Đức Phật đã dạy Tứ thánh đế, hay bốn sự thật, áp dụng cho tất cả mọi người. Thánh đế thứ nhất chỉ ra rằng, mầm mống của sự không thỏa mãn vốn đã sẵn có trong mọi sự việc và tất yếu phải dẫn đến khổ đau, cả về tinh thần lẫn vật chất.
Đức Phật nhận biết rằng, sở dĩ như vậy là vì vạn pháp trong vũ trụ đều thay đổi, luôn trong trạng thái không ngừng luân chuyển, không thường còn và không chắc thật. Không có gì giữ nguyên không đổi dù chỉ trong chốc lát.
Trên bình diện cá nhân ở mức độ nào đó, chúng ta cũng nhận biết được sự thật thứ nhất này: Đó là cảm giác trong ta như mọi thứ đều không ổn, như thiếu thốn một điều gì, hoặc nếu đạt được rồi thì không thể nắm giữ. Mọi tình huống thay đổi theo thời gian, những gì trước đây ta mong muốn, giờ không còn quan trọng nữa. Sự kiểm soát của ta nếu thật có cũng hết sức thất thường. Những thú vui phù phiếm không mang lại sự thỏa mãn lâu bền. Sự hài lòng thực sự dường như xa xôi, khó nắm bắt và chóng tàn, vuột ngoài tầm tay ta.
Cảm giác không an toàn này thúc đẩy chúng ta tìm kiếm một điều gì đó thường hằng, đáng tin cậy và an toàn – một điều gì đó vui thú và sẽ bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu. Tuy nhiên, vì vạn vật đều không ngừng biến đổi nên một sự tìm cầu như vậy trên căn bản là vô nghĩa.
Thực tế chúng ta không ngừng khao khát được thỏa mãn những tham muốn, đó là Thánh đế thứ hai.
Thông qua những nỗ lực phi thường, đức Phật nhận ra được Thánh đế thứ ba: Có thể chấm dứt những khổ đau ta đang trải qua trong cuộc sống.
Thánh đế thứ tư là Bát thánh đạo, con đường dẫn đến an bình thực sự và giải thoát chân thật. Đạo lộ này có ba phần: sīla (giới, đạo đức), samādhi (định, sự tập trung hay làm chủ tâm ý) và paññā (tuệ, trí tuệ hay sự thanh lọc tâm).
Giới hạnh là sự rèn luyện nhằm kiềm chế mọi hành vi - từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm - có thể gây tổn hại đến người khác hay chính mình. Nỗ lực sống hiền thiện là cơ sở thiết yếu để học làm chủ tâm ý. Phần thứ hai của Đạo lộ này là phát triển sự chú tâm, một sự rèn luyện chuyên sâu hơn để tâm tĩnh lặng và tập duy trì sự nhất tâm. Phần thứ ba của Đạo lộ là sự chứng đắc trí tuệ, đạt được thông qua thiền Vipassana, kỹ thuật mà Đức Phật đã khám phá, để loại trừ hoàn toàn sự điều kiện hóa và những khuôn mẫu thói quen làm gia tăng sự bất hạnh và không thỏa mãn của chúng ta.
Đức Phật nói rằng, sự thanh lọc tâm là một con đường dài, có thể phải trải qua nhiều kiếp sống mới hoàn tất. Ngài dạy rằng chúng ta đã từng trải qua vô số kiếp sống, vô số lần sinh ra rồi chết đi, không thể tính đếm – có những kiếp sống đầy hạnh phúc, hoặc đầy thống khổ, tất cả đều hòa quyện giữa tốt và xấu, dễ chịu và khó chịu, tất cả đều là sống trong sự mù quáng phản ứng với thực tại bên trong ta.
Nếu chúng ta đủ duyên may để nghe biết về Vipassana, nếu chúng ta sẵn sàng học hỏi, để tạo ra những thay đổi trong cuộc đời ta, chúng ta có thể thực hành thật nghiêm túc và bắt đầu phá vỡ dần những khuôn mẫu phản ứng bị chế định bởi vô minh. Rồi chúng ta nhận ra dường như mình hạnh phúc hơn, vững chãi hơn, ít phản ứng và bao dung hơn với người khác. Ta muốn học hỏi thêm. Ta bắt đầu chia sẻ Giáo pháp với mọi người. Nhưng những câu hỏi chung luôn còn đó: Tôi sẽ như thế nào vào lúc chết? Liệu tôi có thanh thản chăng? Liệu tôi có đủ mạnh mẽ để đối diện cái chết một cách bình thản?
Cái chết, sự kết thúc không sao tránh khỏi của cuộc đời, làm cho gần như tất cả mọi người đều sợ hãi. Cái chết thường bao trùm trong đau đớn và khổ não, cả về thân và tâm. Tuy nhiên, đức Phật dạy rằng chết là khoảnh khắc quyết định trên con đường giải thoát mọi khổ đau.
Tại thời điểm chết, một saṅkhāra (tâm hành) rất mạnh mẽ sẽ khởi lên trong ý thức. Saṅkhāra này tạo sự thúc đẩy cần thiết cho thức mới khởi sinh trong đời sau, một thức mang những phẩm tính của saṅkhāra này. Nếu đặc trưng của saṅkhāra này là sự bất hạnh hay tiêu cực, thức mới sẽ khởi sinh với sự bất hạnh và tiêu cực tương tự. Và ngược lại, nếu saṅkhāra này tràn đầy đức hạnh và sự mãn nguyện, thì sự tái sinh này sẽ có nhiều khả năng là tốt đẹp và hạnh phúc.
Việc phát triển sự tỉnh giác quân bình trong từng khoảnh khắc về tính chất vô thường của những cảm giác nơi thân trong cuộc sống hằng ngày, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, cũng tạo ra những saṅkhāra rất sâu đậm – những saṅkhāra tích cực. Nếu saṅkhāra của sự tỉnh giác với nhận hiểu về anicca (vô thường, bản chất liên tục thay đổi của tất cả sự vật) được củng cố và phát triển, thì saṅkhāra này sẽ khởi lên vào lúc chết để tạo một lực đẩy tích cực vào đời sống tiếp theo. Những sức mạnh tinh thần ngay vào khoảnh khắc chết này sẽ mang chúng ta đi, như Goenkaji nói là "thu hút một cách mạnh mẽ", vào một kiếp sống kế tiếp mà ta có thể tiếp tục thực hành thiền Vipassana.
Bước đi trên con đường Bát thánh đạo là một nghệ thuật sống. Sống một đời trong Chánh pháp - một đời sống đức hạnh, tỉnh giác và bình tâm - không chỉ làm tăng phẩm chất cuộc sống hằng ngày của chúng ta, mà còn giúp ta chuẩn bị cho thời điểm chết và cho đời sau. Một sự an nhiên tỉnh giác về lẽ vô thường vào lúc lâm chung là thước đo tiến bộ trong sự am tường nghệ thuật sống và tiến bộ trên con đường an tịnh, con đường hướng đến Niết-bàn.
Āo logoṅ jagata ke,
caleṅ Dharama ke pantha.
Isa patha calate satpuruṣha,
isa patha calate santa.
Dharma pantha hī śhānti patha.
Dharma pantha sukha pantha.
Jisane pāyā Dharma patha,
maṅgala milā ananta.
Āo mānava-mānavī,
caleṅ Dharama ke pantha.
Kadama-kadama calate hue,
kareṅ dukhoṅ kā anta.
—Hindi dohas from Come People of the World,
S.N. Goenka
Hãy đến đây, nhân loại thế gian này!
Hãy cùng bước trên đường Chánh Pháp.
Con đường của những bậc hiền nhân;
Con đường của những bậc thánh giả.
Con đường Chánh Pháp là con đường bình an;
Con đường Chánh Pháp là con đường hạnh phúc.
Bất kỳ ai đến với con đường Chánh pháp,
sẽ đạt được hạnh phúc vô biên.
Hãy đến đây, nam giới và nữ giới!
Hãy cùng bước trên đường Chánh Pháp.
Tu tập qua từng bước, từng bước,
Chúng ta hãy chấm dứt mọi khổ đau.
-Thi kệ (doha) Hindi,
trích từ Hãy đến đây, nhân loại thế gian này, của S. N. Goenka.
Yathāpi vātā ākāse vāyanti vividhā puthū;
Puratthimā pacchimā cāpi, uttarā atha dakkhiṇā.
Sarajā arajā capi, sītā uṇhā ca ekadā;
Adhimattā parittā ca, puthū vāyanti mālutā.
Tathevimasmiṃ kāyasmiṃ samuppajjanti vedanā;
Sukhadukkhasamuppatti, adukkhamasukhā ca yā.
Yato ca bhikkhu ātāpi, sampajaññaṃ na riñcati;
Tato so vedanā sabbā, parijānāti paṇḍito.
So vedanā pariññāya diṭṭhe dhamme anāsavo;
Kāyassa bhedā dhammaṭṭho, saṅkhyaṃ nopeti vedagū.
—Paṭhama-ākāsa Sutta, Saṃyutta Nikāya 1.260
Nhiều ngọn gió khác nhau thổi qua bầu trời,
Gió đông, gió tây, gió bắc và gió nam,
Gió mang đầy bụi bặm hay gió trong lành,
gió lạnh cũng như gió nóng,
bão tố khốc liệt hay gió nhẹ mát lành –
Rất nhiều cơn gió thổi qua.
Cũng vậy,
những cảm giác khởi sinh trong thân này,
dễ chịu, khó chịu hay trung tính.
Khi một hành giả thực hành tinh tấn,
không xao lãng khả năng chứng ngộ hoàn toàn,
bậc trí giả như thế sẽ nhận biết hoàn toàn mọi cảm giác.
Và khi biết rõ hoàn toàn mọi cảm giác,
ngay trong đời sống này sẽ thoát khỏi mọi bất tịnh.
Và khi đời sống chấm dứt, một người như thế,
đã vững vàng trong Chánh pháp
và hiểu rõ hoàn toàn mọi cảm giác,
sẽ đạt đến cảnh giới bất khả tư nghì.
Kinh Paṭhama-ākāsa, Tương Ưng Bộ Kinh, 1 .260
Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019
Tue giac Phat
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét