Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

5. DOI PHO VOI NHUNG VAN DE KHO KHAN



Chúng ta đã thấy sự chấp ngã tạo ra những khó khăn như thế nào, và chúng ta có thể làm dịu những khó khăn bằng việc phát triển những thái độ và sự khéo léo để buông bỏ chấp ngã. Bây giờ chúng ta hãy tập trung kỹ lưỡng hơn nữa về một số phương thức thực hành trong việc đối phó với những vấn đề khó khăn.

SỰ TRÁNH NÉ

Thông thường chúng ta đối mặt với khó khăn để chữa lành chúng, nhưng không phải là bao giờ cũng vậy. Đôi khi sự giải quyết tốt nhất là tránh né. Chẳng hạn, nếu khó khăn của bạn nhẹ nhàng hay tạm thời – không phải là thói quen có gốc rễ sâu hay một cảm giác đau trầm trọng – việc phớt lờ chúng đi sẽ là giải pháp thích hợp và đúng đắn. Không cần thiết hoặc không đáng phải tận lực làm mất nhiều năng lực với những vấn đề như vậy. Nếu chúng ta không để ý tới, những vấn đề đó rồi sẽ tự mất đi.

Vào những thời điểm khác, ta phải né tránh những khó khăn nếu không sẵn sàng đối diện với chúng, giống như người lính tạm thời lui về hậu phương hay nghỉ ngơi trước khi giao tranh. Nếu khó khăn mạnh mẽ, gay gắt và mới mẻ trong tâm trí, bạn không đủ sức mạnh để đối diện hay áp dụng bất cứ sự thực tập nào để trực tiếp xoa dịu chúng. Đối mặt với chúng quá sớm có thể làm kích động mạnh nỗi đau đớn và làm cho vấn đề trở thành khó khăn hơn mức thật có. Trong trường hợp này, ít nhất là vào lúc đó thì cách thích hợp để đối phó là tránh nghĩ về chúng. Sau đó, khi bạn lấy lại bình tĩnh và sức mạnh tinh thần, bạn phải cố gắng giải quyết khó khăn hay buông xả nó qua thiền định.

Tuy nhiên, với một số người trong chúng ta có tâm thức mạnh mẽ và cuồng nhiệt, sẽ có ích lợi khi không chỉ nhìn thấy khó khăn của mình mà còn cảm nhận và kinh nghiệm đau khổ một cách sâu sắc. Nếu bạn thuộc loại người luôn cảm thấy mình đúng và người khác sai, sự kiêu mạn làm bạn mù quáng không thấy được những vấn đề của mình thì việc đối diện tức khắc với đau khổ thay vì lẫn tránh có thể xúc chạm đến cốt lõi đời sống của bạn, đem bạn trở lại với những nhận thức xác thực của mình và tập trung sự chú tâm theo đúng hướng.

Đôi lúc, sự tránh né là cách giải quyết tốt nhất cho những thương tổn trong quá khứ. Thậm chí nếu trong lòng bạn vẫn còn tàn dư của một sự đau đớn, hiệu quả sẽ giảm bớt nếu kinh nghiệm tiêu cực được một kinh nghiệm tích cực mạnh mẽ theo sau nó. Trong trường hợp đó, khó khăn có thể phần nào trung hòa. Sau đó, thay vì tái tạo khó khăn, điều tốt nhất là chỉ tiếp tục với những kinh nghiệm tích cực.

SỰ NHẬN BIẾT VÀ CHẤP NHẬN

Đôi khi chỉ nhìn vào một vấn đề, chúng ta có thể gạt bỏ nó trong một cái nhìn thoáng qua như một việc không quan trọng và tiếp tục với cuộc sống. Nhưng những vấn đề khác cần phải hoàn toàn đối mặt để chữa lành. Những bài tập chữa lành nhằm mục đích này. Nhưng trước khi chữa lành, bước đầu tiên là sự nhận biết và chấp nhận.

Nhiều người cố xua đi hay kềm chế những vấn đề lớn, hoặc đè nén chúng. Chúng ta biết rằng bám chấp làm cho vấn đề tồi tệ hơn, và sự đè nén cũng vậy. Nó là một dạng khác của chấp ngã, vì ta đang xếp loại vấn đề này như một cái gì đó phải tránh né bằng mọi giá. Chừng nào còn bám vào quan điểm tiêu cực này, ta còn tự bó hẹp thật tánh của mình bằng sự xua đi cái ta không muốn. Việc cố gắng xua đuổi những vấn đề cần được chữa lành có thể làm chúng tạm mất đi trong một thời gian ngắn, nhưng rồi chúng thường tái xuất hiện dưới một dạng mạnh mẽ và độc hại hơn trước sự buông xuôi của chúng ta.

Nếu chúng ta không nhận ra vấn đề mà cố gắng che đậy chúng, điều đó cũng giống như nhắm mắt thực hiện một cuộc phẫu thuật. Để tìm thấy phương thuốc, chúng ta cần nhìn thấy rõ ràng vấn đề là gì và chấp nhận nó.

Ngoài ra, ngay cả khi vấn đề có vẻ nghiêm trọng, ta cũng không cần phải làm rắc rối thêm bằng cách phóng đại những khó khăn trong tâm trí mình. Thậm chí nếu phiền não làm đảo lộn chúng ta, có thể sử dụng trí năng để tự nhủ rằng ta có thể ứng xử với khó khăn, có thể tự nhắc mình rằng nhiều người khác đã ứng xử thành công với những khó khăn giống như chúng ta. Thậm chí việc nhớ lại rằng chúng ta có trí huệ, sức mạnh, khả năng hồi phục bên trong lớn lao đã có thể giúp ích nhiều hơn, dù chúng ta không luôn luôn cảm thấy hay biết được điều này vì những phiền não trên bề mặt ngoài của ta. Nếu chúng ta nhạy cảm và xúc cảm quá mức về những vấn đề của mình, bánh xe đau khổ chỉ chạy nhanh hơn. Ngài Shantideva viết:

Nóng, lạnh, mưa, gió và bệnh tật,

bị trói buộc, đánh đập và v.v...

Với chúng, bạn không nên quá nhạy cảm.

Còn nếu bạn như vậy, những khó khăn do chúng tạo ra sẽ gia tăng.

Sau khi nhận ra một vấn đề, chúng ta cần phải sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để chữa lành nó. Chúng ta phải thiết tha và tự tin là có thể cải thiện cuộc sống mình. Một số người bám chấp vào những vấn đề của họ một cách vô ý thức, hay thậm chí là có ý thức. Một số người nói: "Tôi thích sự rối loạn, nó thêm gia vị cho cuộc sống." Nhưng có lẽ, cái thực sự họ nói có nghĩa là họ chịu đau khổ nhiều hơn. Mục đích của chúng ta là phải chữa lành sự đau khổ của mình.

Nếu chúng ta quyết tâm chữa bệnh, mỗi một vấn đề sẽ trở nên dễ dàng hơn để đối phó và dung thứ, và cũng có thể là những vấn đề khác mà chúng ta tưởng là thường còn và không giải quyết được sẽ biến mất không dấu vết. Trước khi đối mặt với những khó khăn lớn, chúng ta cần phải khéo léo và tận lực, và đó là lúc chúng ta có thể tự giúp mình bằng cách bắt đầu ngay lập tức. Như Ngài Shantideva nói:

Nếu bạn đã tu tập,
Không có cái gì không trở nên dễ dàng.
Trước hết, tập chịu đựng những vấn đề nhỏ
Về sau bạn có thể chịu đựng những vấn đề lớn lao.


TÌM RA NGUỒN GỐC CỦA VẤN ĐỀ

Trong khi cội gốc của mọi đau khổ đều là chấp ngã, nhưng chúng ta vẫn cần tìm ra nguồn gốc cụ thể của vấn đề đang đối mặt. Như một sự trợ giúp để nhận biết rõ vấn đề, bài tập này sẽ có ích lợi.

Hãy ngồi ở một nơi thuận tiện, ít bị xao lãng. Thả lỏng thân và tâm. Hít vài hơi thở sâu và hình dung mọi lo nghĩ thoát ra khỏi ta cùng với hơi thở. Cảm thấy an bình, trong sáng và trống trải. Hãy buông lỏng trong trạng thái an bình này một lúc. Rồi, chầm chậm nhìn vào vấn đề bạn đang đối mặt. Hãy thấy và cảm nhận nó. Hãy nhận biết sự hiện diện của nó.

Hãy nhớ lại vấn đề này bắt đầu phát xuất ở đâu, khi nào, như thế nào. Trong tâm thức bạn, chậm chậm đi lui lại thời gian ban đầu có thể được, nơi chốn và ngọn nguồn của đau khổ. Hãy thấy hình dạng, màu sắc, nhiệt độ và xác định vấn đề tới mức có thể.

Việc trở lại nguồn gốc khởi thủy của những vấn đề có một số lợi ích. Trước hết, chỉ bằng cách tham thiền về những nguyên nhân và cảm nhận chúng, chúng ta đã chữa lành. Thứ hai, việc trở lại quá khứ phát sinh một cảm thức và khoảng không lớn hơn sự nhận biết hiện giờ của chúng ta, và bằng sự mở rộng khoảng không nhiều hơn và viễn cảnh rộng lớn hơn ta sẽ cảm thấy ít lo lắng về những vấn đề đặc biệt này. Cuối cùng, bằng việc đi đến tận gốc rễ, chúng ta có thể nắm vững vấn đề trần trụi tại nguồn gốc của nó và nhổ gốc nó như nhổ cỏ, nhờ những bài tập chữa lành.

Chúng ta không phải bị ám ảnh bởi sự tìm thấy và hoàn toàn hiểu rõ được gốc rễ của mỗi vấn đề; hơn nữa chúng ta phải làm việc với nguyên nhân như nó tự bộc lộ vào lúc đó.

Bên cạnh đó, chúng ta phải thực hành tâm bi hướng về chính chúng ta và những người khác trong quá trình này. Ví dụ, nếu chúng ta thấy cha mẹ tạo ra những lầm lỗi làm tổn hại đến ta thì ta phải thấy rõ ràng điều này. Đồng thời ta phải nhớ rằng họ cũng nô lệ cho tham, sân, si như mọi người khác, trong đó có chúng ta. Chúng ta phải cảm thấy thiện cảm đối với họ, và cũng vui thích có cơ hội để phá vỡ xiềng xích vô minh đã làm hại những cha mẹ và con cái trong gia đình chúng ta qua nhiều thế hệ. Phản ứng của chúng ta là: "Thật tuyệt vời khi tôi thấy được điều này bây giờ và có thể chữa lành được độc tố đã làm hại đến gia đình tôi trong cả một thời gian dài!"

GIẢI THOÁT NHỮNG VẤN ĐỀ QUA CẢM NHẬN

Khi nhìn nhận quan hệ giữa những vấn đề và nguồn gốc của chúng, chúng ta phải thấy một cách khách quan – chúng là gì và xuất hiện thế nào – mà không phải gán tên cho chúng một cách tiêu cực, nếu không thì sự tu tập của chúng ta có thể phát động một chu kỳ phiền não và đau khổ khác.

Đây là một ví dụ đơn giản: Nếu bạn bị đau đầu, bạn cần biết điều gì là sai và nguyên nhân là gì. Tương tự, nếu bạn có vấn đề với một người bạn, việc nhận biết và hiểu rõ vấn đề sẽ tốt để bạn có thể bắt đầu ứng xử với nó. Nhưng về mặt nhận thức và tình cảm, nếu bạn thấy và cảm nhận vấn đề như là "xấu", "khủng khiếp", "không thể chịu được" v.v... thì một khó khăn tương đối nhỏ sẽ phát triển thành cả đám cháy rừng. Về mặt tình cảm cách ứng xử với những vấn đề là nói "Tôi nhức đầu, nhưng tốt thôi" hay ít nhất cũng là "Tôi nhức đầu, nhưng tôi kiểm soát được nó", hoặc "Đau nhức thật, nhưng ai rồi cũng có bệnh, không lúc này thì lúc khác."

Trong việc chữa bệnh, không có cảm xúc nào là sai lầm hoặc cần phải từ bỏ. Chúng ta phải chấp nhận sự hiện hữu cảm giác, bằng lòng với chúng và bộc lộ hết để có thể buông bỏ. Nếu việc luyện tập khơi dậy đau đớn phiền não, hãy nhìn điều đó là tích cực, vì sự đau khổ cho thấy rằng việc tu tập có một tác động và quá trình làm lay động này đang xảy ra. Việc cảm thấy buồn về những vấn đề khó giải quyết cũng không sao. Hãy cho phép bạn tự cảm nhận và diễn tả nỗi buồn ấy theo cách tiếp xúc được với gốc rễ của vấn đề, để nhổ bật gốc rễ của đau khổ khỏi thân tâm bạn. Nếu nước mắt chảy, hãy để cho mình khóc. Khóc giải thoát cho căng thẳng tinh thần, áp lực thân xác và những chất độc tạo ra khi chúng ta kềm giữ đau khổ bên trong.

Kể lại những vấn đề của mình cho người biết lắng nghe cũng giúp cho đau khổ giảm nhẹ. Nếu chúng ta bày tỏ ý nghĩ của mình một cách tự nhiên và trung thực mà không bám chặt, che giấu hay phòng thủ trước sự đau khổ thì việc chữa lành sẽ tốt hơn. Nếu chúng ta giải phóng áp lực bằng việc thở sâu và khóc, đó cũng là một phần của việc chữa lành.

Chúng ta phải cảm thấy những phiền não khi chúng khuấy động, nhưng không được vướng mắc vào đau khổ hay để vấn đề gây tác động mạnh đến ta hơn mức cần thiết, làm cho những gốc rễ mọc sâu hơn vào tâm thức và làm mạnh mẽ những thái độ tiêu cực và có lẽ thậm chí là những biểu hiện trên thân thể. Vấn đề là phải xóa đi đau khổ, không phải đào quá sâu đến độ tự làm tổn thương mình. Lo nghĩ về những bối rối của mình chỉ làm vấn đề thêm tồi tệ chứ không tốt hơn. Như Ngài Dodrupchen nói:

Nếu chúng ta không cảm thấy lo lắng về những vấn đề, sức mạnh của tâm có thể giúp chúng ta chịu đựng ngay cả những đau khổ to lớn một cách dễ dàng. Chúng ta sẽ có thể cảm nhận chúng là ánh sáng và không thể chất như bông vải. Nhưng nếu chúng ta chất chứa lo lắng, nó sẽ tạo ra dù những đau khổ nhỏ nhưng khó chịu đựng. Ví dụ, khi ta nghĩ về vẻ đẹp của một cô gái, dù chúng ta cố gắng thoát khỏi tham dục, ta cũng bị đốt cháy. Tương tự, nếu chúng ta tập trung trên những đặc tính của đau khổ, chúng ta sẽ không thể phát triển sự chịu đựng với chúng.

Khi đau khổ, chúng ta cần phải rộng mở và chớ cố gắng đẩy cảm giác ta vào một số dạng ước ao khô cứng. Một số vấn đề được chữa lành trong chốc lát, một số khác có thể mất một thời gian dài. Ví dụ, buồn phiền có thể là một cảm xúc rất lớn, chúng ta phải để cho nỗi buồn có khoảng không tự nhiên của nó để lành và không phải tự đặt thời khóa biểu cho mình. Cố gắng hối hả làm giảm nỗi buồn cũng giống như ta mong muốn dòng sông ngừng chảy theo ý mình. Dòng sông phải chảy và cuối cùng theo hướng của nó. Nếu chúng ta đòi hỏi thu xếp nhanh chóng hay loại bỏ nỗi buồn gấp gáp, nó có thể trở nên chìm lặn xuống khiến chúng ta tổn thương trong nhiều năm.

BÌNH THẢN ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG VẤN ĐỀ

Chúng ta cần giữ thăng bằng trong việc đối xử với những vấn đề, đặc biệt nếu có người khác liên quan vào vấn đề đó. Nếu chúng ta đang ở dưới một áp lực lớn của xúc động, tốt nhất đừng nên nói hay làm bất cứ điều gì. Nếu bạn cảm thấy giận dữ, kích động hoặc hạnh phúc tột cùng, hãy đợi một lúc. Nếu không, điều bạn nói có thể không đúng hay chỉ đúng một phần, và xem như gây tổn thương cho người khác. Khi bạn cảm thấy bình an hơn, hãy nghĩ về những lựa chọn của mình, cái nào thực tế, cái nào không. Thời gian để nói hết sự việc hoặc có những quyết định là khi nào chúng ta bình an.

Trong liên hệ với những vấn đề, nhận ra vấn đề là điều quan trọng. Nhưng cũng quan trọng không kém là một cách nhìn vấn đề toàn diện hơn, qua đó mỗi người đều nhận ra những khuyết điểm và lỗi lầm của mình. Thay vì khơi dậy cơn bão xúc cảm, hãy đợi đến khi bạn bình tĩnh và sáng suốt, khi bạn có thể suy nghĩ hợp lý: "Cái gì gây ra vấn đề cho mình?" Khi bạn bắt đầu thấy nó, thậm chí nếu vấn đề xem ra khó khăn, bạn phải nhận ra nó theo cách thư giãn, nghĩ rằng: "Vâng, nó đây. Nhờ trời, tôi đã sát gần được với nguyên nhân của vấn đề rồi!"

Vẫn duy trì sự bình thản trong tâm, hãy chấp nhận và đối mặt vấn đề với quyết tâm chữa lành nó, nghĩ rằng: "Tôi không ổn, người ấy cũng không ổn, quan hệ giữa chúng tôi thật không ổn, nhưng tất cả những điều đó cũng không sao. Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề. Chúng tôi có thể chữa lành nó."

Ở giai đoạn này, nếu bạn không thể tránh sự lo lắng nổi lên trong lòng, chớ lo nghĩ về mối lo lắng. Nếu bạn không lo nghĩ về những mối lo lắng, những lo lắng tự chúng sẽ hết day dứt, thay vào đó là sự gom tụ được sức mạnh.

NHÌN NHỮNG VẤN ĐỀ LÀ TÍCH CỰC

Nếu chúng ta bám vào và vật lộn theo thói quen với khía cạnh tiêu cực của hoàn cảnh, toàn thể tinh thần, tri giác và kinh nghiệm của ta sẽ trở thành tiêu cực, đầy đau khổ không cách gì chuyển đổi. Nhìn vấn đề theo cách tiêu cực, thường suy nghĩ và nói về nỗi đáng sợ hay đau khổ của nó, thì ngay cả những vấn đề nhỏ cũng sẽ khó vượt qua như quả núi vững chắc và to lớn, bén nhọn như lưỡi dao và tối tăm như ban đêm. Ngài Dodrupchen viết:

Bất cứ khi nào những vấn đề xảy đến với chúng ta từ con người hay vật thể vô tri, nếu tâm ta làm quen với việc chỉ tri giác đau khổ hay những khía cạnh tiêu cực của chúng, bấy giờ ngay cả từ một việc tiêu cực nhỏ sẽ tạo ra nỗi đau lớn tinh thần lớn lao. Vì đó là tính chất của việc buông lung trong bất cứ loại ý niệm nào, dù là đau khổ hay hạnh phúc, kinh nghiệm này do đó sẽ gia tăng cường độ. Kinh nghiệm tiêu cực này dần dần trở nên mạnh hơn, sẽ đến một lúc hầu hết những gì xuất hiện với ta đều sẽ trở thành nguyên nhân đem lại bất hạnh, và hạnh phúc sẽ không còn cơ hội hiển lộ. Nếu chúng ta không thấu hiểu rằng lỗi lầm nằm trong cách sở đắc kinh nghiệm của tâm thức chúng ta, và nếu chúng ta trách móc đổ lỗi mọi vấn đề cho những điều kiện bên ngoài, bấy giờ ngọn lửa không ngừng của những hành vi tiêu cực theo thói quen như sân hận và đau khổ sẽ gia tăng trong ta. Điều đó được gọi là: 'Mọi hình tướng khởi sanh trong hình thức những kẻ thù.'"

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta phải cố gắng nhìn thấy mặt tích cực của vấn đề, ngay cả khi nó có vẻ là tiêu cực. Tuy nhiên, nếu chúng ta có một suy nghĩ hay cảm nhận tiêu cực, điều quan trọng là hãy nhẹ nhàng với mình. Đừng tạo cảm giác tiêu cực thêm bằng cách nói rằng: "Ôi, tôi lặp lại sai lầm rồi!", hay "Sao tôi ngu thế này!" Nếu chúng ta làm thế, bánh xe của sự tiêu cực sẽ bắt đầu chuyển động không ngừng. Thay vì vậy, ta cần tỉnh giác với những tư tưởng và cảm giác của mình, nói rằng, "Ồ tốt!", và chuyển sự chú ý của chúng ta vào những bài tập chữa bệnh, nếu có thể, ta chuyển hướng tâm ta hay làm một cái gì khác từ chu kỳ tiêu cực đến con đường đúng. Ngài Dodrupchen nhấn mạnh:

Chúng ta không những làm cho tâm trí không thể bị bất hạnh và đau khổ xâm nhập, mà còn đem an lạc vào tâm trí ta từ chính những thăng trầm. Để điều này xảy ra, ta phải ngăn ngừa sự khởi lên của những lực lượng xấu đối nghịch và những lời không hòa hợp. Chúng ta phải tập thói quen chỉ phát sinh cảm giác yêu thích sự an lạc. Để làm điều này, chúng ta phải chấm dứt việc nhìn hoàn cảnh gây tổn hại là tiêu cực, và phải cố gắng rèn luyện để nhìn thấy chúng là có giá trị. Sự việc có làm hài lòng ta hay không hoàn toàn tùy thuộc vào cách tâm thức chúng ta tri giác chúng.

Năng lực tích cực mạnh mẽ có thể ngăn chận hay làm dịu bớt đau khổ. Nhưng kết quả ý nghĩa nhất của một thái độ tích cực không nhất thiết là giữ cho đau khổ không xảy ra, mà là giữ chúng không trở thành một lực lượng tiêu cực và đau khổ khi xảy đến. Ngài Dodrupchen viết:

Như vậy, kết quả của việc rèn luyện tâm linh để không bị khuất phục bởi những chướng ngại như kẻ thù, bệnh tật và những lực lượng gây tổn hại không có nghĩa rằng chúng ta xua đuổi chúng hay chúng sẽ không tái diễn. Mà hơn thế nữa có nghĩa rằng: chúng không thể khởi lên như những chướng ngại cho việc theo đuổi con đường hạnh phúc và giác ngộ.

Chúng ta có thể làm bạn với những vấn đề của mình. Khi những cảm xúc khó khăn sinh khởi, ta có thể hỏi xem chúng cần gì. Bằng cách trở nên thân thiện hơn với những vấn đề của mình, ta có thể tìm ra cái mình cần làm. Chúng ta cần phải buông lỏng và thôi bám chấp để tự chăm sóc mình và những nhu cầu thật sự của mình, hoặc thay đổi cách cư xử theo một cách đặc biệt, một cách tốt hơn. Vấn đề tự nó nắm giữ chìa khóa cho việc chữa lành chính nó nếu chúng ta biết tỉnh giác với nó thay vì xua đuổi hay bám víu mù quáng vào nó. Bằng việc tạo được đủ khoảng không cho một vấn đề lớn, chúng ta đã sẵn sàng cho việc chữa lành của mình.

Mục tiêu chính yếu của thực hành tâm linh là làm trong sáng khoảng không tâm thức bằng cách loại bỏ mớ rác rưởi tri thức cảm xúc mà chúng ta đã gom góp từ khi còn bé, và cung cấp khoảng không cho kinh nghiệm buông xả thật sự và hoan hỷ. Chúng ta phải nhận ra rằng tư tưởng hay nguồn cảm hứng tích cực trở thành sự nuôi dưỡng cho tâm, giống như thực phẩm lành mạnh. Những quan điểm và đam mê tiêu cực giống như những cặn bã vô dụng đều có hiệu quả gây độc.

Vì thế chúng ta phải tự thấy mình và những vấn đề của mình một cách rõ ràng mà không tự lôi kéo mình dấn sâu vào đau khổ. Nếu gấp gáp giải quyết vấn đề, ta có thể làm kích động chúng. Đôi khi cần phải kiên nhẫn để cho những vấn đề bộc lộ và buông xả khi chúng đã sẵn sàng.

Giữ cân bằng và tích cực không phải bao giờ cũng dễ dàng. Thế nên điều rất quan trọng là phải cố gắng, quyết tâm không để tâm trí bám vào những vấn đề như chúng là tiêu cực; khi ta chỉ có thể nhìn vấn đề một cách tiêu cực, giải pháp đối trị là để cho tâm trí bận rộn với một điều gì khác như đọc sách, làm vườn, vẽ... hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, của nghệ thuật hoặc âm nhạc.

Tâm thức dễ thay đổi của ta cần được rèn luyện trong thái độ tích cực, và điều này xảy đến trong cách ta ứng xử với những chi tiết của đời sống hằng ngày như thế nào. Nếu trời mưa, ta có thể thưởng ngoạn cơn mưa. Những ngày nắng đẹp như thế nào thì những ngày mưa cũng đẹp như thế đó. Nếu cơn mưa có vẻ như làm phiền mình, hãy mặc áo mưa và mang dù, không nên chìm trong tiêu cực. Chúng ta nhìn cơn mưa đúng thật như nó đang hiện hữu và tiếp tục với cuộc sống mình.

Khi chúng ta tạo ra một hoàn cảnh tốt nhất, tâm thức ta trở nên mạnh hơn. Khi chúng ta biết cười vui với chính mình và những vấn đề của mình, chúng ta chữa lành. Khi chúng ta biết hoan hỷ với chính mình và kềm chế việc nhìn vấn đề theo cách tiêu cực, chúng ta trở nên tích cực hơn với mọi sự việc. Suy nghĩ tích cực là thói quen tuyệt vời cần phát triển vì nó chữa lành chúng ta và giúp ta hạnh phúc trong cuộc sống. Ngài Dodrupchen giải thích:

Bằng việc thực hành cách tu tập này, tâm ta trở nên nhân từ dịu dàng. Thái độ chúng ta sẽ rộng mở, chúng ta trở nên dễ dàng sống với mọi sự. Chúng ta sẽ có một tâm can đảm. Việc rèn luyện tâm linh của ta sẽ thoát khỏi những chướng ngại. Mọi hoàn cảnh xấu sẽ phát lộ một cách rạng rỡ và nhiều tốt lành. Tâm thức ta sẽ luôn luôn được hài lòng bởi hạnh phúc của sự an bình. Để tu hành con đường giác ngộ trong thời đại nhiều cặn bã này, chúng ta phải có lớp vỏ bọc của sự tu tập để chuyển hạnh phúc và đau khổ trở thành con đường giác ngộ. Khi chúng ta không bị phiền não bởi khổ đau của lo lắng, những khổ đau tinh thần và tình cảm không chỉ biến mất giống như vũ khí rơi khỏi tay những người lính, mà trong hầu hết trường hợp, ngay cả những lực tiêu cực thực sự như bệnh tật cũng sẽ tự động biến mất.

"Những vị thánh trước đây đã nói: "Khi không cảm thấy ghét bỏ hay không bằng lòng đối với bất cứ sự vật gì, tâm ta sẽ bình an không rối loạn. Khi tâm thức ta không rối loạn, năng lực sẽ không rối loạn và do đó những yếu tố khác của thân thể cũng không rối loạn. Nhờ sự an bình và hài hòa này, tâm ta sẽ không rối loạn, như thế bánh xe của niềm vui sẽ chạy đều."

"Các vị cũng nói: "Ngựa và lừa có những vết thương trên lưng sẽ dễ bị chim muông làm tổn thương; những lực lượng tiêu cực sẽ dễ dàng có cơ hội gây hại cho những người có tính sợ hãi với những lo lắng tiêu cực, nhưng sẽ khó làm tổn hại những người có bản chất mạnh mẽ với thái độ tích cực."

Khi chúng ta không quan tâm đến việc bảo vệ hay bám víu bản ngã, đau khổ trở thành một phương tiện để chứng nghiệm an bình và hạnh phúc. Với thái độ tích cực, đau khổ có thể trở nên giống như kẹo ngọt. Trong đạo Phật, sự tương tự được ví với ladu, loại kẹo ngọt nhưng rất nóng của Ấn Độ. Ngài Dodrupchen chỉ cho chúng ta lợi ích to lớn của việc phát triển một sự nhẫn chịu dễ dàng:

"Chúng ta phải nghĩ: 'Những đau khổ mà tôi trải qua trong quá khứ đã giúp tôi rất nhiều để đạt được hạnh phúc ngày nay dưới nhiều dạng phi thường... rất khó đạt được. Cũng vậy, đau khổ mà tôi trải qua sẽ tiếp tục giúp tôi đạt đến những kết quả kỳ diệu tương tự. Vậy ngay cả khi đau khổ của tôi trầm trọng, nó cũng là sự dễ chịu cực kỳ.' Như người ta thường nói:

Như ladu bằng mật mía

Trộn với bạch đậu khấu và hạt tiêu.

"Hãy suy nghĩ lặp đi lặp lại về điều này và nuôi dưỡng kinh nghiệm hỷ lạc, an bình của tâm. Qua sự rèn luyện theo cách này sẽ khởi lên một tính chất tràn ngập hay sự dồi dào hoan lạc tinh thần làm cho khổ đau của các căn thức nhẹ nhàng như không có. Như vậy, tâm không bị tổn thương bởi đau khổ là đặc tính của những ai vượt qua sự đau yếu bằng nhẫn chịu. ... ... "Đảo ngược tư tưởng ghét đau khổ" là nền tảng của việc "chuyển đau khổ thành con đường (giác ngộ)." Vì trong lúc tâm trí ta bị rối loạn, và sự can đảm, hoan hỷ bị dập tắt bởi lo lắng, chúng ta không thể chuyển đổi đau khổ thành con đường giác ngộ.

Dĩ nhiên, nhiều người trong chúng ta chỉ thích thái độ trốn tránh khi đau khổ xảy đến. Nếu chúng ta chưa từng có nhiều kinh nghiệm ứng xử bằng thái độ tích cực, ta có thể tự hỏi làm sao có thể có một người chấp nhận được trọn vẹn cuộc sống, cả những mặt tiêu cực lẫn tích cực. Điều này cũng giống như người chơi môn thể thao nhào lộn trong bầu trời biết cách trôi nổi giữa bầu trời bao la. Khi chúng ta thấy một người hào hứng biểu diễn lúc đang rơi trong không trung, ta tự hỏi làm thế nào có thể được như vậy. Bí quyết là thư giãn và buông thả. Sau một thời gian, chúng ta có thể trở nên rộng mở hơn với đời sống.

Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc mở rộng cách nhìn về những kinh nghiệm tiêu cực của mình. Ví dụ, chúng ta thường nghĩ nỗi buồn là tiêu cực. Tuy nhiên, khi buồn phiền đúng đắn thì không hẳn là tiêu cực, vì chúng ta đang chữa lành một vết thương. Trong một số trường hợp, nỗi buồn có thể thực sự xuất hiện một cách hoàn toàn đẹp đẽ. Chẳng hạn, nhiều người tin rằng những bản nhạc buồn trong nhạc opera hay nhạc phổ thông là hay. Vậy cảm xúc buồn không nhất thiết là "xấu", trừ khi ta thấy nó như vậy.

Vượt lên tiêu cực và tích cực, rốt ráo mọi hiện tượng là rỗng rang. Vì hiện tượng là rỗng rang, chúng ta có thể chọn lựa một cách nhìn tích cực và không cảm thấy lo lắng ngay cả khi một hoàn cảnh có vẻ xấu. Điều đó cũng có thể giúp ta nhìn và cảm nhận vấn đề theo cách hoàn toàn rộng mở rỗng rang. Chúng ta có thể thiền định trong sự rộng mở, rỗng rang.

NHÌN THẤY SỰ RỘNG MỞ RỖNG RANG CỦA NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA BẠN

Khi chúng ta cảm thấy tràn ngập bởi những vấn đề như buồn phiền hay cô đơn, chúng ta có thể hòa nhập vào sự rỗng rang của nỗi buồn. Hãy để hơi thở trở nên thoải mái. Thay vì cố gắng xua đuổi nỗi buồn, hay xếp loại chúng như một điều xấu, hãy an trú tâm thức bạn ở chỗ rỗng rang mà tĩnh lặng. Hãy để cho ngọn gió của nỗi buồn lướt đến, giống như bạn chào đón nó với hai tay mở rộng. Hãy cảm nhận nó mà không bám víu hay phán xét, mà chỉ đúng thật như nó đang hiện hữu. Hãy thoải mái càng nhiều càng tốt nếu bạn có thể. Hãy chậm chậm trải nghiệm và nếm hương vị của chính nỗi buồn.

Buông lỏng và hòa nhập với cảm nhận, tự để mình tan biến trong nó, hư không nhập vào hư không. Hãy thấy và chấp nhận nó, trở thành một với nó. Bạn phải vượt qua những ý niệm về buồn phiền, và bạn sống với thật tánh của nỗi buồn, chính là cái an bình tối hậu. Sau một thời gian, bạn có thể thấy dễ dàng hơn khi sống chung với nỗi buồn. Có lẽ nó bắt đầu hòa tan vào một cảm giác an bình. Nếu có thể được, hãy buông lỏng trong cảm giác an bình này càng lâu càng tốt.

Chúng ta có thể ứng xử với đau khổ thân xác trong cùng cách như vậy. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta phải sử dụng cảm thức thông thường về sự đau, và với cơn đau bất thường hay nghiêm trọng thì điều hợp lý là phải đi khám bác sĩ nếu có thể. Những cách tiếp cận với đau đớn và đau khổ bằng thiền định không gạt bỏ những cách điều trị và biện pháp khác, vì những phương pháp này có lợi ích.

Trong việc đối phó với cơn đau, đôi khi nó đột nhiên giảm bớt nếu chúng ta không chú ý quá nhiều hay nghĩ tiêu cực về nó. Vào những lúc khác, cần thiết phải hoàn toàn đối diện với nó. Những người với cơn đau mãn tính (kinh niên) có thể thấy cơn đau có phần giảm bớt nếu họ thực hành thiền định trên nó. Hãy hòa nhập với cơn đau. Tự cho mình cơ hội để nhìn thấy cơn đau mà không có định kiến ghét bỏ thông thường. Trong một cách thư giãn chầm chậm, tiếp cận với cảm giác của thân thể mà bạn đang cảm nhận và đơn giản chỉ ở với nó. Khi bạn duy trì hơi thở buông lỏng, hãy kinh nghiệm cảm giác của thân thể. Hãy sống với cảm giác theo cách an bình này trong một thời gian lâu, dù phải thời gian dài bạn mới cảm thấy thoải mái khi làm thế. Cuối cùng từ từ đem sự tỉnh giác của mình trở về sự yên nghỉ của cơ thể và môi trường quanh bạn.

Bạn có thể thấy rằng kinh nghiệm cảm giác thân thể theo cách này không phiền toái như thông thường và bạn có thể đem kinh nghiệm này vào những khía cạnh khác của cuộc sống. Nó có thể giúp bạn sử dụng một phần thời gian với cơn đau mỗi ngày theo cách an bình và nhẹ nhàng này.

Sự tiếp cận rỗng rang với những vấn đề khó khăn là một trong những cách thực hành cao nhất của đạo Phật mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng trong đời sống hằng ngày cùng với việc trau giồi quan điểm tích cực.

ĐỐI PHÓ VỚI SỢ HÃI

Nhiều người xáo trộn vì sợ hãi và lo lắng, họ muốn giải thoát khỏi những cảm xúc bức bách cuộc sống của họ. Phương thuốc cho sợ hãi cũng giống như nhiều vấn đề khác nằm trong chúng ta. Tùy theo hoàn cảnh và khí chất, có nhiều cách tiếp cận. Ở đây có thể ích lợi khi thảo luận một số cách tiếp cận nào đó như là một cách xem lại một số phương tiện khéo léo về thực hành được giới thiệu trong sách này.

Một trong những nhận thức trước tiên có lẽ là: Sự sợ hãi có thể là một người bạn và một người giúp đỡ. Trong lúc nguy hiểm, sợ hãi có thể giúp sức mạnh cho đôi chân ta, giúp ta chạy nhanh hơn ta tưởng. Chúng ta cũng có thể đánh giá cao hơn khuôn mặt rất tầm thường của sợ hãi trong đời sống hằng ngày. Ví dụ, nếu ta sợ bị thi trượt, chúng ta phải cảm thấy động cơ phải học siêng năng để đủ sức thi đậu.

Nếu sợ hãi hoặc lo âu là triệu chứng của một vấn đề sâu hơn, chúng ta không được che giấu chúng. Bằng việc chú tâm đến lo âu có vẻ như bức bách và gay gắt, chúng ta có thể tìm thấy chìa khóa cho vấn đề giúp chúng ta có thể đi đến việc chữa lành.

Thường chúng ta có thể đối diện đơn giản với sợ hãi và nó có thể tan đi. Sau cùng, sợ hãi và lo lắng là những gì được tạo ra trong tâm thức chúng ta. Biết được rằng những cảm xúc đó là những tạo tác giả tạo có thể cho phép ta xua tan chúng. Khi lo lắng trở thành một thói quen, một khuôn mẫu tiêu cực của tư tưởng, chúng ta phải tự nhớ lại rằng nó không thực và không bền vững. Chúng ta nghĩ lo lắng là thực vì chúng ta nắm bắt nó, nhưng nếu buông xả sự nắm bắt này, ta có thể ngạc nhiên thấy rằng sự sợ hãi cuối cùng chỉ là con cọp giấy.

Vì thế chúng ta có thể đối diện với sợ hãi và tìm thấy chìa khóa chữa lành trong chính nó. Hoặc chúng ta thoát khỏi vô minh hay xua tan sợ hãi. Hoặc chúng ta có thể tránh né nỗi sợ hãi khi nó quá lớn để xử lý tại chỗ, và sau đó trở lại chữa lành nó khi chúng ta đã sẵn sàng.

Đôi lúc, chúng ta không thể tránh né sợ hãi, vì dường như hoàn cảnh áp đặt lên chúng ta. Bấy giờ, chúng ta có thể cố gắng để hiểu được sợ hãi trong thực tánh của nó như là năng lực thanh tịnh mà không có sự dán nhãn tiêu cực. Những diễn viên giỏi và diễn giả trước công chúng biết rằng sự sợ hãi sàn diễn có thể làm họ lanh lợi, mẫn cảm hơn, sẵn sàng cho việc biểu diễn đầy cảm hứng. Những quân nhân được nhiều huy chương vì lòng can đảm trong trận chiến kể lại rằng họ cảm thấy sợ hãi, nhưng sợ hãi được chuyển thành lòng can đảm. Nếu chúng ta hòa nhập vào kinh nghiệm thì sự sợ hãi lớn lao có thể làm ta cảm thấy đầy sống động, cho dù ta chỉ còn một vài phút trước khi rời bỏ cõi trần. Bất cứ hoàn cảnh nào, chìa khóa là không bám lấy sợ hãi.

GIẢI PHÓNG NHỮNG SỢ HÃI MẠNH MẼ

Người ta phát triển đủ loại ám ảnh, giống như sự lo sợ không bình thường khi ở một nơi bị khép kín hay nỗi sợ khi đi máy bay. Trong những trường hợp này, vấn đề chính là sợ nỗi sợ hãi, sự siết chặt của tâm thức phóng đại và nhân lên nỗi sợ ban đầu cho đến khi miệng khô, cổ họng thắt chặt và thân thể run rẩy. Cách thực hành để đối phó với những nỗi sợ kịch liệt này cho chúng ta những bài học rộng hơn về cách chúng ta có thể tự rèn luyện như thế nào để đối phó với bất kỳ khó khăn nào.

Chúng ta hãy nhìn vào một ví dụ, chứng sợ khoảng rộng, có nghĩa là "sợ hãi nơi chợ búa" và được kinh nghiệm như chứng sợ khoảng không và những nơi công cộng. Nỗi sợ có vẻ như thật đến độ người ta đôi lúc trở thành tù nhân trong chính căn nhà của họ.

Trước hết, giải pháp là thấy trên cấp độ ý niệm rằng lo sợ về sự sợ hãi là một bóng ma ảo ảnh mà chúng ta có thể nhẹ nhàng rèn luyện để chiến thắng. Thiền định và quán tưởng tích cực là cách có ích.

Chúng ta cũng có thể dùng kinh nghiệm của cuộc sống hằng ngày để rèn luyện thân, tâm thoát khỏi chứng sợ hãi không căn cứ. Sự rèn luyện phải thực hiện trong những bước nhỏ đủ để dễ dàng xử lý. Thoạt tiên, đi ra ngoài cách một quãng ngắn, đủ xa trước khi sợ hãi đến. Hãy chào đón nỗi sợ. Buông lỏng hơi thở và thân thể và cho phép nỗi sợ khởi lên. Hãy kinh nghiệm nỗi sợ; cố gắng rỗng rang với nó. Hãy tự nhắc mình: "Đây chỉ là cái ngã sợ hãi của ta. Ta có thể buông bỏ cái sợ này." Nếu thân bạn run, đừng cố ép ngưng lại. Cứ để mình run, buông bỏ mong muốn xua nó đi, cùng lúc duy trì thân thể và hơi thở buông lỏng. Hãy để nỗi sợ đi xuyên qua bạn, đây là cách để giải phóng nó. Hãy để cho sợ hãi làm công việc tồi tệ nhất của nó, biết bạn sẽ còn sống và rằng nó không thể gây tổn hại bạn cho dù nó có vẻ cứng chắc và đau đớn.

Khi bạn sống qua được nỗi sợ hãi, hãy đánh dấu điều này, dù bạn còn rất sợ và tiếp tục sợ đi đến những chỗ ấy. Hãy vui mừng vì bất cứ tiến bộ nào đạt được. Mỗi ngày tiến xa hơn một chút, nhưng đôi khi cũng phải nghỉ luyện tập. Khi bạn bước lùi vì sợ hãi, hãy chấp nhận những bước lùi như là một phần của quãng hành trình đi về phía trước. Tự động viên mình đều đặn, và một ngày nào đó bạn sẽ có thể đi trọn vẹn trên con đường đến nơi nào mà bạn đã lựa chọn làm mục đích. Hãy tự thưởng mình, có lẽ bằng việc tự thết đãi hay vui mừng ở tại đó. Sau chiến thắng lớn lao này, hãy giữ sự thực hành với sự khéo léo mới. Hãy củng cố sức mạnh của mình cho đến khi bạn hoàn toàn thoát khỏi sợ hãi.

Giải pháp này được sử dụng trong khoa tâm lý học cư xử hiện đại như là phương thuốc cho bệnh sợ hãi không căn cứ (phobia) và nó cũng phù hợp với sự tu hành tâm linh của đạo Phật. Một số chúng ta may mắn không bị bệnh sợ hãi dạng đặc biệt này (phobia) sẽ nhận ra tính phổ quát của phương thức này và sự liên quan của nó với cuộc sống và sự thực hành tâm linh của chúng ta.

Chúng ta cần phải đi từng bước nhỏ, tự động viên mình, và thực hành kiên định. Chúng ta là con người và cần sự giúp đỡ khi phiền não. Nguồn giúp đỡ lớn nhất và sức mạnh là tâm ta. Chúng ta có thể khơi dậy năng lực chữa bệnh nằm trong ta. Đây là mục đích của những bài tập chữa bệnh, nó sẽ giúp chúng ta đối phó với sợ hãi và những vấn đề khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét