tin bằng văn bản. Trong số này, có 49 văn bản cáo buộc nhận được tại Việt Nam trong thời gian điều tra. 67 văn bản còn lại đã được gửi đến Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York. Trong số 67 văn bản này, có 24 được gửi từ Việt Nam, ngoài ra là được gửi từ các quốc gia khác, cụ thể là: Hoa Kỳ: 16, Ấn Độ: 6, Nhật Bản: 5, Belgium: 3, Ceylon: 3; và Anh, Úc, Canada, Tiệp Khắc, Pháp, Đức, Malaysia, Nepal, New Zealand, Venezuela, mỗi nước đều có 1 văn bản.
Trong số 49 văn bản cáo buộc nhận được tại Việt Nam, có cáo buộc cho biết người gửi đã cố đến gặp nhưng "anh ta đã bị ngăn cản không cho tiếp xúc với các thành viên của Phái đoàn" (he had been prevented from contacting the members of the Mission). Hai trường hợp khác, người gửi "nhấn mạnh những khó khăn trong việc đến gặp Phái đoàn" (the petitioners stressed the difficulties of getting in touch with the Mission).
Toàn bộ 116 văn bản đều đã được Phái đoàn xem xét, phân tích kỹ về nội dung và hệ thống hóa thành các nhóm như sau:
CÁO BUỘC VỀ NHỮNG SỰ KIỆN TRƯỚC NGÀY 8-5-1963:
a. Dụ số 10 ban hành từ năm 1950 (vẫn còn hiệu lực) cho phép Chính phủ áp dụng theo cách thiên vị, dành nhiều ưu đãi cho Thiên Chúa giáo trong khi siết chặt và gây nhiều khó khăn cho các hoạt động tín ngưỡng của Phật giáo. "Cộng đồng Phật giáo phải xin phép Chính quyền khi tổ chức các buổi lễ, trong khi Thiên Chúa giáo thì không chịu ảnh hưởng quy định đó." (Buddhist community had to obtain government permission to hold public ceremonies, while the Catholic Church, not subject to that Ordinance). Thiên Chúa giáo có nhiều ngày lễ được công nhận chính thức hơn. "Nhiều vấn đề hôn nhân gia đình đang dần dần được luật hóa theo hướng gần với Thiên Chúa giáo và đi ngược với tập tục, niềm tin của người Phật tử" (Marriage and family matters had been the subject of Catholic-oriented legislation, contrary in some respects to Buddhist customs and beliefs).
b. Trong thực tế, sự phân biệt đối xử được thể hiện qua nhiều hình thức: "Tín đồ Thiên Chúa giáo được bổ nhiệm giữ tất cả các vị trí quan chức quan trọng" (Catholics were appointed to all the important public offices); nhiều phương tiện, quyền lợi như "đất đai được ưu tiên dành cho người Thiên Chúa giáo và từ chối người Phật tử" (granted to the Catholic Church for the acquisition of land, and denied to Buddhists). "Các vật phẩm cứu trợ cũng phân phối ưu tiên cho người Thiên Chúa giáo, thông qua các tổ chức Thiên Chúa giáo (relief goods were distributed in preference to Catholics and through Catholic agencies).
c. Các ngày lễ của Thiên chúa giáo được tổ chức lớn, "cờ Vatican tung bay khắp nơi, tất cả các viên chức Chính phủ, ngay cả những người không theo Thiên Chúa giáo cũng bị buộc phải đến tham dự. Ngược lại, các ngày lễ Phật giáo tổ chức ở nơi công cộng luôn bị hạn chế và quấy nhiễu bằng đủ mọi cách." (the Vatican flag being largely displayed, and all Government employees, even non-Catholics, being required to attend; in contrast, Buddhist ceremonies in public places were subjected to all kinds of restrictions and harassments). Năm 1957, Chính phủ đã cố "loại bỏ lễ Phật đản ra khỏi các ngày lễ chính thức" (remove Wesak from the list of official holidays). Mặc dù từ năm 1954 đến nay có nhiều chùa được xây mới hoặc tu sửa, nhưng tất cả đều "là nỗ lực của tín đồ Phật giáo, không có bất kỳ trợ giúp đáng kể nào của Chính phủ" (this was due to the generosity of Buddhist believers and not to any substantial grants from the Government).
d. Từ tháng 10-1960, chủ yếu tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, các quan chức Chính quyền địa phương đã "cố ép buộc một số tín đồ Phật giáo cải đạo theo Thiên Chúa giáo bằng cách đe dọa đưa vào các trại cải huấn, hoặc trở thành đối tượng bị cưỡng bức lao động vì nghi ngờ là theo cộng sản" (attempted to compel a number of Buddhist believers to become Catholics either by threats of being sent to re-education camps and of being subjected to forced labour as suspected pro-communists). Đối với những người đã bị đưa vào trại cải huấn, họ dụ dỗ "bằng cách hứa sẽ được tha sớm nếu chịu cải đạo" (by the promise of an earlier release in case of conversion), hoặc bằng cách "đe dọa sẽ gây khó khăn cho gia đình họ" (by threats of persecution against their families). Những Phật tử chống lại bị bắt buộc phải giao nộp thẻ căn cước cho Chính quyền, một số khác bị ép buộc di cư đi nơi khác. (Some Buddhists who resisted these attempts were forced to surrender their identity cards to the authorities, and some were ordered to migrate to other regions). Một số trường hợp tồi tệ hơn, những người Phật tử "bị bắt cóc, bị giam giữ, tra tấn, và có một trường hợp ở tỉnh Quảng Ngãi được kể lại là đã bị chôn sống." (Others were kidnapped, arrested and tortured, and one, in Quang-Ngai province, was said to have been buried alive.) Nhiều lãnh đạo Phật giáo bị bắt và sau đó không ai biết họ ở đâu. Một vị sư ở tỉnh Phú Yên phản đối rất mạnh mẽ và đã bị sát hại. Với sự áp đặt các biện pháp như thế, kết quả là "trong giai đoạn 1956-1963, có đến 208.000 người bị buộc phải cải đạo theo Thiên Chúa giáo" (208,000 persons had been converted to Catholicism from 1956 to 1963), trong khi "trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1954 chỉ có tổng cộng 450.000 người theo Thiên Chúa giáo" (in 1954 there had been only 450,000 Catholics in the Republic of Viet-Nam).
CÁO BUỘC VỀ NHỮNG SỰ KIỆN VÀO CÁC NGÀY 6, 7 VÀ 8-5-1963
- Nguyên nhân ban đầu của các vụ phản đối được cho là bắt nguồn từ Công điện số 9195 ngày 6-3-1963 của Tổng Thống, nghiêm cấm việc treo cờ và các biểu tượng tôn giáo. Mặc dù chỉ thị nêu việc nghiêm cấm đối với các tôn giáo nói chung, nhưng việc ban hành ngay trước ngày Phật đản có ý nghĩa rõ ràng là nhắm vào Phật giáo.
- Thông tin phù hợp trong tất cả các văn bản nhận được là vào sáng ngày 8-5-1963 có một số biểu ngữ phản đối các hạn chế áp đặt đối với Phật giáo và Thượng tọa Thích Trí Quang đã có bài diễn văn được ghi âm nêu rõ sự phản đối này cũng như bày tỏ những nguyện vọng, yêu cầu hợp pháp. Chính quyền đã từ chối việc phát sóng bài diễn văn này vào buổi tối như thông lệ hằng năm. Đám đông đã tụ tập khi biết được điều này. Chính quyền đã sử dụng vòi rồng phun nước nhưng không giải tán được đám đông. Sau đó là súng máy, lựu đạn và xe tăng được dùng đến.
- Xe tăng của quân đội đã cán trực tiếp lên người dân gây thảm sát. "Bác sĩ Lê Khắc Quyến của bệnh viện Huế được yêu cầu ký giấy xác nhận sai lệch là nạn nhân chết do chất nổ plastic của Việt cộng. Ông này từ chối không chịu ký và đã bị bắt giam." (Dr. Le Khac Quyen of the Hue Hospital, was subsequently imprisoned for refusing to sign a medical certificate prepared by Government authorities; and that the Government falsely claimed that the wounds on the victims had been made by the explosion of plastic bombs of the type used by the Viet-Cong).
CÁO BUỘC VỀ GIAI ĐOẠN TỪ THÁNG 5 ĐẾN THÁNG 9 NĂM 1963
- Từ ngày 8-5 đến ngày ra Thông cáo chung 16-6-1963: Rất nhiều cuộc biểu tình phản đối ôn hòa của Tăng Ni Phật tử đã diễn ra ở Sài Gòn, Huế và nhiều địa phương khác, và đã bị đàn áp nghiêm trọng bởi cảnh sát và quân đội, nhiều ngôi chùa bị phong tỏa bằng dây kẽm gai bao quanh, nhiều tín đồ Phật giáo bị ngăn cản không được đến chùa. Rất nhiều Phật tử bị bắt giam chỉ vì đã ủng hộ Tuyên bố ngày 10 tháng 5 của Phật giáo đòi hỏi thực thi 5 nguyện vọng bình đẳng tôn giáo. Các lãnh đạo Phật giáo đã hết sức nỗ lực để kêu gọi sự kiềm chế của đám đông.
- Từ ngày 16-6 đến cuộc tấn công các chùa đêm 20-8-1963: Chính phủ không hề thực thi các điểm nêu trong Thông cáo chung mà họ đã thỏa thuận với các lãnh đạo Phật giáo. Chính phủ còn phát động một chiến dịch rộng khắp để thuyết phục người dân rằng phong trào đấu tranh của Phật giáo là do cộng sản kích động. Nhiều người ở các địa phương khác nhau đã bị buộc phải tham gia chống lại Phật giáo. Các quy định khắt khe trong Dụ số 10 vẫn tiếp tục được áp dụng nhắm vào Phật giáo. Việc treo cờ Phật giáo vẫn chỉ được chấp nhận duy nhất trong phạm vi các chùa và không được treo ở những nơi khác. Các vị tăng sĩ bị hạn chế việc đi lại. Nhiều Phật tử bị bắt trước đó vẫn chưa được thả ra, một số khác trước khi được thả ra đã bị buộc phải ký tên vào một số giấy tờ do nhà cầm quyền viết sẵn nội dung. Ngày 17-7-1963, một cuộc biểu tình ôn hòa của Tăng ni Phật tử diễn ra trước chùa Xá Lợi đã bị đàn áp thô bạo, rất nhiều người bị bắt trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.
- Cuộc tấn công các chùa đêm 20-8-1963 và sau đó: Hầu hết các vị lãnh đạo Phật giáo, trừ Thượng tọa Thích Trí Quang, đều bị bắt trong trận tấn công này hoặc ngay sau đó. Có ít nhất 2 vị sư bị giết tại Sài Gòn trong đêm đó và 2 vị sư khác cũng bị giết tại Huế. Nhiều lãnh đạo Phật giáo đã bị đánh đập, tra tấn. Một số vị sư được thả ra sau đó nhưng bị quản thúc trong phạm vi chùa và bị người của Chính phủ canh gác. Rất nhiều Kinh sách, pháp khí, tượng thờ cùng tiền bạc, vật dụng của nhà chùa bị đập phá hoặc cướp mang đi. Những cuộc biểu tình của sinh viên bắt đầu trong tháng 7 và phát triển mạnh mẽ nhất vào tháng 8, đã bị đàn áp rất thô bạo. Có khoảng 3.000 sinh viên đã bị bắt. Một số trong đó bị đánh đập, tra tấn và bị giam giữ ở những nơi rất tồi tệ. Vào thời điểm Phái đoàn đến Việt Nam, vẫn còn khoảng 2.000 sinh viên đang bị giam giữ. Các sinh viên cho biết có một số sinh viên Thiên Chúa giáo cũng bị bắt nhưng họ được thả ra dễ dàng và được yêu cầu hợp tác với cảnh sát. Một số bản cáo buộc nói rằng Chính phủ đã ngăn cản khiến cho người dân không thể đến gặp Phái đoàn và cảnh báo việc có thể có nhiều thông tin sai lệch được gửi đến nhằm đánh lạc hướng điều tra của Phái đoàn. Một số cáo buộc khẳng định rằng ngay trong thời gian Phái đoàn đang ở Việt Nam vẫn xảy ra những vụ bắt bớ sinh viên đấu tranh được thực hiện vào ban đêm.
NHỮNG THÔNG TIN TRÁI CHIỀU
Trong tổng số 116 văn bản nhận được, có 12 văn bản không hề cáo buộc Chính phủ, ngược lại chỉ gồm toàn những lời lẽ phủ nhận tất cả các cáo buộc trên. Các văn bản này nói rằng Chính phủ hoàn toàn không có sự phân biệt và đàn áp Phật giáo (the Buddhist community was ever the victim of discrimination and persecution by the Government), rằng hiện nay tín đồ Phật giáo hoàn toàn tự do sống theo tín ngưỡng của mình (Buddhist believers were entirely free to worship and propagate their faith)...
Một câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu bản thân những người này không thấy có điều gì bất ổn thì vì sao họ phải cất công viết và gửi các văn bản này đến Phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc? Một người không bị Tòa án buộc tội thì không thể tự nhiên tìm đến tòa chỉ để nói rằng tôi hoàn toàn vô tội! Điều này hết sức vô lý. Vì thế, chúng ta có thể hiểu được ngay là những nguồn thông tin như thế đã phát xuất từ đâu.
NHẬN XÉT CỦA PHÁI ĐOÀN ĐIỀU TRA
Bản Phúc trình có đoạn nêu rõ, Phái đoàn "không có đủ phương tiện cũng như thời gian để xác minh các cáo buộc chi tiết đã nhận được" (The Mission had neither the means nor the time to verify the detailed allegations). Tuy nhiên, Phái đoàn đã ghi nhận tất cả và dựa vào những nội dung cáo buộc này để "thiết lập danh sách các nhân chứng cần phỏng vấn" (drawing up its lists of prospective witnesses), cũng như "soạn thảo các câu hỏi để đưa ra với các quan chức Chính phủ và các nhân chứng khi phỏng vấn" (formulating certain questions which it put to government officials and witnesses during the interviews). Nội dung ghi nhận được qua những cuộc phỏng vấn trực tiếp các nhân chứng sẽ được giới thiệu sơ lược ở phần kế tiếp.
Về những gì được trực tiếp mắt thấy tai nghe, Phái đoàn cũng ghi nhận lại trong Phúc trình này kèm theo với những mô tả và nhận xét khách quan.
Tại chùa Xá Lợi, một ngôi chùa lớn, Phái đoàn đã gặp "rất nhiều phóng viên báo chí địa phương và quốc tế, nhưng không nhìn thấy vị sư hay tín đồ nào cả" (there were many members of the international and local press and press photographers, but there were no monks or worshippers). Sau khi chờ khoảng 10 phút, một vị sư già và một vị trẻ hơn xuất hiện, nhưng hầu như hoàn toàn im lặng không nói gì. Mặc dù vị Trưởng đoàn nhấn mạnh rằng cuộc trò chuyện sẽ được giữ bí mật, nhưng các vị sư tỏ ra rất e dè, không nêu tên và cũng không đồng ý ghi âm cuộc nói chuyện. Phái đoàn đã quan sát thấy rõ cấu trúc của một ngôi chùa lớn, như rất nhiều phòng ngủ, phòng ăn lớn, hội trường, thư viện... Trong hội trường có rất nhiều ghế đặt quanh bàn lớn, cho thấy đã từng sử dụng cho nhiều người tham dự. Tất cả hoàn toàn trái ngược với quang cảnh vắng vẻ tiêu điều trong hiện tại. "Phái đoàn cũng quan sát thấy những cuộn dây kẽm gai ở cả hai bên cổng chùa, chứng tỏ ngôi chùa đã từng bị phong tỏa bằng kẽm gai" (The Mission observed the presence of barbed-wire piled on either side of the gate suggesting that the pagoda had been barricaded).
Tại chùa Từ Đàm ở Huế, trong khi trò chuyện với phái đoàn, "một sư cô lo việc quan sát các cửa sổ và cửa ra vào để đảm bảo không có người nghe trộm. Không khí có vẻ căng thẳng không thoải mái." (a nun who was in attendance watched the windows and the entrance to see if anybody was listening. The atmosphere in this pagoda seemed to be one of uneasiness).
Tại khách sạn Majestic là nơi Phái đoàn lưu trú, "vốn do Chính phủ chọn lựa" (which had been chosen by the Government), một không khí cực kỳ căng thẳng được ghi nhận. Đây là một đoạn mô tả trong bản Phúc trình:
... [Khách sạn] được canh gác bởi cảnh sát và quân đội, chia nhau đứng canh trong sảnh đường, dưới tầng trệt nơi quầy tiếp tân và trong những phòng khách lớn. Các xe jeep của quân đội có vũ trang và trang bị máy truyền tin đóng chốt thường trực nơi cổng vào khách sạn. Các thành viên trong Phái đoàn nhận thấy những người đi vào khách sạn đều bị chặn lại để hỏi lý do. Không rõ sự huy động các lực lượng an ninh lớn như thế có phải chỉ là do tình trạng bố ráp ở Sài Gòn từ đêm 20-8-1963 và Chính phủ muốn bảo vệ an toàn cho Phái đoàn, hay ngược lại chỉ nhằm ngăn cản để làm nản chí bất kỳ nhân chứng nào muốn đến tiếp xúc."
... was guarded by police and soldiers who stood at times in the hall, in the ground-floor bar and in the public rooms. Armed military guard and radio-equipped jeeps were permanently stationed at the entrance to the hotel. It was brought to the attention of the members of the Mission that visitors entering the hotel were being challenged and questioned as to the reasons for their visit. It was not clear whether this large deployment of security forces was simply due to the state of siege which had been in force in Saigon since 20 August 1963 and reflected a desire to protect the members of the Mission or, on the contrary, was designed to discourage visits by any witnesses wishing to talk to the members of the Mission."
Phái đoàn cũng được báo cáo từ phía Chính phủ, là trong trận tấn công các chùa đêm 20-8 "mặc dù rất quyết liệt nhưng không có bất kỳ trường hợp thương tích hay thương vong nào" (although they were drastic, resulted in no bloodshed or loss of life). Tuy nhiên, tại các bệnh viện, Phái đoàn thực tế "đã quan sát được một trường hợp như thế". (It was reported to the Mission that there had been no cases of serious injury among the victims of the police raids; but the Mission observed one such case.)
Trong khi tiếp xúc với các thành viên quan trọng trong Chính phủ, Phái đoàn được chính thức báo cáo rằng Tăng ni Phật tử cũng như sinh viên học sinh bị bắt giữ trong chiến dịch đã được trả tự do. Đây là một đoạn trong báo cáo bằng văn bản (tiếng Anh và tiếng Pháp) do tướng Trần Tử Oai chính thức trao cho Phái đoàn:
"The Government has ordered the reopening to worship of the pagodas, which had been under temporary surveillance; it has authorized the arrested monks to go back to the places of worship and it has returned the detained students to their parents."
"Chính phủ đã ra lệnh mở cửa lại những nơi thờ phụng ở các chùa mà trước đó bị tạm thời phong tỏa, Chính phủ cũng cho phép các vị sư bị bắt giữ được trở về chùa và Chính phủ cũng đã trao trả các sinh viên bị giam giữ về cho cha mẹ của họ."
Tuy nhiên, tình trạng giam giữ các vị lãnh đạo Phật giáo và sinh viên học sinh vẫn được thấy ngay trong chính những thông tin do Chính phủ đưa ra. Phái đoàn đã ghi nhận trong Phúc trình một bản tin được đăng trên Việt Nam Thời Báo vào buổi sáng ngày 1-11-1963, ngay hôm xảy ra vụ đảo chính:
"Đêm qua, báo chí Việt Nam tường thuật rằng, theo các nguồn tin từ Phủ Tổng Thống thì Cố vấn Ngô Đình Nhu đã hứa sẽ can thiệp với Tổng Thống trong một nỗ lực nhằm trả tự do cho các thành viên của Ủy ban Liên Phái [Phật giáo] hiện đang bị giam giữ. Cơ quan thông tấn này nói rằng, các vị Thượng tọa Thích Thiện Hòa và Thích Nhật Minh, Chủ tịch và Phó chủ tịch của Ủy ban Liên hiệp [Bảo vệ] Phật giáo [Thuần túy], cùng đi với Giáo sư Bửu Hội, đã đến gặp Cố vấn Nhu để yêu cầu can thiệp. Họ đòi hỏi trả tự do cho tất cả các vị lãnh đạo, cư sĩ Phật giáo cũng như sinh viên còn đang bị giam giữ..."
"Counsellor Ngo Dinh Nhu has promised to intervene with the President of the Republic in an effort to obtain the release of the members of the Inter-Sect Committee who are presently under detention, the Viet-Nam press reported last night 'according to Presidency sources'. The news agency said Venerables Thich Thien Hoa and Thich Nhat Minh, Chairman and Vice-Chairman of the Buddhist Union Committee, accompanied by Professor Buu Hoi, called on the Counsellor with a request for intervention. They asked for the release of all Buddhist dignitaries, laymen and students still under detention....''
Trước đó, Phái đoàn đã trực tiếp chất vấn việc này với Cố vấn Ngô Đình Nhu và ông đã trả lời khá mơ hồ:
- The CHAIRMAN: How many are still in prison?
- The POLITICAL ADVISER: About 200 to 300; ask the Minister of the Interior.
- (Trưởng đoàn hỏi: Có bao nhiêu người còn bị giam trong tù?
- Ông Cố vấn trả lời: Khoảng 200 đến 300 người. Việc này hãy hỏi ông Bộ trưởng Nội vụ.)
Và khi câu hỏi được trực tiếp đặt ra với Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương, ông này đã... hẹn lại:
"As to the exact number of students and monks still in camps and hospitals, this is within my power, and I shall give you a list of those names."
"Còn về con số chính xác những sinh viên, tăng sĩ còn bị giam trong các trại và trong bệnh viện, điều này nằm trong quyền hạn của tôi, tôi sẽ trao cho quý vị một danh sách họ tên những người ấy."
Ở đây, chúng ta lưu ý Phái đoàn không đòi hỏi danh sách chi tiết về những người bị bắt, nhưng nhiều lần lặp lại yêu cầu về một con số chính xác nhằm lượng định tình hình. Rõ ràng, cũng giống như ông Nhu, ông Bộ trưởng Nội vụ không nắm được con số này! Bảng danh sách mà ông hứa trao cho Phái đoàn, cũng giống như rất nhiều hồ sơ, tài liệu chứng cứ khác mà ông nói rằng đã tìm được trong các chùa, đã không bao giờ được gửi đến. Có thể là do ảnh hưởng cuộc đảo chính, nhưng cũng có thể không phải, vì sau đảo chính thì Hội đồng Quân nhân Cách mạng vẫn giữ nguyên hầu hết công việc của các Bộ. Bằng chứng là ông Phạm Đăng Lâm vẫn ra tiễn đoàn với tư cách đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa.
4. Phỏng vấn nhân chứng và thu thập thông tin
Phái đoàn đã xác định rằng việc thu thập thông tin qua các nhân chứng tại chỗ là vô cùng quan trọng. Vì thế, căn cứ vào các thông tin cáo buộc đã nhận được, ngay trong ngày đầu tiên đến Sài Gòn, 24-10-1963, Phái đoàn đã thảo luận thống nhất để đưa ra một danh sách các nhân chứng cần phỏng vấn.
Trong danh sách này, phái đoàn đã thực tế gặp và phỏng vấn cả thảy 47 người. Một số nhân chứng đã không đến hoặc không thể đến vì lý do nào đó. Một số khác bị xếp vào đối tượng "đối lập chính trị" và Chính phủ từ chối việc hỗ trợ tìm gặp họ. Các nhân chứng được yêu cầu tự giới thiệu nhân thân của họ và có lời thề sẽ nói sự thật. Tuy nhiên, thông tin ghi nhận được từ các nhân chứng được Phái đoàn cam kết giữ bí mật. Ngay cả trong lời khai, những chi tiết nào xét thấy có thể dẫn đến việc nhận biết lai lịch của nhân chứng đều sẽ bị loại bỏ. Các nội dung cáo buộc sẽ được xem xét, hệ thống và chuyển đến Chính phủ để yêu cầu trả lời hoặc giải thích, nhưng các thông tin về người đưa ra những cáo buộc ấy được giữ kín.
Những điểm chính sau đây được bản Phúc trình ghi nhận trước phần chi tiết lời khai của nhân chứng:
- Phái đoàn đã phỏng vấn một số các vị tăng ni, lãnh đạo Phật giáo tại 3 ngôi chùa ở Sài Gòn, một nhà tù, một bệnh viện và tại khách sạn Majesticc, nơi Phái đoàn lưu trú. Trong nhà tù ở Sài Gòn, Phái đoàn cũng phỏng vấn một lãnh đạo Phật giáo là cư sĩ. Tất cả các nhân chứng này đều nằm trong danh sách những người mà Phái đoàn muốn phỏng vấn.
- Phái đoàn cũng phỏng vấn một số cư sĩ ở cả Sài Gòn và Huế. Trong số này có 5 người nằm trong danh sách của Phái đoàn. Các nhân chứng này có vai trò quan trọng, nhận hiểu vấn đề và có quan hệ rộng với nhiều người khác. Một số nhân chứng trực tiếp chứng kiến các sự kiện và những gì họ kể lại cũng được phân biệt với những cảm xúc hoặc quan điểm riêng.
- Phái đoàn cũng phỏng vấn nhiều sinh viên nam nữ đang còn bị giam giữ ở Trại Lê Văn Duyệt. Theo lời ông Giám đốc thì Trại này vừa được thiết lập vào ngày 1-8-1963, dưới quyền Sở An ninh. Tất cả sinh viên ở đây đều bị bắt trong những cuộc biểu tình sau các sự kiện vào tháng 8. Các sinh viên bị cảnh sát giam giữ trong thời gian khác nhau, sau đó chuyển đến Trại Thanh niên [cải huấn] và bị bắt buộc phải học các khóa học về chính trị. Phái đoàn được cho biết là thời gian bị giữ trong trại thông thường khoảng 2 tuần, sau đó họ được trả về cho gia đình.
- Trình tự phỏng vấn chung là: Trước tiên các nhân chứng được đề nghị trình bày những gì họ muốn nói. Sau đó, Phái đoàn sẽ đặt những câu hỏi và ghi nhận câu trả lời của họ.
Dưới đây chúng tôi chỉ điểm qua những điểm nổi bật nhất trong số các lời khai chi tiết được ghi nhận từ 47 nhân chứng.
Nhân chứng thứ nhất, qua lời khai có vẻ như là một vị tăng giữ cương vị lãnh đạo, đã có mặt tại chùa Xá Lợi trong đêm 20-8-1963 và bị bắt giữ. Ông đã có thể mô tả nhiều chi tiết về vụ tấn công, phá cửa, bố ráp...bắt đầu từ giữa khuya, khoảng 12 giờ 30. Nhân chứng này cũng phủ nhận việc cuộc đấu tranh của Phật giáo bị kích động bởi phía Việt cộng, đồng thời xác định các vụ tự thiêu chỉ nhằm một mục đích duy nhất là thúc đẩy thực hiện các nguyện vọng của Phật giáo. Theo lời vị này, chùa Xá Lợi vào thời điểm đó mỗi ngày Chủ nhật có khoảng 1.000 người đến tu tập; các ngày lễ thông thường có khoảng 30.000 tín đồ và những ngày lễ lớn có đến 100.000 người tham dự. Theo vị này, vào lúc quân đội tấn công chùa có khoảng 400 vị tăng đang ở đó.
Nhân chứng thứ hai là một vị lãnh đạo Phật giáo có tham gia buổi tiếp xúc đầu tiên với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Vị này mô tả khá chi tiết về các diễn tiến ở Huế và sau đó lan đến Sài Gòn như thế nào, với tư cách là người trong cuộc. Về hướng giải quyết của ông Diệm sau buổi tiếp xúc, ông khẳng định rằng phía Phật giáo vẫn thấy chưa hợp lý và đó là nguyên nhân dẫn đến cuộc tuyệt thực đấu tranh vào khoảng ngày 7 và 8 tháng 6-1963. Sinh viên đã biểu tình và Chính phủ đàn áp còn dữ dội hơn trước đó. Nhiều người bị thương tật vĩnh viễn, có người bị mù, nhiều người khác bị bỏng toàn thân. Đồng thời, ba ngôi chùa lớn ở Huế bị phong tỏa, cô lập hoàn toàn. Chính quyền còn đưa ra lời đe dọa sẽ cắt điện và nguồn nước.
Vị trưởng đoàn đã nhờ nhân chứng này nhận diện một số tên người. Họ là những người được xem là mất tích sau vụ bố ráp đêm 20-8-1963. Tuy nhiên, sau đó đã có thông tin từ Chính phủ là họ bị bắt giam. Có người được biết đến, nhưng có một số không ai biết là bị giam ở đâu. Đặc biệt, người thứ tư và thứ sáu trong bản danh sách này được xác nhận là các vị tăng đã từng du học nước ngoài, viết và nói tiếng Anh lưu loát. Cả hai vị này đều bị bắt giam, và ngay khi có tin Phái đoàn sắp đến, họ đã bị chuyển đi giam giữ ở một nơi khác nên hiện nay không biết ở đâu. (When your visit was announced he was sent somewhere else. I do not know where he is now. He speaks and writes English well.)
Đặc biệt, nhân chứng này mô tả khá chi tiết những biện pháp mà chính quyền các địa phương đã áp dụng trong nhiều năm qua để chèn ép người Phật tử:
- Không có những chính sách phân biệt đối xử hoặc đàn áp Phật giáo ở cấp độ Chính phủ, nhưng họ phớt lờ, dung túng cho những hành vi chèn ép, phân biệt và gây khó khăn cũng như xúc phạm người Phật tử ở các cấp địa phương. Phật giáo đã có nhiều đơn khiếu nại, kiến nghị gửi lên Chính quyền địa phương, Tổng Thống, Quốc Hội, nhưng chưa bao giờ được hồi đáp. Chính nhân chứng này là người đã có một buổi tiếp xúc với Tổng thống Diệm kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ và đã cảnh báo Tổng Thống nếu không được giải quyết thỏa đáng thì các mâu thuẫn này có thể sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng. Có nhiều sự chèn ép nhỏ nhặt nhưng vô lý mà người Phật tử phải thường xuyên chịu đựng nhiều năm qua. Một viên cảnh sát trưởng là người Thiên Chúa giáo đã phạt vạ một người Phật tử chỉ vì tụng kinh lớn tiếng. Trong một đám rước của Phật giáo, một số người Thiên Chúa giáo ném chất bẩn vào tượng Phật...
- Đối với các Phật tử là viên chức Chính phủ, nếu họ tích cực tham gia những công việc của các tổ chức Phật giáo, họ sẽ phải nhận những báo cáo thành tích xấu, và nếu quá tích cực trong những việc này, họ có thể bị thuyên chuyển đi nơi khác có điều kiện sống tồi tệ hơn. Sẽ có người nào đó đến đề nghị họ bỏ đạo Phật để theo đạo Thiên Chúa, và nếu đồng ý, quyết định thuyên chuyển của họ sẽ được hủy bỏ. Ngược lại, họ sẽ tiếp tục nhận lãnh nhiều bất ổn khác. Những trường hợp như thế xảy ra rất thường xuyên.
- Có nhiều trường hợp các gia đình Phật tử bị ai đó cố tình ném hoặc giấu các tài liệu tuyên truyền của cộng sản vào nhà họ, rồi cảnh sát ập vào, tìm được các tài liệu đó và bắt họ đi. Cùng lúc, sẽ có người đến nhà nói nhỏ với vợ con họ, nếu gia đình chịu theo đạo Thiên Chúa thì người ấy sẽ được tha. Nếu chấp nhận, người ấy sẽ được thả ra, nếu không sẽ bị truy tố. Nhân chứng nói rằng ông ta có thu thập cả một tập tài liệu rất dày về những trường hợp cụ thể như thế. Khi chùa Xá Lợi bị tấn công, hồ sơ này đã biến mất.
- Chính phủ còn áp dụng chiến thuật "dinh điền", nghĩa là đưa người dân đi khai khẩn đất hoang ở những vùng rừng núi xa xôi. Họ được cung cấp lương thực đủ ăn trong 6 tháng đầu tiên để khai phá đất, sau đó sẽ tự làm ăn. Phương thức này rất tốt đối với những người dân nghèo vì giúp họ có được phương tiện làm ăn vươn lên. Tuy nhiên, có nhiều gia đình Phật tử khá giả hoặc giàu có đang sinh sống ổn định vẫn bị bắt ép đưa đi dinh điền. Thường thì đó là những Phật tử thuần thành, tích cực hoạt động cho đạo pháp, và việc đẩy họ đi xa là một cách để làm suy yếu khả năng phát triển của đạo Phật tại địa phương đó. Đối với những người ấy thì đây là một hình thức trục xuất, lưu đày.
- Trong một số trường hợp, chính quyền địa phương cố ý gây các trở ngại, khó khăn cho Phật giáo. Chẳng hạn, khi đến ngày lễ lớn của đạo Phật, họ cùng lúc triệu tập những cuộc hội họp công cộng "rất quan trọng", tất cả người dân không được phép vắng mặt. Và do đó người dân không thể đến dự lễ ở chùa.
Nhân chứng này cũng tiết lộ là mọi người ở chùa Xá Lợi đã có nguồn tin báo trước về vụ tấn công đêm 20-8, nhưng thay vì bỏ chùa trốn đi, chư tăng đã quyết định ở lại. Vì thế, chùa đã lắp đặt một hệ thống báo động. Khi có báo động, họ kiên quyết không mở cửa. Cảnh sát đã phá sập cổng sắt bên ngoài, cửa gỗ bên trong để tràn vào bắt người. Mọi người la hét cầu cứu và cảnh sát đã dùng đến lựu đạn cay cũng như bắn súng chỉ thiên để đe dọa, trấn áp. Sau đó, ngoài việc bắt người cảnh sát còn lấy đi tất cả máy móc thiết bị và nhiều vật dụng khác. Bản thân nhân chứng cũng bị mất một số tiền 15.000 đồng. Nhiều người khác sau đó cho biết họ cũng bị mất tiền. Tổng số được ước đoán có thể lên đến khoảng 500.000 đồng.
Ông Gunewardene cũng hỏi nhân chứng về mối quan hệ giữa chùa Xá Lợi với Cộng sản như cáo buộc của Chính phủ:
Mr. GUNEWARDENE: Has the organization in the Xa-Loi Pagoda anything to do with the Communists?
WITNESS: Absolutely nothing.
Mr. GUNEWARDENE: Was Xa-Loi an arms and ammunition dump?
WITNESS: Not even one bullet.
Ông Gunewardene: Chùa Xá Lợi có bất cứ quan hệ nào với Cộng sản hay không?
Nhân chứng: Tuyệt đối không có.
Ông Gunewardene: Chùa Xá Lợi có phải một kho chứa vũ khí, đạn dược hay không?
Nhân chứng: Một viên đạn cũng không có!
Khi Phái đoàn ngỏ lời cảm ơn đã hợp tác, nhân chứng này bắt đầu bật khóc.
Nhân chứng thứ ba khá đặc biệt vì được phỏng vấn ngay trong nhà tù. Điều này tự nó đã chứng tỏ tuyên bố của Chính phủ về việc trả tự do cho tất cả những người bị bắt là không đúng sự thật. Nhân chứng tự nhận là người phát ngôn của Ủy ban Liên phái và hiện đang bị giam giữ trong nhà tù này cùng với khoảng 20 vị khác.
Nhân chứng này nhấn mạnh trong lời khai với Phái đoàn là cuộc đấu tranh của Phật giáo hoàn toàn không có yếu tố chính trị, chỉ đơn thuần đòi hỏi được tự do tu tập, tự do hành đạo, và điều đó hoàn toàn không mâu thuẫn với lợi ích quốc gia. Vị này chỉ rõ Dụ số 10 dành đặc quyền cho Thiên Chúa giáo, trong khi được áp dụng để hạn chế sự phát triển của Phật giáo. Nội dung này trái với điều 8 của Hiến pháp hiện hành. Một thành viên của Phái đoàn là ông Amor đã đặt câu hỏi về sự can thiệp của Việt cộng như cáo buộc của Chính phủ:
Mr. AMOR: We have heard that the Buddhist movement has been incited by the Communists. Is this true?
WITNESS: No, that is not true. I do not know why we are accused of mixing in politics.
Ông Amor: Chúng tôi được nghe rằng phong trào Phật giáo bị kích động bởi những người Cộng sản. Điều này có đúng không?
Nhân chứng: Không, điều đó không đúng. Tôi không biết vì sao chúng tôi lại bị cáo buộc lẫn lộn với chính trị.
Nhân chứng thứ tư là người bị bắt trong cuộc bố ráp ở chùa Từ Đàm, Huế, cùng lúc với chùa Xá Lợi ở Sài Gòn trong đêm 20-8-1963. Vị này cho biết nhiều chùa khác ở Huế cũng bị tấn công trong đêm đó. Vị này kể lại việc cấm treo cờ vào ngày lễ Phật đản vừa qua cùng vụ đàn áp đẫm máu tại Đài Phát thanh Huế như một minh chứng cho sự phân biệt đối xử và đàn áp Phật giáo.
Nhân chứng thứ năm cũng là người bị bắt tại chùa Từ Đàm. Vị này tiếp tục khẳng định về những hành vi phân biệt đối xử và đàn áp đối với Phật giáo cũng như phủ nhận cáo buộc về sự kích động của Cộng sản đối với phong trào đấu tranh của Phật giáo. Đặc biệt, khi được hỏi về các vụ tự thiêu, cả hai nhân chứng thứ tư và thứ năm đều khẳng định mục đích duy nhất của những vị đã tự thiêu là cầu nguyện cho sự thực thi các nguyện vọng của Phật giáo. Họ có để lại các di thư khẳng định nguyện vọng này.
Nhân chứng thứ sáu bị bắt vào đêm 20-8-1963 khi cảnh sát và quân đội phá sập cổng chùa để xông vào, bắt và đánh đập vị này, sau đó đưa đi một nơi rất xa nhưng ông không biết được là nơi nào vì lúc đó là 2 giờ khuya, trời rất tối. Ông đã bị giam riêng một phòng trong thời gian khoảng 1 tuần. Cả chùa có 10 vị tăng sĩ, tất cả đều bị bắt.
Nhân chứng thứ bảy là một vị tăng bị bắt tại chùa Ấn Quang cũng trong đêm 20-8-1963, khoảng 1 giờ khuya. Cảnh sát vũ trang đã phá cửa phòng xông vào để bắt ông đi, mang về đồn cảnh sát giữ khoảng 2 giờ đồng hồ, rồi chuyển đến một trại cải huấn, nơi ông bị giam đến 67 ngày. Theo lời vị này, chùa Ấn Quang có khoảng 50 vị tăng sĩ và tất cả đều bị bắt đi trong đêm 20-8. Một điều đáng chú ý là nhân chứng này xác nhận ông thường xuyên gặp gỡ, nói chuyện với Hòa thượng Thích Quảng Đức mỗi đêm trước khi ngài tự thiêu. Ông khẳng định tâm nguyện của ngài là tự thiêu để yêu cầu chính phủ thực hiện bình đẳng tôn giáo.
Lời khai của các nhân chứng có nhiều trùng lặp về các dữ kiện đã biết như việc tấn công vào các chùa và bắt giam tăng ni, Phật tử. Riêng nhân chứng thứ mười là một người bị thương trong cuộc tấn công vào chùa Xá Lợi đêm 20-8-1963 và vẫn còn đang phải điều trị lúc được Phái đoàn phỏng vấn. Vị này cho biết chỉ riêng ở chùa Xá Lợi có 3 vị tăng và một sư cô bị thương trong vụ này. Trong khi phỏng vấn nhân chứng, Phái đoàn trực tiếp nhìn thấy được hai vết thương đang còn băng bó ở gót chân và trên bắp vế. Những thương tích này đã phải điều trị trong bệnh viện suốt hai tháng qua. Khi được hỏi về thương tích của những người khác, nhân chứng trả lời không được biết nhiều, nhưng trong số đó có một người đứt lìa 4 ngón chân và một người khác bị bỏng cả 2 chân. Khi được hỏi về quyền tự do sau khi ra khỏi bệnh viện và được trở về chùa, nhân chứng trả lời: "Khi quý vị đến chùa Ấn Quang, tôi có mặt ở đó với 3 người bị thương khác, nhưng tôi không được phép đến gặp. Tôi không có tự do tín ngưỡng." (When you visited An-Quang I was there and three others who were also injured but I was not given permission to welcome the Mission. I do not have freedom of worship.) Phái đoàn đã gạn hỏi: "Điều gì ngăn cản ông đến gặp chúng tôi lúc ở chùa Ấn Quang?" (What prevented you from coming to see us at An-Quang?) "Tôi nhìn thấy các vị đi qua cửa, nhưng nhân viên an ninh lập tức đóng cửa lại." (I saw you coming through the door but the security people just closed the door.)
Các nhân chứng thứ 11, 12, 13 và 14 được phỏng vấn cùng lúc tại một ngôi chùa cổ hơn 300 năm tuổi ở Huế. Một trong các nhân chứng đã trao cho Phái đoàn nhiều văn bản khác nhau, trong đó có một lá thư. Ông Amor, một thành viên Phái đoàn, đã đọc lên đoạn sau đây:
"I the undersigned... beg you to shed the light of justice on the situation of the Buddhists in Viet-Nam.
"For five years we, the Buddhists of Viet-Nam, have had to endure a deplorable regime. Our Head of State, President Ngo Dinh Diem, cannot control his subordinates in the provinces, especially in Central Viet-Nam, and hundreds of persons are victims of this inhuman regime.
"Your visit has given us immense joy. We ask you, in your capacity as United Nations representatives, and humane saviours, to rescue the Buddhists of Viet-Nam from the desperate plight which the bonzesses, bonzes and followers have to endure.
"There is no need for us to dwell on this at length, you already know what is happening in our country... ..."
"Tôi ký tên dưới đây là ... khẩn cầu quý vị mang ánh sáng công lý soi rọi vào tình hình Phật giáo tại Việt Nam.
"Trong 5 năm qua, Phật tử Việt Nam chúng tôi đã phải chịu đựng một chế độ vô cùng tồi tệ. Người đứng đầu Chính phủ, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đã không kiểm soát được cấp dưới của ông ở các tỉnh, đặc biệt là ở miền Trung Việt Nam, và hàng trăm người đã là nạn nhân của chế độ vô nhân đạo này.
"Sự viếng thăm của quý vị đã mang đến cho chúng tôi niềm vui rất lớn. Chúng tôi khẩn cầu quý vị, trong thẩm quyền những người đại diện của Liên Hiệp Quốc, những người bảo vệ nhân quyền, hãy giải cứu người Phật tử Việt Nam ra khỏi hoàn cảnh tuyệt vọng mà tăng ni và tín đồ đang phải chịu đựng.
"Không cần thiết phải dài dòng về vấn đề này, vì quý vị đã biết rõ những gì đang xảy ra trên đất nước chúng tôi... ..."
Các nhân chứng kể lại chi tiết về những sự kiện đã xảy ra ở Huế, đồng thời khẳng định rằng phong trào đấu tranh đòi bình đẳng của Phật giáo hoàn toàn không liên quan đến yếu tố chính trị.
Khi được hỏi về việc treo cờ Thiên Chúa giáo, các nhân chứng xác nhận trước ngày Phật đản một tuần điều này đã xảy ra bình thường ở Huế, nhân một cuộc lễ của Tổng giám mục Ngô Đình Thục. Vào ngày 5 tháng 5, cờ Thiên Chúa giáo cũng được treo tự do ở Đà Nẵng nhân lễ mừng Đức cha Phan Lạc.
Các nhân chứng cho biết họ đã từng khiếu nại lên Chính phủ vào những năm 1960 và 1961 đòi xóa bỏ những hạn chế đối với hoạt động của Phật giáo nhưng không kết quả. Các nhân chứng được hỏi về cuộc biểu tình ngày 3-6-1963 tại Huế. Họ cho biết có hơn 60 người bị thương khi chính quyền đàn áp bằng cách tạt a-xít vào đám đông. Các nhân chứng cũng cho biết họ bị bắt giữ vào khoảng 3 giờ sáng ngày 21-8-1963 khi quân đội nổ súng và phá cổng chùa xông vào (There were shots in the area and they broke down the door.). Họ cũng chỉ cho Phái đoàn xem cổng chùa bị phá và các dấu vết đập phá trên tường. Họ cho biết, "mọi thứ trên bàn thờ bị đập phá và mang đi" (Everything on the altar was broken and taken away).
Các nhân chứng thứ 15, 16 và 17 đều là những vị sư từng bị bắt vào đêm 20-8-1963. Họ bị giam giữ 12 ngày trước khi được thả ra. Những người này cho biết, vụ bắt giữ đã tạo một không khí lo sợ lan rộng. Ngôi chùa có 7 vị sư thường trú, nhưng hiện chỉ còn 3 người, những người khác lẩn tránh quanh đó vì sợ. Khi được phái đoàn yêu cầu, một vị sư đã đi báo với hai vị sư khác nữa nhưng một người trong số họ từ chối không dám đến gặp Phái đoàn. Các nhân chứng cũng cho biết sau khi biết có những vụ bắt bớ, số Phật tử về chùa giảm mạnh. (After that they found out that there were many arrests and the number diminished.) Vào mỗi ngày chủ nhật, thông thường có khoảng hơn 100 Phật tử về chùa, nhưng bây giờ chỉ còn chưa đến 20 người.
Phúc trình cũng ghi lại nội dung buổi phỏng vấn tại Trại Lê Văn Duyệt, hay "trung tâm cải huấn", là nơi giam giữ và "cải huấn" hàng ngàn sinh viên học sinh tham gia biểu tình bị bắt. Thông qua nội dung này, chúng ta hiểu được phần nào cơ chế hoạt động của hệ thống "cải huấn" thuộc Chính phủ Ngô Đình Diệm. Khi được hỏi về mục đích của trại, viên Giám đốc trả lời: "Trung tâm của chúng tôi được lập ra để rèn luyện thanh thiếu niên, dạy cho họ biết mối nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản và nền tảng của Chính phủ VNCH. Mục đích trước tiên là như thế, cũng như chỉ ra những âm mưu lật đổ Chính phủ, để thanh thiếu niên ý thức được những nguy hiểm trong việc họ đang làm. Mục đích thứ hai là chỉ ra những nỗ lực của Chính phủ VNCH để mang lại đời sống tốt đẹp cho nhân dân. Mục tiêu chính của chúng tôi là dạy cho tuổi trẻ hiểu biết về tổ quốc của họ, biết phụng sự tổ quốc và đặt quyền lợi tổ quốc lên trên tất cả."
Vị trưởng đoàn đi thẳng vào vấn đề: "Vậy những thanh thiếu niên vào đây học tập là tự nguyện hay bị bắt buộc?" Viên Giám đốc đáp lại: "Thật ra, tất cả học viên ở đây đều là những người bị bắt và đưa đến đây nhằm mục đích cải huấn. Họ được đưa vào đây để học tập và trở thành những công dân tốt."
Có khoảng 65 người bị giam trong trại vào lúc đó, tuổi từ 17 đến 25. Thời gian để "cải huấn" là khoảng 15 ngày, nhưng sau khi bị bắt các sinh viên bị giam giữ ở những nơi khác, rồi khi vào đây họ tiếp tục bị giam cho đến khi lớp "cải huấn" được mở ra với số lượng nhất định. Vì thế, thời gian giam giữ của mỗi sinh viên đều khác nhau và không xác định được. Chỉ khi nào "cải huấn" thành công, trở thành người tốt theo ý Chính phủ, sinh viên mới được trả về cho gia đình của họ. Phái đoàn cũng đặt những câu hỏi về ban giảng huấn, về phương pháp giáo dục... và do đó được biết tất cả thầy giáo ở đây đều "tự học", không qua bất kỳ một lớp đào tạo chuyên nghiệp nào. Họ tự thảo luận với nhau để soạn ra chương trình và phương pháp "cải huấn" trong 15 ngày đối với tất cả sinh viên học sinh bị bắt giữ. Thành phần các sinh viên cũng được xác định tất cả đều là Phật tử, không có Thiên chúa giáo (We have no Catholic students here; all of them are Buddhists.)
Từ thực tế này, ông Amor, thành viên Phái đoàn, đã hỏi thẳng: "Xin ông cho chúng tôi biết tại sao các sinh viên trẻ này bị bắt vì lý do hoạt động tôn giáo mà khi đưa vào đây các ông lại cố gắng cải huấn họ theo một chương trình chính trị?" (Can you tell us why the young students arrested for a religious affair are brought to a camp where it is attempted to reform them on a political plane?)
Giám đốc trả lời: "Những người bị bắt không nhất thiết chỉ là hoạt động tôn giáo. Nhiều người có mục tiêu chính trị, một số đối nghịch với Chính phủ."
Vị Trưởng đoàn chất vấn: "Nếu là vì lý do chính trị, lẽ ra phải có cả những tôn giáo khác, vì sao tất cả đều là Phật tử?"
Trước những chất vấn của Phái đoàn, cuối cùng vị Giám đốc vẫn nêu ra quan điểm như Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố, đó là những người Phật tử bị cộng sản kích động, xúi giục gây bạo loạn và biểu tình. (the Communists were exploiting the situation and inciting Buddhist students to riot and demonstrate.)
Sau đó Phái đoàn đã tiếp xúc và phỏng vấn một nhóm khoảng 20 sinh viên. Về lý do bị bắt,họ trả lời: "Chúng tôi là Phật tử, chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ các nguyện vọng của Phật giáo và bị bắt."
Vị Trưởng đoàn hỏi: "Chính phủ đã chèn ép Phật giáo như thế nào?"
Một sinh viên trả lời: "Chẳng hạn như ở Sài Gòn này, khi người Phật tử đến chùa để tụng kinh cầu nguyện, họ bị xô đẩy và đánh đập bởi cảnh sát. Vì thế, những người ủng hộ Phật giáo đã xuống đường phản đối và đòi bồi thường." (For example, in Saigon itself, when people went to prayers in Buddhist temples, some were pushed about and beaten by the police - so people who support the Buddhist cause rose up against that and asked for redress)
Một sinh viên khác: "Khi tôi đi chùa cầu nguyện, cùng với nhiều người Phật tử khác, chúng tôi có thể bị bắt giữ sau đó... Khi có biến cố xảy ra ở Huế sau khi chính phủ từ chối không phát sóng chương trình của Phật giáo, Phật tử đã đứng lên chống lại quyết định đó, và rồi quân đội đã mang xe tăng cùng các vũ khí khác đến, viện cớ rằng sự kiện này do Việt cộng kích động." (When I go to the temple for prayers, I mix with the Buddhists and the consequence may be that I would later be arrested, etc. Then there is the incident in Hue following the refusal to broadcast the statement on the radio. After that, the Buddhists rose against that decision and the Army brought out tanks and other weapons under the pretext that the agitation was of Viet-Cong origin.)
Vị Trưởng đoàn hỏi lại: "Từ khi đến đây, chúng tôi có viếng thăm nhiều chùa chiền và thấy người Phật tử tụng kinh cầu nguyện ở đó. Phải chăng tình hình hiện giờ đã thay đổi?"
Đáp: "Chỉ là vẻ ngoài thế thôi, nhưng tôi không tin là vấn đề đã được giải quyết."(On the outside it looks as though the situation is settled, but I do not believe it is settled yet.)
- "Tại sao?"
- "Vì trong hàng ngũ sinh viên chúng tôi vẫn còn nghe được nhiều bàn luận, và từ những bàn luận đó, có vẻ như vấn đề rồi sẽ lại nổi lên." (It is not over yet because in the ranks of the students there is talk and from the talk it looks as though the question will flare up again.)
Một sinh viên khác kể ra trường hợp cụ thể hơn: "Một ví dụ khác nữa là ở Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam, người ta xin phép tổ chức tang lễ một vị sư đã tự thiêu. Chính quyền đã cho phép, nhưng rồi khi tang lễ đang diễn ra thì cảnh sát kéo đến với dùi cui và đánh đập người tham dự. Vào ngày đó có 30 người bị thương." (Another example is in the city of Hoi An, province of Quang Nam. There was a request for holding a funeral for the monk who burned himself. Permission was granted and the funeral proceeded, but during the procession the police came with sticks and beat the people and on that day thirty people were injured.)
Nhiều sinh viên cũng như những nhân chứng tiếp theo đều lặp lại các nội dung cáo buộc. Nhân chứng số 27 nói rõ ràng nhất về các mục đích khi anh ta tham gia biểu tình: "Thứ nhất, tôi muốn có sự bình đẳng giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo trong các hệ thống hành chánh, quân đội v.v... Thứ hai, tôi muốn được tự do hơn trong việc thực hành theo tôn giáo của tôi. Thứ ba, tôi muốn tất cả những vụ bắt bớ, sách nhiễu khác phải chấm dứt. Những biện pháp đàn áp phải được bãi bỏ." (1. I want equality between Catholics and Buddhists in the Administration, the Army, etc.; 2. I would like greater freedom for the practice of my religion; 3. I want all these arrests and other things to cease. Suppressive measures should be removed.)
Trong các cuộc phỏng vấn, một số sinh viên cũng cho biết việc họ bị đánh đập sau khi bị bắt. Một số khác chỉ bị giam giữ rồi thả ra. Đặc biệt, nhân chứng thứ 33 cho biết anh đã bị đánh bằng roi điện, không để lại dấu vết thương tích gì. (Were you beaten? / Yes. / By whom and where? / By the security forces. / Do you have any marks? / No, they use electricity.)
Nhân chứng thứ 45 sau khi cung cấp nhiều thông tin liên quan đến thực trạng đã và đang diễn ra tại Việt Nam, đã đưa ra một nhận định rất đáng chú ý, sau khi nhắc lại là những điều này phải được tuyệt đối giữ bí mật:
WITNESS: If my statements are to be kept strictly confidential, I would add something. This is a political problem. For the last few years the political situation in Viet-Nam has been very difficult. There is Communist subversion and the Government uses this as a pretext to throttle the legitimate demands of the population and that has created discontent not only among the Buddhists but also among the Catholics. And now this is an opportunity for it to explode. The conflict is not essentially religious; it is not essentially Buddhist. Consequently, Buddhim is not the cause of the conflict but the effect of those politics.
Mr. CORREA DA COSTA: You mean that, because of the general discontent, the moment the Buddhist situation appeared at a strictly religious level, everybody used it as a pretext to go against the Government, including the Catholics and other religions.
WITNESS : That is right.
Nhân chứng: Nếu những lời của tôi được tuyệt đối giữ kín, tôi muốn nói thêm điều này. Đây là một vấn đề chính trị. Trong những năm vừa qua, tình hình chính trị ở Việt Nam rất khó khăn. Có sự xen vào phá hoại của Cộng sản và Chính phủ sử dụng việc này như một cái cớ để chèn ép những đòi hỏi chính đáng của người dân. Điều này đã tạo ra sự bất mãn không chỉ riêng với những người Phật tử mà cả với những người Thiên Chúa giáo. Và đây là cơ hội để sự bất mãn đó bùng phát. [Do đó,] về bản chất thì sự mâu thuẫn không phải là vấn đề tôn giáo, không phải là vấn đề Phật giáo. Phật giáo không phải là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, mà [phong trào Phật giáo] chỉ là hệ quả của những vấn đề chính trị [nói trên].
Mr. Correa Da Costa: Có phải ý ông muốn nói rằng, vì có sự bất mãn rộng khắp, nên khi cuộc đấu tranh của Phật giáo nổi lên trên bình diện thuần túy tôn giáo thì mọi người dân đã xem đó như một cái cớ để vùng dậy chống đối Chính phủ, bao gồm cả tín đồ Thiên Chúa giáo và những tôn giáo khác?
Nhân chứng: Đúng là như vậy.
Nhận định trên đã cho ta một phác thảo về bức tranh chính trị toàn cảnh vào thời điểm đó, dưới sự điều hành của Chính quyền Ngô Đình Diệm, và nó giải thích hợp lý những biểu hiện vui mừng rõ rệt của đa số người dân Sài Gòn ngay sau khi cuộc đảo chánh thành công, như lời của Đại sứ Mỹ Cabot Lodge mô tả trong Điện văn gửi về Washing ton ngày 2-11-1963: "Người ta bảo tôi rằng sự vui mừng hân hoan trên đường phố còn vượt hơn cả niềm vui ngày Tết." (I'm told that the jubilation in the streets exceeds that which comes every new year.)
Phái đoàn cũng đến viếng Bệnh viện Duy Tân, nơi đã và đang điều trị các nạn nhân của cuộc tấn công vào chùa Xá Lợi đêm 20-8-1963. Tại đây, Phái đoàn đã phỏng vấn bác sĩ điều trị và ông Phó Giám đốc Bệnh viện. Phái đoàn xác nhận được sự thật là có 5 vị sư và 4 ni cô bị thương được đưa vào điều trị trong đêm 20-8-1963. Các nạn nhân đã được đưa vào bệnh viện bằng xe cứu thương của cảnh sát. Thương tích nhẹ nhất được điều trị trong 3 ngày và trường hợp nghiêm trọng nhất phải điều trị trong 60 ngày. Vị sư bị thương nặng nhất đã được xuất viện, nhưng vừa phải trở lại bệnh viện do không được khỏe và do đó có mặt trong bệnh viện lúc Phái đoàn đến.
Nhân chứng thứ 41 đặc biệt chuẩn bị một văn bản dài 15 trang, được ngụy trang bằng cách kẹp vào giấy bìa của một quyển tạp chí. Theo lời nhân chứng, anh ta đã cố chuyển văn bản này ra nước ngoài nhưng không thể được, vì hành lý sinh viên bị lục soát rất kỹ. Theo nhận định của Phái đoàn thì văn bản này "đưa ra chứng cứ về rất nhiều vấn đề". (gave testimony on various questions). Vì thế, Phái đoàn đã quyết định tóm tắt hoặc trích nguyên văn nhiều phần của văn bản này đưa vào thành Phụ lục số 16 của bản Phúc trình.
Để chứng minh sự phân biệt tôn giáo từ cấp cao nhất của Chính phủ, thay vì chỉ ở các địa phương như nhiều cáo buộc khác, văn bản này nêu ra:
"Theo Điều 1 của Dụ số 10, tất cả các tổ chức tôn giáo đều được xem như các hội đoàn, nhưng [Điều 44 của Dụ này] đặt Thiên chúa giáo ra thành ngoại lệ.
"Theo Điều 7 của Dụ này, Chính phủ có quyền đình chỉ hoạt động của các "hội đoàn" vì lý do an ninh. (the Government has the right to suspend the activities of such associations for security reasons)
"Theo Điều 10 của Dụ này thì các tôn giáo, ngoại trừ Thiên Chúa giáo, là đối tượng chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của bất kỳ cơ quan Chính phủ nào.
"Theo Điều 14 và Điều 28 của Dụ này thì các tôn giáo, ngoại trừ Thiên Chúa giáo, chỉ được nhận tiền đóng góp từ tín đồ theo quy định thích hợp, và chỉ được thiết lập các cơ sở vật chất khi hết sức cần thiết.
"Hơn thế nữa, theo Sắc lệnh số 116/TTO/TTKI từ Văn phòng Tổng Thống ngày 23-9-1960 thì những bất động sản của các "hội đoàn" (bao gồm Phật giáo) dù nhỏ nhặt đến đâu cũng phải được sự cho phép của Tổng Thống, nếu không thì tổ chức sở hữu vẫn phải trả thuế giống như các chủ sở hữu cá nhân khác.
"Theo các điều khoản như thế, chúng tôi thấy rõ rằng có sự bất bình đẳng tôn giáo trong chế độ dân chủ này và thực tế đã đi ngược lại với mục đích theo đuổi của Chính phủ trong chính sách Ấp Chiến Lược, được cho là nỗ lực xóa bỏ sự bất hòa.
"Dụ số 10 ban hành năm 1950 dưới chế độ quân chủ. Từ khi chế độ ấy bị lật đổ vào năm 1954, chúng tôi đã đặt vấn đề tại sao Dụ số 10, vốn không phù hợp với Hiến pháp Cộng hòa, lại vẫn tiếp tục được duy trì? Chúng tôi yêu cầu Chính phủ phải hủy bỏ Dụ số 10 và thay thế bằng đạo luật khác.
"Ở Việt Nam, đặc biệt là các vùng quê, các viên chức Chính phủ hành xử sai trái hoặc theo cách phân biệt tôn giáo. Chúng tôi đã đệ trình việc này lên Tổng Thống và Quốc hội, nhưng thật đáng tiếc, chúng tôi không hề nhận được câu trả lời. Chúng tôi đã yêu cầu Tổng Thống chấm dứt ngay những hành vi sai trái này và cho thành lập một ủy ban điều tra để thẩm sát lại một cách chuyên trách, khách quan và đáng tin cậy đối với những hồ sơ khiếu nại của người Phật tử, để bảo đảm sự an toàn cho các vị lãnh đạo Phật giáo, tăng sĩ cũng như cư sĩ, và cho phép người Phật tử trong hàng ngũ quân nhân cũng như các viên chức dân sự được thực hành theo tôn giáo của họ.
"Thêm nữa, ông Paul Hiếu, Bộ trưởng Công Dân Vụ đã có lần nói trong một hội nghị các quan chức rằng: Phật giáo là kẻ thù công khai số một."
Ngoài những cáo buộc như trên, văn bản của nhân chứng này còn đặc biệt đề cập đến những ngược đãi đối với Phật giáo từ trước năm 1963, đã được Thượng tọa Thích Trí Quang nhắc lại trong buổi họp ngày 18-5-1963 với nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ. Theo đó, tại các vùng phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên và miền Trung, nhiều Phật tử đã bị bắt bớ, đàn áp. Các vụ việc này đã được ghi nhận thành hồ sơ khiếu nại gửi lên Chính phủ và Quốc hội, nhưng không rõ vì sao người Phật tử không hề nhận được sự phản hồi. Chi tiết này cho thấy sự kiện ngày 8-5-1963 hoàn toàn không phải là điểm khởi đầu, mà trong thực tế chỉ là "giọt nước tràn ly" làm bùng vỡ những bất mãn từ rất lâu của người Phật tử đối với Chính phủ Ngô Đình Diệm.
Một chi tiết đặc biệt khác được thấy trong văn bản của nhân chứng này là đoạn trích nguyên văn một bài bình luận được đăng trên tạp chí Anh ngữ Newsweek ngày 27-5-1963, được cho là đã bị cảnh sát lùng sục để tịch thu. Nguyên văn Anh ngữ (kèm bản dịch) như sau:
"The Buddhists (estimated at some ten million) have long been resentful of the mandarins of Hue and their ruling Catholic oligarchy; the Buddhists particularly resent a host of restrictions imposed on their religious freedom by President Diem.
"Most of Ngo Dinh Diem's high Government officials, chiefs of provinces and military officers are Catholics, and most young army officers are convinced that they must be at least nominal Catholics if they wish to rise above the rank of captain. Diem apparently believes (and with some reason) that Catholics are more loyal to him personally and also more genuinely dedicated in their anti-communism. Catholicism, therefore, seems to have become a kind of status symbol, as well as a prerequisite for advancement...
"The Buddhists say that most Government supplies pass through Catholic hands and are distributed chiefly to Catholics. One American adviser has reported that Catholic battalion commanders in South Viet-Nam's army get better equipment and heavier weapons than the non-Catholics. In the countryside, there are a number of villages where Christian priests are in control and maintain their own private armies. In the northern coastal region around Hud, small units of these troops, known as 'The Bishop's Boys', are directly responsible to the Archbishop, and their primary mission is to protect churches and priests. They are armed with United States weapons and trained at least in part by United States advisers.
"Vast supplies of United States food relief (wheat, flour, rice, cooking oils) are distributed in South Viet-Nam through Catholic Relief Services to Catholic priests in the provinces. Some Viet-Namese are convinced that many of these supplies never reach the intended beneficiaries but find their way into the black market instead."
"Những người Phật tử (ước tính khoảng 10 triệu) từ lâu đã phẫn uất đối với các quan chức ở Huế và nhóm thiểu số Thiên Chúa giáo nắm quyền hành. Người Phật tử đặc biệt tức giận trước một loạt những hạn chế do Tổng thống Diệm áp đặt lên quyền tự do tôn giáo của họ.
"Hầu hết các quan chức cao cấp của Chính phủ Ngô Đình Diệm, các vị Tỉnh trưởng và sĩ quan quân đội đều là tín đồ Thiên Chúa giáo, và hầu hết các sĩ quan trẻ trong quân đội đều tin rằng ít nhất họ phải trở thành một tín đồ Thiên Chúa giáo trên danh nghĩa nếu muốn ngoi lên cao hơn quân hàm đại úy. Ông Diệm có vẻ tin chắc rằng (vì lý do nào đó) những tín đồ Thiên Chúa giáo trung thành với cá nhân ông hơn và cũng tận tụy hơn trong cuộc chiến chống Cộng. Vì lý do đó, Thiên Chúa giáo đã trở thành biểu tượng cũng như điều kiện tiên quyết cho sự thăng tiến...
Những người Phật tử nói rằng hầu hết nguồn cung cấp từ Chính phủ đều thông qua bàn tay Thiên Chúa giáo và được phân phối chủ yếu đến những tín đồ Thiên Chúa giáo. Một viên Cố vấn Mỹ đã báo cáo rằng, trong quân đội Nam Việt Nam, các chỉ huy tiểu đoàn là tín đồ Thiên Chúa giáo nhận được trang thiết bị và vũ khí tốt hơn so với những người không phải tín đồ Thiên Chúa giáo. Ở miền quê có những ngôi làng do các cha xứ kiểm soát và duy trì quân đội riêng của họ. Quân đội này trực tiếp chịu trách nhiệm trước cha xứ và nhiệm vụ chính là bảo vệ nhà thờ và cha xứ. Họ được vũ trang bằng vũ khí của Hoa Kỳ và được huấn luyện ít nhất là một phần bởi các cố vấn Mỹ.
Nguồn cung cấp thực phẩm cứu trợ khổng lồ của Hoa Kỳ (gồm lúa mì, bột mì, gạo, dầu ăn...) được phân phối ở miền Nam thông qua các Cơ quan Cứu trợ Thiên Chúa giáo đến cha xứ ở các tỉnh. Một số người Việt Nam tin rằng rất nhiều trong số nguồn thực phẩm này không bao giờ đến tay người nhận như dự tính. Thay vì vậy chúng được đưa ra bán ở thị trường chợ đen."
Nhân chứng này cũng trích nguyên văn một văn bản quan trọng khác là Thông Cáo của Đại diện Chính phủ mới tại Trung phần được công bố vào ngày 2-6-1963, trong đó có 5 điểm nghiêm cấm cho thấy rõ không khí kiểm soát hết sức căng thẳng vào thời điểm đó:
1. Mọi hình thức hội họp đều bị nghiêm cấm.
2. Việc sử dụng hệ thống loa phóng thanh phải xin phép trước từ Thị trưởng.
3. Việc xin phép hội họp phải được chấp thuận trước từ Thị trưởng.
4. Tất cả các tài liệu, khẩu hiệu, bích chương hoặc diễn văn đều phải được kiểm duyệt trước khi đưa ra trước công chúng.
5. Việc tàng trữ hay lưu hành bất kỳ ấn phẩm, truyền đơn hay tài liệu nào đều là bất hợp pháp.
Phản ứng theo sau bản Thông Cáo đầy áp chế này là cuộc biểu tình ở Huế ngay hôm sau đó, 3-6-1963. Hàng trăm sinh viên học sinh đã tham gia biểu tình ôn hòa đòi hỏi Chính phủ đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của Phật giáo. Chính quyền giải tán bằng vòi rồng phun nước nhưng thất bại vì người biểu tình ngồi yên tại chỗ để cầu nguyện. Họ liền thay thế các vòi nước bằng a-xít với nồng độ mạnh. 54 người bị thương tổn nghiêm trọng, những người còn lại phải bỏ chạy tan hàng. Ngay hôm đó, Thượng tọa Thích Tâm Châu, Chủ tịch Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đã gửi một lá thư lên Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong đó nêu rõ 10 hành vi đàn áp của Chính phủ đang diễn ra. Những điểm này cũng được nhân chứng trích dẫn nguyên văn trong cáo buộc gửi Phái đoàn Điều tra Liên Hiệp Quốc:
1. Nhiều tổ chức, hội đoàn Phật giáo đã bị ép buộc phải ký vào những bản kiến nghị lên án phong trào đấu tranh của Phật giáo với những từ ngữ hung hăng, thô bạo.
2. Việc đi lại của tăng ni giữa các vùng trong nước với thủ đô bị cản trở trên nhiều tuyến đường để ngăn chặn không cho họ về điều trị ở các bệnh viện thuộc Sài Gòn.
3. Hành lý mang theo của các vị tăng ni từ Sài Gòn trở về các tỉnh sau khi tham gia tuyệt thực đã bị lục soát và tất cả những ai mang theo các tài liệu của Phật giáo đều bị bắt giam.
4. Nhân viên an ninh được bố trí khắp các nhà hàng, quán nước và trên đường phố để dò xét và bắt giữ bất cứ ai đề cập đến vấn đề Phật giáo.
5. Cảnh sát dã chiến, nhân viên an ninh, chiến sĩ thanh niên cộng hòa, quân cảnh và quân nhân trang bị súng trường, máy truyền tin đóng chốt quanh các ngôi chùa để khám xét chư tăng và đe dọa khủng bố những Phật tử muốn đến chùa.
6. Tất cả quân nhân là Phật tử không được ra khỏi phạm vi doanh trại.
7. Những ai tham gia tích cực vào cuộc vận động đấu tranh của Phật giáo đều bị truy tố và bắt giam.
8. Các tài liệu của Việt cộng được lén lút đưa vào trong xe của Phật tử hoặc vào trong các chùa để tạo chứng cứ giả nhằm bỏ tù tăng ni, Phật tử.
9. Những cuộc biểu tình chống Phật giáo được tổ chức với nhiều nhân viên an ninh giả dạng chư tăng và Phật tử.
10. Thành viên của các ủy ban Phật giáo bị ép buộc phải ký tên vào những kiến nghị này khác...
Một nội dung quan trọng khác được trích dẫn trong văn bản của nhân chứng này là bản Chương trình hành động của Ủy ban Sinh viên Ủng hộ Phật giáo, được phân phát rộng rãi trong giới sinh viên học sinh. Nhân chứng nhận được văn bản này vào ngày 16-9-1963. Theo nội dung trong bản Chương trình hành động này thì phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh được phác thảo qua 5 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Sinh viên, học sinh viết thỉnh nguyện thư gửi đến Nguyên thủ quốc gia, Tổng thư ký và các vị tướng lãnh, nêu rõ 5 nguyện vọng [của Phật giáo].
- Giai đoạn 2: Sinh viên, học sinh bắt đầu đấu tranh bằng cách tuyệt thực trong phạm vi sân trường, thời gian 12, 24 hoặc 48 giờ, tùy theo tình hình.
a. Trong thời gian tuyệt thực 12 giờ, các khẩu hiệu tranh đấu sẽ được viết trên giấy và dán lên tường hoặc bất cứ nơi nào dễ được nhìn thấy.
b. Trong thời gian tuyệt thực 48 giờ và sau đó, ngoài các khẩu hiệu đã có, những câu sau đây sẽ được dùng như khẩu hiệu:
1. Ai đã tấn công vào các chùa và bắt giam tăng ni, Phật tử?
2. Ai đã giết chết những sinh viên đầy lòng yêu nước?
3. Có phải Chính phủ đang bảo vệ tự do báo chí bằng cách tống giam các phóng viên báo Tự Do và phóng viên nước ngoài?
4. Phụ nữ Việt Nam tự hào có được những người như Mai Tuyết An, Lê Thị Hạnh, và vô cùng xấu hổ khi đứng chung hàng ngũ với bà Ngô Đình Nhu.
5. Quân nhân không thể bị lạm dụng để bảo vệ ngai vàng chế độ.
Những khẩu hiệu nêu trên sẽ được sinh viên dán lên bất cứ nơi nào.
Cảnh báo:
- Trong suốt thời gian đấu tranh tuyệt thực, cổng trường phải được đóng chặt và có người canh giữ.
- Nếu bị người của Chính phủ tấn công, hãy giữ bình tĩnh. Dùng khăn vải tự trói tay mình và lặng lẽ lên xe cho họ bắt.
- Khi bị đưa vào trại tập trung, hãy tiếp tục cuộc đấu tranh. Chỉ chấp nhận về nhà khi tất cả mọi người khác đều được thả ra.
- Nếu trường học bị đóng cửa, hãy biến các thư viện, rạp chiếu bóng, nhà hàng... thành nơi tranh đấu.
- Giai đoạn 3: Tất cả sinh viên, học sinh đồng loạt rủ nhau đi vào các nhà tù của Chính phủ.
- Giai đoạn 4: Tất cả sinh viên, học sinh đều có quyền tự do chọn lựa các hình thức [đấu tranh như] mổ bụng, tự thiêu hay tuyệt thực.
- Giai đoạn 5: Là giai đoạn cuối cùng và khẩn cấp. Phát động tổng đình công và lật đổ chính quyền.
Phần cuối cùng trong văn bản của nhân chứng này là một câu chuyện sinh động cung cấp cho chúng ta bức tranh cụ thể về phương thức hành xử của Chính quyền nhằm phản ứng lại cuộc đấu tranh của sinh viên học sinh nổ ra sau vụ tổng tấn công các chùa vào đêm 20-8-1963. Đây là câu chuyện xảy ra với chính bản thân nhân chứng khi anh ta bị bắt giữ:
"Vào sáng thứ Bảy ngày 24 tháng 8 năm 1963, sinh viên tụ tập ở khoa Luật để gặp ông Vũ Văn Mẫu, người có bằng Thạc sĩ Luật học tại Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao và là Giáo sư Khoa Luật tại Đại học [Sài Gòn]. Ông đã đưa đơn từ chức Bộ trưởng lên Tổng thống Ngô Đình Diệm.
"Khi ông Mẫu vừa rời khỏi xe lúc 9 giờ sáng, các sinh viên reo hò chào đón. Trong sân trường trước Khoa Luật, sinh viên ngồi bệt ngay trên mặt đất để lắng nghe ông nói chuyện, nhưng vì quá đông người nên phải dùng đến loa phóng thanh. Một số sinh viên đi vào giảng đường lớn nhất, trong khi số còn lại ngồi yên trong sân. Sau khi nghe ông Vũ Văn Mẫu và vị Khoa trưởng Khoa Luật cho một số lời khuyên, [đại diện] sinh viên đã đưa ra một bản Tuyên bố. Bản Tuyên bố được tất cả sinh viên tán thành và vỗ tay vang dội, một số người quá phấn khích đã cởi giày ra và đập mạnh lên mặt bàn, làm hư hỏng một số.
"Trong khi mọi việc đang diễn ra như thế thì quân đội tràn vào Khoa Luật. Ông Vũ Văn Mẫu đã yêu cầu họ rút lui, các sinh viên nhờ đó có thể rút êm mà không gặp sự cố.
"Khi ấy, tôi cùng 200 sinh viên khác đi đến chỗ Phân khoa Khoa học để vận động sinh viên ở đó không tham dự kỳ thi tuyển vào Phân khoa Dược. Các thí sinh đã hưởng ứng, xé bỏ và đốt giấy làm bài thi. Thế rồi xảy ra xô xát giữa sinh viên với cảnh sát. Cảnh sát lúc đó đã bắt giữ ba phóng viên người Mỹ.
"Trên đường quay trở lại, khi còn cách Khoa Luật khoảng 100 mét, tôi nghe có tiếng la lớn: 'Nó kìa, nó kia kìa! Bắt lấy nó!' Tôi vừa quay lại thì bất ngờ bị đấm mạnh hai lần vào đôi mắt rồi bị xô té nhào, đập mặt xuống sàn một chiếc xe jeep. Một quân nhân ra lệnh: "Đưa khăn tay cho tao." Tôi làm theo. Ông ta dùng khăn bịt mắt tôi lại, rồi dùng dao găm kề sát cổ tôi đe dọa: 'Mày mà la lên tao sẽ giết ngay.'
"Chỉ trong chốc lát đã có ba người khác bị đẩy lên xe và cũng bị đối xử hệt như với tôi. Chúng tôi bị bịt mắt nằm trên sàn xe đưa đi. Khoảng một tiếng rưỡi sau thì xe dừng lại. Có tiếng quát: "Bước ra và đi theo tao.' Chúng tôi vâng lệnh bước ra, nhưng mỗi đứa bị dẫn đi theo một hướng khác nhau. Một người kề dao găm sát bên sườn tôi, đe dọa: "Bọn tao là Tình báo quân đội, mày không được nói dối. Mày có phải thành viên trong Ủy ban Liên khoa không?' 'Không, không... cũng giống như các sinh viên khác, tôi chỉ đi đến Phân khoa Khoa học thôi.' 'Thẻ căn cước của mày đâu?' "Trong túi sau của tôi.' Ông ta sờ soạng trong túi tôi một lát rồi nói: 'Tốt lắm... mày có cần đến tờ một trăm đồng trong ví không?' 'Không, không... thưa ông.' 'Vậy thì tốt, ở yên đây nhé. Mày mà chạy là tao bắn bỏ.'
"Một lát sau, chiếc xe jeep vọt đi. Tôi giật cái khăn bịt mắt ra. Tôi đang ở trong một đồn điền cao su. Tôi cố hết sức la lớn: 'Xin chào, có ai ở đây không?' Có tiếng trả lời: 'Chúng tôi ở đây.' Tôi chạy về phía đó và hết sức vui mừng khi gặp được hai sinh viên khác. Không nói được lời nào, chúng tôi ôm chầm lấy nhau mừng rỡ. Hai người bạn tôi áo rách bươm và vấy máu. "Sao các bạn đến nỗi này?' Một người giải thích: 'Họ xé áo tôi, rồi dùng dao găm rạch trên ngực tôi. Xem này.' Vừa nói anh ta vừa mở nút áo vạch ngực ra cho tôi xem, máu tươi vẫn còn rỉ chảy từ các vết cắt trên ngực anh. Tôi hỏi hai người: 'Còn một bạn nữa đâu rồi?' 'Chúng tôi không biết.' Người bị thương nói: 'Bây giờ tôi phải băng bó vết thương, rồi chúng ta sẽ đi tìm bạn ấy.'
"Tôi đã học được cách sơ cứu khi tham gia hướng đạo sinh. Tôi liền cởi áo thun, xé ra và tìm ít lá cây có tác dụng cầm máu rồi băng bó vết thương cho bạn. Xong, chúng tôi cùng nhau đi tìm anh bạn còn lại nhưng vô ích, không thấy chút dấu vết nào của anh ấy. Mặt trời bắt đầu lặn dần xuống khuất sau những cây cao su. Một người bạn tôi nói: 'Có lẽ anh ấy bị bọn lính bắt đi theo. Bây giờ chúng ta phải rời khỏi rừng cao su này thôi.'
"Chúng tôi đi bộ về hướng tây dọc theo đường lô cao su, sau hơn một giờ đồng hồ thì gặp quốc lộ 15. Chúng tôi đang ở cách Sài Gòn 50 ki-lô-mét, trên con đường Sài Gòn-Vũng Tàu. Lát sau, chúng tôi đón được một chiếc xe khách và lên xe. Khi về đến Sài Gòn, chúng tôi chẳng còn đồng nào để trả tiền xe, vì bọn Tình báo quân đội đã cướp sạch tiền của chúng tôi. Thấy tình cảnh chúng tôi như thế, người chủ xe cũng thôi không hỏi tiền.
"Khi tôi về đến nhà thì đã 7 giờ tối, mới phát hiện ra là [mấy cú đấm đã làm] cả vùng da quanh mắt tôi bầm tím."
Câu chuyện do chính nhân chứng kể lại đã cho chúng ta nhiều chi tiết rõ nét về thực trạng diễn ra trong phong trào đấu tranh vào lúc đó. Bức tranh đàn áp của Chính phủ Diệm không chỉ có những nét phản dân chủ, mà còn bị bôi đen một cách thê thảm bởi cách hành xử của những người thi hành công vụ theo lối côn đồ, công khai hành hạ và cướp giật tiền bạc của người dân một cách thô bạo, thiếu văn hóa. Điều này giải thích vì sao mỗi ngày người dân thủ đô đều phải "suy tôn Ngô Tổng Thống" nhưng chỉ ngay sau khi chế độ sụp đổ thì họ lập tức bày tỏ niềm vui mừng vô hạn và công khai bày tỏ sự ủng hộ những người đảo chính.
5. NHỮNG THÔNG TIN TRÁI CHIỀU
Trong số 47 nhân chứng được phỏng vấn, ngoài những người do chính Phái đoàn chọn lựa và tìm gặp, còn có một số tự nguyện tìm đến gặp Phái đoàn để cung cấp thông tin. Đó là các nhân chứng từ số thứ tự 36 đến 43. Chúng ta có thể tìm thấy những thông tin trái chiều được cung cấp từ một số trong các nhân chứng này. Tuy nhiên, có vẻ như các thông tin này chiếm tỷ lệ quá ít để có thể làm thay đổi nhận thức về sự thật. Hơn nữa, hầu hết các thông tin này đều được đưa ra theo cách võ đoán, một chiều và không có những chứng cứ xác thực đi kèm. Thông tin trái chiều cũng được thấy ở một vài nhân chứng thuộc nhóm đối tượng khác, thường là biểu lộ sự vô cảm, không quan tâm đến cuộc đấu tranh đang diễn ra của Phật giáo. Chúng tôi đặc biệt lưu ý thấy điều này ở các nhân chứng là thành viên của Ủy ban Liên hiệp Bảo vệ Phật giáo Thuần túy, vốn là một Ủy ban gồm 7 thành viên do Chính phủ Diệm vận động dựng lên vào ngày 24-8-1963, ngay sau khi họ đã tiến hành chiến dịch bố ráp và bắt giam hầu hết các vị lãnh đạo Phật giáo.
Khi được hỏi rằng Chính phủ và quân đội có can thiệp gì trong hoạt động ở chùa của họ không, các vị sư này đã trả lời là không. Dù vậy, họ thừa nhận là vào đêm 20-8-1963, cả thảy 30 vị sư trong chùa đều bị bắt đi. Tuy nhiên, sau đó tất cả đều được thả ra sau một cuộc xét hỏi ngắn. Khi được hỏi về nội dung tra xét, họ cho biết Chính phủ đã hỏi họ đứng về phía những người biểu tình hay về phía Chính phủ. Họ trả lời họ không tham gia gì, không có quan hệ gì với những người biểu tình và họ muốn duy trì quan hệ tốt với Chính phủ.
The CHAIRMAN: When you were asked whether you were sympathetic with the demonstrators, what was your answer? And when you were asked about your relations with the Government, what was your answer?
WITNESS: Our answer to the first question was that we hadn't done anything; we had no part to play. Our answer to the second question was that we have good relations with the Government and we intend to keep them that way.
Khi được hỏi về tự do tôn giáo, họ nói: "Không có trở ngại hay áp lực gì cả. Chúng tôi hoàn toàn được tự do." (No obstacles or pressure in any way. We had complete freedom.)
Một thông tin trái chiều khác được đưa ra bởi nhân chứng thứ 18, đặc biệt với sự hiện diện của nhiều người nhưng chỉ duy nhất nhân chứng này là người trả lời các câu hỏi của Phái đoàn (A number of witnesses were present and only one of them would answer the Mission's questions).
Mr. CORREA DA COSTA: Have any of your rights been violated?
WITNESS: There have been no restrictions whatsoever here. We have full liberty to practise our religion.
The CHAIRMAN: Has there been any restriction in other pagodas elsewhere in the country?
WITNESS: Up until now there has been no trouble at all.
The CHAIRMAN: Anywhere?
WITNESS: Since the establishment of the Republic of Viet Nam, Buddhism in this country has grown to a great extent. There are already 1,000 pagodas in this country.
Ông Mr. Correa Da Costa: Có bất cứ quyền tự do nào của quý vị bị xâm phạm hay không?
Nhân chứng: Ở đây không có bất kỳ sự hạn chế nào cả. Chúng tôi được tự do hoàn toàn trong sự tu tập theo tôn giáo của mình.
Trưởng đoàn: Có hạn chế nào ở những chùa khác thuộc những nơi khác trong nước hay không?
Nhân chứng: Cho đến lúc này thì không có bất kỳ khó khăn nào cả.
Trưởng đoàn: Ở đâu cũng vậy sao?
Nhân chứng: Từ khi thành lập Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Phật giáo ở đất nước này đã phát triển hết sức mạnh mẽ. Hiện đã có đến 1.000 ngôi chùa trên khắp nước.
Khi được hỏi về các vấn đề đang diễn ra với Phật giáo Việt Nam, nhân chứng này bộc lộ rõ sự thờ ơ vô cảm. Ngôi chùa này không có ai bị bắt.
The CHAIRMAN : What is the feeling here about the arrests which have taken place elsewhere?
WITNESS: Our feeling is just that if they are arrested, that is their affair. They may have trouble with the Government - maybe they have violated the law. We can only accept the fact and it does not affect us.
The CHAIRMAN: Is it a fact that some monks have burned themselves?
WITNESS : Like you, we have only heard about this. We have not seen it.
The CHAIRMAN: The whole world knows this and the Government admits it. What is your feeling about it ?
WITNESS: The monks that burned themselves belonged to sects other than this one. This one is a long-established sect; it goes back 200 years. Those people burned themselves in the name of their sect. There is no connexion between those suicides and this particular sect.
The CHAIRMAN: As human beings, what are your feelings about these suicides?
WITNESS : Perhaps they had a reason to burn themselves, but we do not understand this reason. In recent history, there have been no cases of suicidal burning. This may have occurred in the past, but not recently,
The CHAIRMAN : What were your feelings when you heard that these monks and co-religionists had burned themselves?
WITNESS: According to our belief, of course, whenever we hear about such things, we are sorry and we pray that their souls will go to heaven.
Vị Trưởng đoàn: Quý vị ở đây cảm thấy thế nào về những vụ bắt bớ diễn ra ở nhiều nơi khác?
Nhân chứng: Chúng tôi chỉ cảm thấy là, nếu họ bị bắt thì đó là chuyện của họ. Có thể họ có vấn đề với Chính phủ - có thể họ vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ có thể chấp nhận thực tế ấy và điều đó không ảnh hưởng đến chúng tôi.
Vị Trưởng đoàn: Có phải thực tế là đã có một số vị tăng tự thiêu?
Nhân chứng: Cũng giống như các ông, chúng tôi chỉ nghe nói thôi. Chúng tôi không nhìn thấy điều đó.
Vị Trưởng đoàn: Cả thế giới đều biết việc này và Chính phủ cũng đã thừa nhận. Ông cảm thấy thế nào về việc này?
Nhân chứng: Vị sư tự thiêu thuộc về một tông phái khác, không phải tông phái này. Tông phái này được thành lập từ rất lâu, đến 200 năm trước. Những người tự thiêu nhân danh tông phái của họ. Không có mối liên hệ nào giữa những vụ tự thiêu đó với tông phái này.
Vị Trưởng đoàn: Từ góc độ con người, các vị cảm thấy thế nào về những vụ tự thiêu này?
Nhân chứng: Có lẽ họ có một lý do để tự thiêu, nhưng chúng tôi không hiểu được lý do này. Trong lịch sử gần đây, không có trường hợp tự thiêu nào cả. Điều này có thể đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng không phải gần đây.
Vị Trưởng đoàn: Cảm xúc của ông thế nào khi nghe biết việc những vị sư này, những người đồng đạo của mình đã tự thiêu thân?
Nhân chứng: Tất nhiên, theo niềm tin của chúng tôi, mỗi khi nghe những chuyện như thế thì chúng tôi lấy làm tiếc và chúng tôi cầu nguyện cho hương linh của họ được siêu thoát.
Nhân chứng thứ 36 là một người tự nguyện đến gặp Phái đoàn. Anh ta cung cấp một loạt thông tin hoàn toàn lặp lại những quan điểm của Chính phủ mà chúng ta đã tìm hiểu. Đó là, Việt cộng đã lợi dụng vấn đề của Phật giáo, đã xen vào kích động, xúi giục người Phật tử. Đây là lời khai của nhân chứng này:
The Communists, as you know, are trying to infiltrate this country and since you are seeking the truth there is no doubt that following the Buddhist incidents the communist Viet-Cong has been trying to take advantage of the situation...
Những người Cộng sản, như quý vị đã biết, đang cố xâm nhập vào đất nước này, và vì quý vị đang điều tra sự thật, rõ ràng không nghi ngờ gì nữa, theo sau những biến cố của Phật giáo, Việt cộng đã cố lợi dụng tình thế này...
... As to the suicides by burning and the demonstrations, that was inspired by the Communists. The Government has given freedom of worship; the Government has not oppressed the Buddhists.
... Còn về những vụ tự thiêu và biểu tình, đó là do sự kích động của những người Cộng sản. Chính phủ đã ban hành tự do tín ngưỡng; Chính phủ không có đàn áp Phật giáo.
Tuy nhiên, phái đoàn không chỉ lắng nghe một chiều, họ cũng chất vấn những điểm không hợp lý. Vì nhân chứng cho rằng Chính phủ hoàn toàn tôn trọng tự do tín ngưỡng, một thành viên Phái đoàn đã đặt câu hỏi:
Mr. KOIRALA: We know, and the Government has admitted it, that there are hundreds of Buddhists in prison. How do you account for this ?
WITNESS : The priests and monks have only one thing to do, to stay in their temples and say their prayers; if they come out and cause disturbances, it is normal that they are placed in a quiet place so that they cannot carry out such activities.
Mr. KOIRALA: Thich Tinh Khiet, a most respected Buddhist, was he not also arrested?
WITNESS : During a time when the Government is fighting for its freedom and liberty in this country, whoever creates a threat to the security of the nation must be put in jail.
Mr. Koirala: Chúng tôi được biết, và Chính phủ cũng đã thừa nhận, rằng hiện có hàng trăm Phật tử còn bị giam trong tù. Ông giải thích điều này thế nào?
Nhân chứng: Các thầy tu chỉ có một việc duy nhất để làm là ở yên trong chùa lo tụng kinh. Nếu họ đi ra ngoài và gây rối, điều tự nhiên là phải nhốt họ vào một nơi để họ không thể gây rối nữa.
Mr. Koirala: Chẳng phải Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, một bậc thầy đáng kính nhất của Phật giáo cũng bị bắt đó sao?
Nhân chứng: Trong lúc Chính phủ đang nỗ lực chiến đấu cho tự do ở đất nước này, thì bất cứ ai tạo ra mối đe dọa đến an ninh quốc gia đều phải bị nhốt hết vào tù.
Có vẻ như tính khách quan của nhân chứng đã bị nghi ngờ sau những thông tin một chiều mà anh ta cung cấp. Vì thế, một thành viên trong đoàn chất vấn:
Mr. GUNEWARDENE: You have repeated no less than six times that you are a Buddhist. What was the necessity for you to impress on us that you are a Buddhist, so many times?
WITNESS : Because I want to impress you with the fact that I am a Buddhist and that in this country Buddhists can practise their religion.
Mr. Gunewardene: Ông đã lặp lại không ít hơn 6 lần rằng ông là Phật tử. Có gì cần thiết để ông phải nhấn mạnh với chúng tôi quá nhiều lần việc ông là Phật tử?
Nhân chứng: Bởi vì tôi muốn nhấn mạnh với các ông sự thật rằng tôi là Phật tử và rằng ở đất nước này Phật tử có thể thực hành tôn giáo của họ.
Hầu hết những thông tin trái chiều chỉ là sự lặp lại các lập luận do Chính phủ đã đưa ra trước đó về sự can thiệp của những người Cộng sản, đồng thời phủ nhận hoàn toàn sự phân biệt và đàn áp của Chính phủ đối với Phật giáo. Và như đã nói, theo như ghi nhận trong bản Phúc trình thì những thông tin loại này chiếm một tỷ lệ rất thấp và không có tính thuyết phục.
Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018
III. Ket qua dieu tra
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét