Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

Chua tung bao nguoc voi dan, tan khoc voi thuoc cap



Giảng rộng

Từ câu này cho đến trước câu "thấu tận lòng trời", đều là những lời do Đế Quân tự kể ra về công hạnh của ngài trong 17 đời qua, để làm căn cứ cho những lời răn dạy bên dưới.

Sáu câu tiếp theo có nghĩa là, đã tự mình làm được rồi mới khuyên người khác nên làm theo như thế. Riêng một câu "chưa từng bạo ngược với dân, tàn khốc với thuộc cấp" có nghĩa là: Nếu mình chưa tự làm được, thì không do đâu mà người khác có thể bắt chước làm theo.

Kẻ làm quan được dân chúng xưng tụng là quan phụ mẫu, xem như cha mẹ của dân, nếu đối xử bạo ngược với dân, đó là bất nhân. Những quan viên thuộc cấp đều lo việc phụng sự, giúp việc cho ta, cũng không khác nào phụng sự nhà vua hay quan trên, nếu đối xử tàn khốc với họ, đó là bất nghĩa.

Nói về sự bạo ngược, không nhất thiết phải là hình luật khắt khe, chế định quá nghiêm ngặt, mà có thể là những việc như khi thu thuế tiền, thuế ruộng của dân lại thúc bách, ép buộc bất hợp lý; hoặc tùy ý tăng thêm danh mục để thu về dư thừa; hoặc gặp khi thiên tai hạn hán mất mùa không kịp thời báo lên để miễn giảm cho dân; hoặc dân có điều oan ức, thỉnh cầu lại che giấu, ém nhẹm không trình lên trên; hoặc phân xử án kiện, quyết đoán việc tù ngục mà không thận trọng lắng nghe dân trần tình đã vội vã kết án; hoặc xử sai lầm liên lụy đến quá nhiều người vô tội; hoặc sự việc nhỏ nhặt mà cường điệu, phóng đại lên thành sự việc lớn lao, quan trọng; hoặc thay vì kết thúc đúng kỳ hạn, lại kéo dài dây dưa nhiều ngày sau. Hết thảy những việc như thế, xét theo lời dạy của Đế Quân đều có thể xem là bạo ngược với dân.

Nói về sự tàn khốc, không nhất thiết phải là mặc sức dùng roi vọt hình trượng đánh đập, hành hạ, mà có thể là những việc như nhân lỗi nhỏ nhặt mà trách phạt; hoặc nhân sự sai lầm, nhầm lẫn không cố ý mà khiển trách; hoặc do tâm tình mừng giận chi phối mà đối xử khác biệt chẳng công bình; hoặc tin theo những lời sàm nịnh sai sự thật mà tùy ý thưởng đây phạt kia, bất công với thuộc cấp; hoặc khi đi xa dùng quá nhiều người theo hầu hạ, phục dịch; hoặc sai sử người khác mà không quan tâm đến chuyện đói rét thiếu thốn của họ. Hết thảy những việc như thế, xét theo lời dạy của Đế Quân đều có thể xem là tàn khốc với thuộc cấp.

Than ôi! Khi đang nắm quyền hành chức tước mà không biết sử dụng như phương tiện để làm lợi cho dân, thì có khác gì vào được kho báu mà lại quay về với hai tay trắng! Trong mười bảy đời đã qua, Đế Quân thật chưa từng bạo ngược với dân, khốc hại với thuộc cấp!

Trưng dẫn sự tích

Kẻ bạo ngược, người tàn khốc đều có thể đổi tính


Đế Quân kể rằng: Huyện Ngưu Tỳ ở quận Thục có quan huyện lệnh Công Tôn Vũ Trọng, tuy là quan thanh liêm nhưng đối đãi với người không có sự khoan thứ. Những thuộc hạ giúp việc có chút lỗi nhỏ đều bị ông tùy ý dùng hình phạt roi vọt. Ông đến nhậm chức ở huyện qua một năm thì thuộc hạ hết thảy đều bị đánh, không ai còn giữ được da thịt lành lặn, những thuộc cấp của ông đều hết sức oán hận.

Quan huyện lệnh của huyện Tư Thủy là Lại Ân, tánh tình tham lam keo kiệt, thường nhận của hối lộ, chuyện ăn uống hằng ngày đều bòn rút từ của dân, lại để mặc cho thuộc cấp tùy tiện đàn áp bức bách, dân chúng hết sức khổ sở.

Ta vì thương những thuộc hạ và dân chúng ở hai huyện này rơi vào cảnh khốn khổ, liền hóa làm quan Quận thừa Trương Tôn Nghĩa, giả cách đi kinh lý các huyện trong quận, xem xét dân tình, phong tục các nơi, nhân đó vạch tội quan huyện Vũ Trọng tàn khốc với thuộc hạ, quan huyện Lại Ân bạo ngược với dân chúng. Hai vị quan đều khấu đầu van lạy xin tha tội. Ta dùng lời răn nhắc cảnh tỉnh, khuyến khích hai người cải ác tùng thiện, xong thu hình biến mất.

Về sau hai vị quan huyện mới biết rằng Quận thừa không hề có việc đi kinh lý đến các huyện lần ấy, nên cả hai đều cho đó là thần minh hiện hình. Vì thế, Vũ Trọng sau đổi tính thành khoan dung tha thứ, còn Lại Ân trở thành vị quan thanh liêm.

Lời bàn

Đế Quân đã căm giận những kẻ bạo ngược, tàn khốc như thế, thì phẩm hạnh của ngài đối với dân chúng và thuộc cấp như thế nào có thể suy ra mà biết được. Đọc sách Cư quan thận hình điều (居官慎刑條) của tiên sinh Tưởng Tân Điền, có thể nói rằng mỗi chữ mỗi câu đều là lời khuyên răn thẳng thắn, như thuốc giải độc. Người làm quan nên cho khắc rõ bài ấy lên tường vách trong nha môn, sớm tối thường chú tâm đọc lại, từ đó có thể luôn biết tự nhắc nhở mình giữ theo đạo từ hòa trung chính, tạo công đức vô lượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét