Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

Doi dong ve sach nay



Trong nhiều năm qua, tôi và chồng tôi đều là biên tập viên của Bản tin Vipassana (Vipassana Newsletter). Điều này giúp chúng tôi có một cơ hội độc đáo được nghe biết và gặp nhiều câu chuyện đầy hứng khởi về các thiền giả, những người đã ra đi vĩnh viễn trong sự dũng cảm và bình thản, với tràn đầy tuệ giác từ công phu thiền tập của họ. Chúng tôi cũng được xem qua những trường hợp kể lại về cái chết của cha hoặc mẹ, vợ hoặc chồng, con cái và bè bạn... Thông thường, khi chứng kiến người thân của mình ra đi trong sự mãn nguyện và bình tâm, những người hiện diện liền cảm thấy tràn ngập một niềm hạnh phúc bất ngờ chính trong lúc trải qua sự mất mát không gì thay thế được.

Đức Phật từng nói: "Ta chỉ giảng dạy hai điều: Khổ đau và con đường thoát khỏi khổ đau." Tuyển tập này gồm những bài giảng của Goenkaji về Phật pháp, những kệ tụng trích từ Kinh Phật, những thi kệ kể chuyện về các vị tăng ni vào thời đức Phật, những chuyện kể về các vị thiền giả. Tập sách được ra đời từ sự chấp nhận sự thật khổ đau. Trong sách trình bày tấm gương điển hình của những người đạt được sức mạnh và hương vị giải thoát thông qua công phu tu tập và minh họa một cách thuyết phục hiệu quả của con đường Đạo, lối thoát khỏi khổ đau.

Tôi sưu tập những câu chuyện này không chỉ để giúp các thiền giả Vipassana chính thức có thể duy trì và củng cố con đường tu tập, mà cũng để khuyến khích những ai đang tìm kiếm sự bình an và hiểu biết hãy thực sự rèn luyện khả năng "tự nhận biết chính mình", trên bình diện thực nghiệm, để phát triển tuệ giác của chính họ.

Cầu mong quý vị thể nghiệm được kết quả của con đường tu tập theo lời Phật dạy: thoát khỏi mọi khổ đau mà ta luôn phải đối mặt trong suốt cuộc đời mình.

Virginia Hamilton
Tháng Một - 2014




VỀ PHÁP THIỀN VIPASSANA

Vipassana – có nghĩa là nhìn mọi sự việc đúng thật như chúng đang hiện hữu - là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất của Ấn Độ. Cách đây hơn 2500 năm, đức Phật Thích-ca Mâu-ni tái phát hiện pháp thiền này và mang ra giảng dạy như một phương thức trị liệu phổ quát dành cho những căn bệnh phổ quát - một "nghệ thuật sống".

Pháp thiền không phân biệt tông phái này nhằm mục đích tẩy trừ hoàn toàn những bất tịnh trong tâm và đạt được niềm hạnh phúc cao nhất của sự giải thoát trọn vẹn. Mục tiêu của pháp thiền không chỉ là chữa trị bệnh tật, mà là một phương pháp thiết yếu để chữa lành đau khổ của kiếp người.

Vipassana là một phương pháp tự chuyển hóa thông qua tự quán sát, đặt trọng tâm vào sự tương quan giữa tâm và thân. Mối liên kết tâm-thân này có thể được kinh nghiệm trực tiếp bằng tâm chuyên chú có rèn luyện, hướng đến những cảm giác vốn tạo thành đời sống của thân thể và cũng liên tục chế định đời sống của tâm. Chính lộ trình dựa trên sự quán sát và tự khám phá hướng đến cội nguồn chung của tâm và thân sẽ làm tan rã những bất tịnh trong tâm, dẫn đến một tâm quân bình tràn ngập yêu thương và bi mẫn.

Các định luật khoa học làm nền tảng cho những tư tưởng, cảm xúc, phán đoán và cảm giác của chúng ta ngày nay đã được hiểu rõ. Chúng ta phát triển hay suy thoái theo cách như thế nào, vì sao ta tạo ra khổ đau hay tự mình thoát khỏi khổ đau, những điều này sẽ được nhận hiểu rõ qua kinh nghiệm trực tiếp. Từ đó, đặc trưng của đời sống sẽ là sự tăng thêm mức độ tự kiểm soát bản thân, luôn tỉnh giác, không vọng tưởng và sống thật an vui.

Source: www.dhamma.org

Yogā ve jāyatī bhūri,
ayogā bhūrisaṅkhayo.
Etaṃ dvedhāpathaṃ ñatvā,
bhavāya vibhavāya ca;
Tathāttānaṃ niveseyya,
yathā bhūri pavaḍḍhati.
—Dhammapada 20.282

Quả thật, từ nơi thiền trí tuệ khởi sinh.
Không có thiền, trí tuệ diệt mất.
Biết rõ con đường nào dẫn đến thành tựu hay mất mát,
Ta phải tự mình tu tập sao cho trí tuệ được tăng trưởng.
—Kinh Pháp cú, Phẩm 20, kệ số 282

Tu Thiền, trí tuệ sanh,
Bỏ Thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngả,
Ðưa đến hữu, phi hữu.
Hãy tự mình nỗ lực,
Khiến trí tuệ tăng trưởng.
Bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét