Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Hien huu nhu that da va dang



Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn.

Graham là một trong số những đệ tử Tây phương sớm nhất của S. N. Goenka. Sau khi tham dự khóa tu Vipassana đầu tiên ở Bodhgaya vào năm 1971, ông tiếp tục ở lại Ấn Độ. Từ sau khi Trung tâm Dhamma Giri được mua lại vào tháng 11 năm 1974, ông đã sống, phục vụ, và thiền tập tại đó trong 5 năm tiếp theo. Ông là một trong những thiền sư phụ tá đầu tiên do thầy Goenka chỉ định. Sau khi trở lại Australia năm 1979, ông làm việc không mệt mỏi để giúp phát triển Trung tâm Dhamma Bhūmi. Đây là trung tâm Vipassana đầu tiên ở khu vực Australia và New Zealand.

Graham được nhiều thiền sinh khắp thế giới biết đến. Nhiều người trong số này nhận được cảm hứng từ tuệ giác và nhiệt huyết của ông. Dưới đây là một đoạn hồi ký ngắn của Graham về sự trưởng thành của ông trong Dhamma.

Chợt nhớ lại, đã gần 12 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi run rẩy đến Ấn Độ với lo âu hồi hộp. Mười hai năm. Thật khó để hiểu được tất cả mọi chuyện đã xảy ra như thế nào, hay thậm chí là những gì đã thực sự xảy ra - nhưng có một điều chắc chắn, và đó là mọi chuyện quả thật đã xảy ra. Mười hai năm rồi.

"Con người" đi đến [Ấn Độ] lúc đó là ai? "Con người" mà đã từng điên khùng bởi lối sống kinh khủng của phương Tây và bởi sự hiện hữu không tình thương của chính mình, với quá nhiều những nỗi thất vọng, quá nhiều những cuộc tình đổ vỡ, với sự cao ngạo tự tôn chót vót và tích tụ đồ sộ những hồi ức cùng sợ hãi? Điều gì đã xảy đến với "con người" ấy? Câu hỏi này thường hiện lên. Dường như "con người" đó không thể là đã biến mất. Đó hẳn là một mong muốn vượt ngoài thực tế. Khả năng hợp lý hơn là "con người" đó chưa từng hiện hữu ngoài một mớ những khổ đau và bao điều hy vọng hão. Những gì thực sự đã biến mất là khổ đau của hôm qua, và những gì còn lại là đau khổ của hôm nay: sự suy sụp khi vào tuổi trung niên, sự mất khả năng thích nghi với thực tại, gánh nặng tồi tệ từ những tham vọng không đạt được, những nỗi đam mê, sự ba hoa lắm lời.

Nhưng bản chất không tên của những khổ đau này liệu có dễ chấp nhận hơn chút nào qua năm tháng – để thấy rằng con người hiện tại cũng hư ảo như cái "con người" vô nghĩa trong ta trước đó? Ồ, không. Ai là người sẵn sàng giết chết bản ngã của chính mình? Ai có thể mỉm cười buông bỏ bóng ma ấy không chút chống cự? Có lẽ đó là lý do vì sao có quá ít tình thương trong cuộc đời này. Tất cả những gì ta biết đến chỉ là hai bóng ma, "người khác" và "ta", chứ không phải sự tan rã hoàn toàn của cả hai thứ đó, vốn chính là tình thương.

Không thể nói chắc rằng trong 12 năm qua tình thương và niềm vui đã chế ngự được hoàn toàn tâm thức quá nhiều nhiễm ô - như nó vốn vậy - với đầy những tiêu cực này. Nhưng chắc chắn là rất nhiều căng thẳng đã tự giải tỏa, nhiều thiêu đốt của hận thù đã lắng xuống, và nhiều nỗi lo sợ ẩn khuất trong tâm đã biến mất.

Đã có năng lực tạo ra bất ổn thì tất nhiên cũng có quyền áp dụng phương thức giải quyết bất ổn đó. Và phương thức duy nhất để giải quyết mọi xáo động là sự tĩnh lặng. Nhìn lại quá khứ, dường như cuộc hành trình thật sự không phải đi từ nước này đến nước khác, mà là từ xáo động đến tĩnh lặng; từ chỗ làm hết thảy mọi việc mà chẳng đạt được gì đến chỗ chẳng làm gì cả và để yên cho mọi việc diễn ra. Việc càng đơn giản thì càng khó hiểu. Chỉ có tâm tĩnh lặng mới có thể nhìn mọi sự việc đúng thật như chúng đang hiện hữu, và đây là bước đầu tiên, cũng là bước cuối cùng. Chỉ có một và duy nhất một việc để làm: để yên mọi việc như bản chất tự nhiên của chúng.

Trải qua quá nhiều năm chỉ để ngồi càng yên tĩnh càng tốt, thể nghiệm sự tích lũy kinh khiếp của những cảm giác, những mộng tưởng, những bám víu, những sợ hãi mà bằng cách nào đó đã làm khởi sinh ý niệm về "cái tôi". Những ai chưa từng thiền tập có thể tưởng tượng việc ngồi thiền là để tạo ra đủ mọi loại cảm giác tuyệt vời, những linh ảnh, sự tỏa sáng và mọi thứ ghi chép đầy trong sách vở. Nhưng bình an thực sự chính là giảm trừ sự nhạt nhẽo đáng sợ của cuộc sống hằng ngày, giảm trừ sự ưa thích và ghét bỏ vụn vặt, giảm trừ những đối thoại triền miên không dứt trong tâm tưởng, giảm trừ những ao ước, những mất mát, những buông thả phóng túng.

Và sau tất cả những điều đó... còn có gì vượt xa hơn? Có đấy: một cuộc sống đơn giản trở nên đơn giản hơn - một người bình thường tìm được bình an và hạnh phúc thực sự ở nơi anh ta chưa bao giờ chú ý đến trước đây: trong những điều bình thường của cuộc sống. Thật ra, cuộc sống không có điều gì "bình thường" cả. Thức tỉnh từ những giấc mơ, bạn nhận ra điều bình thường là vô cùng kỳ diệu và điều kỳ diệu rất bình thường. Chỉ khi đó bạn mới nhận ra, như một nhà thơ đã nói, rằng bạn đang sống trong cuộc tìm kiếm sự sống.

Không có ảo thuật hay phép mầu nào vượt hơn sự tỉnh giác đơn thuần. Có gì mầu nhiệm hơn một tâm thức trong suốt như pha lê, bất động, tịch tĩnh? Có gì kỳ diệu hơn là vượt trên sự tìm cầu dục lạc hay trốn chạy sợ hãi? Nhiều người cho rằng các màn ảo thuật chỉ có thể thực hiện trên sân khấu hay bởi những bậc thầy ảo thuật râu tóc rậm rạp, mà không hiểu rằng chính tự thân họ là sự kỳ diệu, là ảo thuật gia, là sân khấu, là khán giả, và vì thế cũng là cả thế giới này.

Có người nào đang sống mà thoát được những khổ đau và lạc thú của cái thế giới vừa xấu ác vừa đầy hoan lạc này? Sao còn tìm kiếm sự an ổn trong một thế giới mà mọi thứ đều trôi qua, mọi thành quả sau cùng đều chỉ là một nắm tro bụi? Sao còn phí công tìm cầu? Điều gì không thể thay đổi, ta buộc phải chấp nhận. Sự chọn lựa ở đây là: sẵn sàng hay miễn cưỡng chấp nhận. Cuộc đời bạn sẽ thay đổi biết bao nhiêu nếu bạn có thể mỉm cười với hết thảy mọi việc!

Vì thế, thiền cũng giống như tình thương, không phải là điều gì đó có thể bóp nặn cho phù hợp với sự độc đoán xấu xa của cái "tôi". Thiền mang lại nhiều kết quả thực tiễn, nhưng cũng như tình thương, kết quả cuối cùng của thiền là sự tan biến của cái "tôi" và ngục tù giam hãm nó, tức là thế giới này. Cứu cánh của thiền là thiền, cũng như phần thưởng của tình thương chính là tình thương. Những thành quả, thành công, uy tín cho đến sự cứu vớt thế giới, tất cả đều nằm trong sự thống trị của cái "tôi", vốn mong muốn quá nhiều mà khả năng làm được lại quá ít.

Một cái nhìn cạn cợt về cuộc đời chỉ có thể thấy được những khổ đau tạo sự bi quan, hay những niềm vui tạo cảm giác lạc quan. Nhưng hồi tưởng lại thì những khổ đau của tâm ta dường như quý giá nhất, vì chính nhờ có nỗi đau đớn không chịu đựng nổi thì ta mới bắt đầu tìm kiếm phương cách chữa trị. Những niềm vui cũng hữu ích: do bản chất thoáng qua và không thể thỏa mãn của chúng, ta mới khởi lên sự khao khát một liều thuốc trị liệu, cho dù là thuốc đắng. Vượt trên hy vọng và sợ hãi là Chân lý. Và dần dần, hết sức chậm chạp, ta nhận hiểu được rằng căn bệnh chỉ nằm trong tâm thức.

Phải quy trách về ai tất cả những gì đã xảy ra? Đối với những điều không thể tránh khỏi thì ta có thể ngợi khen hay oán trách ai đây?

Quy luật của Chân lý là một đứa trẻ mồ côi không nhà, có thói quen quấy nhiễu xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, hoàn toàn không mời mà đến, trang phục trong sự mạnh mẽ của nhu hòa, đinh tai nhức óc trong sự tĩnh lặng, bách chiến bách thắng mà không sở hữu gì cả. Đứa trẻ đó là bạn và tôi.

Và bây giờ phải làm gì? Từ nơi đây đi về đâu? Đâu là phía trước, đâu là phía sau? Phải làm gì với tất cả những khả năng có thể này, và với ngày mai? Khi chúng ta rõ ràng không thể chịu đựng thêm nữa, có tiếp tục nhận chịu nữa chăng? Khi nào đến lúc phải dừng lại? Bao giờ ta sẽ dừng lại để lắng nghe thi sĩ hát lên bài ca cuối cùng:

Trong ánh sáng bừng lên,
Hãy thức dậy cùng những người tỉnh thức.
Hay tiếp tục mơ tưởng đến bờ kia
của đại dương vốn không bờ bến?
(Thơ Pablo Neruda, "Bài ca cuối cùng trên sóng nước" - The Watersong Ends)

Ahaṅkāra hī janma kā,
jarā mṛityū kā mūla.
Ahaṅkāra mite binā,
miṭe na bhāva-bhaya śhūla.
- Hindi doha, S. N. Goenka

Chấp ngã chính là gốc rễ của sinh, già và chết,
Nếu không loại bỏ được bản ngã,
Thì những thống khổ và sợ hãi của hiện hữu
sẽ không chấm dứt.
—Thi kệ (doha) Hindi, S.N. Goenka

Chuong 4: Ngay Thu Tu



Nhờ có sự hộ niệm cho cuộc diện kiến mặt-đối-mặt như thế, cho dù thần thức có yếu đuối thế nào đi nữa, chắc chắn không còn nghi ngờ gì là cũng sẽ đạt Giải Thoát. Nhưng tuy có sự hộ niệm diện kiến mặt-đối-mặt đều đặn như thế, cũng vẫn còn có những loại người đã tạo quá nhiều ác nghiệp, hoặc do sự phạm giới, hoặc do phần phát triển lên mức cao hơn nói chung của họ kém cỏi, làm cho họ không nhận biết ra: sự si mê và ác nghiệp từ lòng tham lam và keo kiệt bủn xỉn gây ra cho họ sự sợ hãi các âm thanh và ánh quang minh, và họ chạy trốn.

Nếu có người thuộc loại như vậy, thì sau đó là qua đến Ngày Thứ Tư, đức Phật A Di Đà và chư tôn hộ giá, cùng một lượt với con đường-ánh sáng của cõi Ngạ Qủy, phát xuất từ lòng bủn xỉn keo kiệt và tham lam sẽ đến để thu nhận họ cùng một lúc.

Một lần nữa, vị hộ niệm diện kiến mặt-đối-mặt, gọi tên người chết và khai thị như sau:

Ôi! con yêu quý, hãy lắng nghe, đừng xao lãng. Vào Ngày Thứ Tư, ánh sáng màu đỏ, chính là dạng nguyên sơ của Hỏa đại sẽ chiếu rạng. Vào lúc này, từ cõi Hồng Sắc Tây Phương Cực Lạc màu đỏ, đức A Di Đà Phật, thân sắc đỏ, tay cầm đóa hoa sen, tọa trên ngai khổng tước và ôm vị phối ngẫu Thánh Mẫu Bạch Y Phật, sẽ chiếu rạng trên con cùng với Quán Thế Âm và Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, tháp tùng theo là hai vị Nữ Bồ Tát là Ca Âm và Nhiên Đăng. Sáu vị Giác Ngộ ở giữa các ánh hào quang cầu vồng sẽ chiếu rạng trên con.

Dạng nguyên sơ của Thọ uẩn, là ánh sáng của Diệu Quan Sát Trí màu đỏ lộng lẫy, trang nghiêm với các thiên thể hình cầu và các thiên thể phụ tỏa sáng, trong suốt, huy hoàng, và lóa mắt, phóng ra từ tim của đức Thánh Phụ Mẫu A Di Đà Phật, sẽ phóng chiếu ập vào tim con rất sáng chói làm cho con sợ hãi hầu như không dám nhìn vào nó. Đừng sợ hãi.

Cùng theo đó, một luồng ánh sáng mờ màu đỏ từ cõi Ngạ Quỷ, đi song song với ánh Quang Minh Trí Tuệ đó sẽ chiếu trên con. Con hãy làm sao để đừng khởi tâm ưa thích nó. Hãy từ bỏ lòng tham lam và yếu đuối theo nó.

Vào lúc này, do sự ảnh hưởng của tâm tham lam mạnh mẽ, con sẽ bị khiếp hãi bởi ánh sáng lóa mắt màu đỏ và muốn chạy trốn nó. Và con sẽ khởi tâm ưa thích vào luồng ánh sáng mờ màu đỏ của cõi Ngạ Quỷ.

Lúc đó, con đừng sợ hãi luồng ánh sáng huy hoàng, lóa mắt, trong suốt, quang minh màu đỏ. Hãy nhận biết ra nó là Trí Tuệ, hãy giữ tâm thức con trong trạng thái khiêm tốn, con sẽ hòa nhập được vào nó bất phân ly và đạt Phật quả.

Nếu con không nhận biết nó, hãy nghĩ "đó chính là ánh quang minh ân huệ cứu độ của đức A Di Đà Phật; con xin quy y vào đó" và con hãy phát tin tưởng khiêm tốn và cầu nguyện vào nó. Đó chính là móc câu của ánh quang minh ân huệ cứu độ của đức A Di Đà Phật. Hãy phát lòng tin một cách khiêm tốn vào đó, đừng bỏ chạy. Ngay cả khi con bỏ chạy thì nó cũng sẽ theo sát con bất phân ly từ chính con. Đừng sợ hãi nó. Đừng bị lôi cuốn về phía luồng ánh sáng mờ màu đỏ của cõi Ngạ Quỷ. Đó là con đường-ánh sáng phóng chiếu từ các tích tụ của lòng tham ái mạnh mẽ của con bám luyến vào cõi luân hồi, nó đến để thu nhận con. Nếu con bị bám luyến vào nó, con sẽ phải đọa vào cõi Ngạ Quỷ Khổ Sở và phải trải qua khổ đau của sự khát và đói không thể chịu được. Con sẽ không còn dịp may để đạt Giải Thoát khi ở trong đó. Luồng ánh sáng mờ là sự ngưng trệ làm chướng ngại không cho con đi trên con đường đi về Giải Thoát Đạo. Đừng bám luyến vào nó, và hãy từ bỏ mọi tập khí huân tập. Đừng yếu đuối. Hãy phát lòng tin vào luồng ánh sáng chói, loá mắt màu đỏ. Nương theo đức Phật Phụ Mẫu A Di Đà, hãy đặt lòng tin, chí tâm tập trung vào đó và cầu nguyện như sau:

"Hỡi ôi! Khi lăn lộn trong cõi luân hồi, do sức mạnh của lòng tham lam mạnh mẽ,

Trên đạo lộ quang minh của Diệu Quan Sát Trí,

Xin nguyện cho con được dẫn dắt bởi đức A Di Đà Phật,

Xin nguyện được đức Thánh Mẫu, đức Bạch Y Phật Mẫu làm hộ vệ phía sau cho con;

Xin nguyện cho con được dẫn dắt an toàn đi ngang qua các cạm bẫy kinh hoàng của cõi Trung Hữu;

Xin nguyện cho con được đưa đến quả vị Phật Nhất Thiết Viên Mãn".

Nhờ khẩn cầu như thế với lòng khiêm tốn và thiết tha, con sẽ hòa nhập vào tim của đức Thánh Phụ Mẫu Song Vận, đức A Di Đà Phật trong ánh hào quang của cầu vồng, và đạt được Phật quả trong Báo Thân, trong cõi Tây Phương Tịnh Độ Cực Lạc.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

Chuong 1: Ta



Lời nói đầu

Nhiều người đến với đạo Phật để tìm cách giải trừ phiền não, khổ đau. Họ đọc tụng kinh chú, ăn chay, niệm Phật, làm công quả, cúng dường, bố thí, nhưng lại không biết diệt trừ bản ngã thì phiền não và khổ đau vẫn còn hiện hữu. Trải qua bao nhiêu năm trong đạo vẫn chấp vào cái Ta, kiêu căng, ngạo mạn, khoe khoang, chạy theo danh lợi; đến khi cái ngã bị trái ý, tổn thương thì giận dữ, sân si tạo khẩu nghiệp mắng chưởi, mạ nhục kẻ khác.

Nhiều Phật tử thường hỏi tôi có cách gì tu cho bớt tham, sân, si không? Chẳng lẽ họ không biết tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền hay sao? Nhưng tụng kinh để sửa đổi tánh tình hay để cầu xin được phước? Niệm Phật để sinh về Cực Lạc hay để bớt lo âu, buồn giận? Trì chú để đạt được quyền năng, thần thông hay để diệt trừ tham lam, sân hận? Ngồi thiền để làm cái gì? Kiến tánh thành Phật chăng? Nhưng làm sao thành Phật được khi bản ngã không trừ?

Dù tu theo bất cứ pháp môn nào, Thiền, Tịnh, hay Mật mà còn chấp ngã, không biết dẹp trừ bản ngã, lúc nào cũng lo cho cái ngã của mình hơn kẻ khác thì phiền não không giảm mà nhiều khi còn tạo thêm nghiệp xấu.

Cách đây 15 năm (năm 1990), tôi có viết quyển "Vô Ngã", trong đó chỉ đơn giản giới thiệu hai phương pháp tu tập vô ngã và không nói nhiều về lý thuyết. Sau một thời gian tham vấn, học đạo với nhiều truyền thống Phật giáo Nam tông, Bắc tông và Tây Tạng, tôi nhận thấy rằng pháp môn căn bản và quan trọng nhất của đạo Phật vẫn là Vô Ngã. Vì thế quyển "Tâm và Ta" ra đời để tiếp tục và bổ túc về phần giáo lý vô ngã. Trong khi viết tôi đã nương vào hai truyền thống Nguyên thủy và Đại thừa Phật giáo. Đối với tôi cả hai truyền thống đều có giá trị của nó, không có cái nào hay hơn hoặc đúng hơn, tất cả đều tùy trình độ và căn cơ của chúng sinh.

Mong rằng sách này sẽ đem lại cho bạn đọc nhiều lợi ích.

Tịnh Lâm Thất, đầu xuân 2005

Thích Trí Siêu


Chương 1: Ta

Chúng sinh đau khổ trôi lăn trong sinh tử luân hồi chỉ vì có cái Ta. Bởi vì nếu không có Ta thì ai sinh, ai tử? Ai già, bệnh, chết? Ai đau khổ? Ai sung sướng? Ai tham, sân, si? Vì có cái Ta nên mới sinh ra đủ thứ chuyện. Nào là phải lo cho Ta ăn, uống, ngủ nghỉ. Lo cho Ta sống yên vui, nhà cao cửa rộng, công ăn việc làm vững chắc. Khi có đầy đủ tiền bạc rồi thì lo kiếm cho Ta những thứ Ta ưa thích, ăn chơi hưởng thụ. Lo tìm cho Ta một người yêu, một mái ấm gia đình cho Ta. Giàu có dư giả hơn thì tìm cho Ta danh vọng, quyền thế, chức tước. Khi cái Ta đau ốm thì phải lo thuốc men cho Ta kẻo Ta chết. Cái Ta trong đạo Phật gọi là Ngã (atta), triết học gọi là bản ngã (ego), còn những cái của Ta gọi là Ngã sở (attano, mine), tức là sở hữu của Ta.

Sống ở đời ai cũng muốn sung sướng hạnh phúc nhưng sao trên trái đất này cứ có mãi chiến tranh, giết chóc, hận thù, khổ đau, lo âu, buồn giận? Ai cũng muốn có hạnh phúc nhưng chỉ tìm hạnh phúc cho cái ngã của mình (tự ngã) và quên đi hạnh phúc của những cái ngã khác. Ta chỉ muốn cái bụng của ta no, còn bụng của người khác đói thì ráng chịu. Ta muốn thân xác ta được ở nhà cao cửa rộng, còn thân người khác ngủ đầu đường xó chợ thì mặc kệ. Ta muốn quốc gia của ta giàu có hùng mạnh, còn quốc gia khác nghèo đói thì chuyện đó Ta không cần biết.

Cái Ta nào cũng lo cho tự ngã của nó nên mới sinh ra ích kỷ, dành giựt, đấu tranh, tham nhũng, hơn thua. Khi cái Ta được thắng lợi thì nó vui. Khi cái Ta bị thua thiệt, mất mát thì nó buồn, giận, thù, ghét. Có ai lỡ xúc phạm đến cái Ta thì ta nổi giận, bực tức. Có ai khen ngợi, nịnh hót, thuận ý cái Ta thì ta vui mừng, khoái chí. Có ai đụng đến những cái của Ta như vợ, con, tài sản của Ta thì ta tức giận, thù ghét. Khi những cái của Ta bị mất mát thì ta đau khổ, nên ta phải tìm mọi cách bảo vệ, giữ gìn chúng.

Ta là gì?

Có người cho Ta (tôi, mình) là Nguyễn văn A, Trần văn B, Lê thị C, v.v... Nhưng đó chỉ là những tên họ, danh tánh, do cha mẹ đặt ra để gọi.

Có người cho Ta là bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư, giáo sư, v.v... Nhưng bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư, giáo sư chỉ là những bằng cấp thế gian.

Có người cho Ta là tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, tỉnh trưởng, quận trưởng, v.v... Nhưng đó chỉ là những chức vụ chính trị.

Có người cho Ta là tỷ phú, triệu phú, giám đốc, chủ hãng, hoặc nhân viên, cu li, v.v... Nhưng đó chỉ là những địa vị hay công việc trong xã hội.

Có người cho Ta là người thông minh, trí thức, đẹp trai, đẹp gái, hiền lành hoặc ngu dốt, xấu xí, lù khù, v.v... Nhưng đó chỉ là những đức tính hay năng khiếu của một con người.

Có người cho Ta là người dễ vui, dễ buồn, dễ giận, dễ lo, dễ thương, dễ ghét, rộng rãi, keo kiệt, bần tiện, v.v... Nhưng vui, buồn, giận, lo, thương, ghét, v.v... chỉ là những tình cảm hay tính tình của một con người.

Khi được hỏi Ta là ai? hoặc Ta là gì? đa số người đời đều đồng hóa cái Ta vào danh tánh, bằng cấp, chức vụ, địa vị, đức tính, hoặc tình cảm, nhưng những thứ đó không phải là Ta mà chỉ là những cái vỏ khoác bên ngoài. Vậy thì Ta là gì?

Tới đây chắc có bạn sẽ trả lời: "Ta là một con người"! Câu trả lời này ngắn ngọn, đơn giản và rất gần với thực tại. Bởi vì trước khi cho Ta là cái này hay cái nọ thì Ta phải là một con người trước đã. Có con người rồi sau đó mới có tên tuổi, buồn vui, thông minh, tỷ phú, tổng thống, bác sĩ, kỹ sư, v.v...

Ta là một con người. Con người gồm có hai phần: Thân và Tâm. Thân là phần vật chất có hình tướng. Tâm là phần vô hình có khả năng hiểu biết, suy nghĩ, nhớ tưởng, tính toán, lo âu, yêu ghét, và điều khiển thân thể đi đứng, nói năng, hành động, v.v... Sự liên hệ giữa thân và tâm cũng giống như máy và điện. Một cái máy mà không có điện thì máy đó vô dụng. Điện là một năng lực vô hình nhưng cần thiết để làm cho máy chạy. Thân thể con người cũng vậy, nếu không có tâm bên trong điều khiển thì nó sẽ trở thành một xác chết. Tâm cũng giống như điện, tuy vô hình nhưng rất cần thiết cho sự sống.

Để dễ hiểu, chúng ta có thể viết theo phương trình dưới đây:

Ta = con người
Con người = thân + tâm
=> Ta = thân + tâm.

Thông thường chúng ta có thể kết luận như vậy, cái Ta thành hình là do thân và tâm kết hợp lại với nhau. Nhưng trong đời sống hằng ngày, nhiều khi cái Ta xuất hiện độc lập như chỉ là thân hoặc chỉ là tâm mà thôi. Thí dụ sáng ngủ dậy soi gương, thấy mặt mình đẹp, bạn sẽ nói: "Hôm nay Ta (tôi, mình) đẹp". Khi nói như vậy tức là cho Ta là cái mặt (thuộc thân thể). Hoặc khi bị người khác nói xấu mình, bạn cảm thấy tức giận và nói: "Tôi tức lắm". Nói như vậy tức là cho Ta chính là tâm, bởi vì cái thân đâu có biết tức! Do đó chúng ta sẽ có tới ba phương trình sau:

1/ Ta = thân
2/ Ta = tâm
3/ Ta = thân + tâm

René Descartes, triết gia Pháp ở thế kỷ 17, đã nổi danh nhờ một câu nói: "Cogito ergo sum" (Je pense donc je suis) có nghĩa là: "Tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu". Ý của Descartes muốn nói vì tôi (Ta) hiện hữu cho nên tôi mới suy nghĩ được. Nhờ suy nghĩ mà tôi biết là tôi có mặt (hiện hữu). Descartes chứng minh sự hiện hữu của cái Tôi (Ta) một cách đơn giản, do biết suy nghĩ mà cái Tôi (Ta) có mặt. Chắc có lẽ bạn đọc cũng nghĩ như Descartes và thấy đó là một sự đương nhiên, nhưng đó chính là một loại chấp Ta là tâm.

Nhưng nếu hỏi cái Ta (tôi) bắt đầu có từ lúc nào thì cách trả lời của Descartes vẫn chưa thỏa đáng. Vì khi nói "Tôi suy nghĩ" tức là đã chấp cái Tôi có mặt rồi. Cái Tôi có trước rồi sau đó cái Tôi mới suy nghĩ. Vậy cái gì ban đầu đã tạo ra cái Tôi (Ta)?

Khổ đau

Sống ở đời ai cũng muốn sung sướng hạnh phúc, không ai muốn khổ bao giờ. Nhưng khổ nỗi, ai nấy đều chấp cứng vào "cái Ta" và những cái "của Ta" nên sinh ra đủ loại phiền não khổ đau. Nhưng khổ là AI khổ? Cái bàn, cái ghế khổ chăng? Đất, nước, gió, lửa khổ chăng? Nhà cửa, xe cộ khổ chăng? Cái TA khổ chứ ai vào đây! Ta sinh, già, bệnh, chết. Ta phải sinh tử luân hồi. Ta phiền não. Vì có TA nên mới có khổ.

Khổ thân

Vì Ta là thân và Ta có thân nên phải làm ăn sinh sống, tranh dành bon chen với đời để nuôi cho thân sống còn. Đây gọi là "sinh khổ".

Vì Ta là thân và Ta có thân nên phải chịu già yếu, thân thể hao mòn, trí óc lu mờ, nói trước quên sau, tóc bạc răng long, ăn uống khó khăn, đi đứng không vững, tự lo thân không xong, nhiều khi làm khổ con cháu và người thân. Đây gọi là "lão khổ".

Làm ăn sinh sống, tuy phải cực nhọc, thức khuya dậy sớm, chân lấm tay bùn, đổ mồi hôi nước mắt, nhưng kiếm được chút tiền là có thể xoa dịu nỗi khổ. Thân xác già yếu tuy cũng khổ, nhưng chưa đến nỗi khiến Ta phải rên siết đau đớn như khi thân bị bệnh. Hành hạ xác thân làm cho nó khổ sở, không gì hơn là cái đau. Khi đau, bất luận là đau gì, từ đau lặt vặt như đau răng, nhức đầu, đau bụng, đến các bệnh nan y như hủi, lao, ung thư, sida (aids), v.v... đều làm cho Ta đau đớn, rên siết, khó chịu vô cùng. Thân là một ổ bệnh, không bệnh nặng thì bệnh nhẹ, bây giờ chưa bệnh thì mai mốt cũng bệnh. Bên trong thân có bao nhiêu tế bào, bao nhiêu tạng phủ là Ta có bấy nhiêu cơ hội để bị bệnh, không thể nào tránh khỏi. Ai nấy đều sợ bệnh ung thư, nhưng trong thân thể người nào cũng có tế bào ung thư nằm ẩn chờ cơ hội bộc phát. Trong xã hội nào cũng có những thành phần bất hảo, bất lương như du đãng, trộm cướp, băng đảng nhưng nhờ có cảnh sát, công an bắt nhốt trừng trị nên có vẻ tạm yên. Nhưng khi guồng máy cơ quan chính quyền tham nhũng, hối lộ, thì kẻ gian, trộm cắp nổi lên nhiều hơn. Trong cơ thể cũng vậy, khi hệ miễn nhiễm hay kháng thể yếu thì vi trùng, vi khuẩn thừa thế xâm nhập, các tế bào ung thư nổi loạn, sinh sôi nẩy nở bừa bãi và bệnh ung thư xuất hiện. Vì Ta là thân và Ta có thân nên Ta được diễm phúc thưởng thức mùi "bệnh khổ".

Bản chất của thân là vô thường, biến đổi từng giây phút để đi tới tàn hoại. Suốt cuộc đời Ta làm đủ mọi thứ, đủ mọi cách để nuôi cho cái thân sống, nhưng cuối cùng nó cũng tan rã ngoài ý muốn của Ta. Thân còn sống thì Ta sống, dù sống khổ cũng ráng sống, dù già nua lụm cụm, đi đứng không vững nhưng sống thêm được năm nào hay năm đó, dù bệnh gần chết cũng cố gắng chữa trị vớt vát thêm ngày nào hay ngày đó. Dù phải sống khổ, sống già, sống bệnh cũng còn hơn là chết. Vì chết là mất tất cả những gì Ta có, Ta là. Mất hết tất cả như vậy thì kinh khủng quá! Ta sẽ ra sao? Chết rồi Ta còn hay là mất tiêu luôn? Ta sẽ lên thiên đàng hay xuống địa ngục? Đây là cái khổ của sự chết, "tử khổ".

Bốn cái khổ trên đều là khổ của thân. Mà thân thật ra chỉ là tứ đại: đất, nước, gió, lửa hợp thành. Những chất cứng như xương, da, thịt, móng tay, v.v... thuộc về đất. Những chất lỏng như máu, mủ, đờm, dãi, nước tiểu, v.v... thuộc về nước. Những thứ lưu động như hơi thở thuộc về gió. Hơi ấm trong cơ thể thuộc về lửa. Khi bốn thứ này hợp lại thì gọi là sinh, xung khắc nhau thì gọi là bệnh, sắp sửa rời nhau thì gọi là già, tan rã thì gọi là chết. Việc tứ đại trải qua "thành, trụ, hoại, không" có ăn nhằm gì đến Ta? Bởi vì Ta là thân, thân là Ta, là của Ta, cho nên cái gì xảy ra cho thân tức là xảy ra cho Ta. Thân sinh, già, bệnh, chết cho nên Ta phải chịu chung số phận.

Khổ tâm

Ta không những là thân mà còn là tâm nữa, cho nên khi tâm khổ thì Ta cũng khổ. Những cái khổ của tâm hay của Ta đều bắt nguồn từ sự ưa và ghét, ưa ghét người và sự vật.

Khi cái Ta ưa, thích, yêu, thương người hay vật nào mà phải chia ly thì gọi là "ái biệt ly khổ".

Khi cái Ta thù, ghét, tức, giận người nào mà cứ phải gặp mặt, tiếp xúc, gần gũi, sống chung thì gọi là "oán tắng hội khổ".

Khi cái Ta mong cầu, khao khát, hy vọng một sự vật nào đó mà bị thất bại, không toại nguyện, nhiều khi tuyệt vọng đưa đến quyên sinh, tự tử, đây gọi là "cầu bất đắc khổ".

Ở đời lắm điều oái ăm, những thứ mình thích thì khó được, được rồi thì khó giữ lâu. Còn những thứ mình ghét thì cứ phải gặp hoài. Ghét của nào trời trao của đó!

Ngoài ba cái khổ căn bản của tâm nêu trên, trong đạo Phật còn nói về một cái khổ tên là "ngũ uẩn thủ khổ", đó là cái khổ căn bản do tâm vô minh ái nhiễm, bám víu vào năm uẩn.

Trên đây là tám cái khổ chính thường được liệt kê trong kinh sách. Ngoài ra trong đời sống hàng ngày ai nấy đều có những niềm đau nỗi khổ rất phổ thông, đó là "tình khổ". Khổ vì tình, vì gia đình, vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em, bạn bè.

Con người là loài hữu tình (sattva) nên sống vì tình và khổ vì tình, tình nhiều chừng nào thì khổ chừng đó. Tất cả chúng ta ai nấy đều muốn thương và được thương. Đúng lý ra tình thương là cái gì đem lại hạnh phúc và khiến cuộc đời đáng sống, nhưng kẹt một điều là tình thương thế gian được xây dựng trên nền tảng của cái Ta (ngã). Và cái Ta chỉ biết thương những gì đem lại lợi ích cho nó, vì vậy tình thương của cái Ta chỉ là tình thương ích kỷ, ái ngã.

Khi thương ai thì Ta muốn chiếm hữu người đó và muốn họ phải chiều theo ý Ta. Nhân danh tình thương và tình yêu mà con người làm khổ nhau nhiều nhất trên đời.

Ta thương vợ vì vợ thương yêu, lo lắng, chăm sóc cho Ta. Đến khi vợ bắt đầu để ý đến chuyện gì khác, lơ là cơm nước, nhà cửa, quên săn sóc, chiều chuộng Ta thì Ta khó chịu, bực tức, cằn nhằn, gây gổ, v.v...

Cái Ta rất sợ cô đơn, cho nên ai nấy đều mơ có một mái ấm gia đình, vợ chồng con cái thương yêu nhau. Nhưng oái oăm thay, cái gọi là "mái ấm gia đình" lại thường là nơi oan gia hội tụ, gặp lại nhau để thanh toán nợ xưa. "Vô oan trái bất thành phu phụ", không oan trái thì không thành vợ chồng. Trong vòng luân hồi bất tận, con người gặp lại nhau để vay nợ, trả nợ, nợ của cải, ân oán, tình cảm.

Một lần nọ, ngài Ca Chiên Diên đi khất thực, đến trước nhà một cô gái, thấy cô ta bồng trên tay một đứa bé và đang bóc thịt một con cá cho nó ăn. Xương cá vứt xuống đất thì con chó gần đó chạy lại ngửi và bị cô gái đá một cú đau điếng chạy mất. Ngài Ca Chiên Diên dùng thần thông nhìn xem nhân duyên tại sao thì thấy đứa bé trên tay cô kiếp trước là kẻ thù của gia đình cô, con cá mà cô lóc thịt cho con ăn chính là cha cô và con chó mà cô đá văng chính là mẹ của cô tái sinh. Thật không còn cảnh nào trớ trêu hơn! Thấy vậy ngài Ca Chiên Diên không khỏi thương xót ngậm ngùi cho chúng sinh, vì vô minh không thấy được nhân quả, ân oán xoay vần.

Ông Năm và ông Sáu ở cùng làng. Ông Năm là điền chủ giàu có trong vùng, còn ông Sáu là người làm thuê cho ông Năm. Ông Sáu đã nghèo mà lại thích cờ bạc cho nên tháng nào cũng thiếu hụt, phải mượn trước chủ hàng mấy tháng lương. Chẳng may trong làng có bệnh dịch nên cả hai ông cùng chết. Xuống âm phủ, bị Diêm vương lôi ra xét xử trước khi cho đi đầu thai. Vì ông Sáu thiếu nợ ông Năm, cho nên Diêm vương hỏi ông Năm có muốn đầu thai làm cha ông Sáu không, vì làm cha thì tha hồ la mắng xài xể con cái. Nhưng ông Năm không chịu. Diêm vương lại hỏi có muốn làm mẹ ông Sáu không, vì làm mẹ thì có quyền dạy dỗ bắt con cái phải nghe lời. Ở ngoài đời, người ta thường nói: "Bộ ông là cha tôi hay sao mà dám la tôi? Hoặc bà là má tôi hay sao mà dám lên mặt dạy đời?" Thế nhưng ông Năm cũng không chịu đầu thai làm mẹ ông Sáu. Diêm vương hỏi tiếp có muốn làm anh hay chị để có quyền đánh đập em út không? Ông Năm cũng không chịu. Cuối cùng Diêm vương hỏi vậy ông muốn đầu thai làm gì đối với ông Sáu? Ông Năm trả lời là muốn đầu thai làm con ông Sáu!!! Diêm vương hỏi lý do tại sao thì ông Năm đáp: Đầu thai làm con là sướng nhất, vì tha hồ đòi nợ, đòi nợ tự do công khai mà không ai biết. Lúc con còn nhỏ thì cha mẹ phải lo cho nó ăn uống đầy đủ, lỡ nó bị bệnh thì cha mẹ phải thức suốt đêm lo lắng, săn sóc mà không dám phiền hà. Khi con lớn lên thì phải lo cho nó ăn học, dù phải học trường tư tốn kém nhiều tiền cha mẹ cũng nai lưng ra đi làm kiếm cho đủ. Bao nhiêu công sức, tiền của, mua sắm, chi phí cho con, cha mẹ không bao giờ để ý tính toán mà ngược lại còn vui lòng. Làm con từ nhỏ đến lớn, nếu đòi nợ chưa đủ thì tôi sẽ ăn chơi phung phí, làm cho tài sản của cha mẹ tiêu hao. Khi nào đòi hết nợ thì tôi sẽ ra đi.

Câu chuyện ngụ ngôn trên cho ta thấy muốn đòi nợ khôn nhất thì phải đầu thai làm con, vì cha mẹ nào cũng vui lòng lo lắng (trả nợ) cho con. Chồng có thể bỏ vợ, vợ có thể bỏ chồng. Con có thể bỏ cha bỏ mẹ, nhưng cha mẹ không bao giờ bỏ con. Những người mà ta thương yêu lo lắng nhiều nhất lại thường là oan gia trá hình. Vì phải trá hình làm vợ chồng con cái thì mới đòi nợ được chứ! Nếu hiện nguyên hình là chủ nợ dữ dằn, hăm he đến gõ cửa đòi nợ thì người ta sẽ đóng cửa trốn hoặc bỏ chạy mất. Oan gia là người đến đòi nợ, nợ tình hay nợ tiền, vậy mà ta không biết lại đòi họ thương yêu chiều chuộng mình, đó là chuyện không tưởng, làm sao có thể được?

Hiểu thế nào là oan gia rồi thì phải làm sao đây? Ly dị chồng vợ và từ bỏ con cái hay sao? Có ai thiếu nợ mà quỵt được không? Có vay thì phải có trả, điều quan trọng là trả nợ một cách khôn khéo, tức là trả mà đừng vay thêm. Con người do vô minh nên trong lúc trả nợ cũ thì lại vay nợ mới, cứ vay trả, trả vay không bao giờ dứt. Muốn trả mà đừng vay thêm thì phải học đạo, khai mở trí huệ, biết đâu là nhân quả, đâu là điều thiện nên làm, đâu là nghiệp ác nên tránh. Nói cách khác, đó là cả một quá trình tu tập vì tu là chuyển nghiệp. (Chương VI sẽ đề cập đến những phương pháp tu tập).

Đặc tính của ngã

Khi cái ngã xuất hiện, nó mang theo những đặc tính như sau: tham dục, sân hận, si mê, kiêu mạn, ganh tị, v.v... những đặc tính này còn được gọi là phiền não.

Tham dục: Luôn ham muốn tìm thú vui xác thịt, chạy theo ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc) để thỏa mãn giác quan. Khi Ta thấy cái gì vừa ý như sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, lợi dưỡng thì ưa thích, luyến ái, muốn chiếm hữu, đó gọi là "tham". Lòng tham không có đáy, cho nên tham cho Ta chưa đủ, tham luôn cho bà con quyến thuộc của Ta. Cũng vì tham mà làm cho Ta ăn không ngon, ngủ không yên, đầu óc lúc nào cũng phải lo nghĩ, tính toán. Nhiều người đi tu rồi mà vẫn để lòng tham ngự trị dưới hình thức vi tế hơn, như thích có chùa đẹp, tượng lớn, nhiều đệ tử, thích nổi danh, ham địa vị chức sắc trong giáo hội. Tham có nhiều hình thái: ưa, thích, yêu, thương, ham, muốn, thèm, khát. Khởi đầu là ưa, rồi từ từ tới thích. Nếu đối tượng là người thì đưa tới yêu, thương. Nếu đối tượng là đồ vật thì ham, muốn. Khi ham, muốn nhiều thì trở thành thèm. Thèm quá thì thành khát, tức là không có thì không chịu được. Khát là cực điểm của tham.

Sân hận: Khi tham hoặc ham muốn cái gì mà không được như ý thì Ta tức tối, nổi giận, la hét, mắng chửi, đó gọi là "sân". Khi lửa sân khởi lên quá mức thì Ta có thể ra tay đấm đá, hoặc dùng khí giới để sát hại kẻ đã làm trái ý Ta. Đánh người, giết người cho hả cơn giận, nhưng sau đó phải vào tù, hoặc bị xử tử. Ngay tại xứ giàu có nhất hiện nay là Hoa Kỳ vẫn còn màn xử tử tội nhân. Đó là chưa kể sau khi chết đọa xuống địa ngục bị quỷ sứ tra tấn hành hạ đau đớn gấp trăm ngàn lần. Bởi thế trong các phiền não, sân hận, nóng giận là tai hại nhất, vì có thể đưa đến tội ác như đánh người, giết người. Một niệm sân khởi lên có thể đốt cháy trăm ngàn rừng công đức (nhất niệm sân tâm khởi, thiêu bá vạn công đức chi lâm). Cùng họ với sân gồm có: bực, tức, giận, hờn, oán, ghét, thù. Khởi đầu của sân là bực. Bực mà không giải tỏa được thì sinh ra tức. Tức quá hóa giận. Giận là sự nổ bùng hay bùng cháy. Bùng cháy xong mà không hết hẳn còn âm ỉ thì gọi là hờn, hờn hoài không nguôi thì đâm ra ghét và oán. Oán lâu ngày thành thù. Thù là cực điểm của sân.

Si mê: Cái Ta loanh quanh suốt ngày chỉ sống với sự ưa ghét, ưa người này, ghét người kia, thích vật này, ghét việc nọ. Không biết đạo đức, nhân quả, không biết suy xét điều hay lẽ phải, chỉ thích chạy theo âm thanh, sắc tướng, mùi vị, cảm xúc. Mặc tình để cho tham lam, sân hận nắm đầu sai sử, đây gọi là "si" (u mê). Đến khi gặp người trí chỉ cho mình nhân quả, đạo lý, điều hay lẽ phải thì lại không nghe, đây gọi là đại si hay nhất xiển đề, tức là người không thể cứu độ được.

Ngã mạn: Lúc nào cũng thích so sánh mình với người khác rồi tự cho mình là hay, giỏi, tốt hơn kẻ khác, đó gọi là "mạn". Ỷ mình có tiền của, giàu sang, bằng cấp, địa vị mà kiêu căng tự đắc, khinh chê kẻ nghèo, hỗn láo với người đức hạnh, chà đạp người dưới, lấn át người trên. Vì ngã mạn nên không nghe lời phải, không chịu học hỏi thêm, làm nhiều điều sai quấy, phước lành tổn giảm, tội lỗi càng tăng. Luận Đại Tỳ Bà Sa và Câu Xá nêu ra bảy loại mạn:

1) Mạn (mana): có tâm khinh thường đối với những người thua mình về học thức, địa vị, gia tài. Thực tế họ có thua mình thật, nhưng chỉ thua trên một khía cạnh nhỏ, nên không phải vì thế mà mình có quyền lên mặt khinh dễ họ.

2) Quá mạn (ati-mana): đối với người có học thức, tài sản, địa vị bằng mình thì lại cho là mình hơn người đó.

3) Mạn quá mạn (manati-mana): đối với người thực sự hơn mình mà mình cứ cho là mình hơn họ.

4) Ngã mạn (atma-mana): nhận lầm năm uẩn là ngã, dựa vào ngã mà khởi mạn. Cho tất cả mọi người không bằng mình. Cái gì của mình lúc nào cũng tốt đẹp hơn của người khác.

5) Tăng thượng mạn (adhimana): chưa chứng đạo mà tuyên bố là mình đã chứng. Có những người vi tế, ngoài miệng tuy không chính thức tuyên bố là mình chứng, nhưng nói úp nói mở khiến người khác lầm tưởng là mình đã chứng quả này quả nọ, đây cũng thuộc loại tăng thượng mạn.

6) Ti liệt mạn (unamana): đối với người, mình thua nhiều mà cho là thua ít, hoặc không thua gì hết.

7) Tà mạn (mithyamana): mình không có đức độ, từ bi, hiểu biết mà tưởng hay tự xưng là mình có đức độ, từ bi, hiểu biết, thí dụ như xưng mình là vô thượng sư, thánh sư, chân sư, đạo sư, giáo chủ, giáo thọ, v.v...

Tóm lại, mạn là luôn luôn so sánh, so đo xem mình hơn hay thua kẻ khác, nếu thấy mình thực sự hơn thì thích thú khoe khoang, nếu thua thì không nhận là mình thua mà cứ gân cổ lên nói mình bằng hoặc hơn. Thí dụ như ta xây được bốn ngôi chùa, so sánh với người khác, thấy họ chỉ có một hay hai ngôi chùa, rồi ta cảm thấy mình hay quá, tài giỏi quá, đó là ngã mạn. Thí dụ như thấy người khác viết được 50 cuốn sách, ta đây cũng ráng viết cho được 49 cuốn rồi tự cho rằng mình đâu có thua gì, đây cũng là ngã mạn mặc dù viết sách đạo. Những hình thức ngã mạn rất nhiều và vi tế, người tu cần phải đề cao cảnh giác. Nhiều người vào chùa đi tu còn mang theo cái ngã nên muốn được thầy thương yêu, ưu đãi, để ý tới mình. Nếu thầy chú ý và khen người khác thì Ta buồn. Thầy là người có bổn phận chỉ ra những tánh hư tật xấu cho ta sửa, nhưng cái Ta nó không thích người khác vạch ra những tánh xấu của nó. Đây là một việc mâu thuẫn, đi tu mà chỉ thích người khác khen tặng Ta là người đạo đức, từ bi, trí tuệ. Dĩ nhiên đi tu là nhằm hướng tới chân, thiện, mỹ, nhưng đó là bổn phận và công việc hàng ngày của người tu, giống như ăn uống, ngủ nghỉ, không cần phải ai khen ngợi hay để ý mới làm. Nếu cảm thấy cần được khen thì ai cần? Phải chăng cái ngã? Vì cái ngã rất cần được khen tặng và chú ý.

Ganh tị: Khi gặp người thua kém thì Ta khinh thường, nhưng khi gặp người thực sự tài giỏi, giàu sang hơn Ta, thì Ta ganh ghét, tức tối, tìm mọi cách nói xấu, chê bai, chỉ trích, mạ nhục, tạo nhiều khẩu nghiệp. Khi gặp việc gì dính líu đến tiền bạc, của cải, tài sản, thì Ta nghi ngờ hết mọi người, nghi anh em, bạn bè, thân quyến, v.v... sợ họ dành lợi của Ta rồi âm mưu bày ra nhiều thủ đoạn hại người.

Trong sự chấp ngã, bám víu vào cái Ta và của Ta thì sự bám víu vào cái thân là nặng nhất, thâm sâu nhất. Cái Ta ban đầu chỉ là một vọng niệm của tâm, nhưng khi thành hình rồi thì nó cần một nền tảng vật chất để dựa vào đó mà hiện hữu. Nền tảng này chính là cái thân. Bám víu vào thân cho đó là Ta, là của Ta rồi nâng niu, chăm sóc cho nó, đây gọi là "thân kiến". Khi ăn thì tìm món ngon vật lạ cho Ta ăn như thịt chó, thịt mèo, óc khỉ, mật gấu, cháo rắn, rượu whisky, cognac, v.v... Cũng từ miếng ăn mà ngày nay trên thế giới sinh ra nhiều bệnh quái lạ như "bò điên" (Creutzfeldt-Jakob), "cúm gà" (SARS), v.v... Mặc thì kiếm quần áo tốt đẹp có hiệu nổi tiếng như Pierre Cardin, Yves St-Laurent, Lacoste, Christian Dior, v.v...cho Ta mặc. Ở thì phải xây nhà cao cửa lớn, sang trọng, quý phái cho Ta ở. Xe thì phải mua Mercedes, BMW, Lexus, Acura, Infinity, v.v... cho Ta đi. Đồ dùng thì phải mua sắm đủ thứ tiện nghi hiện đại cho Ta dùng. Vợ chồng nói thương yêu nhau, nhưng thật ra ai cũng thương thân mình trước hết. Sống chung với nhau mà chỉ chờ đợi, đòi hỏi người kia nâng niu, chiều chuộng, lo lắng, phụng sự cho cái thân của Ta. Khi người yêu lỡ quên hoặc không để ý lo cho "cái thân Ta" nữa thì Ta cảm thấy buồn bực, khó chịu. Như vậy có phải là Ta thương cái thân của Ta nhất trên đời không?

Bám vào cái thân cho là Ta, nhưng cái thân này đâu có sống hoài. Trước sau gì nó cũng phải chết và tan rã. Vậy sau khi chết số phận của Ta ra sao? Ta sẽ đi về đâu? Vì không biết luật nhân quả nên đa số đều rơi vào hai thành kiến cực đoan: chết rồi thì Ta mất hẳn, hoặc chết rồi thì Ta còn hoài. Đây gọi là "biên kiến", tức là cái thấy nghiêng về một bên.

Trên đây là cái thấy về thân sau khi chết. Nhưng trong lúc sống thì sao? Cái Ta cũng biết suy nghĩ, bàn cãi, lý luận, có ý kiến này, ý kiến nọ. Khi gặp như vậy thì Ta luôn luôn cho ý kiến của mình là đúng hơn hết, còn ý kiến của người khác đều sai lầm. Nhiều khi ý kiến của Ta sai trật, cổ hủ, lỗi thời, vô lý, nhưng có ai chỉ bày thì Ta nổi giận, gân cổ lên cãi, nhất quyết cho mình đúng, đó gọi là "kiến thủ".

Thời xưa có những đạo giết người để tế thần, dã man, mọi rợ. Nhưng ngày nay cũng có những đạo ở các xứ "văn minh" Âu Mỹ đưa ra những điều luật răn cấm rất là vô lý, bất nhân, ngu muội không đưa đến hạnh phúc giải thoát, vậy mà cũng có người tin theo. Có những đạo bắt người ta chỉ được kết hôn với người cùng đạo, hoặc lỡ bị bệnh vào nhà thương mổ thì chỉ được phép tiếp nhận máu của người cùng đạo, hoặc nữ đệ tử phải hiến thân cho giáo chủ, hoặc phải dụ dỗ nhiều người vào đạo thì mới được lên thiên đàng, hoặc phải cúng hết tài sản cho giáo chủ thì mới được ban ân điển, v.v... Tin theo những điều luật trên gọi là "giới cấm thủ kiến", không làm cho cuộc đời sáng sủa mà trở thành đen tối, làm khổ mình và người chung quanh.

Vì vô minh, chấp ngã, chấp pháp, tham lam, ái dục nên Ta không tin đạo đức, không tin nhân quả, chấp thường, chấp đoạn, và chấp vào tất cả bốn quan niệm sai lầm ở trên thì gọi là "tà kiến".

Ngoài 10 phiền não căn bản kể trên, cái ngã còn có những đặc tính khoe khoang, kiêu mạn, muốn hơn kẻ khác. Ngay cả đối với những người "tu" lâu năm, siêng tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, làm công quả, xây chùa lớn, làm Phật sự, v.v... cũng bị cái ngã lừa bịp và lấy hết công đức khi trong tâm nghĩ rằng:

- Ta là người tu khá vì Ta thuộc nhiều kinh, và tụng kinh hay nhất.

- Ta là người giữ giới trong sạch nhất, còn những người khác đều phá giới.

- Ta là người làm nhiều công quả trên chùa.

- Ta cúng dường nhiều, nên chùa và thầy phải biết ơn Ta, ghi danh Ta vào bảng công đức hay sổ vàng.

- Ta là người xây chùa lớn nhất vùng này.

- Chùa của Ta đẹp nhất, tượng Phật của Ta lớn nhất.

- Ta làm Phật sự nhiều, ai nấy đều biết danh tiếng của Ta.

- Thầy của Ta giỏi nhất, nổi tiếng nhất.

- Pháp môn của Ta hay nhất.

- Ta là một nhân vật quan trọng trong đạo, trong chùa. Lỡ ai vô ý xúc phạm quyền lợi, danh dự của Ta, xem thường Ta, chê bai thầy của Ta, pháp môn của Ta, trái ý Ta thì Ta nổi sân, si, ái, ố và ăn thua đủ.

- Ta ngồi thiền lâu hơn mọi người và không hề nhúc nhích cử động.

- Ta là người đặc biệt nên được thầy cô truyền riêng pháp môn bí mật.

- v.v..

Tóm lại, mỗi khi khoe khoang, tức giận, kiêu mạn, khinh người, thì nên biết đó là cái ngã đang hiển lộ 200%.

Nội kết

Phiền não (klesa) là một danh từ rất quen thuộc trong giới Phật tử. Ngoài ra còn có một danh từ khác đồng nghĩa với phiền não, đó là nội kết hay kiết sử (samyojana), nội là bên trong, kết là trói buộc, kiết sử là những thứ trói buộc và sai sử con người.

"Nội kết là những sự bất mãn, không như ý, lâu ngày không có chỗ thoát nên đúc kết lại bên trong. Khi ta giận một người nào mà không nói ra được, không trả đũa lại được, không tránh né được thì cái giận đó âm ỉ trong lòng biến thành nội kết.

Khi lỡ dại làm một điều gì sai quấy rồi ăn năn hối hận hoài không nguôi, bề ngoài làm bộ như không có chuyện gì nhưng bên trong niềm ân hận đó cứ theo ám ảnh làm ta không thể vui sống, đây là một nội kết, một mặc cảm tội lỗi.

Từ nhỏ đến lớn, lúc nào ta cũng sống bám víu vào một người nào đó, nếu không có ai xung quanh thì sợ hãi, bơ vơ lạc lõng, bởi thế nên ta phải lấy chồng như bao nhiêu người khác, dù bị chồng hành hạ, chửi mắng, hất hủi, đánh đập cũng không dám bỏ vì sợ sống một mình. Nỗi lo sợ bị bỏ rơi, phải sống một mình là một nội kết."

Nói chung nội kết là những vết thương lòng hay niềm đau thầm kín làm cho người ta khổ sở không sống hạnh phúc trọn vẹn. Thiền sư Nhất Hạnh, người có nhiều uy tín trong việc truyền bá phương pháp thiền trị liệu tâm lý cho giới trí thức Âu Mỹ, có dạy những phương pháp giải tỏa nội kết rất hiện đại như "ôm cái giận vào lòng", "gỡ bom", "làm mới", v.v... Bởi vì còn cái Ta cho nên lỡ ai xúc phạm thì nó nổi giận, và khi nó nổi giận rồi thì lúc đó cần phải có chánh niệm ôm nó vào lòng. Khi ôm cơn giận vào lòng thì nó không nổ liền, nhưng nếu không đủ trí tuệ quán chiếu để gỡ ngòi bom thì sau này gặp dịp nó sẽ nổ. Do đó mới cần đến phương pháp "gỡ bom" là chờ khi cơn giận nguôi ngoai thì hai bên (đối thủ) cần ngồi xuống nói chuyện trong ái ngữ để hòa giải. Sau khi hòa giải xong thì phải hứa sống hòa bình với nhau và "làm mới" lại mối tình bang giao. Đó là những phương pháp có hiệu quả nhưng chỉ trị liệu ngọn (thérapie symptomatique), đau đâu chữa đó, giống như nhức đầu thì uống Aspirine hay Tylenol sẽ hết nhức ngay. Mai mốt nhức nữa thì lại uống nữa. Nó không chữa trị tận gốc căn bệnh. Cái gốc hay căn nguyên sinh ra nội kết chính là cái ngã hay sự chấp ngã. Ngày nào còn chấp ngã thì còn nội kết. Muốn hóa giải tận gốc nội kết thì cần phải "ôm cái Ta vào lòng rồi bỏ nó vào thùng rác".

Loi noi dau



Tập sách này gồm các bài viết từ nhiều năm qua của tác giả về Phật Giáo đã được đăng rải rác đâu đó trên các báo và trang mạng toàn cầu.

Những suy tư chứa đựng trong các bài viết khởi sinh từ mảnh đất tâm, giống như cỏ cây hoa lá mọc lên từ lòng đất.

Mọi thứ trên đời này đều từ tâm sinh và rồi cũng từ tâm diệt. Không có pháp nào chẳng phải là tâm. Con người nhận biết thế giới và mọi sự mọi vật thông qua sự tiếp xúc của sáu căn [mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý], sáu trần [hình sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, và pháp], nhưng không thể thiếu sáu thức [nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức]. Không có sáu thức thì cho dù sáu căn có đối diện với sáu trần cũng chỉ như là cái xác chết nằm yên ở đó chẳng hay biết gì. Tất nhiên sáu thức thì mới chỉ là lục thức bề ngoài chứ chưa phải là bát thức, tàng thức sâu nhiệm bên trong, nơi căn thân của mọi pháp. Nơi đó cái mà chúng ta gọi là pháp chỉ là ảnh hiện hay tướng sở tri của Thức A Lại Da, nghĩa là cũng chỉ là thức biến.

Những gì khởi sinh Từ Mảnh Đất Tâm chỉ là suy tư, nhận thức, và trải nghiệm của một người con Phật có được phước duyên đời này gặp Phật Pháp và thọ nhận ân đức giáo dưỡng của Cha Mẹ, Thầy, Tổ, thiện hữu tri thức và pháp giới chúng sinh.

Nếu có chút lợi lạc nào Từ Mảnh Đất Tâm này thì xin hồi hướng cho tất cả mười phương chúng sinh đều trọn thành Phật Đạo.

California, Mạnh Xuân năm Đinh Dậu, tháng 2 năm 2017

Huỳnh Kim Quang



Phan 1: Thang Muoi



1.- Ngày khai trường
Tại thành Torino (1), thứ hai, ngày 17
Hôm nay là ngày khai trường. Mấy tháng hè đã thoáng qua như giấc mộng. Sáng nay, mẹ tôi đưa tôi vào trường Baretti để ghi tên lên lớp ba. Đi đường, óc tôi cứ vơ vẩn đến chốn thôn quê, lấy sự đi học làm ngại. Phố nào cũng thấy nhan nhản học trò. Hai hiệu sách lớn chật ních những phụ huynh vào mua sách vở, giấy, bút cặp da. Cửa trường đông nghịt những người, cảnh binh và người gác cổng phải khó nhọc mới mở được một lối vào.
Vừa bước qua cổng trường thấy một bàn tay vỗ vào vai, tôi giật mình ngoảnh lại thì ra thầy giáo lớp hai tôi học năm ngoái, mái tóc đỏ hoe vẫn để rối, nét mặt vẫn tươi, thầy bảo tôi :
- Enricô ơi! Thầy trò ta từ nay chia tay nhau nhỉ?
Điều ấy, tôi đã nghĩ đến, nay thầy tôi lại nhắc, khiến tôi thêm chạnh lòng. Mẹ tôi và tôi phải chen chúc mãi mới vào được trong trường. Các ông, các bà sang trọng, các bà thường dân, thợ thuyền, sĩ quan, các cụ già, những đầy tớ, ai nấy đều một tay dắt trẻ, một tay cắp gói, đứng chặt phòng trú chân và ở trên thang gác. Cảnh tượng rất là náo nhiệt.
Hôm nay, lại được trông thấy 7 phòng học ở từng dưới là nơi ròng rã ba năm trường, ngày nào tôi cũng lui tới, lòng tôi sung sướng vô cùng!
Trên thềm, các cô giáo đi lại tới tấp. Cô giáo lớp một đứng ở cửa lớp, thầy tôi liền bảo :
- Enricô ơi! Năm nay em học trên gác. Ít ra ta lại được nhìn em qua lại !
Mẹ tôi đỡ lời:

- Thưa cô, cháu sẽ đến thăm cô luôn. Chúng tôi chào cô rồi đi.
Ông Hiệu trưởng, râu tóc bạc hơn năm ngoái, có vẻ bận rộn vội vàng, đang bị vây trong đám các bà, một số người thất vọng vì không còn chỗ cho con. Bạn tôi đi học đông đủ. Nhiều người coi lớn vọt lên. Ở từng dưới, việc chia lớp đã xong. Mấy trò em mới đến trường lần thứ nhất, không chịu vào lớp, giật lùi như những con ngựa bất kham ; người ta phải dùng sức lôi vào. Có em đã ngồi vào ghế rồi lại trốn ra, có em thấy cha mẹ thì tru lên khóc.
Em trai tôi vào lớp cô Đencatri, còn tôi thì học thầy Perbôni ở trên lầu.
Đúng 10 giờ thì học trò lớp tôi đều vào cả ; 54 người trong bọn, tôi nhận mãi mới thấy 15 hay 16 bạn lớp cũ. Trông thấy tôi, anh Đêrôtxi, người học trò bao giờ cũng chiếm phần thưởng thứ nhất, liền ra hiệu mừng rỡ.
So với rừng rậm và non xanh là những nơi tôi đã qua chơi mấy tuần lễ trước thì trường học coi bé nhỏ và buồn tênh !
Hết nhớ cảnh lại nhớ người. Tôi nhớ thầy cũ tôi ở lớp hai, một ông thầy khoan từ và vui vẻ, bao giờ trông thấy tôi cũng mỉm cười. Tôi rất tiếc không được thấy thầy ở đây với bộ tóc hoe đỏ rối bù. Thầy giáo chúng tôi bây giờ, người to lớn, không có râu, tóc dài và xám, trên trán có một đường nhăn, tiếng nói sang sảng. Đứng trên bục cao, thầy nhìn xuống chòng chọc hết người này đến người khác hình như muốn coi thấu tâm tình chúng tôi. Thầy nghiêm quá, ít khi thấy nở một nụ cười.
Tôi nghĩ bụng : "Hôm nay mới là ngày đầu, còn mười tháng nữa mới đến nghỉ hè. Trong mười tháng ấy sẽ có biết bao nhiêu là việc làm, bao nhiêu là bài làm thi và bao nhiêu là sự khó nhọc đang chờ ta!" , nên lúc ra về tôi có vẻ chán nản. Mẹ tôi khuyên rằng :
- Enricô ơi ! Hãy can đảm lên, con ạ! Mẹ sẽ cùng học bài với con ...
Tôi yên tâm theo mẹ tôi về nhà, nhưng lòng vẫn nhớ tiếc một ông thầy vui tính và hiền từ, vẫn thấy
trường học kém vui, không bằng năm ngoái.

--------------------------------------
(1) Tôrinô : một thành phố ở khu tây bắc nước Italia, trên sông Pô.



2.- Thầy giáo mới

Thứ ba, ngày 18
Tưởng thế, chứ thầy giáo mới chúng tôi đã khéo làm xứng ý mọi người ngay sáng hôm nay.
Giờ vào học, sau khi thầy đã ngồi vào bàn, chốc chốc lại thấy một người học trò cũ qua cửa cúi chào. Cũng có người vào bắt tay thầy và thăm hỏi một cách rất cung kính. Đủ biết học trò cũ cũng quyến luyến thầy biết dường nào và như muốn còn được ở gần thầy. Nhưng chào thì chào, bắt tay thì bắt, thầy không nhìn thẳng mắt ai, cứ lảng trông ra cửa sổ. Những dấu thân ái và biết ơn ấy tưởng đã làm cho thầy thoả ý nhưng trái lại đã khiến thầy mủi lòng.
Đến bài chính tả, thầy xuống bục, đi lại trong các hàng ghế đọc cho chúng tôi viết. Thấy một học trò mắt lấm tấm mụn đỏ, thầy ngừng đọc, lại gần tay sờ trán và hỏi : "Con làm sao?" Thừa lúc thầy quay lưng lại, một anh học trò bàn dưới leo lên ghế dun dẩy như người trượt băng. Bất đồ, thầy ngoảnh lại bắt gặp, anh chàng vội ngồi ngay xuống cúi đầu đợi phạt. Nhưng ông Perbôni sẽ đập vào vai anh học trò dại dột kia, bảo rằng : "Không được làm thế nữa". Có thế thôi. Rồi thầy bình tĩnh về chỗ đọc nốt bài chính tả.
Khi viết xong, thầy yên lặng nhìn chúng tôi một lúc rồi ôn tồn nói :
- Các con ơi ! Hãy nghe ta ! Chúng ta cùng nhau phải qua một năm học. Chúng ta nên hết sức làm việc để qua năm ấy cho được tốt đẹp. Phải chăm chỉ. Phải ngoan ngoãn. Ta không có gia đình. Các con là gia đình của ta. Năm ngoái, mẹ ta còn, bây giờ người đã khuất. Ta chỉ còn có một mình ta. Ngoài các con ra ở trên đời này, ta không còn có ai nữa ; ngoài sự thương yêu các con, ta không còn thương yêu ai hơn nữa. Các con ví như con ta. Ta sẽ yêu dấu các con. Đáp lại, các con phải yêu dấu ta. Ta không muốn phạt một người nào cả. Các con phải tỏ ra là những trẻ có tâm hồn. Trường ta sẽ là một gia đình, các con sẽ là mối an ủi và mối tự hào của ta. Ta không cần phải hỏi lại các con vì ta tin rằng trong lòng các con, ai ai như cũng "vâng lời", nên ta có lời cảm ơn các con.
Thầy nói dứt lời thì người coi trường vào báo hết giờ học (1). Chúng tôi yên lặng xuống sân. Anh học trò vô lễ ban nãy rón rén lại gần thầy giáo, nói run run :
- Thưa thầy, xin thầy tha lỗi cho con. Thầy gật đầu, hôn trán anh và bảo :
- Tốt lắm ! Cho con về.

---------------------------------------
(1): Trong các trường ở thành phố nước Italia, hết giờ học, người gác trường đến từng lớp báo hết giờ chứ không đánh trống hay kẻng.


3.- Một tai nạn
Thứ sáu, ngày 21
Niên học này đã mở đầu bằng một tai hoạ. Sáng nay, cha tôi đưa tôi đi học. Tôi mải nhắc lại những lời tâm huyết của ông Perbôni đã nói với học trò hôm trước cho cha tôi nghe, nên tới trường lúc nào không biết. Tôi giật mình thấy một đám túm đông túm đỏ ở trước cửa.
Cha tôi bảo : "Chắc lại có sự chẳng lành gì đây." Chúng tôi khó nhọc mới len vào được. Phòng khách đầy những phụ huynh và những học trò mà lúc ấy các thầy giáo không tài nào xua vào lớp được. Mọi con mắt đều nhìn vào cửa buồng ông hiệu trưởng. Một ông đội mũ cao vừa đến, người ta thì thào : "Bác sĩ đấy".
Cha tôi hỏi một giáo sư thì ông trả lời :
- Bánh xe đè phải chân nó. Ông khác nói tiếp :
- Và nghiền nát bàn chân.
Nạn nhân là một trò em lớp hai, đi học qua phố Đôra Grôtxa, thấy một em bé tuột tay mẹ dắt, ngã lăn trước một cái ôtô hàng đang vùn vụt chạy tới. Lập tức, cậu chạy ra lôi đứa bé kia dậy và ôm được nó lên rồi, nhưng không may, bánh xe lướt phải chân cậu. Cậu là con một viên Quan Ba pháo binh. Trong khi chúng tôi đang nghe người ta kể lại như thế, thì ở ngoài có một người đàn bà xô đẩy mọi người và hốt hoảng chạy vào như một người điên. Đó là mẹ cậu Rôbetti, người học trò bị nạn. Một người đàn bà khác là mẹ cậu bé được cứu chạy ra ôm lấy bà, thổn thức khóc và đưa bà vào phòng
ông hiệu trưởng. Ở ngoài, người ta nghe tiếng kêu đau đớn của bà Rôbetti.
- Ôi Guiliô con ơi !...
Lát sau, một chiếc xe ngựa đỗ trước giậu, ông hiệu trưởng bế cậu Rôbetti ra. Cậu bé, sắc da nhợt nhạt, hai mắt nhắm nghiền, gục đầu vào vai ông hiệu trưởng. Phút ấy, trong phòng im lặng như tờ, người ta chỉ nghe thấy tiếng nức nở của bà mẹ thôi. Ông hiệu trưởng dừng bước giữa phòng, nâng cao cậu bé lên như để mọi người trông rõ. Tức thì các thầy giáo, các cô giáo, các phụ huynh và học trò, ai nấy đều phàn nàn thương cho cậu và khen cậu là người can đảm ít có. Mấy cô giáo đứng gần đấy liền hôn hai bàn tay xanh rớt của cậu. Cậu Rôbetti bỗng bừng mắt và hỏi sẽ :
- Cặp sách tôi đâu ?
Mẹ em bé sống sót giơ cặp, vừa nói vừa khóc :
- Em ơi! Cặp đây rồi, ta sẽ đem lại nhà cho em.

Thấy con nói được, bà Rôbetti mới lại hồn. Mọi người đều giải tán. Cậu bé bị thương được đưa lên xe rất cẩn thận. Xe bắt đầu chuyển bánh, chúng tôi vào lớp ai nấy đều cảm động và lặng thinh.


4.- Cậu bé miền Nam
Thứ bảy, ngày 22
Chiều qua, trong khi thầy giáo đang cho chúng tôi biết tin tức anh Rôbetti và nói anh sẽ phải chống nạng trong ít lâu thì ông hiệu trưởng đưa một người học trò mới vào lớp. Cậu bé, da nâu, tóc đen, mắt to, mày giao, mặc quần áo màu sẫm, ngoài nịt dây. Sau khi nói nhỏ với thầy Perbôni mấy câu, ông hiệu trưởng để cậu bé ở lại rồi ra. Anh học trò mới trố mắt nhìn chúng tôi, có vẻ sợ sệt. Thầy giáo liền dắt anh lại trước mặt chúng tôi và bảo rằng :
- Các con ơi ! Các con hẳn được vui lòng vì hôm nay mới vào trường ta một người học trò quê ở xứ Calabria cách đây xa lắm, ở mãi tận miền cực nam nước ta. Các con hãy niềm nở tiếp người bạn mới này. Anh là dân một địa phương có tiếng, địa phương ấy đã sinh ra những bậc danh nhân, những tay thợ khéo và những quân nhân dũng cảm. Xứ của anh lại là một xứ đẹp vào bậc nhất nước, có bao nhiêu là núi lớn rừng xanh, dân cư rất thông minh và can đảm. Các con ơi ! Các con hãy yêu quý bạn con cho bạn con khuây nổi nhớ quê. Các con hãy tỏ cho bạn con biết rằng một đứa trẻ nước Ý đi đến trường nào trong nước là cũng gặp được bè bạn, gặp được anh em ở trường ấy.
Nói xong, ông Perbôni lại chỗ treo bản đồ Italia, trỏ vị trí xứ Calabria cho chúng tôi coi. Xong thầy dõng dạc gọi.
- Đêrôtxi !
Đêrôtxi anh học trò bao giờ cũng chiếm phần thưởng thứ nhất này đứng dậy.
- Con lên đây.
Đêrôtxi ra ghế, lên bàn giấy, đứng cách anh học trò mới, độ hai bước.
- Con là người đầu lớp, lấy tư cách ấy, thay mặt anh em, con hãy đem dấu thân ái của một người dân xứ Bắc tỏ cùng một người dân xứ Nam.
Đêrôtxi lại gần anh học trò miền Nam nói rất êm ái và rõ ràng :
- Chúng tôi mừng anh !...
Rồi Đêrôtxi hôn hai má người bạn mới một cách rất nồng nàn. Chúng tôi vỗ tay rầm rập.
Thầy quát : "Im ! Không được reo cười trong lớp!!!" Tuy nhiên, thầy tỏ ý rất bằng lòng về mối nhiệt

tình của chúng tôi. Cậu bé miền Nam cũng ra dáng vui sướng. Ông Perbôni đưa cậu bé đến chỗ ngồi và nói thêm :
- Cho được cái kết quả nói trên, nghĩa là làm cho một đứa trẻ xứ Nam ở xứ Bắc cũng như ở nhà mình và đứa trẻ xứ Bắc vào xứ Nam cũng tựa như về quê mình, nước ta đã phải chiến đấu trong 50 năm trời và đã được quyền tự do ấy. Vậy các con phải coi nhau như con một nhà, yêu nhau như anh em ruột thịt. Kẻ nào thấy người bạn mới không phải người xứ mình mà đem lòng khinh rẻ, kẻ ấy sẽ không đáng ngẩng mặt nhìn ngọn cờ ba sắc (1) đi qua.
Cậu học trò miền Nam vừa ngồi vào chỗ thì các bạn chung quanh tíu tít, kẻ đưa ngòi bút, người cho bút chì và tranh ảnh, một bạn ngồi ghế sau gửi lên cho cậu một cái tem Thuỵ Sĩ để tỏ tình thân ái.

---------------------------------------
(1) Cờ nước Ý gồm ba sắc : đỏ, trắng và xanh lá cây.


5.- Bạn tôi
Thứ năm, ngày 28
Người đã cho cậu bé miền Nam cái tem thơ hôm trước là người bạn mà tôi thích hơn hết. Anh lớn nhất lớp, đầu to vai rộng, năm nay gần 14 tuổi, tên gọi Garônê. Anh rất tử tế, coi miệng cười thì biết. Ngoài anh Garônê tôi còn quen nhiều bạn nữa.
Anh Côretti là một bạn mau mắn và vui vẻ, tôi rất ưa mến. Anh thường mặc cái áo nịt bằng da rái cá và đội cái mũ nồi bằng da mèo. Anh là con một người hàng củi. Cha anh đã từng đầu quân trong cuộc chiến tranh năm 1866 và nhập vào đội quân của Hoàng thân Umbertô. Người ta nói cha anh đã
được ba tấm huy chương. Cạnh anh Côretti là anh Nenli, lưng gù, người coi yếu đuối mảnh dẻ và anh
Vôtini một người học trò phục sức rất sang và có tính hay làm dáng.
Đầu bàn nhì, có một cậu bé mặt tròn, mũi dẹp mà anh em thường gọi đùa là "chú phó nề" vì cha cậu làm nghề ấy. Cậu có cái biệt tài là "nhăn mõm thỏ" làm cho ai nấy phải bật cười, vì thế anh em hay bắt cậu làm trò để đùa nghịch với nhau. Cậu lại có cái mũ rất mềm thường vo viên bỏ túi như chiếc mùi xoa.
Cạnh "chú phó nề" là anh Garôphi, người gầy gò mũi khoằm, mắt bé. Lúc nào anh cũng bán chác
nào bút, diêm, nào tranh, ảnh cho bạn. Anh lại hay chép bài học vào móng tay để đọc, anh khôn khéo đến nỗi không bao giờ thầy bắt gặp.

Gần đấy lại còn một cậu bé coi bộ khinh khỉnh là cậu Carlô Nobitxi. Cậu ngồi giữa hai người bạn đối với tôi rất tử tế : một người là con người thợ khoá, ăn mặc vụng về, xanh xao như người ốm, coi bộ nhút nhát và buồn thiu ; người kia, tóc vàng da xanh, một cánh tay bị liệt phải đeo trước ngực. Cha cậu sang Mỹ, mẹ cậu ở nhà bán hoa quả rong.
Người ngồi bên trái tôi lại đáng chú ý hơn nữa, tức là anh Xtarđi, thân lùn cổ rụt, ít nói và hay cáu. Anh không thông minh mấy nhưng rất chú ý đến lời thầy giảng, anh nghe không dám cựa, mắt thẳng, trán cau, miệng mím. Ai hỏi anh trong lúc thầy đang cắt nghĩa, nhất định anh không trả lời, vô phúc hỏi đến lần thứ hai là bị anh đạp luôn cho mấy cái ...Và anh vẫn không hé răng.
Cạnh anh là Phranti, một tên rắn mặt và gớm guốc, hình như đã bị đuổi ở trường làng.
Lại còn hai em nhà nọ, ăn mặc như nhau và cùng đội mũ gài lông trĩ, trông giống nhau như đúc. Người tử tế hơn hết, thông minh hơn hết, người chắc chắn sẽ được phần thưởng thứ nhất, ai cũng biết được là anh Đêrôtxi.
Anh Prêcôtxi con người thợ khoá nói trên, thực là một người học trò đáng thương hại. Theo lời người ta nói thì anh thường bị cha đánh đập luôn, đến nỗi anh thành ra người dút dát, mỗi khi hỏi ai hay lỡ chạm phải ai là anh "xin lỗi" luôn miệng và nhìn người ta bằng đôi mắt hiền lành và buồn bã. Trong ngần ấy người bạn, theo ý tôi, thì anh Garônê là người tốt hơn cả.


6.- Lòng hào hiệp
Thứ tư, ngày 26
Sáng nay, chúng tôi vừa vặn có dịp xét đoán anh Garônê.
Giờ vào lớp, ông Perbôni chưa có đấy, ba bốn cậu đang thi nhau chế giễu anh Crôtxi khốn nạn - tức là cậu bé tóc vàng, tay liệt, con bà bán hoa quả. - Họ lấy thước đánh cậu, lấy vỏ hạt dẻ ném cậu, họ gọi cậu là con quỉ què và mếu máo giả cách làm người liệt tay. Ngồi trơ một mình ở đầu ghế, cậu
thẹn thùng và đưa mắt nhìn người nọ, người kia như để van lơn họ khỏi hành hạ mình. Được thể, bọn học trò càng làm già. Cậu phẫn uất quá, máu đưa lên cổ và phát run người. Thình lình, Phranti, một đứa học trò mặt xấu như khỉ, đứng lên ghế, khuỳnh hai cánh tay như người khoác hai cái giỏ, bắt chước bộ tịch mẹ cậu Crôtxi những khi đứng đợi con ở cửa trường. (Đã mấy hôm nay, bà không đến đón con vì bị ốm). Coi tấn tuồng câm ấy học trò cười ầm cả lên. Crôtxi điên tiết, vồ ngay lọ mực trước mặt ném Phranti, Phranti né mình, lọ mực trúng giữa ngực ông Perbôni ở ngoài bước vào.

Mọi người hết vía, chạy trốn về chỗ và ngồi im thin thít. Thầy giáo lên bục cau mày hỏi :
- Ai ném lọ mực ? Chẳng ai hé răng. Thầy gắt :
- Ai ? Ai ném ?
Lúc ấy bị kích thích vì lòng thương bạn, anh Garônê đứng dậy nói quả quyết :
- Thưa thầy, con.
Thấy mọi người sửng sốt về câu trả lời ấy, thầy hiểu ngay và ôn tồn nói :
- Không. Không phải con. Xong thầy lại nói :
- Ai trót dại đứng lên thú nhận, ta sẽ tha. Crôtxi đứng lên nói :
- Thưa thầy, các anh ấy chọc con, đánh và chửi con... Con mất trí... Con trót ném...
- Thầy nói tiếp :
- Cho ngồi xuống. Bây giờ đến lượt những kẻ sinh sự đứng lên. Bốn anh trong bọn khiêu khích đứng dậy, cúi đầu.
- Thầy mắng :
- Các anh đã vô cớ lăng mạ một người bạn không trêu chọc các anh. Các anh đã chế giễu một người tàn tật. Các anh đã xúc phạm một đứa trẻ yếu đuối không tự vệ được. Các anh đã làm một điều hèn hạ đáng xấu hổ, một điều có thể làm nhơ nhuốc đến phẩm giá của con người, các anh là những đồ đê tiện !
Nói xong thầy xuống giữa lớp, lại chỗ anh Garônê ngồi. Thấy thầy đến, anh cúi đầu. Ông Perbôni để tay xuống dưới cằm nâng mặt anh lên, nhìn thẳng vào hai mắt anh và nói :
- Con có một trái tim cao thượng đáng khen !
Anh Garônê nhân dịp ấy cúi vào tai thầy nói nhỏ mấy câu. Lập tức thầy quay lại chỗ 4 kẻ tội nhân và đột nhiên bảo :
- Thôi ! Tha cho các anh.


7.- Trên rầm thượng. (1)

Thứ sáu, ngày 28
Chiều hôm tôi và em Xinvya cùng đi với mẹ tôi đem quần áo cho một người đàn bà nghèo mà người ta đã mách trong một tờ báo. Tôi mang gói, em tôi đã ghi sẵn tên tắt và địa chỉ người đàn bà ấy ra mảnh giấy cầm tay. Chúng tôi leo lên gác thượng một toà nhà cao lắm. Tới nơi, chúng tôi thấy một hành lang dài, hai bên có những căn phòng liên tiếp nhau. Mẹ tôi gõ cửa buồng cuối cùng. Một
người đàn bà còn trẻ mặt bủn vóc vầy ra mở cửa. Trông cái khăn vuông trùm trên đầu, tôi nhớ hình như đã gặp bà này ở đâu thì phải.
Mẹ tôi hỏi :
- Có phải bà là người mà người ta đã mách trên báo?
- Thưa bà vâng, chính chúng tôi.
- Đây, tôi mang lại cho bà ít quần áo.
Người đàn bà nghèo khó kia cám ơn chúng tôi mãi không thôi.
Lúc ấy, tôi trông thấy trong một góc nhà không đồ đạc và tối mò, có một cậu bé quay lưng ra phía chúng tôi. Cậu quì trước một cái ghế hình như đang mãi viết. Giấy để trên mặt ghế mà lọ mực thì dưới sàn. Không biết cậu ta làm thế nào mà viết được trong xó tối như vậy.
Tôi đang tự hỏi thế, chợt trông thấy mớ tóc vàng hoe và cái áo dài lụng thụng, tôi nhận ra ngay anh Crôtxi, con bà bán hoa quả, tức là cậu bé liệt tay. Tôi bảo sẻ mẹ tôi, trong lúc mẹ anh đang gỡ gói quần áo.
Mẹ tôi bấm :
- Im, đừng gọi, cậu ấy sẽ ngượng chăng.
Nhưng, ngay lúc ấy Crôtxi quay ra ; tôi bối rối, anh mỉm cười với tôi. Mẹ tôi liền đẩy tôi lại. Anh giơ hai tay chạy ra. Tôi liền ôm lấy anh hôn.
Mẹ anh nói :
- Thưa bà, bà đã rõ, nhà chỉ có mình cháu với tôi. Cha cháu đi sang Mỹ đã sáu năm nay, không may vừa rồi tôi lại bị ốm không đi hàng được, phải bán dần đồ đạc để ăn. Cả đến cái bàn viết của cháu cũng không còn. Đèn đuốc cũng thiếu, cháu phải học mò trong bóng tối rất hại mắt. Nhưng cũng may là tôi còn có thể cho cháu ra trường và cháu được sách vở phát không. Thương hại cho cháu! Cháu chịu khó lắm! Có khi nhịn đói đi học. Thưa bà, tình cảnh chúng tôi thật là khổ sở quá !...
Mẹ tôi lấy tất cả tiền trong ví bỏ vào tay người đàn bà khốn khổ, hôn anh Crôtxi rồi dân dấn nước mắt trở ra.
Về nhà, mẹ tôi khuyên tôi rằng :
Con ơi! Con hãy trông gương đứa trẻ nghèo khổ ấy đã phải học hành trong cảnh thiếu thốn và khó

khăn. Về phần con, con có đủ mọi thứ cần dùng mà đôi khi con còn kêu sự học vất vả. Này ! Enricô ơi ! Một ngày làm việc của Crôtxi còn đáng công hơn cả một năm học của con. Chính những hạng học trò ấy phải cho phần thưởng danh dự mới phải.
Cha tôi đã nghe được những lời mẹ tôi khuyên bảo tôi, vì thế ngay chiều hôm ấy, tôi thấy để trên bàn viết của tôi lá thư sau này :
----------------------------------
(1) Ở bên Âu, những dân nghèo thường phải thuê nhà ở trên rầm thượng, tức là tầng gác sát mái nhà, cho được rẻ tiền.
8.- Học đường
Thứ sáu, ngày 28
" Enricô con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn ! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết là dường nào ! Cha chắc chỉ trong vòng một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường. Con ơi ! Hiện thời, không một đứa trẻ nào là không đi học. Con hãy nghĩ đến những người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả.
Mỗi buổi sáng, lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy, trong thành phố ta có tới 3 vạn đứa trẻ cũng như con đi "chầu" lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ : xấp xỉ giờ này, con trẻ trong các nước trên hoàn cầu đều đi học cả. Con hãy tưởng tượng những trẻ lếch thếch trên những đường hẽm nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng : chúng đi thuyền ở những xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đồng mông quạnh, hoặc ngồi "xe trượt" trên những bãi băng giá lanh. Chúng xuống
lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nghìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách.
Từ ngôi trường cùng tột lấp trong ánh tuyết nước Nga cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm

gồi xứ Ả rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều bằng những thể thức khác nhau.
Con lại tưởng tượng cái tổ kiến học sinh ấy gồm có hàng trăm dân tộc khác nhau và cái trường hoạt động ấy, con có cái hân hạnh dự phần rồi con tự nhủ : ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời mọi rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm, sự hoạt động ấy là sự tiến bộ, là mối hy vọng, là ánh sáng vinh quang của thế giới vậy.
Cố lên ! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia ! Cố lên ! Con ơi ! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp
học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cứu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát. "


9.- Lòng yêu nước của cậu bé thành Pađôva (1)
(Truyện đọc hàng tháng)
Thứ bảy, ngày 29.
Không, không bao giờ tôi chịu làm tên lính hèn nhát. Nếu ngày nào thầy giáo cũng kể cho tôi nghe như câu chuyện sáng nay thì có lẽ không bao giờ tôi muốn nghỉ học. Theo lời thầy thì mỗi tháng sẽ có một truyện mà truyện nào cũng nói về những thủ đoạn phi thường của một đứa trẻ con.
"LÒNG YÊU NƯỚC CỦA CẬU BÉ THÀNH PAĐÔVA" đó là đầu đề câu chuyện sáng nay.
Năm trước, một chiếc tàu Tây Ban Nha dời bến Bardêlôna (2) để đi Giênôva (3). Trên tàu, trừ người Tây Ban Nha, còn có một ố người Pháp, người Italia, người Thuỵ Sĩ, và nhiều người khác nữa. Trong bọn hành khách người ta nhậnthấy một đứa trẻ độ 11 tuổi, ăn mặc nhơm nhếch, đứng riêng một chỗ và nhìn những người kia bằng đôi mắt hầm hầm. Nó nhìn như thế cũng không phải hẳn là không có cớ. Cha mẹ nó là nông dân ở gần Pađôva, cố nhiên là nghèo túng, hai năm trước vì tham tiền đã cho nó đi ở với một người chủ xiếc rong. Người này dạy nó một vài món nhảy, lộn rồi bắt nó theo sang Pháp và Tây Ban Nha. Nó bị hành hạ luôn tay và ăn uống không đủ.
Đến thành Bardêlôna, không thể chịu được cái đời sống khổ ải ấy nữa, đứa trẻ khốn nạn liền trốn chủ đến cầu cứu viên lãnh sự Italia. Động mối thương tâm, viên lãnh sự xin cho nó một chỗ trong tàu nói trên và cho nó một lá thư giới thiệu cùng ông thị trưởng thành Giênôva nhờ ông trả về cho cha mẹ
nó, là người đã bán nó như một con vật. Thằng bé còm gầy yếu đuối và mặc bộ quần áo rách. Người ta cho nó ngồi phòng hạng nhì. Hành khách ai cũng nhìn nó, có người hỏi nó song nó không trả lời. Nó có vẻ căm ghét mọi người vì những sự khắc khổ và hành phạt đã làm cho nó oán hận và không có

cảm tình. Tuy nhiên, có ba người hành khách đã khéo làm cho nó hé răng. Nó kể chuyện nó bằng tiếng Italia pha giọng Tây Ban Nha. Ba người khách kia không phải là dân Italia nhưng cũng thương nó, cho tiền để nó nói chuyện, nghe cho đỡ buồn. Đồng thời, có mấy thiếu phụ đi qua, ba ông quí khách hãnh diện ném thêm tiền xuống bàn loảng xoảng và nói : "Cầm lấy ! Cầm lấy nữa này !"
Đứa bé sung sướng, vơ tiền bỏ túi, cảm ơn rồi vào phòng. Nó buông màn cửa xuống ngồi yên lặng và nghĩ đến những việc nó sẽ phải làm.
Nó nghĩ : với số tiền ấy, nó sẽ được ăn no, không phải thèm nhạt như trước. Khi tới Giênôva, nó sẽ sắm một bộ cánh mới để thay bộ quần áo nó đeo hai năm trời nay, rách như tổ đỉa. Nó lại định để ra một ít tiền đem về cho cha mẹ, chắc là được săn đón và quí hoá hơn là về tay không. Số tiền ấy đối với nó là một món tiền to. Ngồi sau rèm cửa, nó trừ đi tính lại và trong lòng thấy khoan khái nhẹ nhàng.
Lúc ấy, ba người khách nói trên đang ngồi ở buồng ăn, quây quần uống rượu và nói chuyện về những cuộc du lịch của mình cùng phong tục những nước đã đi qua. Tình cờ, câu chuyện nhằm vào nước Italia. Một người bắt đầu phàn nàn về khách sạn, người chê về xe lửa. Cuối cùng, rượu say, họ thi nhau nói xấu tất cả những gì thuộc về nước Italia. Người thứ nhất nói biết thế, họ sẽ di du lịch xứ Lappôn (4) (ở cực bắc châu Âu) còn hơn sang nước Italia. Người thứ nhì nói quả quyết rằng ở Italia hắn gặp toàn thị những phường quỷ quyệt và những quân cường đạo. Người thứ ba nói thêm rằng :
- Những người tùng sự nước Italia không biết chữ. Người thứ nhất nói :
- Đó là một dân tộc ngu dốt ! Người thứ nhì tiếp :
- Bẩn thỉu !
- Và ăn ...
Người thứ ba định nói câu "ăn cắp" nhưng chưa dứt lời thì một trận mưa toàn tiền vàng và bạc hắt vào mặt những người ấy rơi tung toé xuống bàn và trên sân. Ba người hầm hầm đứng dậy xem trận mưa dữ ấy ở đâu ra thì lại bị ném thêm.
Cậu bé thành Pađôva vén rèm thò đầu ra thét bằng giọng khinh bỉ :
- Cầm lại tiền của các người. Ta không thèm nhận của bố thí của những người kẻ đã lăng mạ nước
ta.
--------------------------------
Chú thích : (1) Padoue. (2) Barcelone. (3) Gênes. (4) Laponie.


10.- Em bé quét mồ hóng
Ngày mồng một tháng mười một
Chiều qua tôi sang trường Nữ Học để đưa cho cô giáo em Xynvya bản tiểu truyện "Cậu bé thành Pađôva" mà cô muốn xem. Trong trường có tới 700 nữ sinh. Khi tôi đến học trò đang ra về, ai nấy đều hớn hở vì được nghỉ mấy ngày nhân dịp lễ "Chư Thánh".
Đối cửa trường, bên kia đường cái, có một đứa bé quét mồ hóng, chân tay quần áo đen thủi, đứng quay vào tường, gục đầu vào cánh tay khóc nức nở.
Hai ba cô học trò lớp hai lại gần hỏi tại sao, nhưng nó cứ khóc và không trả lời. Bọn học trò lại hỏi :
- Anh có việc gì? Sao lại đứng đây mà khóc?
Nó bèn nhấc cánh tay để lộ một gương mặt hiền lành và nói đi quét mồ hóng từ sáng đến lúc ấy được
3 hào, vô ý bỏ vào túi thủng, tiền rơi mất cả. Nó không dám về sợ chủ đánh. Nói xong lại tru lên khóc và gục mặt vào cánh tay như một kẻ chán đời.
Lũ học trò bé quay lại nhìn nhau, cho là quan trọng lắm. Một bọn khác cũng xúm lại : bé có ,lớn có, con nhà nghèo, con nhà giàu có, thẩy đều cắp cặp trong tay. Một cô trong bọn, người đã lớn và trên mũ có gài chiếc lông xanh, móc trong túi ra hai xu, bảo chị em :
- Tôi còn có hai xu. Chúng ta quyên vậy. Cô áo đỏ nói :
- Tôi cũng có hai xu. Trong bọn ta, làm gì lại chả thu được ba hào. Nói xong, hai cô hô hào :
- Chị Amêlya, chị Lighya, chị Anna ơi ! Mỗi chị một xu! Chị nào có xu nữa không?
Mấy cô đem tiền định mua vở và mua hoa, thấy thế cũng vui lòng bới ra cho. Vài em bé cho cả tiền kẽm. Cô mũ gài lông xanh nhặt tiền và đếm to :
- Tám , mười, mười lăm ! Còn thiếu nhiều !
Một thiếu nữ nghiêm trang có lẽ là cô trợ giáo đi qua thấy thế, cho một hào. Cả bọn đều vỗ tay. Còn thiếu năm xu nữa.
Một em bé reo :
- Kìa các chị lớp bốn đã đến, các chị ấy có nhiều xu !
Quả nhiên, bọn học trò lớp bốn đến và bỏ nhiều tiền. Bấy giờ, có tới trăm cô nữ sinh đứng xúm xít vòng trong vòng ngoài, vây chặt đứa bé, bày ra một cảnh đẹp mắt vô cùng : Một cậu bé lọ lem điểm giữa các cô gái xinh tươi, làn tóc phất phơ , áo màu rực rỡ.

Ba hào đã đủ, nhưng tiền vẫn ném vào. Mấy em bé không có tiền cũng cố len vào cho vài chùm hoa vì các em cũng muốn dự vào việc tốt.
Chợt người gác trường kêu to:
- Bà hiệu trưởng kìa !
Các cô chạy tán toạn như một đàn chim sẻ bay vù.
Còn trơ lại thằng bé quét mồ hóng đứng lau nước mắt. Hai tay nó không những đầy xu mà ở khuy áo, miệng túi và trên mũ còn giắt bao nhiêu là hoa! Tiền nhiều, hoa đẹp, cậu bé bây giờ thấy mình sung sướng như một ông Hoàng, vừa đi vừa hát !...