Giọng đọc: Trường Tân
Thiền sinh: Thưa sư, trong kinh Đức Phật đã nói tới Quán Pháp như thế nào?
Nhà sư: Khi nói tới Pháp, có câu Pali tổng kết: nisatta nijīva sabhāva – không có chúng sinh, không có linh hồn, tất cả chỉ là các hiện tượng tự nhiên.
Các Pháp sinh khởi là do có các nguyên nhân. Trong các hiện tượng đó, không thể tìm thấy một cốt lõi – không có một chúng sinh, không có một linh hồn, tất cả chỉ là các hiện tượng tự nhiên. Bản chất của hiện tượng tự nhiên là sinh khởi do nhân duyên - Đó là Pháp.
Trong quán Pháp có các đối tượng là Năm triền cái (chướng ngại), Ngũ uẩn, Mười hai xứ, Mười tám giới, Bảy yếu tố giác ngộ, và Tứ Diệu Đế.
Tuy nhiên Đức Phật vẫn nói rằng: quán thân trên thân, tức là thân chỉ là thân, không có thân nào của tôi cả, cũng là không có ý niệm về cái tôi, của tôi, hình bóng một con người. Dù là quán thân, thọ, tâm, pháp thì ngay từ ban đầu chúng ta luôn cần thống nhất, hiểu rõ những tiêu chí chung như vậy. "Không có chúng sinh, không có linh hồn, tất cả là hiện tượng tự nhiên" bao trùm toàn bộ tất cả các đối tượng mà không chỉ có quán Pháp.
Thiền sinh: Thưa sư, nếu hiểu Pháp là đối tượng của ý môn thì có chính xác không?
Nhà sư: Như vậy thì chưa đầy đủ vì các đối tượng khác cũng đều là các đối tượng của ý môn. Ví dụ trong phần quán Pháp, năm triền cái thì tham dục, sân hận đều giống trong phần quán tâm. Khi mọi người thấy buồn ngủ, rũ rượi thì thuộc về pháp hay thuộc về tâm?
Về mặt ngữ nghĩa, chúng ta phân biệt ra như vậy còn trong thực hành thì không cần thiết. Đối với trạo hối, hoài nghi cũng như vậy.
Trong quán Pháp, các đối tượng có mặt hay không có mặt chúng ta cũng cần phải ghi nhận. Tại sao các yếu tố này Đức Phật lại đưa vào phần quán Pháp? Khi nói tới Năm triền cái chưa được ngăn chặn, chế ngự thì chúng ta chưa chứng được các tầng thiền. Nếu như các triền cái còn có mặt thì không có điều kiện để cho Bảy yếu tố giác ngộ được sinh khởi. Ở đây ta thấy luôn có sự giao thoa.
Tùy từng đối tượng khi thuyết giảng, nếu họ không hiểu được ngũ uẩn (khandha) thì Đức Phật lại giải thích theo mười hai xứ. Đặc biệt khi bóc tách vấn đề ngũ uẩn, ngũ uẩn là sự mở rộng của danh-sắc. Cốt lõi của ngũ uẩn mà không bóc tách được thì không thể quán được Thập nhị nhân duyên.
Các hiện tượng tự nhiên sinh khởi khi các đối tượng tác động lên các căn. Đức Phật có nhiều cách đề triển khai tuy nhiên tất cả đều luôn tựa theo cái sườn đó. Nói tới năm triền cái thì khi nó có mặt, ta biết nó có mặt và khi nó không có mặt thì cũng phải biết nó không có mặt.
Thiền sinh: Xin Sư nói thêm về việc khi có sự xúc chạm của sáu giác quan với các đối tượng của chúng, như mắt nhìn cảnh hoàn hôn thì thiền sinh cần phải Chánh Niệm ghi nhận những gì?
Nhà sư: Ví dụ mình đang nhìn cảnh hoảng hôn và mình nhìn một bức tranh hoàng hôn thì cái gì là thật, cái gì là ảo?
Tất cả đều là ảo. Mắt không thể phân biệt được đối tượng thuộc khái niệm. Mắt chỉ tiếp nhận được màu sắc (color - vaṇṇa), khi có đối tượng tác động lên nhãn căn thì có nhãn thức sinh khởi,
Tương tự, tai với âm thanh hay mũi đối với mùi cũng như vậy: nhờ sự tiếp xúc của tai với âm thanh mà nhĩ thức phát sinh. Trên thân thì có các xúc chạm, thể hiện thông qua các yếu tố đất, lửa, gió, đặc tính của các đại đó và thân thức sinh khởi. Đối tượng của ý thức là suy nghĩ, khái niệm, Niết bàn (chúng ta sẽ không bàn luận đến ở đây vì Niết Bàn là đối tượng của Đạo Quả, còn đối tượng của thiền Minh Sát Vipassana là Thân Thọ Tâm Pháp).
Khi có một que diêm cọ xát vào bao diêm, lửa phát sinh là do que diêm hay bao diêm? (im lặng một lúc) Là do cả hai, có đúng vậy không? Khi có sự cọ xát của hai thứ thì lửa phát sinh. Lửa sinh ra không phải do một mình que diêm hay bao diêm mà là do sự tác động của que diêm và bao diêm.
Khi đối tượng tác động lên các căn (giác quan) thì thức sinh khởi, rồi điều gì xảy ra tiếp theo? Khi mà các khái niệm xuất hiện, xen vào thì phiền não sinh khởi.
Do có đối tượng tác động lên con mắt, thức sinh khởi nên phiền não ập vào. Phiền não không phải lúc nào cũng ở đó mà ở dạng tiềm ẩn. Bình thường thì nếu sư không thấy ai thì đâu có vấn đề gì? Nếu bỗng có một cô gái đi qua, rơi vào phạm vi vùng nhìn mà không phòng hộ các căn, tâm sẽ bám vào các khái niệm như: cô gái, cô còn trẻ, dáng cô trông thật đáng yêu ..., phiền não nhanh chóng sinh khởi. Nếu quan sát, ghi nhận lúc đó thì sẽ thấy có nội xứ (6 căn), ngoại xứ (6 đối tượng của căn), có thức sinh khởi và các kiết sử (phiền não) xen vào. Đây là đối tượng đúng trong quan sát của Thiền Vipassana.
Thiền sinh: Trong quan sát, con thấy luôn có những khái niệm đàn ông, đàn bà, con vật, cái xe, ngôi nhà … xen vào, làm sao để chúng không xen vào, thưa sư?
Nhà sư: Nếu quan sát, ghi nhận được thì sẽ nhận thấy các quy trình, hoạt động, sự xen vào của kiết sử, phiền não. Chúng ta vẫn cần đến các khái niệm theo quy ước chung, khi cần thì vẫn phải sử dụng mà không hiểu sai sự thật, không sai lầm cho rằng đây là một con người, chúng sinh, đàn ông hay đàn bà … theo nghĩa tuyệt đối.
Chúng ta quay trở về với nguyên nhân gốc ban đầu, phiền não sinh khởi thì phải bám vào khái niệm, nếu hướng tâm tới đối tượng đúng, không có khái niệm xen vào thì phiền não không thể phát sinh. Nếu phiền não đã được loại trừ thì cần phải biết do những nguyên nhân nào được loại trừ.
Chúng ta phải làm sao hướng tâm đến những đối tượng đúng, hướng về thực tính pháp. Nhờ vậy chúng ta có thể hiểu được cơ chế hoạt động của các hiện tượng. Hướng tâm đúng thì trí tuệ mới sinh khởi, nếu chỉ hướng tâm theo những đối tượng thông thường thì trí tuệ sẽ khó có khả năng hoặc không thể sinh khởi được. Chúng ta nên xác lập cơ chế nhắc nhở sự hướng tâm đúng (yoniso manasikāra). Có sự nhắc nhở thường xuyên sẽ giúp chúng ta hướng tâm quay về đối tượng đúng. Càng hướng tâm về đối tượng đúng, sự hiểu biết sẽ càng sinh khởi và phát triển.
Thiền sinh: Vậy tại sao lại luôn luôn có những khái niệm này?
Nhà sư: Là do vô minh, thiếu hiểu biết, dính mắc và chấp vào các khái niệm tôi, ta, con người, đàn ông, đàn bà…
Còn việc sử dụng khái niệm mà không có hiểu biết sai lầm là do có trí, ta có thể thấy ở Tầng Thánh Tu Đà Hoàn, người đã diệt trừ được Thân kiến (chấp chặt vào Ngũ Uẩn) nên sẽ không rơi vào bốn đường ác đạo. Nếu chúng ta còn tái sinh chưa đóng cửa được bốn đường ác đạo, thì tà kiến vẫn có thể sinh khởi.
Thiền sinh: Như vậy có phải do con mắt mà phiền não xen vào hay do đối tượng (cảnh hoàng hôn) mà phiền não xen vào?
Nhà sư: Một con bò trắng và một con bò đen buộc vào nhau bằng một sợi dây thừng, thì con nào trói buộc con nào? Không phải con bò trắng trói buộc con bò đen, cũng không phải con bò đen trói buộc con bò trắng mà là do sợi dây - nó trói buộc hai con lại. Như vậy là do năng lực của tham ái, do không hiểu biết mà chúng ta bám dính vào đối tượng để phiền não có điều kiện sinh khởi.
Nếu chúng ta có đầy đủ các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi …, trong điều kiện tự nhiên khi có đối tượng lọt vào vùng của mắt, tai, mũi … thì chúng đều ghi nhận được đối tượng, luôn luôn có một cái nhìn, cái nghe, cái ngửi … xảy ra. Đây là Pháp tự nhiên, không có ai kiểm soát được những điều đó cả.
Khi nội xứ và ngoại xứ có sự tác động với nhau mà các kiết sử xen vào thì thiền sinh quan sát để biết rõ nguyên nhân nào kiết sử có mặt, nguyên nhân nào kiết sử được loại trừ, và nguyên nhân nào các kiết sử đó không sinh khởi trong tương lai.
Thiền sinh: Nếu quan sát sự vận hành của Pháp theo hướng như trên thì sẽ được những lợi ích gì, thưa sư?
Nhà sư: Nếu chúng ta thấy rõ bản chất sự vận hành của các Pháp thì không còn sự lầm tưởng rằng có chúng sinh, đàn ông, đàn bà, cái xe … là những cái thật sự có, không còn hiểu lầm về bản ngã, tôi ta nữa; đơn giản, chúng chỉ là sự vận hành của các hiện tượng tự nhiên mà thôi.
Có nhiều cách để tiếp cận, để hiểu vần đề: bóc tách và phân tích để nhìn thấy được cơ chế vấn đề hoặc là luôn nhắc nhở bản thân mình. Tốt nhất là kết hợp cả hai cách. Chúng ta hướng tới sự hiểu biết và trí tuệ thì cũng cần phải biết đâu là nguyên nhân để sự hiểu biết và trí tuệ sinh khởi. Chỉ duy trì ghi nhận không thôi là cần thiết, nhưng chưa đủ!
Thiền sinh: Con đã có kinh nghiệm nhận ra sự làm việc của mắt, hình ảnh và tâm nhìn, rồi sự xen vào của khái niệm làm cho tham phát sinh. Khi nhận ra sự xen vào đó thì phiền não giảm đi nhưng con không thấy bài học nào ở đó cả.
Nhà sư: Hiện tượng vẫn chỉ là hiện tượng, kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm, cơ chế cũng chỉ là cơ chế. Điều cần thiết là phải lặp đi lặp lại sự quan sát thì mới có thể học được, mới rút ra được kinh nghiệm đúng.
Trong quan sát luôn có hai tiến trình: tâm quan sát và ghi nhận đối tượng đúng. Tiến trình làm việc của tâm và còn một tiến trình nữa phải được hình thành sau rất nhiều kinh nghiệm, đó là sự hiểu biết.
Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2019
Quan Phap
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét