An Sĩ toàn thư là một tập sách khuyến thiện được Đại sư Ấn Quang nhiều lần khen ngợi. Đích thân ngài cũng đã vận động, tổ chức việc in ấn lưu hành, số lượng lên đến hàng vạn quyển. Vì thế, lần đầu tiên tiếp xúc với bộ sách này bằng Hán văn, bản thân tôi đã không khỏi khởi sinh một vài băn khoăn, nghi vấn.
Vì sao lại băn khoăn, nghi vấn? Vì khi nhìn qua tổng mục sách này, nổi bật lên là phần Âm chất văn quảng nghĩa, vốn dựa vào bài văn Âm chất của Văn Xương Đế Quân để giảng rộng. Các phần còn lại là Tây quy trực chỉ, Vạn thiện tiên tư và Dục hải hồi cuồng có thể tạm chưa bàn đến, nhưng riêng về bài văn Âm chất thì dường như không nằm trong Giáo pháp của đức Phật.
Văn Xương Đế Quân là một nhân vật hư hư thật thật, tuy một phần truyền tích về ông có thể tạm cho là thật, nhưng lại có vô số điều được thêu dệt thêm chung quanh hình ảnh của ông, mà phần lớn đều là những kiểu niềm tin mông muội, thiếu trí tuệ, nếu không muốn nói là mê tín. Như vậy, những lời truyền lại của một nhân vật như thế liệu có đáng để người Phật tử phải lưu tâm nghiên tầm học hỏi hay chăng? Một tập sách như vậy liệu có đáng để lưu hành rộng rãi hay không?...
Nhưng Đại sư Ấn Quang vốn là bậc long tượng trong Phật giáo. Cuộc đời và đạo nghiệp của ngài quá đủ để chúng ta đặt niềm tin vào những lời khuyên của ngài. Đại sư nói về sách An Sĩ toàn thư và soạn giả là tiên sinh Chu An Sĩ như sau:
"...quả thật là một quyển kỳ thư khuyến thiện bậc nhất trong thiên hạ, nếu so với những quyển sách khuyến thiện tầm thường khác, há có thể sánh cùng được sao? Lòng tôi vẫn tin chắc rằng tiên sinh hẳn là bậc Bồ Tát theo bản nguyện mà hiện thân cư sĩ để thuyết pháp độ sinh."
(Trích Lời tựa của Đại sư Ấn Quang)
Chính niềm tin vào Đại sư Ấn Quang đã khuyến khích tôi tiếp tục đọc vào sách An Sĩ toàn thư, thay vì gác nó sang một bên sau khi nhận ra có sự hiện diện của nhân vật gọi là Văn Xương Đế Quân.
Và quả thật tôi đã đặt niềm tin không lầm. Sau khi đọc vào nội dung sách, tôi mới hiểu được lý do vì sao Đại sư hết lời khen ngợi, và cũng thấy được tâm lượng từ bi, trí tuệ diệu dụng của tiên sinh Chu An Sĩ khi soạn ra tập sách khuyến thiện này.
Từ đó, tôi phát tâm chuyển dịch sách này sang Việt ngữ, đồng thời soạn các chú giải và khảo đính một số điểm sai sót trong chính văn để tập sách thêm phần hoàn thiện. Sách dày hơn ngàn trang Hán văn khổ lớn, theo dự kiến sẽ được thực hiện thành nhiều giai đoạn. Phần đầu tiên nay đã Việt dịch và chú giải hoàn tất, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả gần xa. Các phần tiếp theo hy vọng sẽ có đủ thuận duyên để tiếp tục chuyển dịch trong một thời gian không xa lắm.
Trước hết, cũng cần phải nói ngay rằng phần đầu tiên này là phần dễ gợi lên sự nghi ngờ cho người đọc nhất, vì dựa trên bài văn Âm chất được cho là của Văn Xương Đế Quân. Phần này có tên là Giảng rộng bài văn Âm chất (Âm chất văn quảng nghĩa), được phân thành 2 quyển là quyển thượng và quyển hạ, đều đã chuyển dịch và chú giải hoàn tất, in chung trong một tập này.
Về nội dung sách, soạn giả đã dựa vào bài văn Âm chất rất ngắn gọn (chỉ khoảng hơn 800 chữ) để biên soạn thành một bộ sách hơn 400 trang chữ Hán khổ lớn. Cách trình bày khá nhất quán trong toàn bộ sách. Cứ mỗi một câu được mang ra phân tích, bao giờ cũng có một phần giảng rộng mà ông gọi là "phát minh", sau đó đến phần đưa ra nhận xét, lời bàn, mà ông gọi là "án". Tiếp đó, hầu hết đều có thêm phần trưng dẫn sự tích, gồm những câu chuyện được rút ra từ kinh điển hoặc các truyện tích trong Phật giáo, nhằm mục đích minh họa cho ý nghĩa của các phần trên.
Chính phần giảng rộng và lời bàn của tiên sinh An Sĩ đã khai phá và mở rộng ý nghĩa của bài văn Âm chất hoàn toàn theo tinh thần Phật giáo, giúp người đọc qua đó tiếp nhận được những giáo lý tinh hoa, những tri thức hướng thiện trên tinh thần từ bi, vị tha và trí tuệ. Không khó để chúng ta nhận ra rằng, tuy dựa trên bài văn Âm chất, nhưng hầu như phần trước tác của tiên sinh An Sĩ đã chi phối hoàn toàn nội dung của sách này.
Một câu hỏi có thể được nêu lên ở điểm này: Tại sao tiên sinh phải dựa vào bài văn Âm chất? Tại sao tiên sinh không tự mình viết ra tất cả những nội dung ấy, vốn là điều không có gì khó khi xét đến sự dụng công của tiên sinh đối với bộ sách này?
Xin thưa, đó chính là chỗ phương tiện diệu dụng của Phật pháp, là chỗ mà Kinh văn đã dạy rằng: "Tất cả pháp đều là Phật pháp." Nếu chúng ta nhớ lại rằng trong số những người chưa thực sự hiểu biết sâu về Phật pháp thì có đến chín phần mười luôn đặt niềm tin vào thánh thần trời đất. Niềm tin đối với Văn Xương Đế Quân là một niềm tin loại đó. Có lẽ tiên sinh An Sĩ tự mình sẽ không bao giờ thực sự chọn theo hay quan tâm đến những niềm tin loại này. Thế nhưng, với tâm từ bi, tiên sinh đã nhận ra là có rất nhiều người đang bám vào những niềm tin đó như chỗ nương tựa của họ trong đời sống, và việc đòi hỏi hay khuyên bảo họ phủ nhận, bác bỏ niềm tin ấy khi chưa có được những hiểu biết, nhận thức sáng suốt hơn để thay thế vào sẽ là điều không tưởng, thậm chí còn có thể đưa lại những tác dụng trái ngược ngoài ý muốn. Chính vì vậy, tiên sinh đã chọn một phương thức tùy duyên vô cùng độc đáo, là dựa trên chính niềm tin sẵn có này để dẫn dắt người đọc hướng về Chánh pháp. Mỗi câu mỗi chữ được tiên sinh viết ra trong sách này đều thấm đẫm tinh thần Phật pháp, từng bước dẫn dắt người đọc đi vào con đường thâm tín và nhận hiểu sâu sắc về những ý nghĩa thiện ác, nhân quả... Cho nên nhận xét của Đại sư Ấn Quang quả nhiên không hề tùy tiện.
Hơn thế nữa, càng đi sâu vào nội dung sách, tôi lại càng thấy vững tin hơn vào những nhận xét như trên, cũng như càng nhận ra những lợi lạc vô biên của bộ sách khuyến thiện này, nhất là trong thời đại nhiễu nhương thiện ác lẫn lộn như hiện nay.
Về phương thức, có thể nói tiên sinh đã biên soạn sách này một cách hết sức công phu, khoa học. Chỉ nhìn qua thư mục tham khảo gồm các kinh sách của cả Tam giáo (Phật, Lão, Nho) gồm đến 126 bộ kinh sách đủ loại và nhớ lại rằng tiên sinh sống vào khoảng cuối thế kỷ 17, chúng ta sẽ hết sức khâm phục sự tra khảo, chắt lọc của tiên sinh từ một số lượng kinh sách đồ sộ này. Hơn thế nữa, phần lớn những trích dẫn trong sách đều rút từ Kinh điển Phật giáo, cho thấy sự uyên bác về Nội điển của tiên sinh và càng làm tăng thêm giá trị xác lập tín tâm của bộ sách này.
Mặc dù vậy, quá trình biên soạn cũng không tránh khỏi một vài hạn chế, khiếm khuyết nhỏ, như một số những chuyện kể rút từ Kinh điển đều được viết lại thay vì trích nguyên văn, nhưng thỉnh thoảng cũng có một đôi chi tiết không hoàn toàn chuẩn xác. Trong những trường hợp này, khi Việt dịch chúng tôi cũng đồng thời đối chiếu Kinh văn theo dẫn chú của soạn giả để chỉnh sửa lại cho chuẩn xác hơn.
Ngoài ra, thỉnh thoảng cũng gặp những dẫn chú không chính xác, khi soạn giả không trực tiếp lấy từ Kinh văn mà trích lại từ một tài liệu khác, và bản thân tài liệu đó lại có sự nhầm lẫn nên dẫn đến sai lầm theo. Trong những trường hợp này, chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra đúng phần Kinh văn gốc để làm căn cứ, và đặt thêm các chú giải thích hợp để làm rõ sự nhầm lẫn này, tránh cho người sau không tiếp tục hiểu sai.
Đối với các dẫn chú Kinh điển, chúng tôi sẽ cố gắng đặt thêm vào phần chú giải các chi tiết cần thiết liên quan đến bộ kinh được trích dẫn, như kinh số trong Đại Chánh tạng, số trang, số dòng nơi xuất hiện đoạn Kinh văn được trích dẫn v.v... Với những thông tin này, người đọc khi cần đối chiếu tra khảo bất kỳ vấn đề nào trong sách cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Cuối cùng, với lòng chân thành tri ân soạn giả đã để lại cho đời một pho sách quý, chúng tôi xin giới thiệu rộng rãi bản Việt dịch và chú giải sách này đến với tất cả những ai hữu duyên, mong rằng có thể nối tiếp và làm lớn rộng hơn nữa tâm nguyện độ sinh của tiên sinh. Xin nguyện cho chúng tôi có đầy đủ thuận duyên để tiếp tục hoàn chỉnh phần còn lại của bộ sách trong thời gian sắp tới, góp phần mang đến lợi lạc an vui cho khắp thảy mọi người.
Trân trọng,
Nguyễn Minh Tiến
Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018
Loi gioi thieu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét